Hội thảo bắt đầu lúc 9g sáng ngày 28/12/2015, nhưng 8g30 đã thấy 100 doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) của Mã lai có mặt đông đủ. Họ là những doanh nghiệp đã trải qua vòng tuyển chọn để được tham gia vào chương trình Doanh nghiệp đổi mới & hội nhập (BIT – Business in Transformation) của chính phủ Mã lai. Chương trình có mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh cho DNVVN của nước này trước thềm hội nhập.
Cũng tương tự như Việt nam, Mã lai có khoảng 97% số lượng doanh nghiệp là DNVVN, tương đương 645.136 doanh nghiệp (Việt Nam 96%, tương đương 600 ngàn doanh nghiệp). Họ cũng đi lên từ gốc doanh nghiệp gia đình, cũng gặp nhiều hạn chế và khó khăn như Việt Nam mình vậy. Nói về cơ hội bước ra thế giới với tư duy không dừng lại ở 30 (Mã lai 30 triệu dân), mà là tư duy 600 (600 triệu - dân số cộng đồng kinh tế ASEAN – AEC), tư duy 800 (800 triệu - dân số cộng đồng kinh tế TPP), hay tư duy toàn cầu, họ cho rằng tư duy đã xác định rồi nhưng kiến thức và kỹ năng quản trị doanh nghiệp thì còn kém lắm. Tôi hơi sững người một chút. Ngồi đây trước mắt tôi là những chủ doanh nghiệp có từ 30 đến 100 chi nhánh nhượng quyền, có doanh nghiệp đã ký được một hoặc hai hợp đồng nhượng quyền ra nước ngoài như Các tiểu vương quốc Ả rập, Indonesia, Úc….
Vậy mà họ rất tự nhiên và thật tình nói với nhau và nói với tôi rằng năng lực của mình còn kém lắm. Rồi họ chăm chú lắng nghe, ghi chép, đặt câu hỏi. Rồi họ tranh cãi, bàn luận theo nhóm về cách áp dụng những gì mình vừa học vào thực tế quản trị doanh nghiệp. Rồi họ đứng lên trình bày và phản biện về những hành động thực tiễn mà mình cần triển khai cho doanh nghiệp ngay sau 2 ngày hội thảo. Có một nguồn năng lượng thật dồi dào, thật thăng hoa trong từng cử chỉ, câu nói, tiếng cười. Tôi, người Việt Nam duy nhất trong căn phòng vỡ oà năng lượng tương lai ấy, lặng người bối rối. Tự hào vì người Việt Nam này đang chia sẻ kiến thức cho những doanh nghiệp quốc tế của tương lai. Lo lắng khi nghĩ đến 600 ngàn DNVVN Việt Nam đang loay hoay trước thềm hội nhập.
Điều đáng lo ngại nhất theo khảo sát của Học viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS – Institute of South East Asian Studies) là 76% DNVVN Việt Nam không biết gì về cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), và 63% cho rằng việc thành lập AEC này chẳng có ảnh hưởng gì đến họ. Ở đây, ngày 28 & 29 tháng 12 năm 2015, có 100 DNVVN của Mã lai đang nhận ra sự kém cỏi về kiến thức và kỹ năng của bản thân mình, đang gấp rút nâng cấp năng lực nội tại để bước ra thế giới. Họ hỏi tôi đâu là thị trường cần vươn ra trước nhất. Tôi trả lời chính là thị trường AEC. Rồi họ sẽ vươn ra. Rồi họ sẽ bước vào thị trường Việt Nam theo tiến độ chúng tôi đã vẽ trên bản đồ phát triển. Không ảnh hưởng sao? Sân chơi không còn là Việt Nam. Luật chơi không còn là bảo hộ.
Nhớ lại sáng chủ nhật ngày 27/12/2015 tôi hãy còn ở Việt Nam và tham gia toạ đàm cùng TS. Nguyễn Thanh Tú, quyền vụ trưởng vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư Pháp dành cho DNVVN tại thành phố Hồ Chí Minh. Ông cập nhật những thông tin vô cùng bổ ích về các hiệp định thương mại, về cơ hội và thử thách mà DNVVN Việt Nam cần lưu ý. Trong đó, ông có nêu ra ba vấn đề về năng lực cạnh tranh trước thềm hội nhập là năng lực cạnh tranh của quốc gia, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, và nguồn nhân lực. Quay lại với Mã lai và nhìn vào hội thảo mà tôi đang làm, đó chính là một phần trong nỗ lực của quốc gia này nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Tại hội thảo quốc tế về nhượng quyền quốc tế diễn ra ở Kuala Lumpur hồi tháng 5 năm nay, đại diện của Bộ tài chính cũng trình bày rất rõ rằng để tăng năng lực cạnh tranh kinh tế của quốc gia, họ sẽ đầu tư vào nguồn vốn nhân lực. Chỉ khi doanh nghiệp nâng cao hiểu biết, kiến thức và kỹ năng của mình thì năng lực nội tại của họ mới vững mạnh, khả năng sáng tạo, đổi mới, và phát triển của họ mới phát huy, và sự phát triển của họ cũng như sự phát triển chung của kinh tế quốc gia mới thực sự bền vững. Đó cũng là lý do có cái hội thảo này do chính phủ tài trợ để nâng cao kiến thức và kỹ năng cho DNVVN.
Hội thảo 2 ngày đã kết thúc. Họ đề nghị tạo một nhóm riêng online để tiếp tục trao đổi, cập nhật về việc ứng dụng, về thành công, về khó khăn, về thất bại, vì cái học và sự cải tiến chẳng bao giờ có bờ bến nào mà dừng lại. Vừa rời khỏi phòng hội nghị về đến khách sạn, tôi đã nhận ngay nhiều email cám ơn vì những kiến thức hữu ích và thực tế, cùng những câu hỏi tiếp theo. Biết tôi có tham gia một chương trình cố vấn trực tiếp (mentoring) cho các doanh nghiệp hạt giống được chính phủ đầu tư để xuất khẩu ra quốc tế, ai cũng hỏi tới tấp làm sao để tham gia và điều kiện thế nào. Tất cả không chỉ dừng lại ở ý nghĩa một cái hội thảo do chính phủ tài trợ và học không tốn phí. Nó là tinh thần “Ừ thì tôi kém” và tôi đang học hỏi, luôn tìm cơ hội học hỏi để vươn lên.
Nguyễn Phi Vân
Comments