Khi thế giới bên ngoài thay đổi, khi hoàn cảnh thay đổi, khi ta nhận tin hơn 50% công việc ta đang làm có thể tự động hoá và điều tốt nhất ta có thể làm là cộng tác với máy, thì phải xử kiểu gì đây?
Đã là con người, ai cũng muốn an toàn, vì não người được cấu thành như thế từ thuở hồng hoang, default là dò tín hiệu hiểm nguy, rủi ro và phản ứng tự động là hoảng sợ, co lại, giấu đi, trốn mất…. Ta chống chọi bằng tư duy “tôi là nạn nhân của sự thay đổi”. Có quá nhiều thứ thay đổi ngoài kia mà tôi không hiểu được, không cập nhật kịp, không biết phải ứng phó làm sao và bó tay không biết phải kiểm soát thế nào. Tất cả, dường như beyond my control - vượt ra khỏi tầm với của tôi, vượt ngoài khả năng khống chế của tôi. Tôi là “victim of change - nạn nhân của mọi sự thay đổi”.
Người có tư duy “nạn nhân” thường đi kèm với fixed mindset - tư duy đóng, tin rằng khả năng của mình chỉ đến thế mà thôi, hiểu biết của mình cũng chỉ giới hạn mà thôi, kỹ năng của mình tới đó là chạm ngưỡng rồi, nên bản thân cảm giác mình không “handle” nổi những thứ ngoài tầm với. Tại thế giới thay đổi, tại tương lai lạ lẫm, tại tôi sinh sai thời, tại cuộc đời làm khó con người…. Có rất nhiều thứ để đổ thừa, và có rất nhiều thứ đúng là có thể đổ thừa, nếu thời gian ngừng trôi, trái đất ngừng quay, nhân loại ngừng tiến hoá, cuộc đời đóng băng thì hay biết bao nhiêu. Nhưng…. Đời bao giờ cũng có chữ nhưng, vì nó chẳng bao giờ vận hành theo qui luật hay mong muốn của một ai đó cả. Luật chơi của mọi sự tiến hoá luôn không nằm trong kế hoạch. Đời tạo game mới mỗi ngày, luật chơi của game nào là do nó định ra, ta chỉ có chọn lựa tham gia hay chạy trốn đi tìm hành tinh khác. Nhưng, lại là chữ nhưng, nhưng có khi hành tinh khác nó còn khắc nghiệt hơn, thấy đổi chóng mặt hơn, loại trừ dữ dội hơn.
Nhưng nếu mình không chịu đóng vai nạn nhân thì sao? Nếu mình đổi vai tác nhân thì sao? Agent of change - tác nhân đóng góp và thúc đẩy sự thay đổi, là một phần của sự thay đổi, sống chung với thay đổi như người nhà, xem thay đổi như là chuyện đương nhiên của tự nhiên, như làm người muốn sống phải ăn. Vậy, là từ thế bị động, bị ăn hiếp, bị xô đẩy làm khó, mình đổi sang vai chủ động. OK, giờ mình sẽ tìm hiểu thứ gì làm cho mọi thứ thay đổi, mình sẽ lôi lý lịch nó ra tìm hiểu, kết nối và đối thoại với nó, tìm hiểu quá khứ, hiện tại và tương lai của nó, hiểu cách nó vận hành, hiểu tác động của nó lên cuộc đời mình. Hiểu xong, mình sẽ chơi game này cùng với nó. Trước khi vô game, mình sẽ trang bị đủ hiểu biết, kỹ năng, vũ khí để chơi. Rồi mình dấn thân thôi. Level của mình nếu cứ chơi mỗi ngày nó đương nhiên sẽ cứ tăng lên, cho đến khi mình có trên bảng xếp hạng của những tay chơi xuất sắc. Chơi hết game, mình sẽ tiếp tục bằng cách tự tao game. Giờ, ở level tay chơi chuyên nghiệp rồi thì mình sẽ create - tạo ra game mới. Game-changer là như thế. Họ không còn bị động đối phó với thay đổi nữa. Họ tạo ra game mới và làm chủ luật chơi.
Nạn nhân hay tác nhân thật ra chỉ cách nhau có 1 cái nút bí mật trong não là cái nút tư duy. Bật lên, bạn ở trong vùng growth mindset - tư duy mở, tư duy luôn đón nhận, học hỏi, dấn thân, hội nhập. Đóng lại, người ta rơi vào vùng an toàn, sợ thay đổi, vì tin rằng mình chỉ đến thế mà thôi. Tác nhân lúc nào cũng hân hoan, hào hứng, tích cực, lao vào lục tung mọi thứ để nghiên cứu tìm hiểu và kiến tạo. Nạn nhân sợ hãi, thu mình lại, gạt phăng tất cả những cái mới, luôn nơm nớp lo sợ ai đó cướp mất chỗ của mình nên suốt ngày ở trong trạng thái defensive - phòng thủ để bảo vệ an toàn cho cái bóng đổ của bản thân. Một cái nút bật lợi hại mà ai cũng phải học cách dũng cảm để bấm vào, học cách gỡ bỏ mặt mày xuống để cho phép mình tái tạo. Người khác có thể cho lời khuyên, giúp bạn, thúc đẩy bạn, nhưng người bấm vào cái nút kia chỉ có một đứa mà thôi, là chính mình. Và đó, là quyết định bạn cần đưa ra cho bản thân ngày hôm nay, victim or agent of change - bạn là nạn nhân hay tác nhân của sự thay đổi. Trận nào có chiến thuật đó. Vai nào có cách diễn đó. Chọn vai trước đi rồi mới hỏi nhau mình sẽ làm gì.
Victim or agent of change - Bạn là ai, nạn nhân hay tác nhân?
コメント