Bạn nhắn tin hỏi, chị ơi sao em thấy cách chị nhìn vấn đề và phân tích rất sharp – nhạy bén. Chị có thể chỉ em làm thế nào để được vậy không.
Thật ra, chuyện đó ai cũng làm được. Tôi chưa bao giờ giỏi giang hơn ai nên cũng chẳng có bí mật ghê gớm gì. Giờ chia sẻ với các bạn cách tôi tư duy thế này để bạn thử xem có hợp với dáng bạn không.
Cách giáo dục của Việt Nam mình, là dạy theo môn. Và các môn này giúp gì cho ai thế nào khi đụng thực tế thì học xong cả lũ vẫn ngẩn ngơ chẳng khi nào hiểu được. Khi chúng ta học mà không có ngữ cảnh để áp dụng, và không có thực hành để ghi nhớ, thì kiến thức đương nhiên là trôi hết. Do đó, học rất giỏi, nhưng làm chưa chắc đã bằng ai.
Khi hiểu ra được điều này, môn đầu tiên tôi học là learning how to learn – học cách học. Và cách học mà nhiều nước Bắc Âu đang đứng vị trí hàng đầu về sáng tạo đang áp dụng là học qua hiện tượng – phenomenal learning, hay còn gọi là problem-based learning – học bằng cách giải quyết vấn đề. Với cách tiếp cận này, mình bắt đầu từ một vấn đề cần giải quyết, từ một hiện tượng đang xảy ra mà ta chưa hiểu hết, ví dụ như robot đang thay thế dần con người và dự đoán đến năm 2030 thì 52% giờ lao động trên thế giới này là do robot đảm nhiệm. Khi nghe một hiện tượng hay vấn đề như thế mà không hiểu tại sao, ta cần bắt đầu tìm hiểu và học những kiến thức để lý giải được hay tìm ra được gỉai pháp tương ứng.
Trong hiện tượng trên, ta bắt đầu học automation – tự động hoá là gì, tại sao lại có sự xuất hiện của tự động hoá, robot thay thế con người ở những đoạn lao động nào và trong những ngành nghề nào, 4.0 là gì, các công nghệ đang phát triển làm thay đổi thế gới trong thế kỷ 4.0 là gì, ngoài tự động hoá thì các công nghệ còn lại sẽ ảnh hưởng đến trật tự kinh tế xã hội thế nào, vậy con người có thất nghiệp hết không, con người sẽ sống ra sao, và sẽ phải làm gì để thích nghi và chuẩn bị cho hoàn cảnh mới, các kỹ năng sinh tồn mới cho thế kỷ 21 là gì, người thích nghi thì sao mà không thích nghi thì sao, thế giới sẽ về đâu khi loài người không thích nghi được nữa, vấn nạn xã hội có thể là gì, giải pháp cho vấn nạn đó có thể là gì, vv và vv.
Khi học trong bối cảnh như thế, luôn để cho đầu óc mở để đặt câu hỏi mới, thực tế, dễ hiểu, giải đáp ngay những thắc mắc trong hiện tại, giúp chúng ta nhớ lâu và ứng dụng được. Khi bạn train não luôn ở trạng thái tư duy problem-based, nhìn vấn đề, phân tích, đặt câu hỏi, tìm lời giải từ nhiều góc nhìn, không để cho thiên kiến chen lấn vào làm mờ mắt và cố chấp, thì tự nhiên mình thành sharp – nhạy bén. Đó là khi ta kết nối được tất cả những gì chúng ta hiểu biết và cần hiểu biết lại với nhau trong một ngữ cảnh chung, hết sức khách quan, không chủ quan đưa ra kết luận mà chủ động đặt câu hỏi để tìm ra giải pháp khả thi nhất. Trở lực duy nhất để có thể trở thành nước, mềm mại, len lỏi, kiếm tìm và chạm vào điểm đến, chính là bạn.
Con người, với mớ dĩ vãng và kiến thức cũ kỹ, cùng một đống ego ngã mạn chính là trở lực lớn nhất. Khi ta chỉ vin vào thiên kiến của bản thân, khi ta không tư duy problem-based và mở lòng lắng nghe, tìm hiểu tất cả những nẻo đường mà ta thật ra vô cùng mờ mịt, thì làm sao kết nối quá khứ, hiện tại, tương lai? Làm sao kết nối kiến thức và thực tế? Cuối cùng, học là để ứng dụng hay chỉ để đi thi? Trong thế kỷ 21 này, học phải là cách tiếp cận rất đường phố, kiểu phenomenon-based như thế, rất đời, rất thực chứ không còn academic – quá lý thuyết cao cao sáo rỗng được nữa rồi. Học là thực hành ngay, là pilot – thực nghiệm ngay xem nó có kết quả không, và nếu không thì thử đi thử lại cho đến khi làm được.
Khi cho phép bản thân lớn lên qua quá trình tìm hiểu thử nghiệm một cách khách quan như vậy, ta đương nhiên trở nên nhạy bén. Nhạy bén, là khả năng nắm bắt, phát hiện và thích ứng, xử lý nhanh đối với những yếu tố mới, những yêu cầu mới, những vấn đề mới. Nhạy bén đòi hỏi một quá trình tập luyện, và đòi hỏi thái độ luôn sẵn sàng đón nhận cái mới, học hỏi, thử nghiệm, dung nạp mọi ý kiến khác biệt một cách hết sức khách quan.
Comments