top of page
Ảnh của tác giảPhi Van Nguyen

CÓ HAY KHÔNG MỘT GIẤC MƠ XUẤT KHẨU MÔ HÌNH & THƯƠNG HIỆU VIỆT?



Khi mới trở về Việt Nam, tôi rất tự tin là mình có thể giúp được cho rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam bước ra thế giới bằng cách xuất khẩu mô hình và thương hiệu. Sự tự tin này đến một cách rất chủ quan, vì tôi đã tham gia thực tế vào việc xuất khẩu mô hình và thương hiệu trong suốt thời gian làm việc ở Úc, vì tôi đã cố vấn và mentor cho rất nhiều doanh nghiệp trong các chương trình xuất khẩu mô hình và thương hiệu của các chính phủ Malaysia, Singapore, Saudi. Tôi đã nhìn thấy họ làm được như thế nào, thật sự trở thành doanh nghiệp quốc tế như thế nào, và các doanh nhân xuất phát điểm từ doanh nghiệp vừa và nhỏ của các quốc gia chẳng hơn Việt Nam là mấy đã trở thành global entrepreneur - doanh nhân quốc tế như thế nào.


Cùng với sự tự tin đó, và một khát vọng Việt Nam, tôi hăm hở khăn gói về Việt Nam, đi theo tiếng gọi của lý tưởng, mong muốn để lại một dấu ấn di sản bằng hành trình xuất khẩu mô hình và thương hiệu Việt. Và rồi, điều gì đến cũng đến, theo thời gian và thực tế tương tác với doanh nghiệp vừa & nhỏ tại Việt Nam, tôi dần hiểu ra sự bất lực mà bản thân nên hiểu.

Người Việt đã quen street smart

Xuất phát điểm của việc làm ăn phát đạt bao năm qua của Việt Nam nằm ở quan hệ, chạy chọt, móc nối, đánh quả, nắm bắt cơ hội từ vùng xám, tìm thấy điểm bùng phát từ nghịch lý và sự khập khiễng hay thiếu minh bạch của hệ thống, vv. Để thành công trong bối cảnh như vậy, phẩm chất quan trọng để thành công là street smart - giỏi theo cái kiểu rất lưu manh đường phố, buông đầu này bắt đầu kia, chạy đầu này móc đầu nọ, thiên biến vạn hoá trong những vùng đen đen và xam xám, miễn sao tiền nó chạy về túi quan. Tư duy con buôn và ngắn hạn, đánh nhanh lụm tiền lẹ và biến nhanh là chiêu giúp cho nhiều người phất lên. Điều đó không có gì sai. Thời nào thế đó. Trong thời kỳ tranh tối tranh sáng của một nền kinh tế còn dò dẫm sau chiến tranh, đó là cách tốt nhất để cỡi sóng.


Nhưng thời thế chẳng bao giờ dậm chân tại chỗ, và cũng không có nền kinh tế nào đóng cửa và bảo hộ loanh quanh trong sân nhà mãi được. Sống trong ngôi làng quốc tế, đương nhiên chúng ta phải chịu luật chơi quốc tế. Dần dần, các hiệp định kinh tế mở ra, thị trường bắt đầu tự do hoá, vị thế cạnh tranh đến từ chính nội lực của doanh nghiệp trên thị trường, dần chấm dứt thời kỳ “đánh quả”. Thị trường đòi hỏi tính chuyên nghiệp, sự minh bạch, sức sáng tạo, khả năng linh hoạt thay đổi và nắm bắt nhu cầu mới của người tiêu dùng thông minh và người tiêu dùng số. Một thời kỳ mới mở ra, đòi hỏi nền tảng quàn trị chuyên nghiệp, đòi hỏi lãnh đạo có tầm nhìn, có tư duy dài hạn, có khả năng scale up bản thân như Phù Đổng, có nội lực tung hoành ngang dọc trên sàn đấu quốc tế. Và sự chuyển đổi này đến quá nhanh, quá khốc liệt, cộng thêm với quả Covid nghiệt ngã, cú sàn lọc của tự nhiên đã khiến cho bao nhiêu doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ, vừa và cả lớn đã ngã ngựa. Cú ngã ngựa hàng loạt này minh chứng một điều, cách bạn đã làm và thành công trong quá khứ đã lỗi thời. Thời thế mới cần những anh hùng mới, những người có tầm hơn, có tư duy dài hạn hơn, có cam kết chuyên nghiệp hơn, có GQ - trí thông minh quốc tế hơn.

Street smart, theo cái cách mà chúng ta đảo qua lừa lại rình rình cơ hội đã không work nữa trong tình thế này. Vậy thì, chỉ có 2 cách thôi, một là những người của quá khứ còn đang ở đây phải lột xác để trở thành công dân của tương lai, hai là ta gác lại chờ một thế hệ mới được sinh ra, lớn lên và thấm nhuần văn hoá tương lai đó. Lột xác là chuyện hiếm, vẫn có nhưng mà hiếm, vì chúng ta đã mang vác trên người hành trang quá trĩu nặng của quá khứ, đi tìm chuyện dễ, đường tắt, vùng xám. Khó, vì chúng ta đã tạo ra những thói quen ngắn hạn, lùa gà, ăn quả và bỏ chạy…. Mà đã vướng vào đó rồi thì, tâm trạng đâu mà nghĩ tới việc xây dựng nền tảng chuyên nghiệp đồ, mất thời gian, tốn công sức mà không nhìn thấy tiền ngay. Mình vậy, thì cũng chẳng thể nào cộng tác được với người chuyên nghiệp. Cho nên, đây trở thành cuộc chiến của chính người Việt với sự loanh quanh của họ, sự kẹt vào quá khứ chưa thể thoát ra, sự lạ lẫm đối với đỏi hỏi của một thời thế chuyên nghiệp mới. Khó! Và có lẽ tỷ lệ chuyển đổi chỉ vài phần trăm là những người đã sớm hiểu ra, chấp nhận và muốn thay đổi trạng thái ếch ngồi đáy giếng. May mắn hơn, là thế hệ đã được học và làm việc ở nước ngoài và quay trở về, mang theo bên mình tư duy mới, cách làm mới, giấc mơ mới. Còn lại, hên xui thôi, ai tự mình cứu được mình thì bắt kịp chuyến tàu tương lai, không thì trễ tàu, sẽ loanh quanh một thời gian nữa rồi biến mất.

Người Việt không tin nhau

Thật ra, cách để chữa cho bệnh không bắt kịp thời thế mới là không khó. Khi bản thân chưa đủ hiểu, chưa đủ giỏi, chưa đủ chuyên nghiệp, chưa có tư duy và tầm nhìn dài hạn hay toàn cảnh thì mình hoàn toàn có thể đi tìm người đồng hành, những mảnh ghép mà bản thân còn thiếu. Đó có lẽ là cách nhanh nhất để tăng tốc, để xây dựng và gia cố nền tảng, để chuyển đổi kịp theo thời thế. Nhưng vấn đề là, người Việt không tin nhau nên không thể cộng tác tốt với nhau. Muốn đạt được sự cộng tác thành công, các bên đối tác đều phải dựa vào niềm tin, niềm tin cơ bản nhất là vào con người, là chúng ta cùng chính trực, cùng minh bạch, cùng biết điều, hiểu chuyện và đưa ra lựa chọn dựa trên giá trị và mục tiêu chung. Không có sự cộng tác nào tồn tại nổi khi ai cũng nghĩ cho mình, muốn lợi hơn về mình, phòng thủ ngay khi còn chưa kịp làm gì với người đối diện. Thật không may mắn là, xã hội Việt Nam đang ở trong thời điểm thấp nhất về niềm tin, vì ai cũng đã bị lừa bằng một cách nào đó, vì ai cũng sợ bị tổn thương và lợi dụng khi hớ hênh ra chút lòng tốt còn sót lại trong đời.


Khi chúng ta không tin nhau, chúng ta không thể cộng tác. Khi chúng ta không thề cộng tác, thì khả năng chuyên nghiệp hoá, quốc tế hoá, tăng tốc trên trường quốc tế cho doanh nghiệp vừa và nhỏ gần như là tuyệt vọng. Lúc này, thân ai nấy lo. Ai tự mình tìm được người để tin, rồi dũng cảm trao niềm tin, và cùng nhau giữ gìn niềm tin đó thì sẽ tìm được đường đi. Ai loanh quanh tiếp tục chuyện tui tui làm, chuyện anh anh lo thì sẽ cứ loay hoay trong mớ vấn đề linh tinh không lối thoát. Niềm tin quá đắt, nhưng nó là cứu cánh duy nhất mà chúng ta còn lại để bước tiếp, để xây dựng một hành trình mới, để tạo ra những tầm cao mới. Ai sẽ tin bạn và rồi bạn sẽ tin ai để cùng họ đồng hành? Tìm ra câu trả lời là bạn tìm ra đường đi trước mặt.

Giấc mơ xuất khẩu mô hình, thương hiệu và con người Việt Nam có còn tồn tại nổi không?

Khó, và nó khó hơn tôi tưởng quá nhiều. Nếu ngày đầu tiên hăm hở trở về và nghĩ rằng mình có thể làm điều kỳ diệu cùng nhiều doanh nghiệp Việt Nam thì sau vài năm qua, tôi đã thực tế hơn rất rất nhiều. Tôi hiểu rằng, thời thế không nằm trong tay mình, cho dù mình có nhiều kinh nghiệp quý báu để chuyển giao cho các bạn. Không có cơ hội nào bền vững nếu không bắt đầu từ sự làm người của chính nhà sáng lập. Làm người đàng hoàng đã, chính trực và minh bạch đã, biết hành xử và đối nhân xử thế đã rồi thì mới có thể nói chuyện chuyên nghiệp hay hệ thống. Khi những điều cơ bản nhất của việc làm người mà còn chưa xong thì, bao nhiêu cơ hội nó cũng sẽ là đánh quả, rồi ai đó lại sẽ lừa ai đó, rồi ai đó lại sẽ nhanh chân gom tiền và bỏ chạy cho mà xem. Vậy, thì chuyên nghiệp cái nỗi gì?

Từ khi hiểu ra đạo lý này cho Việt Nam, tôi chỉ nhận mentor những con người mà mình cho là đủ cái tâm, sự tử tế, và có đủ duyên gặp gỡ. Tôi không nhìn vào cơ hội, tiềm năng, bề ngoài này nọ theo cái cách mà người ta trình diễn. Nghe vậy thì thấy nó thật phản khoa học, thật không đúng bài bản kinh doanh chút nào, không qui trình chút nào, nhưng sai lầm và bài học thực tế đã đủ để dạy tôi rằng, con người không OK thì chẳng có thứ gì nó OK, có cố rồi cũng gãy. Tôi có nhận sai không? Đương nhiên là có chứ. Con người mà! Làm sao mình có thể hiểu hết được một ai đó cho đến khi họ show ra màu sắc thật của mình? Mà cũng có sao đâu. Cuộc sống mà! Có sai có đúng, có bài học và cũng có cả những điều kỳ diệu. Ngộ ra điều này, nên mình cứ từ từ bình tĩnh, ai cần đến sẽ đến, ai cần đi cứ đi. Ai đến thì mình hết lòng. Ai đi thì mình sayonara một cách thật là bình thản. Qui luật của vũ trụ ngàn đời vẫn thế, cứ thuận theo tự nhiên.


Điều khiến tôi vẫn còn hy vọng là, tôi có niềm tin rất lớn vào một số bạn trẻ mà tôi đang mentor. Vì trao niềm tin tuyệt đối cho nhau, là mỗi người sẽ luôn làm điều đúng đắn nhất cho những bên còn lại, chúng tôi cộng tác ăn ý, thẳng thắn, quyết liệt, hiệu quả và tăng tốc cực nhanh. Đó là sức mạnh của niềm tin, không gì khác.


Cho nên, nếu hỏi giấc mơ có còn không, có tồn tại nổi không, chắc tôi sẽ trả lời là vẫn có, chỉ là nó chậm hơn một nhịp, cái nhịp của chuyện làm người. Ta không thể assume - tự cho là ai đó đương nhiên có sẵn trong mình đạo lý làm người. Tại Việt Nam, sự đương nhiên là không có, còn lại, là hành trình đi tìm sự hiếm hoi của những con người vốn có. Khi tìm được họ, ta tìm thấy tương lai. Mọi thứ đều có thể xây dựng, thay đổi, làm lại về mặt business. Duy chỉ có con người là điệp vụ bất khả thi khi họ đã không nên là người để cùng bạn khởi đầu.

1.017 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page