“Công xưởng của thế giới” (Factory of the world), đó là cái cách mà thế giới đặt tên cho Trung quốc. Cũng phải thôi, Trung quốc hiện dẫn đầu thế giới về giá trị xuất khẩu (2.34 triệu triệu đô la), trong khi Mỹ xếp hạng thứ 2 (1.62 triệu triệu đô). Hãy nhìn vào đồ thị dưới đây để mục kích sự phát triển vượt bậc về xuất khẩu của Trung quốc từ năm 2009 (đơn vị triệu đô la)
Về cái chuyện hàng Trung quốc thì không nói ai trong chúng ta cũng biết. Nếu có thời gian và muốn tìm hiểu thêm “nội tình” của đề tài này về Trung quốc, bạn nên đọc 2 quyển sách “Poorly made in China” (Hàng dỏm Trung quốc) của tác giả Paul Midler xuất bản năm 2009 và “Factory Girls” (Công nhân nữ) do tác giả Leslie T. Chang xuất bản năm 2008.
Cái gì bán được là làm. Cái gì có tiền là làm. Ai sống chết mặc bây. Đến McDonald và KFC còn bị bán cho thịt ôi (vụ xì căng đan 2014) thì cái chuyện tôi ăn phải cái trứng gà giả chẳng qua là chuyện hết sức bình thường. Giàu lên là nhờ như thế. Trong vòng ba thập kỷ, Trung quốc đã chuyển mình từ nghèo khó, từ một nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào nông nghiệp, thành trung tâm công nghiệp của cả thế giới. Từ 10 công ty được nêu tên trong danh sách 500 công ty hùng mạnh nhất trên thế giới (Global Fortune 500) năm 2000, Trung quốc đã khiến thế giới phải nghiêng mình với 46 công ty trong danh sách năm 2010 và 98 công ty năm 2015, chỉ xếp hạng thứ 2 sau Mỹ (128 công ty). Quá dữ! Nói gì thì nói, mình cũng phải biết công nhận thành quả đáng nể này của người hàng xóm khổng lồ. Họ đã vươn lên từ công nghiệp hoá và thu hút đầu tư thế giới. Thế giới đổ tiền vào đâu ư? Xin thưa 128.5 tỷ đô là đầu tư nước ngoài đã đổ vào Trung quốc. Đây chính là thị trường thu hút đầu tư số 1 thế giới nhờ vào tiềm năng tiêu dùng của thị trường nội địa.
Vậy đó, trên cái đất nước mà cơ hội kiếm tiền nó mọc như là cỏ dại, người ta chỉ biết đạp lên nhau mà chạy. Một chuyến tàu Hàng Châu thì đâu có sá gì. Có điều, nói đi thì cũng nên nghĩ lại, bạn có tham gia vào Cuộc Đua Kỳ Thú phiên bản Việt nam (Amazing Race Vietnam)?
Trưởng phòng ô nhiễm
Là công xưởng thế giới thì dĩ nhiên phải gây ô nhiễm. Từ năm 2008, Trung quốc bắt đầu qua mặt Mỹ về cái khoảng phun khí CO2 và cho đến bây giờ, vẫn là kẻ gây ô nhiễm hàng đầu thế giới. Bạn biết không, năm 2014 vừa rồi, Trung quốc đóng góp tổng cộng 28.3% tổng lượng CO2 thải ra trên toàn thế giới. Bởi vậy mà năm 2013 có một đợt người nước ngoài ở phía Bắc Trung quốc lũ lượt kéo nhau về nước vì nguy cơ sức khoẻ. Bản thân ếch tôi cũng bệnh mất mấy tuần sau chuyến đi làm việc tại Sơn Đông và Bắc Kinh.
Con một!
Năm 1979, Trung quốc ra chính sách mỗi gia đình chỉ cho phép 1 con. 30 năm sau, có một lớp trẻ U40, được nuông chiều và cung phụng quá mức (6 người hai bên gia đình nội ngoại chúi mũi vào lo có 1 người), đang trở thành doanh nhân thời đại. Lớp trẻ này lớn lên trong sự bảo bọc bằng tiền bạc và vật chất. Thì 3 thập kỷ vàng vừa qua là thời để kiếm tiền mà. Và họ bước ra đời với thói quen chỉ có nghĩ đến mình, với một gia tài kếch sù của hai bên gia đình nội ngoại, và với một tâm hồn cô đơn, trống rỗng…. Họ không biết điều đó. Tiền & tôi, hai giá trị hàng đầu trong xã hội. Và ai ai cũng nghĩ như thế. Và ai ai cũng tiền & tôi như thế. Thử đoán xem họ nói với nhau những gì khi tụ họp và ăn uống ì xèo? Tiền & tôi!
Ảnh: Tử Cấm Thành, Bắc Kinh.
Tôi có được may mắn tương tác với rất nhiều doanh nhân thời đại. Nói vầy cho dễ hiểu. Họ là những người nói chuyện làm ăn chục triệu, trăm triệu đô như là đi mua rau muống. Ai cũng có tiền. Ai cũng quen thế lực này, đường dây kia, ông bà nọ. Nghe cũng quen quen nhỉ? Cái kiểu làm dựa vào “quan hệ”. Nghe riết rồi cũng quen, thấy cũng thường. Nhưng vốn dĩ là người không thích những điều hời hợt, tôi hay gợi chuyện với họ về cuộc sống. Hãy lắng nghe tiếng lòng của doanh nhân thời đại.
Chợ tình thế kỷ 21
Quảng trường Nhân Dân ở Shanghai từ năm 2004 đã trở thành cái chợ làm mai nổi tiếng mỗi cuối tuần. Mấy tuổi, tuổi con gì, chiều cao, công việc, học vấn, tính tình…, phụ huynh viết hết vào tờ giấy, rồi họ dán lên cái bảng làm mai. Họ đọc. Họ tìm. Họ bàn với nhau xem hai bên có hợp để rồi còn tiến tới. Cái chợ này rồi sẽ còn “hot” nữa. Theo nghiên cứu của đại học Kent, tính đến năm 2020, do tỷ lệ chênh lệch về nam nữ, sẽ có 24 triệu nam thanh niên Trung quốc độc thân và không có cơ hội lập gia đình, đơn giản chỉ vì đất nước này không đủ phụ nữ mà cung cấp. Cái này căng! Chiến tranh nòi giống!
Muốn đăng quảng cáo ở Quảng trường Nhân Dân? 3.2 đô la cho 5 tháng, còn nếu xài cò để lấy hết số điện thoại thì một giao dịch như vậy có giá là 16 đô la.
Andy năm nay 32 tuổi, đi học ở Úc về, là cổ đông lớn 3-4 công ty. Nói là đi học Úc về nhưng tiếng Anh thì nói tiếng còn tiếng mất. Từ nhỏ do bố mẹ bận đi làm ăn quá, Andy ở nhà với ngoại. Suốt ngày ở nhà chơi một mình nên tính cũng khó gần, không quen chia sẻ và bắt chuyện. Từ hồi biết tôi nói được tiếng Hoa, cậu mới từ từ kể chuyện. Hỏi lớn lên có 1 mình rồi có buồn không, Andy nói buồn chứ, có chuyện gì không biết nói với ai. Nhưng mà riết rồi cũng quen, ai làm gì nói gì kệ người ta, không có gì liên quan đến mình. Hỏi vậy có thương bố mẹ không, cậu trả lời cũng thương nhưng mà không biết gì về họ hết. Tới bây giờ cũng không mấy khi nói chuyện. Qua kết nối làm mai gần 40 lần, Andy cũng lấy được vợ. Làm mai ở Trung quốc là chuyện bình thường. Andy nói nếu có một điều mà cậu có thể truyền cảm hứng cho lớp trẻ, đó là “Đừng bỏ cuộc! Hãy chịu đựng và nghe lời ba má làm mai đi, rồi cũng lấy chồng lấy vợ được thôi mà.”
Ảnh: chợ tình Shanghai
Yingru có cái nét già già của một kẻ chinh chiến nhiều năm trong thương trường và cái kiểu khôn khôn của mấy tay làm quan trong truyện phim cổ trang Trung quốc. Sau một hồi nói chuyện, mới biết cậu chỉ khoảng 30. Nếu nói về trưởng giả học làm sang, Yingru phải nói là diễn hơi đạt. Nhà hàng top của Quảng đông, mở màn bằng trà đạo, tiếp nối bằng vang Pháp, thực đơn Lobster Themidore (tôm hùm đút lò kiểu Pháp với sốt lòng đỏ trứng và rượu brandy). Rồi cậu bày trò thử rượu vang, nói về những cung bậc của hoa, trái trong từng ngụm rượu. Chưa bao giờ thưởng thức món ăn và rượu mà phải nghe nhiều như thế! Yingru ơi là Yingru.
Rời Quảng Đông đi về cái gốc của nhà Minh, Nam Kinh, tôi được Yibing ra tận sân bay đón. Rồi tôm tiểu long, rồi lẩu lòng, rồi tàu hủ thúi, hắn dẫn tôi đi ăn ở hang cùng ngõ hẻm. Sau này hỏi ra mới biết, cái thú vui của hắn là ăn. Không phải nghệ thuật. Không phải âm nhạc. Càng không phải là đọc sách. 29 tuổi, tốt nghiệp trường sĩ quan quân đội, Yibing chỉ có một nguyện vọng duy nhất, dẫn vợ ra nước ngoài sinh sống. Hắn bảo phải hy sinh đời cha mà đi, chứ ở lại đây thì tội cho mấy đứa con mình. Giang tô (Jiangsu) còn thở được chứ đến mấy tỉnh kia người ta đạp lên nhau mà sống. Với lấy cái hột vịt lộn trên bàn, hắn xăm săm soi soi rồi lắc đầu kêu cậu bồi bàn mắng vốn. “Hột vịt này đâu phải loại úp mề. Con lớn như vầy ăn làm sao được? Vậy mà dám tính tiền giá hột vịt úp mề hả?” Đôi co qua lại không xong, hắn nện cái hột vịt xuống sàn nhà. Tròng đỏ, tròng trắng phơi ra tung toé. Tôi im re, mắt mở to nhìn hắn. “Đập đi cho tụi nó đừng có gạt người ta”. Cái giọng sao mà đanh đến thế.
Trích chương 6 - Lao về chốn lãng quên - Quảy gánh băng đồng ra thế giới - Tác giả Nguyễn Phi Vân
Comentários