top of page

KẾT NỐI VỚI CHÍNH MÌNH



Em viết hay quá và tôi không cần bình gì. Đây là bản tuyên ngôn độc lập dành cho những ai đang sống cuộc đời người khác và lạc mất chính mình, cho những phụ huynh đang ép con vào khuôn mẫu con ngoan trò giỏi nhưng chưa một lần thật sự kết nối với con. Câu chuyện đời em là chuyện đời của rất nhiều người trẻ. Cám ơn em đã dũng cảm nói ra, chia sẻ và nhất là dũng cảm tìm lại chính mình....

----------

Con chào cô Phi,

Con xin phép được gọi cô bằng tên theo như trong cuốn sách ‘Tôi đi tìm tôi’ của cô.

Con muốn cám ơn cô đã dồn tâm huyết viết nên cuốn sách này. Ít có cuốn sách nào khiến con suy nghĩ nhiều về cảm xúc và cái tôi của mình đến thế.


Từ nhỏ con vẫn luôn bị cho là một đứa trẻ nhạy cảm, mít ướt và chậm chạp (học bạ con đã từng có lời phê là con ngoan, hiền nhưng hơi chậm). Con đã luôn cảm thấy mình thua kém người khác. Con luôn ước mình được tất cả mọi người yêu mến. Có lẽ vì thế mà không biết từ bao giờ mà con bắt đầu học cách nhìn sắc mặt người khác. Con luôn đặt cảm xúc và nhu cầu của người khác lên trên bản thân mình. Con tạo cho mình một cái vỏ bọc con ngoan, trò giỏi, gương mẫu. Và cứ thế con sống một quãng đời mà giờ đây khi nhìn lại, con chả có mấy kí ức về nó. Tất cả con có thể nhớ là lời khen từ người khác: con siêng học quá. Con đã từng khó hiểu là tại sao hầu như bất cứ ai cũng đều rung rinh khi nghĩ về thời cấp ba. Đối với con, nó chỉ là khoảng thời gian cật lực ôn thi đại học mà con không bao giờ muốn trở lại. Thi thoảng con vẫn có cơn ác mộng cắp sách đến trường.


Và cái mác con ngoan trò giỏi ấy đeo đuổi con cho đến khi con định hướng tương lai và bước vào cánh cửa đại học. Nghĩ lại thấy buồn cười vì hồi đấy con chả biết mình thích gì, muốn gì, chỉ đơn giản là nộp vào ban kinh tế như số đông trong lớp. Trong các cuộc đối thoại gia đình hay ngoài xã hội, con hay nghe mọi người so bì nhau bằng khả năng kinh tế. Vì thế nên con nghĩ, à đó là thứ mình cần. Con còn nhớ trong một lần cãi vã với mẹ con đã từng la lớn con sẽ trở thành giám đốc, con sẽ giàu có. Lúc đó đối với con những thứ đó không phải ước mơ hay mục tiêu gì mà là illusion (ảo giác). Con không có phương hướng nhưng vẫn cho là mình biết tuốt. Một thứ thùng rỗng kêu to.


Con đã làm rất tốt khi ở trường và kể cả khi đi làm. Vẫn câu nói đó ‘you work so hard’ làm con thấy yên tâm. Yên tâm là mình không chệch hướng. Thế nhưng con luôn cảm thấy bức bối và mất phương hướng. Con cảm thấy như phát điên mỗi khi mọi thứ không đi theo kế hoạch. Và đôi khi con khóc đến thắt ngực chỉ vì những chuyện nhỏ nhặt nhất. Con cảm thấy cô đơn vô cùng trên con đường đến tương lai này.


Nếu không phải cuộc đời mang lại cho con những traumatic experience thì đến bây giờ con vẫn sẽ ôm khư khư cái tư tưởng sống vì người khác ấy. Con đã kinh qua những trải nghiệm mà bắt buộc bản thân phải đấu tranh cho chính mình. Con nhận ra có rất nhiều lúc con không hề ok nhưng vẫn nói rằng ‘I’m ok’ . Con mặc để người khác sắp đặt để rồi tức tưởi. Có quá nhiều kìm nén và im lặng không cần thiết. Lần đầu tiên con thấy mình không hiền mà chứa đựng thật nhiều phẫn uất. Lần đầu tiên con biết xót cho bản thân mình. Lần đầu tiên con biết mình không thật sự cô đơn và helpless.


Nếu không biết yêu mình thì sao có thể yêu người một cách tròn vẹn nhất.


Đọc cuốn sách của cô như hằn rõ thêm phản tư về những trải nghiệm ấy. Có thể những lúc đó con đã hiểu và học ra được điều gì nhưng con hiếm khi ôn lại, tìm hiểu thêm và cảm ơn chúng. Những cuốn sách con đã đọc, nếu không phải dạy con một kĩ năng nào đó thì cũng là khám phá một ý tưởng mới lạ. Ít có khi nào chính con mới là người đóng vai trò quan trọng. Nhưng đọc cuốn ‘Tôi đi tìm tôi’, con cảm thấy mình đang kết nối với chính bản thân mình qua từng mẩu chuyện. Từ trong sâu thẳm, con cảm nhận cái tôi nhạy cảm, cái tôi thích sống từ từ không hối hả, xô bồ. Cái tôi thích làm những điều mình muốn. Nó tiếp thêm sức mạnh cho con tiếp tục làm chính mình và theo đuổi ước mơ thật sự mà con đã reset và rewrite không biết bao nhiêu lần.

Comments


Bạn đã đăng ký thành công!

Nhập email để tự động nhận bài mới

©2021 by Nguyễn Phi Vân

bottom of page