Tất cả những gì chúng ta thấy bề ngoài đều là bề ngoài. Con người là một bản thể phức tạp, có khả năng làm đạo diễn xuất sắc cho vở kịch sân khấu đời mình. Cho nên, phần lớn những gì chúng ta nhìn thấy có thể là dàn dựng, có thể diễn sâu, có thể là ngây thơ vô tình diễn thật, nhưng cũng có thể là niềm tin đặt nhầm vào một chiếc mặt nạ nào đấy của nhân gian. Có khi, mặt nạ sinh ra từ sự lưu manh muốn lừa tình. Có khi. Mặt nạ chỉ đơn giản là một cách để adapt với sự phức tạp của thế giới ngoài kia. Có khi, mặt nạ là để bảo vệ bản thân. Cũng có khi, mặt nạ là niềm tin là lẽ thường tình, khi con người được dạy phải biến hoá linh hoạt để mà tồn tại trong thế giới đảo điên.
Thời của guru
Chưa bao giờ mà ta lại thấy nghề làm thầy nó nở rộ như thời này. Có đủ loại thầy, đủ kiểu dạy, đủ thứ khoá học, và người ta dạy tất cả những kỹ năng để chạm vào khao khát của con người, khao khát làm giàu, khao khát nổi tiếng, khao khát hạnh phúc, khao khát không làm gì nhưng được tất cả. Thầy, có khi họ chẳng làm nổi thứ họ dạy, nhưng họ cực giỏi về thao túng tâm lý, biến những con người đang lạc lối kia thành giáo dân trong giáo phái do họ tự lập ra. Quan trọng là, ai phải bán tài sản đóng hết bao nhiêu tiền không biết, chỉ có họ là kẻ thu tiền, rất nhiều tiền, nhờ vào học phí. Và tất cả những ai đang chới với, đang muốn đổi đời nhanh nhất và dễ nhất, đương nhiên sụp vào cái bẫy đó.
Lừa 4.0
Thời này, có quá nhiều kiểu lừa, đặc biệt nở rộ sau Covid khi tình hình kinh tế và xã hội càng trở nên phức tạp và càng có nhiều người lâm vào tình cảnh túng thiếu, trắng tay. Lừa thì muôn hình vạn trạng, nhưng nguyên lý chỉ có 1, đánh vào lòng tham và sự lười biếng của con người. Tất cả các kiểu lừa đều qui về một nguyên lý: đóng tiền vô và không cần làm gì, hoặc làm rất ít, hoặc chỉ cần lôi kéo người khác vào kiểu đa cấp là sẽ hưởng lợi, hưởng lãi suất khủng. Xong, thì cho nếm trải vài lần chạm tay vào sự thật để tin tưởng mà xuống tiền nhiều hơn, lùa gà lùa gà, xong biến mất. Sự thật này nhìn qua là hiểu, vì nó cực kỳ đơn giàn. Trên đời này làm gì có thứ gì không làm mà tiền sinh sôi như vi rút thế kia? Vì tham, lý trí bị che mờ. Vì không hiểu đủ, nên phải đóng tiền học cho ra chữ “tỉnh”. Có điều, tỉnh ra thì đã bị lừa rồi, kiểu “vậy mà cũng bị lừa cho được”.
Cuối cùng, những kẻ hiểu biết hơn, lưu manh hơn, lợi dụng sự thiếu hiểu biết, lợi dụng lòng tham, thao túng tâm lý để lừa tình lừa tiền từ những người không nhìn ra sự thật. Vì vậy, chắc con người cũng cần phải học kỹ năng nhìn ra sự thật, dạy lại cho người thân, cho thế hệ tiếp nối về kỹ năng nhìn ra sự thật giúp họ tránh xa những chiếc mạng nhện khổng lồ này. Đơn giản nhất là tự hỏi tự trả lời những câu hỏi sau đây:
Thứ người ta vừa chia sẻ có phải dựa trên nền tảng không làm gì, làm biếng cũng có tiền, việc nhẹ lương cao, đường tắt để làm giàu không? Nếu có, thì đó là biểu hiện không bình thường, là biểu hiện đèn đỏ. Đời này không có những kiểu cơ hội tào lao như thế. Ai cũng phải tận lực làm việc, học hành, rèn luyện, lên bờ xuống ruộng mới đạt được thành công, tự cổ chí kim đều như thế.
Người chia sẻ những giấc mơ triệu phú tỷ phú kia họ là ai mà rảnh tới nỗi đi dạy hết lớp này tới lớp kia? Mà đã tỷ phú rồi thì đâu thiếu tiền sao phải thu học phí? Nếu chia sẻ vì cái tâm thì sao không miễn phí đi mà lấy tiền ghê thế? Thông tin từ ai, từ tổ chức nào cũng chỉ là thông tin. Nếu bạn có tư duy phản biện, bạn sẽ đi xác định nguồn thông tin. Muốn xác định nguồn thông tin có đáng tin không thì cần phải kiểm tra độ tin cậy của nguồn phát ra thông tin đó. Thời này muốn check ai đâu có khó, online hay offline gì muốn tìm hiểu là có cách thôi. Nhưng nếu chưa xác định được độ tin cậy và sự thật về những gì họ nói họ đã làm thì khoan hãy kết nạp vào cái giáo phái kia. Khi nguồn gốc thông tin hay những gì người ta nổ là thiếu rõ ràng, không check được thực hư, không tìm được đủ bằng chứng thì phải hiểu đó là đèn đỏ.
Họ có kêu mình lôi kéo hết bạn bè dòng họ, người thân vào “đầu tư” gì đó hay không? Vậy, nghĩa là họ đang kinh doanh trên lòng tin của người khác vào chính bạn. Đây cũng là đèn đỏ. Cách nhanh nhất để lừa không chỉ một người mà là một cộng đồng là nhận dạng người có uy tín, có số lượng quan hệ nhiều, rồi lôi kéo họ đi lừa network của chính mình. Họ đánh một mẻ được cả đám, còn bạn thì mất cả chì lẫn chài.
Họ có đẩy bạn và dạy bạn cách thao túng tâm lý người khác không, chốt deal khi người ta yếu đuối nhất, lạc lối nhất, hừng hực theo đám đông nhất, vì tham mà sợ mất đi cơ hội nhất, vv? Khi bạn chốt deal, bán thứ gì đó cho ai đó bằng cách đẩy họ vào trạng thái hay tình huống vulnerable - dễ bị tổn thương nhất, đưa ra quyết định mù quáng vì áp lực đám đông, vì sự trời dậy của tham sân si, vì bạn không còn là mình và thiếu tình táo, thì đó là lợi dụng và thao túng tâm lý một cách cố tình. Người nào mà chơi kiểu này thì đủ hiểu rồi, hay ho gì, đèn đỏ rừng rực vậy không lẽ bạn không thấy?
Họ có tăng dần mức độ “cam kết” không? Hồi đầu thì vài trăm vài triệu, rồi lên tiền chục triệu trăm triệu tiền tỷ? Kiểu bỏ con tép bắt con tôm thì có gì lạ đâu, nhử nhử để lùa gà bắt cá thôi mà. Khi thấy mức độ “đầu tư” bị dụ theo kiểu tăng dần tăng dần thì bật đèn đỏ đi thôi, còn chờ gì nữa?
Nói chung, trên đời này nếu đã muốn lừa thì có quá nhiều cách để lừa. Nguyên lý chỉ vài chiêu vậy thôi, cứ đánh vào tham sân si là xong hết. Con người, vì vậy bị lừa là do bản thân lừa bản thân, biết sự thật nhưng vẫn chọn tin vào những giấc mơ không tưởng. Thứ gì trên đời mà không phải là tự thân vận động, có làm thì mới có ăn? Còn để nhìn thấy sự thật thì cũng chẳng khó khăn chi, rèn luyện tư duy phản biện là xong hết. Đó là lý do vì sao tư duy phản biện luôn nằm trong tốp các kỹ năng quan trọng nhất mọi thời đại. Khi ngoài kia lừa đảo quá, khi ngoài kia fake news dữ quá, khi ngoài kia tiếng ồn kinh quá, chỉ có bạn và kỹ năng nhìn ra sự thật mới cứu được bạn mà thôi. Không đổ thừa được ai đâu. Trách nhiệm là ở ta thôi, vì ta đã để cho tạp niệm che mờ khả năng nhìn ra sự thật của chính mình.
Comments