top of page

MỒNG THẤT



Bữa kia, lần đầu tiên nghe được từ mồng thất, nghĩa là ngày không có trong lịch. Ví dụ chờ tới ngày mồng thất là chờ hoài chờ mãi nó chẳng bao giờ đến. Nhưng nghe chữ mồng thất xong thì thích quá, vì nó chẳng hề bị bó buộc bởi một nguyên tắc đo lường hay nguyên tắc xã hội nào. Vậy, chẳng phải là nó hết sức tự do đó sao?


Thế là trộm nghĩ, vậy con người có thể cho mình ngày mồng thất không? Là cái ngày mà mình tự do thoải mái tới đỗi không có chuyện gì, ai, hay bất kỳ sự lu xu bu, ràng buộc nào nó dám làm phiền tới mình, trừ phi mình muốn nó làm phiền. Có lẽ nhiều người trong chúng ta mong muốn có ngày mồng thất lắm, để khỏi phải hớt hơ nhớt hải bươn chải đi làm, rồi lại vội vội vàng vàng mần chuyện gia đình, lo ngoài lo trong, lo riết ngày này tháng nọ chẳng bao giờ hết việc. Nói thiệt đi, có phải ai trong chúng ta cũng mong được thong dong như ngày mồng thất hay không?


Vậy, có bao giờ mình tự hỏi, có cách nào để rước được mồng thất về đội mình không? Chưa thử làm sao biết đúng không? Nếu mồng thất có cách để rước thì, có phải mình sẽ thong dong, nhẹ nhàng, thảnh thơi hơn trong cuộc sống? Ai nghĩ sao không biết, thật ra tôi nghĩ là có cách, vì tôi đã rước rồi, sau bao năm cũng đâm đầu hớt hải như ai kia. Có lẽ bạn sẽ hỏi, làm sao mà rước được, rước về rồi sao nữa? OK, giờ từ từ kể chuyện nha.


Nếu có một điều tôi nghiệm ra sau bao nhiêu năm hớt hải, đó có lẽ là không ai trên đời này cần phải lu xu bu như vậy. Chuyện mình buông tay này bắt tay kia thực ra là lựa chọn của bản thân. Sau một cơ số năm trẻ trâu, làm tối mày tối mặt, nghĩ là mình lúc nào cũng overload, bận rộn ghê gớm và tỏ ra quan trọng mới nhận ra có rất nhiều thứ mình làm khá là ngô ngây, tưởng cứ oh wow lao vào làm là ra ngô ra khoai, nhưng thực tình không phải vậy. Làm gì cũng cần phải tư duy, tập trung và cam kết. Làm nhiều không có nghĩa là giỏi. Làm ít nhưng tạo ra tác động lớn mới thật sự mang lại giá trị. Cũng từ đó, tôi rút ra được cho mình ba nguyên tắc chính trước khi bắt tay vào làm bất cứ việc gì.


Nguyên tắc 1: Dựa vào thế mạnh

Thời còn trẻ, khi có chút thành tích, ai cũng tưởng mình trở thành siêu nhân và có thể làm tất cả mọi thứ trên đời. Làm gì có chuyện cổ tích đời thường như thế? Đời này, làm gì có ai mà giỏi tất cả mọi thứ được? Mỗi người sinh ra trên đời đều có một thế mạnh khác nhau. Ai cũng có thế mạnh cả nhé. Không phải chỉ có người ta mới có còn mình thì không. Nhắc lại là, ai cũng có thế mạnh cả. Việc của mình là phải tìm ra thế mạnh của bản thân. Có người giỏi giao tiếp. Có người giỏi tính toán. Có người giỏi những công việc tỉ mỉ, chi tiết. Có người chỉ giỏi suy nghĩ. Có người chỉ giỏi động tay động chân.


Nếu nói về trí thông minh, thì trên đời này có đến 9 loại trí thông minh khác nhau. Cho nên, ai cũng thông minh theo cách của mình. Trách nhiệm của bạn là, tự mình tìm ra thế mạnh và trí thông minh của mình nằm đâu, rồi cứ vin vào thế mạnh đó mà phát triển hoặc chọn lựa những công việc, dự án, ngành nghề phù hợp với mình. Còn lại, nếu không nằm trong vùng thế mạnh của mình thì đừng có động vào. Giả sử như có tham gia thì cũng ở vai phụ, hỗ trợ người đóng vai chính chứ đừng bò lăn bò càng ra mà làm, vừa mệt vừa đoán chắc phần thấy bại. 


Nguyên tắc 2: Tập trung 

Khi còn tưởng bản thân là siêu nhân, mình sẽ đánh đông dẹp tay, phân thân thành vạn mảnh rồi chuyện gì cũng đụng vào. Làm dàn trải như thế chỉ khiến cho mình mệt mỏi, cạn kiệt, mất nhiều năng lượng, làm nhiều nhưng không sâu, và vì vậy không tạo ra tác động. Ai mà chuyện gì cũng làm, đụng đâu cũng làm nhưng không làm gì ra trò thì làm sao thành công được? Cho nên, sau khi đã chọn những công việc và dự án thuộc thế mạnh rồi thì việc tiếp theo bạn phải làm là tập trung vào một số những công việc và dự án nhất định, tập trung làm cho ra ngô ra khoai, tập trung toàn bộ sức lực, thời gian, trí não của mình cho những công việc đó. Chỉ khi tập trung, quản lý và triển khai chi tiết, theo dõi thật sát sao thì công việc mới thành công.


Đời này, tôi đã nhìn thấy nhiều người làm rất nhiều thứ nhưng không thứ gì ra chuyện gì. Bản thân tôi thời trẻ cũng ham hố như vậy, chuyện gì cũng đụng vào nhưng rất nhiều chuyện hoặc bỏ dở hoặc không thành. Cho nên, đừng cố tỏ ra bận rộn, mâm nào cũng có, cỗ nào cũng hiện diện. Cứ phải tập trung vào những thứ sẽ tạo ra kết quả và tác động trước đã.


Nguyên tắc 3: Tạo ra giá trị thiết thực

Làm gì làm, mình sống được mới tạo ra được giá trị cho người khác. Mình hạnh phúc mới có thể lan tỏa hạnh phúc đó đến mọi người. Mình vững vàng mới có thể giúp đỡ người khác trở nên vững vàng. Giá trị mình tạo ra phải thiết thực cho bản thân rồi mới rộng hơn cho gia đình, cộng đồng và xã hội. Đừng ảo tưởng là mình có thể làm những điều to lớn mang lại giá trị lung linh cho xã hội và cộng đồng trong khi bản thân mình còn lao tâm khổ tứ vì chuyện tồn tại và cơm áo hằng ngày.


Rất nhiều bạn trẻ chia sẻ với tôi rằng, các bạn muốn mang lại những đóng góp to lớn cho đất nước. Tôi thường hỏi, thế em đã cố gắng để trở thành một người giỏi và xuất sắc hay chưa? Khi bản thân mình còn chưa đạt được những giấc mơ và ước vọng cho bản thân thì lấy đâu ra năng lượng, khả năng, thời gian cho một khái niệm mơ hồ tên là đất nước. Cho nên, cứ phải suy nghĩ và thực hiện một cách tạo ra giá trị thiết thực đã, rồi chính sự xuất sắc và thành tích của bản thân sẽ đưa bạn đến những hành trình tạo ra giá trị to lớn hơn ở ngoài kia.


Chỉ là ba nguyên tắc đơn giản vậy thôi. Cũng phải đổ máu và mồ hôi mới nhận ra sau tất cả những sự lu xu bu của một thời trẻ trâu, ngây ngô vô số dại. Nhưng nhận ra rồi thì mình phải học cách sửa chữa, thay đổi để bản thân ngày càng vững vàng hơn. Nhờ vậy, giờ mới có ngày mồng thất, không những là một ngày mà bao nhiêu ngày cũng được theo mong muốn của bản thân. Đời vì vậy cũng nhẹ nhàng và thong dong hơn. Nên mới nói bận rộn hay thông dong âu cũng là lựa chọn của bản thân….

865 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page