top of page
Ảnh của tác giảPhi Vân Nguyễn

MUỐN TĂNG EQ? HÃY BỎ NHỮNG THÓI QUEN NÀY



Con người không phải sinh là tự nhiên người thì dễ mến, người thì khó ưa. Thật ra đó chỉ là những thói quen, là cách ta tiếp cận với thế giới theo cách của mình. Muốn trở nên dễ mến, nghĩa là có EQ cao, giúp ta thành công hơn trong cuộc sống và sự nghiệp, bạn chỉ cần tập những thói quen tốt và bỏ những thói quen xấu. Trong những status trước, tôi đã chia sẻ nhiều những thói quen cần luyện tập để tăng EQ. Hôm nay, chia sẻ với các bạn những thói quen xấu làm ảnh hưởng đến EQ của mình nhé.


1. Name-dropping – khoe khoang về quan hệ: nhiều người chẳng biết có quen những người nổi tiếng hay người có chức có quyền không, nhưng hễ nói chuyện với ai là lại lấy tên tuổi mấy người đó ra hù doạ người ta. Cứ như là họ quen nhiều, quen rộng, có khi còn rất thân với ông này bà kia nữa chứ. Kiểu name-dropping này làm người đối diện bực mình, cho rằng bạn khoác lác và giả tạo. Do đó, có quen lớn là chuyện của bạn. Khi nào cần đến quan hệ đó thì sử dụng chứ không việc gì phải khoe khoang.

2. Emotional hijackings – Không kềm chế cảm xúc: có nhiều người đụng chuyện chút xíu là làm ầm lên. Họ la to, nói lớn, khóc um sùm, làm cho mọi việc rối lên, chuyện nhỏ xé ra to. Người gây chú ý kiểu đó chả ai thích và ít người thích làm bạn với họ, vì sợ không biết khi nào thì bị vạ lây bất ngờ vì sự bất ổn trong cảm xúc của họ.

3. Whipping out your phone – Sử dụng điện thoại khi đang giao tiếp: con người ai cũng muốn được chú ý. Khi đang nói chuyện với ai mà bạn cứ lấy điện thoại ra check hoài, điều đó có nghĩa là bạn chẳng chú ý tới người ta, không quan tâm đến câu chuyện, và chẳng hứng thú gì với quan hệ đó. Người đối diện sẽ cảm thấy bị xúc phạm, bị coi thường, và dĩ nhiên là không muốn tiếp tục xây dựng quan hệ tốt hơn với bạn.

4. Having a closed mind – Tư duy đóng: người có tư duy đóng rất là bảo thủ. Họ chỉ tương tác với thế giới qua cách nhìn của chính mình, không dung dị ý kiến hay quan điểm của người khác, không thích học hỏi và thay đổi. Người như vậy chẳng ai dám nói chuyện và thích làm bạn. Nói gì ra cũng bị phản bác theo cách nhìn của họ, giới hạn của họ thì câu chuyện chỉ có một chiều. Một chiều thì không cần tương tác, chỉ cần ngồi im lắng nghe. Vậy thì làm gì có đối thoại và quan hệ.

5. Not asking enough question – Không đặt câu hỏi: con người có thói quen tập trung vào mình. Do đó khi đối thoại, ta hay suy nghĩ xem mình cần phải nói gì tiếp theo, nói thế nào, vv. Khi ở trong tình trạng này, bạn không lắng nghe tích cực. Vì vậy, thường là bạn không hiểu hết ý của người đang nói, hoặc tệ hơn là hiểu sai ý. Đây là điều tối kỵ trong giao tiếp. Không biết người ta nói gì thì làm sao có một cuộc đối thoại sâu và ý nghĩa?

6. Being too serious – Quá nghiêm trọng: người có nhiều đam mê, nhiệt huyết thường làm cho người khác dễ yêu mến. Ở gần họ ta cảm thấy nhẹ nhàng, vui vẻ, thoải mái, và được lan truyền cảm hứng. Họ làm cho công việc sao thấy dễ dàng. Họ làm cho mọi thứ trở nên hết sức vui vẻ, và thế là ta thích họ. Ngược lại, người lúc nào cũng nghiêm trọng làm cho không khí chùng xuống, không gian đóng băng, con người mệt mỏi. Nhiều khi nghiêm trọng thôi chứ chẳng có ý đồ xấu gì, nhưng gây mệt mỏi cho người đối diện. Hãy cười. Hãy trêu chọc người khác cho vui. Hãy kể chuyện tếu lâm. Hãy tìm những việc rất nhỏ để làm cho mọi người thoải mái. Có như vậy, bạn mới tạo ra môi trường tích cực cho mọi người gần với nhau hơn.

7. Gossiping – Bà tám: người rảnh quá suốt ngày cứ đi nói chuyện người khác, tám đủ thứ chuyện tào lao, nói xấu người này người kia. Trừ phi bạn cũng là bà tám, người khác thường tránh gặp gỡ những bà tám này vì mất thời gian, tiêu cực và chẳng mang lại lợi ích gì.


Nếu có một trong những thói quen hại EQ trên, có khi ta nên dừng lại và nghĩ cách thay đổi nó. Cuộc sống là hành trình thay đổi bản thân, phát triển bản thân cho ta tốt hơn một chút mỗi ngày. Và tất cả bắt đầu từ bạn.

176 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comentários


bottom of page