Nếu tính số lần làm thủ tục sân bay trong hành trình bay nhảy của 20 năm qua, không cần làm phép tính tôi cũng biết mình dừng chân ở Singapore nhiều nhất. Có một thứ cảm giác “thở phào nhẹ nhõm” không thể tả được mỗi khi dừng chân ở đất nước này. Mọi thứ đều dễ dàng. Mọi thứ đều dễ dàng hơn rất rất nhiều, từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn, từ chuyện đơn giản cho đến chuyện cực kỳ phức tạp.
Không có mới phải cố!
Mặc dù tổng diện tích cả nước không đến 2.3% Việt nam, hay chỉ bằng 0.04% tổng diện tích của quốc gia có diện tích lớn nhất trên thế giới (Nga), nhưng Singapore đã làm cho ai ai cũng phải nhìn thấy tên mình trên thế giới. 9 năm liền, Singapore dẫn đầu bảng xếp hạng quốc tế là nước tạo điều kiện kinh doanh dễ dàng nhất do Ngân Hàng Thế Giới (World Bank) bình chọn.
Nói đến cái họ “không có” thì vô số kể, không có đất, không có nhiều dân, không có thị trường lớn, không có tài nguyên khoáng sản…. Họ cũng đã bắt đầu như nhiều người trong chúng ta, với hai bàn tay trắng! Rồi tháng 8/2015 họ đón mừng sự kiện trọng đại SG50, 50 năm vàng son đưa Singapore từ “không có” thành “cái gì cũng có”.
Box: Singapore có thu nhập bình quân đầu người cao nhất tại khu vực châu Á và xếp hạng thứ 3 trên toàn thế giới
Cái hồi mấy năm ’90 khi mới bắt đầu đi làm trong ngành khách sạn, cứ thấy mấy anh Singapore là xách dép bỏ chạy. Họ nổi tiếng là dân hay phàn nàn. Ui trời! Chuyện nhỏ như con thỏ mà cứ phải phàn nàn. Tính người Việt nam mình thì vốn hay xuề xoà, chuyện lớn chuyện nhỏ gì cũng cho chìm xuồng được hết. Từ đó đâm ra khó chịu. Từ đó đâm ra ghét cay ghét đắng cái đồ Singapore coi người Việt như cỏ rác. Sau này con ếch đi ra thế giới rồi, con ếch mới hiểu Singapore là một trong những dân tộc làm việc hiệu quả nhất. Nói có sách mách có chứng. Theo Euromonitor, Singapore dẫn đầu châu Á và đứng thứ 5 trên thế giới về hiệu quả lao động tính bằng GDP trên đầu người đang làm việc. Thống kê năm 2013 cho thấy con số này tại Singapore là 133.381 đô la Mỹ, cao hơn nhiều so với nước xếp hạng thứ 2 tại châu Á là Brunei, 89.161 đô la Mỹ. Việt nam? Dưới 5.000 đô la Mỹ, nghĩa là hiệu suất lao động đầu người của mình chỉ bằng khoảng 3.75% một người Singapore. Một người súp-pờ hiệu quả, khi phải tương tác trong một môi trường còn chưa hiểu định nghĩa của chữ hiệu quả, chuyện gì sẽ xảy ra? Không nổi cáu thì mới là chuyện lạ!
Nhân cái chuyện nổi cáu này, tôi cũng xin “phàn nàn” một chút. Cái sự hiệu quả mà người Singapore có được là nhờ đầu tư phát triển con người. Nhưng điều đó không có một chút nào đồng nghĩa với việc ngồi há hốc nghe thầy cô nói nói, phán phán ở trên bục giảng hết. Muốn hiệu quả là phải có kỹ năng - kỹ năng tổ chức, kỹ năng phân tích và nghiên cứu, kỹ năng nhận định và giải quyết vấn đề, kỹ năng quản lý quỹ thời gian, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc đội nhóm, vv và vv…. Nói nghe có vẻ như là hơi quá đáng. Nhưng mỗi khi nhận một bạn sinh viên mới ra trường vào làm việc, tôi phải bắt đầu như thế này: “Chuyện đầu tiên em nên làm là quên hết những gì xảy ra trong mấy năm đại học đi. Trong năm đầu tiên này, chị nuôi em ăn học.” Nhà trường chẳng hiểu dạy cái chi chi. Các em khi bước ra đời, một mảnh kỹ năng hội nhập cũng không có mà vắt vai. Đến cái chuyện sắp xếp lịch làm việc làm sao cho hợp lý trong một ngày, làm gì trước làm gì sau cho hiệu quả mà cũng lơ tơ mơ. Hỏi làm sao mà mấy anh Singapore không cáu?
Sự thật thì mất lòng. Nhưng nếu không nói thật ngày hôm nay thì còn đợi đến bao giờ nữa? Nghĩ lại chuyện ghét mấy anh Singapore mà mắc cỡ. Cũng vì thiếu cái tầm nhìn. Cũng vì thiếu kiến thức mới đâm ra như thế. Bởi vậy tôi khuyên các bạn trẻ nên khiêm tốn mà học hỏi. Tập trung vào việc rèn luyện kỹ năng. Người ta nhận mình vào làm thì nên biết ơn, vì người ta thực tế là đang nuôi mình ăn học đó.
Bạn có biết?
Singapore là trung tâm tài chính lớn thứ 4 trên thế giới, chỉ sau London, New York, và Hongkong.
Ảnh: khu trung tâm tài chính Singapore (Singapore Financial District)
Trở lại câu chuyện của Singapore, khi không có gì trong tay, người ta phải làm sao nhỉ? Và Singapore đã làm gì để biến không thành có?
Với tầm nhìn trở thành trung tâm thương mại của châu Á từ hai bàn tay trắng, Singapore biết rằng chuyện duy nhất họ có thể làm là xây dựng năng lực của bản thân, biến đất nước và con người Singapore thành đỉnh cao của sự hiệu quả, thành cửa ngõ của cái khu vực mang tên châu Á. Và họ đã làm được điều đó. Hàng hoá từ các nơi trên thế giới cứ thế đổ về Singapore trước khi được tái xuất đi các nơi khác trong khu vực. Năm 2014, tỷ lệ xuất khẩu trên GDP của Singapore là 133%, trong khi tỷ lệ trung bình của cả châu Á chỉ ở mức 20%.
Ảnh: Khu công viên Gardens by the Bay rộng 101 héc ta chứa 3 vườn sinh thái với nhiều hoa cỏ lạ trên khắp thế giới.
Trích chương 3 - Châu Âu giữa lòng châu Á - Quảy gánh băng đồng ra thế giới - Tác giả: Nguyễn Phi Vân
Comments