Mình làm thứ gì trong đời, dù làm kinh doanh làm thuê, làm freelance, hay làm chuyên gia đi chăng nữa thì cũng có lúc sẽ rơi vào tình trạng bị stuck. Đây là trạng thái bình thường xảy ra khi có quá nhiều biến động trong các cấu phần tạo nên sự suôn sẻ cho những việc đang làm. Có khi, tác động đến từ bên ngoài, ví dụ như thị trường đang xuống, kinh tế đang suy thoái, hành vi người tiêu dùng thay đổi, cạnh tranh ngày càng khốc liệt, Ảnh hưởng của công nghệ làm thay đổi thị trường lao động, vv. Có khi biển động đến từ bên trong, ví dụ như biến động về nhân sự, sự cố xảy ra với khách hàng, bị đối thủ chơi xấu, mô hình kinh doanh không còn phù hợp với sự thay đổi của thị trường, ảnh hưởng về tâm lý và mong muốn của founder, vv.
Dù là gì, tất cả đều chịu ảnh hưởng của lý thuyết về vòng đời. Không có việc gì trên đời này mà suôn sẻ hoài hoặc khó khăn mãi được. Sông có khúc, người có lúc là như thế. Khi lên voi thì cũng có khi xuống chó là như thế. Tất cả chỉ để thể hiện một chân lý vĩnh hằng của vũ trụ này, không có gì vĩnh cửu. Biến động là đương nhiên. Không có biến động này thì sẽ có biến động khác. Không có thay đổi này thì sẽ có thay đổi khác. Làm gì có chuyện mọi thứ sẽ cứ vẫn mãi như nó là. Làm gì có chuyện tốt hoài hay tệ hoài cho được. Cho nên, trừ phi bạn chọn dừng lại hay bỏ cuộc thì thôi. Còn khi bạn vẫn còn muốn tiếp tục và cam kết với hành trình và đích đến thì, ai cũng phải học cách tư duy như nước.
Nước là thứ rất gần gũi với chúng ta hằng ngày nhưng cũng rất ít khi được chúng ta để ý. Thông thường thì, những thứ quá gần gũi, quá đời thường, quá dễ tiếp cận hay bị người đời take it for granted - xem như chuyện hiển nhiên. Vì là hiển nhiên nên không biết học cách trân trọng. Vì là hiển nhiên nên ít khi quan sát, tìm hiểu và khám phá cái hay của nó. Nước chẳng có hình hài gì cả nhưng có thể linh hoạt ở mọi hình hài. Nước chẳng bao giờ bị stuck, không chảy được đường này thì sẽ len lỏi đường kia. Nước chẳng bao giờ dừng lại vì chẳng có gì ngăn cản được. Nó luôn có cách của nó, bằng đường này hay cách khác, dưới hình hài này hay hình dạng khác, với tốc độ này hay tốc độ khác.
Nếu tư duy của chúng ta cũng như thế thì sao nhỉ? Phải chăng chúng ta cũng sẽ không bao giờ bị tắc, sẽ luôn tìm ra cách, không phân biệt hình hài, không chấp niệm vào bất cứ lối mòn nào? Trong thời thế bất định như hiện nay, nếu cứ phải vin vào lịch sử, trói buộc vào cách làm cũ, cứng nhắc trong suy nghĩ quá khứ thì có lẽ rất khó để làm bạn với tương lai. Sáng tạo vì vậy là phẩm chất tối quan trọng cho hành trình phía trước. Mà đã muốn sáng tạo thì không ai có thể giam mình trong bất kỳ bộ khùng nào cả, dù đó là bộ khung đã mang bạn đến thành công. What gets you here won’t get you there - Thứ đưa bạn đến thành công hôm nay không chắc sẽ là thứ sẽ mang bạn đến thành công tương lai. Sự thật nghiệt ngã là như thế. Nếu muốn làm bạn với tương lai, tất cả chúng ta đều phải học cách nhận thức và chấp nhận hiện thực này.
Có khi, trong trạng thái bị tắc, bạn nên tìm đến gần hơn với nước để quan sát cách nó vận hành. Ở đó, nước có thể truyền cảm hứng cho bạn suy nghĩ khác đi, linh hoạt hơn, sáng tạo hơn, cỡ nào cũng xử được hơn. Ban đầu, rèn tư duy này không dễ. Nhưng nếu bạn kiên trì, nhẫn nại và quyết liệt từ ngày này sang ngày khác thì, không có việc gì làm khó được bạn. Rèn mãi, luyện hoài rồi sẽ có lúc tư duy như nước nó trở thành thói quen của bạn, trở thành phẩm chất của bạn. Ở đó, bạn chẳng bao giờ stuck nữa. Hoặc nói đúng hơn là, bạn biết chắc sẽ luôn có cách để hóa giải trạng thái bị stuck hay những dạng thể vấn đề có vẻ như không cách nào giải quyết nổi. Điều này cũng đồng nghĩa với việc bạn phải học cách chia tay với những bám trụ của chính bản thân mình. Trụ có thể chính là thành công của bạn, có khi là điều bạn đang dựa vào, đôi lúc là những thứ có thể đi ngược lại với hiểu biết bao lâu nay của chính bạn. Sự bám chấp này phần lớn khởi nguồn từ chính chúng ta. Cũng vì thế, không dễ để có thể thay đổi những thói quen và niềm tin cũ.
Ai cũng nói và nghĩ rằng mình rất open-minded - có tư duy mở. Nhưng thường thì mình chỉ có thể chấp nhận chuyện khó chấp nhận xảy ra với người ta, rất ít khi chịu chấp nhận khi nó là vấn đề của chính bản thân mình. Này gọi là tư duy mở có điều kiện, hay nói cách khác là, nước chỉ chảy khi bạn mở vòi, theo mong muốn của bạn, dưới sự kiểm soát của bạn. Nếu vậy thì ta đang nói đến nước bị giam bị cầm, không một chút như ý, chẳng một chút tự nhiên. Tự do trong khuôn khổ à? Sáng tạo theo quy định ư? Hay tư duy mở trong một không gian có kiểm soát?
Con người chúng ta ai cũng có thiên kiến, định kiến, hệ niềm tin đã xây dựng qua năm tháng, kinh nghiệm và trải nghiệm thành công thất bại, hạnh phúc đau khổ khác nhau. Bộ dữ liệu này đưa chúng ta vào khuôn khổ của những điều có thể và không thể. Ít khi chúng ta tự hỏi mình, tại sao cứ phải là như vậy? Có cách nào khác không? Ngược lại thì thế nào? Không như thế có được không? What if - nếu khác đi thì sao? Nếu không giống gì với tất cả những thứ chúng ta đã từng quen thuộc thì sao? Nếu nước luôn tìm được cách, liệu con người có luôn tìm được cách không?
Hỏi qua hỏi lại, hỏi tới hỏi lui thì cũng chỉ là ta tự hỏi mình. Câu trả lời cũng là bản thân tự tìm ra, không ai khác. Nhưng nếu đã quyết tâm luyện môn tư duy như nước thì, ắt có ngày sông sẽ đổ về rồi biển cả bao la….
Cảm ơn cô ạ bài viết rất hay👍
Con cảm ơn bài viết của cô ạ. Mỗi lần con chông chênh thì cô cứ như ngọn đèn soi sáng cuộc đời con. Con chúc cô có thật nhiều sức khoẻ ạ.
👍