top of page

​Kết quả

Đã tìm thấy 309 mặt hàng cho ""

  • Thành công là định nghĩa rất cá nhân

    Recipe for success - Công thức thành công? Đời này, mình nghe nhiều công thức thành công lắm. Có những thứ to bự hoành tráng, được trình bày trong phòng họp sang trọng, nhiều sao. Có những thứ chói chang màu sắc huênh hoang, ngã mạn của kẻ vừa cào đầy, kéo đủ. Có những câu chuyện nặng mùi ép phe, chụp giật. Cũng có những công thức bén mùi thời thế, rủi may. Nhưng cũng có nhiều câu chuyện đậm sắc màu giá trị, nhân văn, và đương nhiên có câu chuyện không vướng mùi tiền nhưng lại chạm vào những linh hồn khát khao, thổn thức. Cho nên, thời kiểu gì, người kiểu nào thì công thức thành công sẽ rất khác nhau. Làm gì có mẫu số chung cho những bài toán mà input đầu vào hoàn toàn khác nhau như thế. Thời thế khác. Hoàn cảnh khác. Xuất phát điểm khác. Giá trị cốt lõi khác. Giấc mơ khác. Khả năng khác.... Tất cả đều là biến số. Làm sao gán công thức thành công của người này người nọ cho mấy người kia? Và thành công được định nghĩa ra sao? Mỗi người lại vẽ thế giới bên kia cầu vồng rất khác. Thành công, theo công thức và truyền thông của xã hội khác, theo mong muốn của từng cá nhân lại khác. Cho nên, ta có thể chạy theo số đông, sống theo áp lực bầy đàn, show thành công theo góc nhìn của họ. Hoặc, ta có thể lựa chọn là mình, hạnh phúc với khái niệm “thành công” của cá nhân mình, mặc kệ họ nghĩ sao. Lựa chọn, là ở ta thôi. Lựa chọn nào cũng OK. Có điều, khi đã lựa chọn rồi, thì nên tự chịu trách nhiệm về lựa chọn của chính mình. Đừng có nghĩ một đằng, làm một nẻo. Đời, có công thức nhưng chưa bao giờ là công thức. Hành trình của người khác chỉ có thể là điểm tựa reference - tham khảo cho những thế hệ đi sau. Công thức là do mỗi người tạo ra cho hành trình cá nhân của bản thân mình. Đừng đúc i sì công thức của họ vào cuộc đời mình. Cũng đừng đúc i sì công thức đời mình vào cuộc đời của một ai đó khác. Recipe for success - công thức thành công của ai người đó tự "eureka!" khi tìm thấy. Và hành trình tìm ra công thức của chính mình có khi còn hào hứng hơn là công thức được tìm ra.... Định nghĩa thành công của Bill Gates... và chẳng liên quan gì đến tiền bạc hay quyền lực Mỗi người chúng ta định nghĩa “thành công” khác nhau, nhưng rất nhiều người Việt Nam tôi gặp đều đo sự thành công bằng những thứ rất “sừng sững” như tiền, chức vị, danh vọng, hay quyền lực…. Hôm trước đọc một bài phỏng vấn Bill Gates và ông định nghĩa thành công là “making a difference and taking care of the people closest to you – tạo ra sự khác biệt cho thế giới và quan tâm chăm sóc người thân”. Ông ví dụ về việc tạo ra sự khác biệt như “inventing something or raising kids or helping people in need – sáng tạo ra cái gì đó mới, nuôi trẻ thành người, hay giúp đỡ người khác”. Tôi đặc biệt thích định nghĩa này về sự “thành công”. Bản thân đã bôn ba khắp các phương trời, hôm trước được người ta đưa đón bằng limo về khách sạn 5 sao tại Dubai, hôm sau xắn quần lội mưa ở Cà mau, ngồi ngoài đường ăn mỳ gói chờ đến giờ nói chuyện với sinh viên trường đại học. Nếu hỏi tôi sung sướng nhất, hạnh phúc nhất là gì, đó là khi bạn nhìn thấy một ánh mắt đang sáng dần lên vì tìm được cho mình một hướng đi mới trong đời. Trong một buổi chia sẻ về bí mật Ra Thế Giới, tôi có nói “Đừng nhìn người khác như cơ hội. Khi bạn chỉ nhìn thấy cơ hội, bạn sẽ chẳng đi xa. Hãy nhìn bằng trái tim và thấy một con người cần được quan tâm, giúp đỡ. Hãy sống bằng cái tâm bất vụ lợi, kết nối và giúp người. Rồi mọi thứ khác sẽ tự động đến mà thôi. Bí mật? Không có bất kỳ bí mật nào!” Make a difference – Hãy tạo ra một sự khác biệt cho mọi người xung quanh, cho cộng đồng mà bạn đang thuộc về, cho xã hội. Đó chính là điểm khởi đầu của một hành trình vươn đến “thành công”. Bạn có thể nghe lại bài học tại đây:

  • Nội lực là gì?

    Đến đây chúng ta đều hiểu rằng thành công đến từ sự dựa dẫm của ta vào chính bản thân ta, không ai khác. Và người thành công là người tìm ra, nuôi dưỡng và phát huy được nội lực của mình, chứ không từ trợ lực vay mượn từ bất kỳ nguồn nào khác. Vậy câu hỏi đặt ra là: "Nội lực là gì? Làm sao để xây dựng nội lực?" Đã gọi là nội lực, thì nó không đến từ bên ngoài, không phải là kiến thức kỹ năng ta nạp vào, không phải là năng lượng ta vay mượn từ sự truyền cảm hứng của ai đó, mà nó là sức mạnh vô song của sự tự nhận thức, của sự chuyển hoá và tin tưởng tuyệt đối vào năng lực bản thân trong mọi hoàn cảnh, trường hợp. Người xây dựng được nội lực sở hữu những năng lực sau: Nhận thức được cách vận hành của thế giới bên ngoài Hiểu & chuyển hoá bản thân Quản trị được bản thân Tự tin và phát huy tiềm năng vô tận của bản thân 1. Hiểu cách vận hành của thế giới bên ngoài Người có nội lực nhận thức rất rõ rằng tất cả những qui định, áp chế, luật lệ từ thế giới bên ngoài chưa chắc đã tốt, chưa chắc đã đúng, chưa chắc đã phù hợp với thế giới nội tâm và con người thật của mình. Ví dụ, ba mẹ nói rằng phải học đại học ngành kinh tế mới có tương lai chẳng hạn. Niềm tin này được sinh ra từ hiểu biết, hoàn cảnh hay niềm tin được truyền lại từ trước của ba mẹ, và giờ đây nó được truyền tiếp sang cho bạn. Nhưng niềm tin này hoàn toàn không đúng. Có rất nhiều ngành nghề khác nhau tương ứng với đam mê, thiên hướng của bạn và rất có tương lai. Nếu bạn tin vào niềm tin được truyền tải lại này, rồi chọn học đại học ngành kinh tế trong khi bạn hoàn toàn không yêu thích nó, bạn sẽ trải qua thời kỳ khủng hoảng học không nổi vì quá chán, quá thiếu động lực, ép buộc bản thân làm điều mình hoàn toàn không yêu thích hay là thế mạnh. Bạn có thể cảm thấy bất lực, thất chí, và muốn buông bỏ tất cả để chạy trốn. Bạn sợ hãi không biết phải đối diện sao với bản thân, với ba mẹ, với xã hội. Có khi, bạn sẽ cố gắng vượt qua được, tốt nghiệp rồi đi làm, nhưng thật ra chỉ tồn tại cho qua ngày chứ không hề sống. Có khi bạn trôi lơ ngơ như thế 10 năm, 20 năm, làm tất cả nghĩa vụ và biểu hiện "tiêu chuẩn" của xã hội cho gia đình vui lòng, nhưng sâu bên trong bạn đã "chết". Khi hiểu được nguyên lý và cách vận hành này của thế giới bên ngoài và tác động của nó lên bản thân, bạn sẽ dành thời gian đi vào sâu bên trong, tìm hiểu những giá trị, niềm tin, thiên kiến định kiến cá nhân bị tạo nên bởi sự nhồi nhét ép buộc của thế giới bên ngoài. Bạn cũng tìm hiểu xem những hệ thống du nhập từ bên ngoài này đã ảnh hưởng đến cách bản thân vận hành, đưa ra quyết định, lựa chọn và nhận lãnh cảm xúc. Khi hiểu được những "nút thắt" khiến cho bản thân vận hành một cách auto pilot - theo chế độ không người lái, nghĩa là chỉ ngoan ngoãn đi theo sự sắp đặt sẵn có của những bộ luật của thế giới bên ngoài, bạn sẽ biết rất rõ cách để chuyển hoá bản thân và nhờ đó mà tạo ra nội lực. 2. Hiểu và định hướng chuyển hoá bản thân Sau khi đã hiểu tác động của thế giới bên ngoài, bạn sẽ sẵn sàng để "giải phóng" bản thân khỏi mọi sự đô hộ của nó, và bắt đầu hành trình chuyển hoá bản thân, lấy lại tự do và chủ quyền để lèo lái cuộc đời của chính mình. Bạn sẽ cần quyết tâm, cần sự kiên trì rèn luyện để xoá bỏ những thói quen auto pilot trước đây, sẽ cần tư duy suy nghĩ và nhận thức, phản tư về mọi hành vi, cảm xúc vô minh của mình hàng ngày hàng giờ và luyện tập thói quen mới để thay đổi nó. Điều này đòi hỏi một quá trình thay đổi, buông bỏ, hiệu chỉnh, xây dựng thói quen mới liên tục và kiên định. Nhưng khi bạn đã hiểu cách thế giới bên ngoài vận hành, cách bộ não của mình vận hành theo kiểu auto pilot, bạn sẽ hiểu và định hướng được đâu là sự chuyển hoá cần thiết mà bạn cần kiên tâm theo đuổi. 3. Quản trị bản thân Khi đã có mục đích và định hướng chuyển hoá bản thân rồi, thì bạn cần một cái la bàn, một cái bản đồ để chuyển hoá. Bản đồ này gọi là hành trình "quản trị bản thân". Bạn sẽ phải học gì, rèn luyện gì, ra sao để bản thân mình quản trị được bản thân mình, tránh cho bản thân rơi ngược lại vào tình trạng bị "chăn dắt" một cách tự động bởi quá khứ, bởi thế giới bên ngoài, bởi sự vận hành dựa trên cách tiếp cận tìm kiếm và ngăn ngừa "rủi ro" của não. Bản đồ này tôi đã soạn thành khoá học Self-management - Quản trị bản thân trên blog sẵn cho bạn. Nếu chưa học, bạn cần dừng lại ở đây, quay về học khoá đó trước khi tiếp tục khoá học này. 4. Tự tin và phát huy tiềm năng vô tận của bản thân Đây là giai đoạn gặt hái thành công với niềm vui, nguồn năng lượng, và hạnh phúc bất tận. Khi đã qua 3 giai đoạn trên, bạn sẽ không còn bị ảnh hưởng của bất kỳ điều gì xảy ra bên ngoài, dù đó là khuôn mẫu của xã hội, sự dẫn dắt của đám đông, hay lời nói, hành động, sự khen chê, cảm xúc vô tội vạ của bất kỳ ai khác. Thế giới bên ngoài dù có ra sao, dù nắng hay mưa, an lành hay giông bão, dù có Covid hay bất kỳ rủi ro nào khác, tất cả cũng chỉ là thế giới bên ngoài, và nó hoàn toàn không tác động được gì đến thế giới bên trong. Dù gió to sóng lớn ở ngoài kia, trong này bạn vẫn an yên, bình tâm, ung dung tự tại. Đây là lúc bạn hoàn toàn dựa dẫm vào chính mình, vào chính khả năng giải quyết vấn đề khi nó xảy đến với mình, vào tiềm năng vô giới hạn của bản thân mình. Ai cũng sở hữu tiềm năng vô giới hạn. Khác chăng là có người kích hoạt được nó có người không. Nhưng muốn kích hoạt được nó, bạn cần phải trải qua 3 giai đoạn trên mới có thể release - giải phóng được tiềm năng vô giới hạn sẵn có trong con người bạn. Khi bạn hiểu ra, điều khiển và phát huy được tiềm năng vô giới hạn của bản thân, đó là lúc bạn có nội lực, và không còn gì trên đời này có thể ngăn cản một khi bạn đã chọn làm điều gì đó cho bản thân hay cho cộng đồng. Bất kỳ điều gì bạn đã chọn để làm theo mục đích và giá trị của bản thân mình, bạn đều sẽ làm cho thành công rực rỡ. Bạn có thể nghe lại bài học tại đây:

  • Học hiệu quả

    Dù bạn là học sinh, sinh viên, người đi làm hay doanh nghiệp, tất cả chúng ta đều phải làm một việc giống nhau, life-long learning - xây dựng thái độ học cả đời. Nếu đã nói thế kỷ 21 là bất định, khi mọi khái niệm và trật tự bị tái định nghĩa bởi công nghệ, học chính là chìa khoá để hội nhập. Nhưng thời gian thì chẳng ai có nhiều. Do đó, hiểu cách bản thân học hiệu quả nhất là điều cực kỳ quan trọng đối với từng cá nhân. Trước đây khi làm việc cho tập đoàn tại Úc, tôi thường dự nhiều khoá huấn luyện theo chương trình công ty. Đồng thời, cũng được huấn luyện khoá Train-the-trainer, nghĩa là tập huấn kỹ năng huấn luyện. Thường thì, việc đầu tiên chúng tôi được tập huấn, luôn luôn là cách học. Mỗi người chúng ta học rất khác nhau. Có thể bạn học khi nghe, nhưng chưa chắc người kế bên đã thế. Đối với người học, bạn cần hiểu để chọn đúng khóa học phù hợp với bản thân mình. Đối với người huấn luyện hay giảng dạy, nên cân nhắc xây dựng bài giảng sử dụng nhiều phương pháp tiếp cận khác nhau, hỗ trợ nhiều cách tiếp thu khác nhau cho lớp học. Và nên nhớ là, không phải chỉ có giáo viên mới dạy, người đi làm rất thường phải huấn luyện cho nhân viên, đối tác của mình. Do đó, kỹ năng huấn luyện là kỹ năng cực kỳ quan trọng cho người lãnh đạo. Bạn suy nghĩ xem mình thuộc tuýp nào nhé: 1. Visual leaners – Học qua hình ảnh: tuýp này học tốt nhất khi tiếp cận với các dạng hình ảnh như biểu đồ, bản đồ, ngôn ngữ hình thể. Nhóm này khi nhìn thấy chữ quá nhiều, quá dài, hay phải nghe giảng bài mà nói nhiều quá, họ sẽ trở nên khó chịu và mất hứng học. Đối với tuýp này, bài huấn luyện cần câu chuyện, biểu đồ, sử dụng màu sắc để làm nổi bật những điểm quan trọng. 2. Aural/auditory learners – Học khi nghe: tuýp này học tốt nhất khi lắng nghe chỉ dẫn và thảo luận. Nhóm này, khi tiếp cận hình ảnh không liên quan lắm hay bị yêu cầu làm thử hoạt động gì mà họ không quen, chưa hiểu thì trở nên khó chịu. Đối với tuýp này, cần hỏi nhiều câu hỏi, giải thích cặn kẽ để giúp họ có căn cứ tìm hiểu những ý tưởng mới và ghi nhớ những điểm chính của vấn đề. 3. Read/Write learners – Học qua đọc viết: tuýp này học tốt nhất khi đọc và ghi chú. Đối với nhóm này, nếu thảo luận dài dòng không ghi chú, hay phải ngồi xem demo mà không có bản thuyết minh, họ sẽ chán và quên hết. Đối với tuýp này, phải có phát hand-out, nghĩa là các ý tưởng chính hay biểu đồ được in ra để giúp họ ghi nhớ, và nên cho họ thêm tài liệu về nhà đọc. 4. Kinesthetic learners – Học khi làm: tuýp này học tốt nhất khi được thực hành. Cho đọc hay nghe mà không có ví dụ cụ thể họ sẽ chẳng thể nào học vô. Đối với nhóm này, nên cho thực hành, tạo nhiều hoạt động, dự án thật. 5. Multimodal leaners – Học qua sự kết hợp: nếu bạn không có một cách học nhất định nào như 4 loại trên, bạn thuộc dạng tổng hợp, nghĩa là bạn cần sự kết hợp của những cách tiếp cận trên để học tốt nhất. Người thuộc tuýp này cần tìm hiểu mình nghiêng về hình thức tiếp cận nào nhiều hơn để đỡ mất thời gian xử lý thông tin giống nhau bằng nhiều cách khác nhau. Dù bạn đang học hay đang dạy, hiểu mình học thế nào và hiểu người khác học thế nào sẽ giúp bạn học và dạy hiệu quả nhất. Cho nên, có nhiều khi người ta không tiếp thu được chẳng phải vì người ta dở. Có khi, là do cách tiếp cận của người đứng lớp chưa hiệu quả.

  • 9 điều không an toàn sẽ giúp bạn thành công

    “Vùng an toàn” là nơi ta quá thoải mái, không áp lực, nên vì vậy chẳng thể tạo ra thành tựu lớn nhỏ gì. Não bộ con người măc định là ta chẳng có nhu cầu hành động cho đến khi ta cảm thấy stress hay không thoải mái. Trên thực tế, thành tựu cao nhất mà con người đạt được thường là khi họ hoàn toàn ở ngoài vùng an toàn của bản thân. Chẳng phải làm những gì to tát như leo núi hay vượt đại dương. Thử 10 điều sau đây, những thử thách nho nhỏ đẩy bạn ra khỏi vùng an toàn xem sao nhé: 1. Get up early – Dậy sớm: trừ phi bạn đã là người quen dậy sớm, dậy sớm là một thử thách lớn đối với nhiều người. Khi dậy sớm, bạn có đủ thời gian để chuẩn bị tinh thần cho cả ngày. Dậy trễ và phải lo tất bật ngay cho hoạt động trong ngày khiến bạn dễ mất tập trung. 2. Accomplish an “impossible” – Thực hiện một “điều không thể”: khi thực hiện một điều tưởng chừng như không thể, bạn sẽ có được cảm giác “bất khả chiến bại”, và cảm gíac đó sẽ đi theo bạn suốt đời, giúp bạn tự tin làm được nhiều thứ hơn trong cuộc sống. Không có gì lớn lao. Nếu bạn sợ nói chuyện trước đám đông chẳng hạn, bạn chỉ cần lấy hết sức mình làm thử “điều không thể” này một lần. Điều kỳ diệu sẽ xảy ra. 3. Meditate – Thiền: loay hoay trong cuộc sống, nhiều khi ta quên chậm lại, quên nhìn lại xem mình đang làm gì và tại sao mình lại làm điều đó. Thiền chỉ là một cách tĩnh tâm, giúp bạn phá bỏ vòng tròn loay hoay này, giúp não bộ tập trung. Trên thực tế, nghiên cứu khoa học đã chứng minh là thiền giúp có thể làm gia tăng tế bào não khu vực quản lý về sự tập trung, kềm chế bản thân, giải quyết vấn đề, khả năng linh hoạt, và khả năng chịu đựng. Những thay đổi này của não bộ mang tính lâu dài và giúp bạn thay đổi được chính mình. 4. Focus on one thing at a time – Tập trung vào 1 việc: tập trung vào 1 việc có thể rất không thoải mái vì bạn sợ trễ hay sợ lỡ những việc khác. Nghiên cứu tại đại học Stanford cho thấy làm nhiều việc cùng một lúc (multi-tasking) không hiệu quả bằng việc tập trung hoàn thành 1 công việc. Nghiên cứu cũng cho thấy những người bị nhiều luồng thông tin chi phối không thể tập trung, khả năng ghi nhận thông tin kém, không thể chuyển sang tập trung vào một việc khác trong danh sách cần làm trong ngày. Do đó, bạn nên tập trung vào 1 công việc, hoàn thành tốt công việc đó, rồi chuyển sang xử lý việc tiếp theo. 5. Volunteer – Xung phong tham gia các hoạt động xã hội: đây là một trải nghiệm có ảnh hưởng rất tích cực đến việc phát triển bản thân và quan hệ cho bạn. Thử nhìn xung quanh xem, có ai tham gia hoạt động xã hội mà không biểu hiện thay đổi tích cực sau đó không? 6. Practice public speaking – Tập nói chuyện trước công chúng: rất rất nhiều người sợ chết khiếp khi nói đến việc đứng trước đám đông trình bày bất kỳ vấn đề gì. Nghiên cứu cho thấy 74% người trên thế giới bị nỗi sợ này ám ảnh. Đúng là có chút khó khăn và thử thách vì điều này vượt quá vùng an toàn của mỗi người. Nhưng khi đã làm được, bạn sẽ cảm thấy một núi năng lượng và một đại dương tự tin đổ vào người bạn. Thử một lần xem sao. 7. Talk to someone you don’t know – Tiếp cận và nói chuyện với người không quen biết: tôi biết điều này vô cùng không thoải mái. Nhưng bạn phải vượt qua vùng an toàn và thử một lần. Kết nối xã hội là điều hết sức cần thiết dù bạn thích hay không thích nó. Làm được chuyện này sẽ giúp bạn tự tin hơn, tiếp cận nhiều ý tưởng hay và mới lạ hơn, mở rộng tầm quan hệ của bản thân. 8. Say no – Học nói “không”: nghiên cứu tại đại học California cho thấy người không biết từ chối thường bị stress, mệt mỏi, và có khi là chán nản. “No” là từ quyền lực mà bạn phải học, không ngại nói ra khi cần. Biết nói “không” để có thể hoàn thành những lời hứa hay cam kết hiện tại là lựa chọn khôn ngoan để bạn có thể quản trị thời gian và thực hiện những điều đối với mình là quan trọng. 9. Quit putting things off – Đừng trì hoãn nữa: Thay đổi là điều rất khó. Phát triển bản thân là chuyện khó. Có đủ sự dũng cảm và tự tin để làm điều mình mong muốn là khó. Khi thấy khó, ta thường có thói quen trì hoãn từ ngày này qua ngày khác. Vấn đề là “tomorrow never comes – ngày mai chẳng bao giờ đến”. Khi bạn nói “ngày mai tôi sẽ làm chuyện đó”, bạn thật ra đang đưa ra lý do lý trấu để biện hộ cho bản thân mình. Thôi đừng đưa ra lý do này nọ nữa nhé. Bạn cứ ở đó trong vùng an toàn, không sao cả. Bạn chỉ bị mắc kẹt trong quá khứ mà thôi. Cũng như ngọc trai chỉ được hình thành khi có một hạt cát làm thay đổi vùng an toàn của con trai, chẳng ai có thể đạt được thành tựu gì nếu cứ êm ấm trong cái vùng an toàn mà mình tự dệt.

  • Cách sử dụng thời gian của người thành đạt

    Các tỷ phú và CEO thành đạt trên thế giới làm việc nhiều nhưng cũng dành thời gian cho bản thân. Họ làm gì trong thời gian đó? 1. Exercise - Tập thể dục: giữ thân thể khoẻ mạnh là điều cần thiết để giữ trí óc tỉnh táo. 2. Have fun - Giải trí: nghỉ ngơi, đi chơi xa giúp tái tạo năng lượng và hiệu suất làm việc khi trở lại. 3. Meditate - Thiền: thiền không liên quan gì đến tôn giáo. Đây là cách gạt bỏ những suy nghĩ mông lung, đưa tâm trí ta trở về hiện diện trong hiện tại để nhìn rõ, thấy rõ bản chất của mọi sự việc.Điều này vô cùng cần thiết cho người lãnh đạo. Chỉ cần 10 phút mỗi ngày. 4. Read - Đọc sách: kiến thức từ sách là nguồn cảm hứng giúp ta sáng tạo hơn, nâng cao vốn từ vựng, mở rộng tầm nhìn, tăng trí nhớ. 5. Learn - Học hỏi: bạn sẽ dừng lại và mai một nếu không phát triển bản thân, nhất là trong thời đại phát triển công nghệ chóng mặt như hiện nay. Nên tham gia các buổi chia sẻ, hội nghị, theo học các lớp online hay offline, học từ người xung quanh để luôn phát triển bản thân mình. 6. Volunteer - Tham gia hoạt động cộng đồng: người thành đạt thường chủ động tham gia hoạt động cộng đồng vì họ có trách nhiệm với xã hội. Đây cũng là cơ hội để họ mở rộng quan hệ cho bản thân. 7. Network - Tham gia các buổi giao lưu: gặp gỡ, quen biết người mới giúp bạn có thêm quan hệ, thêm cơ hội trong công việc. 8. Appreciate loved ones - Dành thời gian cho người thân: điều này không những giúp bạn luôn thoải mái, vui vẻ hơn, mà còn giúp bạn cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa. Nguồn: báo Entrepreneur

  • 8 cách sáng tạo mỗi ngày của người thành công

    Bạn đọc cuốn Big Little Break-throughs - Những phát minh bình thường vĩ đại của tác giả Josh Linkner chưa? Sách đưa ra nhiều bài học thực tế về việc những người thành công khắp nơi trên thế giới đã thành công nhờ tư duy sáng tạo như thế nào. Nhưng điểm đặc biệt là, sáng tạo của họ không có gì ghê gớm, mang tính phòng lab, với đội ngũ tech cool ngầu hay rầm rộ kiểu thay đổi thế giới hết. Họ thành công là nhờ ứng dụng sáng tạo vào tất cả những việc tưởng chừng như nhỏ bé mỗi ngày, trong đời sống và công việc, như cách chúng ta đang sống và làm việc. Trong đó, tác giả sau khi nghiên cứu thành công đến từ những phát minh bình thường vĩ đại của thế giới, đã đưa ra 8 bài học là 8 cách người phát minh thành công đã sử dụng để sáng tạo ra những phát minh bình thường vĩ đại. Chia sẻ lại cho mọi người cùng phản tư và ứng dụng nhé. Fall in love with the problem - Say nắng với vấn đề Tình yêu nó có một ma lực và động lực cực kỳ ghê gớm khiến cho người ta quên ăn quên ngủ, tập trung cực độ và sống, thở, bước đi trên mây mỗi ngày với đối tượng được yêu. Cho nên, người phát minh thành công là người say vấn đề của mình như điếu đổ. Họ dành hết thời gian nghĩ về vấn đề. Họ ăn ngủ với vấn đề. Họ chung sống với vấn đề và dành hết thời gian cho nó. Không gì có thể ngăn cản họ tìm hiểu, nghiên cứu, thử nghiệm, không sợ thất bại mà chỉ tập trung vào để tìm ra 1001 cách giải quyết tốt hơn. Trong trạng thái “say như điếu đổ” đó, con người luôn tạo ra những kết quả xuất sắc nhất. Start before you’re ready - Bắt đầu khi còn chưa sẵn sàng Đã là yêu thì làm sao có thể chờ, dù là chờ ý kiến, mentor, đội ngũ hay bất cứ thứ gì. Khi bắt gặp vấn đề, họ như bị hớp hồn, chỉ lao vào, xông vào, quên hết tất cả, mặc kệ hoàn cảnh hay giới hạn gì về nguồn lực. Họ cứ bắt đầu tìm hiểu, nghiên cứu, tìm giải pháp, rồi tới đâu giải quyết tới đó. Họ đẩy mọi thứ ào ào về phía trước, không sợ bất kỳ chướng ngại nào, không cho phép bất cứ điều gì ngăn họ lại. Họ đâm đầu vào tường, lui ra và tìm đường khác chứ không bao giờ ngồi đó suy nghĩ quá nhiều chỉ để không làm gì. Không có khái niệm về sự sẵn sàng. Sẵn sàng là ngay bây giờ, ngay lúc này, no matter what - dù hoàn cảnh có thế nào đi chăng nữa. Open a test kitchen - Thử nghiệm Người sáng tạo thành công có đặc điểm là không ngồi không suy nghĩ, vì họ biết từ lý thuyết tới thực tế nó cách xa nhau nửa vòng trái đất. Có nhiều thứ nghĩ vậy làm không cách nào ra. Có nhiều chuyện nghĩ như mơ nhưng làm mới biết nó tào lao hết sức. Cho nên, nghĩ ra ý tưởng gì là họ thử nghiệm ngay để kiểm tra mức độ thực tế của ý tưởng. Nhờ thử nghiệm, ý tưởng được hiện thực hoá và cải tiến một cách khách quan và gần với thực tế hơn. Cứ nghĩ, cứ thử, cứ hiệu chỉnh như một vòng lặp không bao giờ chấm dứt như thế. Nhờ vậy mà khi phát minh hiện nguyên hình, nó mang tính ứng dụng thực tế cao và rộng rãi. Thành công là nhờ vậy. Break it to fix it - Đập để xây Ngạn ngữ tiếng Anh có câu “If it ain’t broke, don’t fix it - nếu không hư đừng có sửa”, vì đụng vô cái là bao nhiêu vấn đề hiện hữu đang có nó sẽ phơi ra và build lại hết nổi. Nhưng đó là cách nghĩ cù sì. Người sáng tạo là người cần phải hiểu tường tận từng đơn vị, hiểu logic và cách vận hành của đơn vị, nên họ có thói quen tháo ra xây lại, tư duy cách xây và kết hợp từ những đơn vị cơ bản lại với nhau. Đầu óc của nhà phát minh khiến họ luôn đam mê, không ngại tháo ra xây lại bao nhiêu lần, cho bằng được mới thôi. Reach for weird - Khoái chuyện lạ Người có đầu óc sáng tạo không đi tìm những thứ đương nhiên, rõ ràng ngay trước mắt. Họ yêu sự xuất hiện của cái gì đó bất ngờ, lạ lẫm, không giống ai, kỳ cục…. Chính vì đầu óc mở, luôn tiếp nhận những cái mới, không phán xét bất kỳ điều gì bất thường, chấp nhận dễ dàng những thứ không giống ai nên họ mới có thể tìm ra những giải pháp không giống ai. Vậy, gọi là sáng tạo. Người đầu óc bị đóng khung, thấy cái gì khác chút là cau mày nhăn mặt thì sáng tạo nào nó dám gõ cửa. Cho nên, cứ phải mở não mở tim ra thì mới có thể sáng tạo được. Use every drop of toothpaste - Xài đến giọt cuối cùng Đây là tư duy less is more - ít là nhiều. Khi bị giới hạn về nguồn lực, kiểu cái khó ló cái khôn, người ta phát minh xuất sắc nhất. Giới hạn nguồn lực là một áp lực khiến cho sáng tạo đạt đỉnh cao nhất, vì não phải làm việc gấp một vạn lần để tìm ra ba vạn tám ngàn cách khác nhau để giải quyết một vấn đề. Người thành công không chỉ lo đi tìm nguồn lực. Họ tạo ra sự xuất sắc trong hoàn cảnh giới hạn của nguồn lực. Don’t forget the dinner mint - Đừng quên những bất ngờ nho nhỏ Vô khách sạn 5 sao, buổi tối trước khi đi ngủ bỗng nhìn thấy ra giường đã được mở góc sẵn và trên đó là một thanh sô cô la bạc hà nho nhỏ chúc bạn một giấc mơ ngọt ngào. Và bạn mỉm cười vì nó làm cho đời cảm thấy nhẹ nhàng vui vẻ hơn. Đôi khi, chỉ có 1 chút gì đó thay đổi nho nhỏ cũng có thể mang lại những niềm vui và sự hài lòng to lớn. Vì vậy, người sáng tạo sẽ luôn nghĩ về cảm giác và trải nghiệm của người sử dụng và không bao giờ bỏ qua những chi tiết bất ngờ dù cực nhỏ nhưng mang tính khuếch đại âm thanh khi chạm người nghe. Sáng tạo có khi chỉ thế, những điều cực nhỏ mang lại những niềm vui cực lớn. Fall seven times, stand up eight - Vấp ngã thì đứng dậy thôi Người sáng tạo là người không bao giờ sợ sai, sợ thất bại, sợ mất mặt. Với họ, mọi thứ trong đời là sự thử nghiệm. Họ say mê thử nghiệm, không được thử lại, không ra thử tiếp, chưa hài lòng thử nữa. Cứ như thế mà họ làm hoài làm hoài không biết mệt, không để ý tới chuyện mình đã ngã bao lần. Mỗi lần ngã xuống, với họ, là một bước tiến gần hơn tới thành công. Cho nên, cứ ngã thôi, chỉ là một bước tiến gần hơn đến thành công thôi mà. Có gì đâu mà sợ? Những bài học sáng tạo này, rất gần thực tế, là tư duy và cách tiếp cận mang tính đời thường, có thể ứng dụng hàng ngày cho những người đời thường như chúng ta. Chúc các bạn ứng dụng thành công nhé.

  • Điều tôi học được (làm sao để thành công)

    Richard Jenrette, người đồng sáng lập ngân hàng đầu tư Donaldson, Lufkin & Jenrette năm 1959, Sau 4 thập kỷ trên phố Wall, ông ra đi ở tuổi 89 với 24 lời dặn cho thế hệ tiếp nối. Để thành công, ông viết, bạn nên thực hiện 24 nguyên tắc sau: 1. Stay in the game. That’s often all you need to do – don’t quit. Stick around! Don’t be a quitter! Bằng mọi giá phải theo đuổi. Thật ra, có khi đó là điều duy nhất bạn cần làm. Cứ kiên định. Đừng bỏ cuộc. 2. Don’t burn bridges (behind you) Đừng bao giờ đốt cháy những chiếc cầu sau lưng mình (đây là câu thành ngữ tiếng Anh, ý nói qua cầu đừng rút ván) 3. Remember – Life has no blessing like a good friend! You can’t get enough of them. Don’t leave old friends behind – you may need them. Hãy nhớ, cuộc sống này đáng giá nhất là có bạn tốt. Không biết bao nhiêu là đủ. Đừng bỏ bạn. Có khi ta sẽ cần đến họ trong tương lai. 4. Try to be nice and say “thank you” a lot! Tử tế và thường xuyên nói lời ‘cám ơn’ người khác. 5. Stay informed/KEEP LEARNING! Luôn tìm hiểu, học hỏi để cho mình cập nhật 6. Study — Stay Educated. Do Your Home Work!! Keep learning! Đi học để nâng cao kiến thức. Không ngừng học hỏi. 7. Cultivate friends of all ages – especially younger Có bạn ở nhiều độ tuổi khác nhau - đặc biệt là người trẻ. 8. Run Scared — over-prepared. Cứ hồi hộp và chuẩn bị nhiều hơn cần thiết. 9. Be proud — no Uriah Heep for you! But not conceited. Know your own worth. Cứ tự hào - không phải kiểu Uriah Heep (đọc lại truyện của Charles Dicken nếu bạn không biết nhân vậy này nhe). Đừng ảo tưởng nhưng biết giá trị bản thân. 10. Plan ahead but be prepared to allow when opportunity presents itself. Lên kế hoạch trước nhưng sẵn sàng thay đổi khi có cơ hội mới. 11. Turn Problems into Opportunities. Very often it can be done. Problems create opportunities for change — people willing to consider change when there are problems. Biến vấn đề thành cơ hội. Thường cơ hội chỉ đơn giản như thế. Vấn đề tạo cơ hội để thay đổi, và con người thường chịu thay đổi khi gặp vấn đề. 12. Present yourself well. Clean, clean-shaven, dress “classically” to age. Beware style, trends. Look for charm. Good grammar. Don’t swear so much — it’s not cute. Bề ngoài tươm tất, sạch sẽ, cạo râu, ăn mặc theo độ tuổi, hiểu về xu hướng. Hiểu cách tạo ấn tượng. Ăn nói câu cú cho đúng. Đừng chửi thề, không hay đâu. 13. But be open to change — don’t be stuck in mud. Be willing to consider what’s new but don’t blindly follow it. USE YOUR HEAD – COMMON SENSE. Luôn sẵn sàng thay đổi, đừng dậm chân tại chỗ. Luôn sẵn lòng học cái mới nhưng đừng mù quáng đi theo. Tin vào cảm nhận của chính mình. 14. Have some fun – but not all the time! Vui nhưng đừng quá đà. 15. Be on the side of the Angels. Wear the White Hat. Hãy ở gần thiên thần hơn (làm điều tốt đẹp cho đời) 16. Have a fall-back position. Heir and the spare. Don’t leave all your money in one place. Luôn có kế hoạch dự phòng. Chuẩn bị cho sự tiếp nối. Đừng bao giờ bỏ hết tiền vào 1 canh bạc. 17. Learn a foreign language. Học 1 ngoại ngữ 18. Travel a lot — around the world, if possible. Đi đây đó khắp nơi trên thế giới nhiều vào nếu có thể. 19. Don’t criticize someone in front of others. Đừng chỉ trích ai trước mặt người khác. 20. Don’t forget to praise a job well done (but don’t praise a poor job) Đừng quên khen ngợi người khác khi người ta làm tốt (nhưng làm dở thì đừng khen nhé) 21. I don’t like to lose — but don’t be a poor loser if you do. Tôi không thích thua, nhưng lỡ thua thì cũng nên ngẩng cao đầu. 22. It helps to have someone to love who loves you (not just sex). Cần yêu người yêu mình (không phải chỉ chuyện sex) 23. Keep your standards high in all you do. Đặt & giữ tiêu chuẩn cao trong tất cả những việc mình làm. 24. Look for the big picture but don’t forget the small details. Nhìn vào bức tranh tổng thể nhưng đừng quên các chi tiết nhỏ. Không biết bạn có để ý, chứ toàn là nguyên tắc về tư duy và cách sống ở đời. Cuối cùng, dù là sinh tồn trên phố Wall hay vươn lên ở bất cứ nơi nào trên thế giới, cứ phải là người đàng hoàng, tử tế trước đi đã. Lưu manh chỉ được một quãng! Bạn học được gì từ những nguyên tắc sống trên, và hôm nay bạn sẽ làm gì?

  • Biết ơn có giúp bạn thành công?

    Ngày nay, chẳng biết có phải vì cuộc sống trở nên dễ dàng hơn rất nhiều, công nghệ làm cho việc kết nối trở nên tức thì bằng vài cú click mà người trẻ hay take it for granted – xem thường những gì người khác làm cho mình. Tôi ngạc nhiên khi nhìn thấy thái độ này, thái độ “dĩ nhiên là tôi phải nhận được cái tôi muốn; dĩ nhiên là người khác phải trả lời khi tôi hỏi, hay dĩ nhiên là người khác phải giúp tôi vì đó là trách nhiệm của họ…” Trước đây hồi còn đi làm thuê ở nước ngoài, tôi thường xuyên chia sẻ bằng lời nói, bằng email, bằng những phát biểu trong các sự kiện về lòng biết ơn của mình đối với những người đã giúp tôi, có khi họ là cấp trên, có khi họ là đồng nghiệp, có khi họ là khách hàng hay cộng sự. Có lẽ vì vậy mà nhiều người giúp đỡ tôi. Có lẽ vì vậy mà ngay cả ông chủ tịch hội đồng quản trị không ngừng cất nhắc tôi lên những vị trí cao hơn. Có lẽ vì vậy mà khi không còn làm thuê, tất cả mọi quan hệ mà tôi đã xây dựng ngày xưa trở thành khách hàng mới của tôi. Bạn thử nghĩ xem, quan hệ có đóng một vai trò quan trọng đối với thành công của 1 start-up, một doanh nghiệp, một doanh nhân? Quan hệ đâu phải là vài câu comment trên facebook, là nhắn 1 vài tin nhắn hỏi những câu hỏi không đầu không đuôi, hay gởi một cái email và cho rằng người khác có trách nhiệm phải giúp mình…. Ngày xưa tôi tự mình bày tỏ lòng biết ơn, cho những việc dù nhỏ dù lớn mà người khác làm cho mình, dù đó chẳng qua chỉ là một phần trách nhiệm trong bảng mô tả công việc của họ. Bạn sẽ ngạc nhiên khi người khác có thể làm gấp 10, gấp trăm lần cho bạn một cách vui vẻ, tự nguyện chỉ vì bạn bày tỏ sự biết ơn. Ngày nay, tôi chọn giúp đỡ những người trẻ hiểu và sống một cách biết ơn, dù tôi chẳng mong đợi gì từ họ, vì những việc tôi làm là để nuôi sống tinh thần cộng đồng của chính bản thân mình. Các bạn trẻ ạ, hãy dừng lại hít thở thật sâu. Hãy dừng lại để nghĩ về những người đang, đã và sẽ giúp mình. Hãy nói lời cám ơn, bày tỏ sự biết ơn với họ. Và hãy làm điều này mỗi ngày với mọi người xung quanh. Cuộc đời bạn rồi sẽ khác!

  • Forever in debt

    Ngày xưa khi còn đi làm thuê cho tập đoàn, tôi được cất nhắc lên rất nhanh nhờ 2 cách tiếp cận vô cùng đơn giản. Một là luôn làm việc với tâm thế xem công ty đó là công ty của mình. Hai là khi được giao việc, luôn tìm hiểu tại sao người ta giao cho mình việc đó, mục đích muốn đạt được là gì, và nhờ hiểu chữ why nên luôn nghĩ ra được thêm một mớ cách nữa để giúp đạt được mục đích. Ai đi làm thuê cũng hay nghĩ kiểu, trả nhiêu đó tiền, làm nhiêu đó việc, công ty của người ta làm ăn ra sao là chuyện của người ta, chả liên quan gì đến cuộc đời mình. Người có cách nghĩ như thế là người tự lột bỏ cơ hội học hỏi, tiến thân của cá nhân và trong sự nghiệp. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình đi làm công ăn lương. Tôi nghĩ thật cám ơn lòng dũng cảm của người ta vì đã dám thuê mình, cho mình cơ hội được trả tiền để đi học MBA. Trời ơi đi học đóng tiền muốn xỉu. Ở đây vừa được học vừa có tiền. Làm sai hậu quả người ta chịu. Có cái trường nào mà nó vô lý như vậy hay không? Tâm thế vậy, nên tôi đi làm bằng lòng biết ơn, bỏ qua những sự linh tinh bon chen ganh ghét chốn đông người. Ở đâu đông người là có politics - chính trị. Công ty nào cũng thế. Tập thể nào cũng thế. Hơi đâu mà để ý phí thời gian và công sức. Để thời gian lo học cho hết cái khoá sung sướng vừa học vừa được trả tiền này. Và vì biết ơn, nên nghĩ như người làm chủ, hiểu pain point - nỗi đau của họ, chia sẻ nỗi đau đó bằng cách luôn tìm nhiều cách để đạt được mục tiêu đề ra. Giao 5 việc, tự nghĩ ra thêm 5 việc nữa để hoàn thành mục tiêu. Làm với tinh thần say mê sáng tạo, ideate - xây dựng ý tưởng và thử nghiệm cách mới không ngừng để hoàn thành mục tiêu hơn mong đợi, nhanh hơn, tốt hơn, hay hơn, vui hơn, wow hơn. Tâm thế luôn là như thế. Thái độ luôn là như thế. Thời đi làm có lẽ tôi học được về quản trị kinh doanh gấp vạn lần so với thời ngáp dài ngồi trong lớp học MBA. Trên tâm thế đó, và vì nghĩ mình làm chủ, nên làm gì cũng bắt đầu từ cái gốc mà suy nghĩ. Khi được giao việc, câu đầu tiên sẽ hỏi là tại sao cần làm việc này, để đạt được mục đích gì? Tôi chưa bao giờ làm việc như thiên lôi, ai bảo sao làm vậy, ai chỉ đâu đánh đó. Nếu không hiểu tại sao cần làm một việc nào đó, làm sao bạn có thể sáng tạo hơn và làm tốt hơn? Impossible! Không xác định được mục đích muốn đạt được là gì, làm sao suy nghĩ được nhiều hướng tiếp cận? Đây chính là tử huyệt của giáo dục Việt Nam, đào tạo những thế hệ nói sao nghe vậy, bảo sao làm vậy, không biết hỏi chỉ học vẹt, không biết sáng tạo vì chả hiểu nguyên lý, mục đích chính của bản thân không quan tâm toàn lo nhiều chuyện, drama, chửi bới thiên hạ mà không biết khiêm cung nhìn lại bản thân mình. Ngày nay, người ta xài chữ trending là intra-preneur, doanh nhân làm thuê. Thật ra, ý nghĩa chỉ đơn giản là suy nghĩ, tư duy, hành động như một người làm chủ. Cũng là đi làm 8 tiếng, có người nghĩ mình làm chủ, luôn xông pha, take initiative - đưa ra sáng kiến mới liên tục để hoàn thành mục tiêu, cô chỗ làm như trường học. Có người như con zombie, ngồi chờ hết giờ bấm nút, coi việc đi làm như ngồi tù. Sự việc giống nhau, hai thái độ và cách tiếp cận khác nhau, chia thành người giỏi, vươn lên không ngừng và kẻ lơ mơ ngồi than trách sao phận mình ngang trái. Người có tâm thế làm chủ, họ luôn tích cực, bỏ qua chuyện nhỏ nhặt linh tinh, thấy môi trường không tốt không học được thì dễ dàng bỏ đi, vì họ biết còn rất nhiều nơi khác sẵn sàng chào đón họ. Người ngồi một chỗ, sợ mất việc, nhưng than phiền, nói xấu, càm ràm đủ thứ về công ty đã đóng học phí cho mình là kẻ vô dụng, làm không được, học không xong. Sau này trong đời, nghe ai mắng chửi, than phiền, chỉ trích nơi họ vẫn cứ lết tới lãnh lương không dám bỏ hàng ngày, tôi biết đó không phải là người dùng được. Tôi đi làm thuê nhiều nơi, làm chủ cũng nhiều nơi. Với tôi, tất cả mọi chỗ làm, mọi cơ hội đều là nơi đã đóng học phí cho tôi lớn lên, cho tôi thành người, cho tôi lãnh bằng MBA trường đời, cho tôi có được tất cả những gì ngày hôm nay có. Mỗi năm, đến ngày sinh nhật ông chủ tịch tập đoàn vẫn nhắn tin cám ơn hai ông bà đã cho tôi cơ hội được làm việc và lớn lên, cám ơn sự tin tưởng và học phí họ đã đóng cho tôi. I am forever in debt - Cả đời này, tôi luôn nợ họ lời cám ơn như thế.

  • Hành trình vươn đến thành công

    Thành công đòi hỏi một quá trình Không có phép màu ngủ một đêm sáng dậy bỗng thành công. Thành công đòi hỏi sự nỗ lực, phấn đấu, lòng dũng cảm, sự kiên cường dấn thân, vượt qua chông gai, khó khăn, thử thách, giữ cho trái tim trong trẻo và nguyên sơ như thưở ban đầu, giữ cho mục đích và điểm đến dẫn dắt ta vượt qua mọi chướng ngại vật hay thất bại, vấp ngã trên hành trình. Thành công đòi hỏi sự tập trung, nhiệt huyết, đam mê không gì ngăn cản được. Thành công là hành trình, và ta tìm ra được bí quyết thành công cho bản thân trong khi đang dấn thân, đang làm việc, đang hành động, đang phản tư và đứng lên từ vấp ngã, thất bại, từ thái độ tiêu cực của người đời khi họ chẳng tin ta. Hành trình thành công nhìn ra sao? Nếu thành công đòi hỏi một hành trình, thì bạn cần chuẩn bị cho hành trình, cần dấn thân để khởi đầu hành trình, cần kiên cường hoàn thành hành trình no matter what - dù có lên bờ xuống ruộng mấy vạn lần, không bao giờ bỏ cuộc. Vậy thôi, thì đương nhiên bạn sẽ thành công - chuẩn bị, dấn thân, dũng cảm và kiên trì theo đuổi. Không có bí quyết gì ghê gớm hết. Con người hoặc là lo chạy mà không học đi, vội vã đi mà không chuẩn bị, chuẩn bị nhưng suy nghĩ quá nhiều không hành động, không dấn thân bước một bước đầu tiên, hoặc khởi động rồi nhưng không đủ kiên trì, mới bị đập cho vài cú nhẹ nhàng đã vội vàng bỏ cuộc. Con cá lật lật nhiều lần đến bờ sông và chỉ cần một cú hích thôi là sẽ rơi tõm vào lòng nước, nhưng nó bỏ cuộc tại cú hích cuối cùng, và chết khô bên bờ sông. Có rất nhiều khi là vậy đó. Có rất nhiều khi ta chỉ cần cố thêm một chút nữa thôi là chạm đến thành công. Người bền bỉ kiên cường vượt lên bản thân mình, người thành công chỉ cách 99% người không thành công bởi cú hích sau cùng, bởi quyết tâm đến tận cùng, bởi lòng kiên quyết đi đến cùng dù có ra sao đi nữa. Ai cũng có khả năng thành công Đừng đổ thừa tại đủ thứ mà bạn không thành công. Không có thứ gì trên đồi này ngăn cản sự thành công của bất kỳ ai, ngoài chính bản thân mình. Bạn thấy đó, những người thành công 90% là self-made - tự bản thân vươn lên, vượt qua nghịch cảnh, vượt qua mọi gian nan bày ra trên hành trình, đứng lên dù bao nhiêu lần thất bại, và không cho phép bất kỳ lực cản nào trong đời ngăn họ chạm đến thành công. Ai sinh ra trên đời khả năng thành công cũng bằng nhau. Khác chăng là có người biết master themselves - quản trị được bản thân, quản trị được tiềm năng của chính mình và thành công. Còn lại, không lo tập trung vào phát triển bản thân mà chỉ lo lơ ngơ ra ngoài tìm giúp đỡ, hỗ trợ, trợ lực, hay đường tắt, cách dễ. Mượn bao nhiêu cũng chỉ là mượn và có ngày phải trả. Chỉ có sự dựa dẫm vào chính bản thân mình mới là cách tiếp cận đáng tin cậy nhất, hiệu quả nhất và bền vững nhất. Bạn là người duy nhất chịu trách nhiệm về sự thành công của bản thân Có lẽ sinh ra và lớn lên trong thời thế được nhiều quyền trợ giúp quá nên rất nhiều bạn trẻ tôi có dịp tương tác tại Việt Nam take it for granted - tự cho mình cái quyền đòi hỏi sự giúp đỡ và quyền cho rằng người khác có trách nhiệm phải giúp đỡ mình thành công. Sorry nha. Không ai trên đời này có trách nhiệm gì với cuộc đời bạn. Bạn là người duy nhất chịu trách nhiệm về cuộc đời mình. Còn lỡ may bạn được ai đó mở lòng giúp đỡ, thì đó là ân huệ của vũ trụ. Nên học cách biết ơn, trả ơn dù người ta có giúp đỡ bạn vô điều kiện, vô mong cầu. Người ta giúp, chẳng qua vì đó là cách người ta ăn ở, đạo lý người ta đặt ra cho bản thân, giá trị người ta chọn theo đuổi. Không liên quan gì đến trách nhiệm của bất kỳ ai với bạn trên cuộc đời này. Bạn là người duy nhất chịu trách nhiệm về cuộc đời và thành công của chính mình. Không ai khác. Khi hiểu được nguyên lý vận hành này của vũ trụ, ta sẽ học được cách tự thân vận động, tự tìm cách giải quyết mọi vấn đề của bản thân trước. Đối đế lắm, khi không còn đường nào khác mới tìm sự trợ giúp. Và khi nhờ đến quyền trợ giúp, cũng ở trong tâm thế trình bày giải pháp của bản thân, mong được góp ý và chỉ dẫn, không đùn đẩy vấn đề cho người khác. Người thành công, khi tiếp xúc với những bạn trẻ có trách nhiệm sẽ vô cùng thích, giúp đỡ vô điều kiện, và thường thì sự giúp đỡ đó của họ vượt xa những giới hạn mà bạn có thế tưởng tượng ra. Tôi đã được giúp đỡ rất nhiều như thế trên hành trình quốc tế, và luôn chọn những bạn trẻ như thế để giúp đỡ trên hành trình tiếp nối. Không ai tiếc một bàn tay đưa ra khi nhìn thấy người đối diện đã tận nhân lực, tận trách nhiệm với chính mình. Không ai trên đời này phải chịu trách nhiệm cho ai. Chỉ có ta chịu trách nhiệm cho chính bản thân mình. Và sự giúp đỡ nếu có từ bất kỳ ai đều là ân huệ của vũ trụ. Bạn có thể nghe lại bài học tại đây:

  • Khi thất bại chỉ là một thông tin

    Đừng bao giờ đổ lỗi là mình sinh ra vốn không thông minh nên chẳng thể thành công trong sự nghiệp. Khi IQ không cao, người ta vẫn thành công được. Một nghiên cứu mới nhất của đại học Stanford cho biết thành công liên quan chủ yếu đến thái độ, hay nói một cách kỹ thuật hơn là tư duy của một con người – đóng hay mở. Người có tư duy đóng (fixed mindset) tin rằng họ là họ, vậy đó, đã đóng khung, chịu không chịu thì thôi, không thể thay đổi được. Điều này làm cho họ rất khó khăn khi phải đối mặt với thử thách hay đối diện với những điều có vẻ như là to lớn quá, bản thân họ không giải quyết nổi, làm cho họ cảm thấy mất hy vọng hay bất lực. Ngược lại, người có tư duy mở và cầu tiến (growth mindset) tin rằng chỉ cần mình cố gắng, thay đổi là có thể tiến bộ hơn. Với thái độ này, dù IQ có thấp hơn, họ vẫn trở nên thành công hơn so với kẻ bảo thủ. Người cầu tiến, họ vui vẻ chấp nhận thử thách, xem thử thách như cơ hội để họ học hỏi được những cái hay cái mới. Khi gặp khó khăn hay thất bại, thái độ của người có tư duy mở là “Ồ cách này không xong. Vậy mình thử cách khác.” Đối với họ, thất bại chỉ là thông tin cần xử lý. Tuy nhiên, dù hiện tại tư duy của bạn đang đóng hay mở, bạn cũng nên thử thay đổi hay phát triển tư duy của mình hơn nữa xem sao. Chia sẻ với các bạn những cách tiếp cận sau giúp các bạn hướng về tư duy ngày càng cầu tiến: 1. Don’t stay helpless – Đừng bị kẹt vào sự bất lực: người ta ai cũng có lúc thật nản lòng vì thất bại, vì bị từ chối, vì bị coi thường, vì không được người ta trọng dụng…. Walt Disney bị đuổi khỏi Kansas City Star vì thiếu trí tưởng tượng và không có sáng kiến. Oprah Winfrey bị cho nghỉ việc tại đài truyền hình Baltimore vì đưa quá nhiều cảm xúc vào chương trình. Henry Ford phá sản 2 công ty xe hơi trước khi thành công với Ford. Steven Spielberg không được nhận vào trường nghệ thuật điện ảnh USC mặc dù đã xin đăng ký nhiều lần. Bạn cứ nghĩ xem. Nếu họ là những người có tư duy đóng, tư duy bảo thủ, có lẽ họ đã nản lòng, mất hy vọng, và từ bỏ tất cả. 2. Be passionate – Luôn tràn đầy đam mê: trong đời rồi sẽ có người giỏi hơn ta, khôn hơn ta, lanh hơn ta, nhưng dù có thua một chút về tài năng, bạn vẫn có thể bù đắp lại bằng niềm đam mê vô bờ bến. Đam mê khiến cho ta không ngừng theo đuổi sự tiến bộ, làm cho ta cố gắng mỗi ngày để làm một việc gì đó tốt hơn. Warren Buffet khuyên bạn tìm niềm đam mê của mình bằng công thức 5/25. Viết ra 25 điều bạn quan tâm, thích thú nhất. Sau đó gạch bỏ dần 20 điều mà bạn có thể bỏ được. 5 điều còn lại có lẽ liên quan đến những gì bạn đam mê theo đuổi nhất. 3. Take action – Hành động: người có tư duy mở chẳng dũng cảm hơn người khác đâu. Họ cũng sợ, cũng xám mặt trước mỗi quyết định trong đời. Có điều, họ hiểu rằng sợ hãi hay lo lắng là những cảm giác làm tê liệt một con người. Và thế là họ cứ hành động. Họ biết rằng sẽ chẳng bao giờ có một thời khắc hoàn hảo nhất. Vậy nên chờ đợi làm gì? Cứ làm thôi! Nhờ thế mà mọi lo lắng sợ hãi được huyển hoá thành năng lượng tích cực khi hành động. 4. Then go the extra mile – Luôn cố gắng hơn chút nữa: người cầu tiến luôn hết mình, dù đó là ngày tồi tệ nhất trong đời họ. Bruce Lee từng nói “Nếu bạn đặt ra giới hạn với những gì bạn có thể làm, giới hạn này sẽ len lỏi vào công việc của bạn, thái độ của bạn, vào cả con người bạn. Cuộc sống không có giới hạn. Chỉ có những thời đoạn bão hoà. Nhưng bạn không thể dừng ở đó. Bạn cần phải vượt qua và tiếp tục vươn lên.” Nếu mình không tốt hơn một chút mỗi ngày, thực tế là mình đang tệ hơn một chút mỗi ngày. 5. Be flexible – Thái độ linh hoạt: ai trong đời mà không gặp phải khó khăn, chông gai, hay hoàn cảnh không như ý. Người có tư duy mở vui vẻ coi như pha. Chẳng có điều gì có thể kéo họ lại. Khi có thay đổi, khi không được như ý, khi khác xa dự đoán, họ linh hoạt giải quyết và tiếp tục bước đi. Và họ chẳng bao giờ phàn nàn. Người có tư duy mở nhìn thấy cơ hội thử thách mình, giúp mình tiến bộ hơn trong mọi hoàn cảnh. Đọc xong, dù bạn thấy tư duy mình đang đóng hay đang mở cũng không sao. Điều gì cũng có thể thay đổi. Tư duy cũng vậy!

  • Đứng lên từ thất bại

    Chẳng ai muốn thất bại, nhưng ngay cả người giỏi nhất, hoành tráng nhất cũng đã từng thất bại. Sự thật là như thế. Arianna Huffington trước khi cho ra đời tờ Huffington Post đã từng bị 36 toà soạn từ chối bản thảo cuốn sách thứ 2 của bà. Trước khi xây dựng trung tâm giải trí Disneyland, Walt Disney bị nhà đầu tư đánh giá là thiếu sáng tạo, bị từ chối 302 lần trước khi được ngân hàng cho vay. Colonel Sanders, sáng lập viên của KFC, bị từ chối 1009 lần trước khi tìm được người chịu mua lại công thức gà rán của mình. Công ty đầu tiên của Bill Gates là một công ty chẳng làm ra sản phẩm gì hay ho, nên hoàn toàn thất bại. Cuộc đời là dòng chảy muôn màu của thành công và thất bại. Ai trong chúng ta cũng có lúc thất bại. Thất bại có khi lớn, có khi nhỏ, có khi dường như muốn làm cho cả thế giới của chúng ta sụp đổ. Nhưng ai cũng đã từng và sẽ có khi thất bại. Người vĩ đại cũng thế. Ta cũng thế. Điều bạn cần làm sau khi thất bại, dù lớn dù nhỏ, là giải quyết hậu quả một cách thản nhiên khi biết rằng trong đời ai cũng có lúc thất bại. Tôi cũng vậy. Bạn cũng vậy. Sau đây là 6 điều bạn nên làm khi gặp thất bại nhé: 1. Accept that failure is part of life – Thừa nhận rằng thất bại là một phần tất yếu của cuộc sống: Cứ thản nhiên chấp nhận. Đừng trốn tránh. Thất bại không tự biến mất. Nó cần được giải quyết hậu quả. Do đó, bạn nên sống với nó chứ không nên bỏ chạy. Khi ta bước ra khỏi vùng an toàn để làm một việc gì đó mới, chuyện ta thất bại là điều hết sức bình thường. Bạn thấy đấy, người vĩ đại như Thosmas Edison, Albert Einstein, hay Steve Jobs cũng đã từng thất bại. Có khác chăng là họ đã biết cách chuyển đổi năng lượng thất bại của mình thành năng lượng tích cực cho những điều hay ho khác của tương lai. 2. Realize it’s OK to get upset – Hiểu rằng buồn bực là chuyện bình thường: Dù bạn đang cảm giác như mình đang chìm tận đáy hay đang bị bao vây bởi một loạt những khó khăn, cảm giác lo lắng, bực bội là chuyện hết sức bình thường. Hãy để bản thân mình gặm nhấm những cảm giác đó. Đừng cố quá sức để đẩy lùi cảm giác tiêu cực của bản thân. Điểu bạn cần làm là xả stress, xả tiêu cực chứ không chống lại. La hét, giậm chân, chạy bộ, đi dạo…, hãy làm bất kỳ điều gì giúp bạn xả hết những buồn bực và lo lắng. 3. Reflect on the lessons – Nghiền ngẫm bài học cho bản thân: Bạn cần phải hết sức chân thật với bản thân mình. Hỏi mình chuyện gì đã xảy ra, tôi sai chỗ nào, tại sao tôi sai. Học hỏi từ thất bại để tránh lặp lại thất bại đó lần nữa. Đây là 3 câu hỏi có thể giúp bạn học hỏi và tìm ra cơ hội mới từ thất bại: a. Tôi học được bài học gì từ thất bại này? b. 3 ảnh hưởng tích cực của thất bại này là gì đối với tôi? c. Thất bại này giúp tôi lớn lên và phát triển bản thân thế nào? 4. Own your mistake – Hãy sở hữu thất bại của mình: Nếu bạn thật sự chân thật với bản thân, bạn sẽ đứng ra chịu trách nhiệm về chuyện thất bại của mình. Khi tự nhận sai lầm, bạn đang nói với cả thế giới rằng bạn là người có trách nhiệm, chân thành, chính trực, và dễ làm cho người khác khôi phục niềm tin đối với bạn hơn. 5. Redefine what failure means to you – Định nghĩa lại ý nghĩa của thất bại đối với bản thân mình: có khi thất bại chỉ là một cơ hội cần thiết để bạn nhận ra rằng mình cần phải dịch chuyển mục tiêu hay tìm lại ước mơ mà mình vội quên trong dòng chảy cuộc đời. Ta cứ xem rằng thất bại là một phần trong bài học lớn hơn của cuộc sống, hay một bài học đáng giá mà nếu không có thất bại này bạn sẽ chẳng bao giờ học được. Bạn thử nhìn thất bại theo những góc nhìn này xem sao nhé: a. Thất bại dạy cho ta là một cách tiếp cận nào đó dường như chưa đúng, chưa thích hợp cho một hoàn cảnh nào đó. Nhưng điều này cũng có nghĩa là còn nhiều lựa chọn tiếp cận khác mà ta cần xem xét. b. Mỗi lần thất bại, nỗi sợ hãi thất bại của ta càng giảm xuống & do đó cho ta cơ hội đối diện với những thử thách lớn hơn. c. Cho dù bạn thất bại bao nhiêu lần đi chăng nữa, bạn sẽ chẳng thất bại nếu bạn không bao giờ đầu hàng với thất bại. 6. Take action & move on – Hành động và tiếp tục bước đi: Đây là bước quan trọng giúp bạn trở về trạng thái cân bằng. Giải pháp của bạn là gì? Bạn sẽ làm gì để giảm thiểu rủi ro cho những người liên quan? Bạn sẽ làm gì để mọi việc trở lại hoạt động? Hành động là cần thiết giúp ta đối mặt với thất bại, và tiến về phía trước. Hãy bắt đầu một dự án mới, một công việc mới, những hoạt động mới. Hãy nhớ bài học mình đã học và mang nó làm hành trang đi vào tương lai. Hành trang đó sẽ giúp bạn phục hồi nhanh chóng, và ngày càng kiên cường bước đến thành công.

bottom of page