top of page

​Kết quả

Đã tìm thấy 309 mặt hàng cho ""

  • Sự chính trực

    Đây là một trong những phẩm chất khiến người khác tôn trọng bạn nhất trong mọi trường hợp. Chính trực là gì? Là sự trung thực và khả năng không thoả hiệp với bất kỳ điều gì không đúng với giá trị cốt lõi, giá trị đạo đức của bản thân. Người chính trực là người thế nào? - Là người có thể tin tưởng và tin cậy khi phó thác bất kỳ chuyện gì - Luôn minh bạch trong giao tiếp trong bất kỳ hoàn cảnh nào - Luôn chịu trách nhiệm về những việc mình làm 11 Biểu hiện của người chính trực Nói tôi đạo đức thế này thế nọ thì dễ nhưng khi nghe một cục tiền cực lớn hay một cơ hội cực to thì lòng tham con người nó nổi lên ngay. Có điều, người không chính trực thì trước sau gì người ta cũng biết và tẩy chay. Tất cả những mối quan hệ lâu dài, đưa bạn đến nhiều chân trời mới lạ đều dựa trên một chữ integrity – tính chính trực. Vậy người có tính chính trực họ biểu hiện ra sao? 1. Họ tôn trọng thời gian của bạn Vì chính họ hiểu rằng thời gian rất quý đối với bản thân, họ cũng quý thời gian của người đối diện. Vì vậy họ chẳng bao giờ hẹn bạn ra để nói chuyện trên trời, chuyện chẳng đâu vào đâu và chẳng giúp ích cho ai. Họ cũng luôn cám ơn bạn vì đã dành thời gian quý báu cho họ. 2. Họ dành lời khen cho người khác Người chính trực chẳng bao giờ cướp công, nhận lời khen về mình nếu người thật sự đáng khen là người khác. Khi bạn giúp họ, dù việc rất nhỏ, họ cũng nhắc đến và cám ơn bạn vì những gì bạn đã làm. 3. Họ là chính mình Người chính trực chẳng bao giờ phải nói dối hay giả tạo để đẩy mình lên hay lừa lọc ai. Họ là họ, online hay offline. Tính cách và hành xử luôn nhất quán. 4. Họ luôn chân thật Người chính trực hiểu rằng sự chân thật sẽ đưa họ đi rất xa nên chả bao giờ phải nói sai sự thật. 5. Họ không lợi dụng ai bao giờ Người chính trực không những không lợi dụng ai mà còn dành thời gian phát triển người khác. Họ cho hơn là lấy của ai bất kỳ thứ gì. 6. Họ không cãi khi bất đồng quan điểm Chuyện này Việt Nam cần xem lại. Người mình cãi ghê lắm. Người chính trực giải thích, tranh luận một cách hết sức văn minh. Nếu không xong thì chỉ im lặng chứ không ép người khác bằng mọi giá phải nghe theo ý kiến của mình. 7. Họ nhìn thấy điều tốt đẹp trong mỗi con người Người chính trực luôn mở lòng với người khác, luôn tin tưởng người khác trước. Tuy nhiên, nếu bạn chứng minh điều ngược lại, họ cũng dễ dàng cắt bạn ra khỏi network của mình và chẳng vấn vương gì cả. 8. Họ rất nhạy cảm Người chính trực quan tâm đến người xung quanh và bắt gặp cảm xúc của người khác một cách dễ dàng. Họ sẵn sàng quan tâm thăm hỏi và chia sẻ để giúp người khác vui vẻ, tích cực hơn. 9. Họ luôn xin lỗi trước Nếu có làm gì sai, người chính trực xin lỗi ngay. Họ chẳng sợ mất mặt gì cả mà tin rằng có lỗi thì phải chịu trách nhiệm và dũng cảm mà xin lỗi. Ai mà trong đời không một vài lần phạm sai lầm? Chuyện thường ngày mà. Xin lỗi là xong thôi. 10. Họ cực kỳ khiêm tốn Người chính trực chỉ làm việc tốt cho mọi người, cho cộng đồng mà chẳng bao giờ nghĩ đến việc phải lấy đó làm phần thưởng và mong đợi sự khen ngợi của ai. Họ có thể là người rất VIP, rất nổi tiếng, nhưng bản thân chẳng bao giờ quan tâm đến hào quang cả. 11. Họ luôn tử tế và hướng đến điều tốt đẹp Nếu có thể làm bất kỳ chuyện gì trong khả năng để giúp đỡ mọi người, họ chắc chắn không nề hà. Đối với họ, cuộc sống chỉ có ý nghĩa khi ta giúp đỡ được mọi người mà thôi. Bạn có phải là người chính trực? Người xung quanh bạn có phải là những người chính trực? Bạn có thể nghe lại bài học tại đây:

  • Loại bỏ những thói quen khiến bạn thiếu tự tin

    Rất nhiều bạn trẻ khi gặp tôi không dám tiếp xúc hoặc không biết phải nói gì. Tôi hiểu vì sao và thường hẹn các em inbox chuyện trò. Phần lớn các em chia sẻ là do bản thân thiếu tự tin. Điều này làm cho các em cảm thấy tự ti giữa đám đông và là lực cản lớn nhất đối với các em trong việc thể hiện được khả năng và giá trị của mình. Tóm tắt lại đây những thói quen mà tôi gọi là toxic – độc hại đẩy con người vào chỗ tự ti hay thiếu tự tin nhé. Nếu ai có thói quen này thì bỏ đi để dần tự tin hơn. 1. No comparison – Đừng so sánh: Theodore Roosevelt nói thế này “Comparison is the thief of joy – So sánh là kẻ cắp của niềm vui.” Cứ lo đi so sánh thì ta sẽ luôn luôn thấy mình thua kém, rồi vì vậy mà phiền não chứ có gì đâu. Mà thứ bạn so sánh chưa chắc đã thật. Có khi người ta chỉ post lên facebook vài cái hình trông thật hạnh phúc, nói vài câu nghe thật thành đạt để tự sướng mà thôi. Chưa chắc đã thật đâu mà bạn mang ra so sánh làm gì cho mệt. Nói nghe nè, muốn so thì so với chính mình ấy. Bạn hôm nay biết nhiều hơn hôm qua, làm điều gì đó chưa từng dám làm, giúp một ai đó chưa từng giúp là đã tiến bộ hơn rồi. Đưa ra cho mình ít nhất 1 mục tiêu nhỏ mỗi ngày rồi xông pha vào mà thực hiện. Thế là đủ. So bạn hôm nay với hôm qua, bạn ngày mai với hôm nay, là bạn sẽ thấy mình lớn hơn và sẽ tự tin hơn từng bước nhỏ mỗi ngày. "The only person you should aim to be better is your past self – Người bạn cần so sánh để tốt hơn là chính bạn của ngày hôm qua.” 2. Give up what you can’t control – Tập trung vào điều bạn có thể ảnh hưởng: trên đời có rất nhiều thứ ta không control được, ví dụ như sinh ra trong gia đình không khá giả, không đủ tiền mua Iphone, không được học tiếng Anh từ nhỏ, vv. Mấy thứ ta không có cách nào thay đổi hay ảnh hưởng được thì bạn bỏ qua đi, tự trách mình làm gì. Trách cũng chẳng giúp gì cho ai, lại còn làm cho bạn thiếu tự tin hơn. Chi bằng, cứ tập trung vào những điều mình thay đổi được, ví dụ như tự học tiếng Anh. Muốn thì có 1001 cách, không có tiền vẫn làm được đó. 3. No negative self-talk - Không dùng ngôn ngữ tiêu cực với bản thân: mỗi ngày chúng ta tự đối thoại với bản thân nhiều lần. Nếu bạn cứ toàn cho rằng mình bất lực, thiếu khả năng, không đủ đẹp trai, tiếng Anh kém, v.v thì càng ngày bạn sẽ càng thiếu tự tin. Thay vào đó, hãy sử dụng ngôn ngữ tích cực với bản thân. Cám ơn cuộc sống vì tôi được đến trường và đi học. Bạn đã bao giờ nhìn thấy những em nhỏ đường phố chưa được học ngày nào chưa? Cám ơn vũ trụ vì tôi đọc được một quyển sách hay. Bạn đã thấy ai chưa một lần được cầm một quyển sách mới chưa? Tập trung vào những điều tích cực và có vô số điều tích cực xung quanh bạn đấy thôi. Bạn chỉ cần thay đổi thái độ. Còn lỡ có thất bại, ừa thì thất bại chỉ là một cách để tìm ra thành công thôi mà. Làm gì dữ vậy? Đừng cho phép mình chìm đắm trong nỗi nhục nhã của thất bại. Thật ra chỉ có bạn làm khổ mình thôi. Người ta đâu ai rảnh mà nhớ hoài mấy chuyện đó. Ai cũng lo phấn đấu tốt hơn họ ngày hôm qua rồi. 4. Stop thinking your capability is limited – Đừng nghĩ khả năng mình giới hạn: hồi xưa tôi cũng bị đưa vào cái khung và nghĩ rằng mình chỉ làm được thế thôi. Sau này, khi đầu óc mở mang hơn, tôi tìm học nhiều kỹ năng, tri thức mới và từ từ cảm thấy mình thật ra còn có thể làm được nhiều điều mà bản thân chưa bao giờ mơ đến. Cứ với thái độ này mà tôi bước, mà tôi quảy gánh băng đồng ra thế giới đó thôi. Đừng tự giới hạn mình. Mỗi con người đều có tiềm năng vô hạn. Hãy vui vẻ mà khám phá tiềm năng của mình. Học và trải nghiệm nhiều điều mới, nhiều kỹ năng mới, nhiều chân trời mới nhé. Mỗi một trải nghiệm mới sẽ xây cho bạn một nấc thang tự tin mới đấy. 5. Stop trying to please everybody – Bỏ chuyện cố gắng làm hài lòng tất cả mọi người đi: không ai trên đời này có thể làm tất cả mọi người hài lòng được hết. Bản thân tôi còn bị chỉ trích nữa kìa. No problemo! Chuyện nhỏ mà. Mình chỉ làm theo giá trị của bản thân, giúp cho một người cũng là giúp. Ai rảnh thì cứ để cho người ta ngồi đó mà chỉ trích. Nói riết rồi cũng phải mệt chứ. Người đời là thế mà. Nên thôi cứ chăm chú mà làm. Ai nói gì là chuyện của người ta nhé. Đừng vì vậy mà thiếu tự tin. 6. Get away from toxic people – Tránh xa những kẻ độc hại: trong các món thì đây là món tôi lưu ý dữ nhất. Người xung quanh ta mà tiêu cực, mà độc hại thì họ chỉ có kéo ta xuống mà thôi. Có nhiều người niềm vui của họ là làm cho kẻ khác hoang mang, đau khổ, thất vọng. Có đó! Nên bạn thử chú ý xem xung quanh mình có những người như vậy hay không, rồi tránh họ ra thật xa đi nhé. Có vậy bạn sẽ tự tin hơn với bản thân mình. Hơn nữa, gần người tích cực, tự tin thì họ sẽ truyền cho bạn năng lượng tích cực để lớn lên mỗi ngày so với hôm qua. Bạn có thể nghe lại bài học tại đây:

  • Q&A trả lời câu hỏi qua livestream ngày 11/9/2021

    Đây là full video buổi livestream trả lời câu hỏi về nội dung khoá học nha các bạn. Những từ khoá các bạn chia sẻ để diễn tả điều bản thân học được sau khi học khoá học này: - Tích cực - Chiêm nghiệm - Phản tư - Thức tỉnh - Chuyển hoá - Làm chủ bản thân - Yêu bản thân - Sứ mệnh - Kiểm soát - Trung thực - Kỷ luật - Cảm nhận - Ngấm

  • Thích nghi trong hoàn cảnh bình thường mới

    Theo báo cáo của Linkedin năm 2019, trước khi đại dịch bắt đầu, thì 5 kỹ năng mềm cần nhất cho 2020 là creativity – khả năng sáng tạo, persuasion – khả năng thuyết phục, collaboration – khả năng cộng tác, adaptability – khả năng thích nghi, và emotional intelligence – trí tuệ cảm xúc. Sự xuất hiện rất trùng hợp của Adaptability trong nhóm các kỹ năng nhà tuyển dụng cần nhất trong năm 2020 lại chính là kỹ năng giúp mỗi người biết cách chấp nhận, đối diện với hoàn cảnh, và học cách thay đổi chính mình để thích nghi. Tuy nhiên, khả năng thích nghi có thể được hiểu như thế nào? Và người có khả năng thích nghi nhìn ra sao? Chia sẻ với các bạn từ góc nhìn của người đã làm việc trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, tại nhiều quốc gia và văn hoá khác nhau. Đây cũng là lúc chúng ta cần nhìn lại chính bản thân mình, xem khả năng thích nghi của bản thân thế nào, và học cách rèn luyện nhé. Người có khả năng thích nghi cao là người: 1. Willing to experiment – Sẵn sàng thử nghiệm cái mới: trong thế giới của người dễ thích nghi, thay đổi là chuyện đương nhiên. Vì tư duy mở nên họ dễ chấp nhận mọi sự thay đổi, ung dung đối diện với thay đổi, và vui vẻ tìm giải pháp để thích nghi. Trong sự bất định của tình hình thế giới hiện tại, ai không có tâm thế It’s OK – Đâu sao, chuyện nhỏ mà, người đó tự khoá mình vào quá khứ. 2. Unafraid of failure – không hề sợ thất bại: đã gọi là thử nghiệm cái mới, thì đương nhiên không sợ thất bại. Ai trên đời này có thể biết chắc 100% là chuyện mình chưa bao giờ làm, ý tưởng chưa bao giờ triển khai chắc chắn sẽ thành công? Khi ta đẩy mình vào thế sợ rủi ro, sợ sai, sợ thất bại, sợ đủ thứ, và cuối cùng không dám làm gì cả, ta đã tự chặn đường phát triển cho chính bản thân mình. Learning by doing – học từ làm, từ thử nghiệm là cách học nhanh nhất, hiệu quả nhất, nhớ lâu nhất, ứng dụng tốt nhất. Nếu sợ, sao học? 3. Resourceful – Biết cách huy động nguồn lực: cách nghĩ của rất nhiều bạn trẻ Việt Nam là, tôi có A, suy ra tôi chỉ có thể làm B. Đây là cách tư duy bị giới hạn bởi nguồn lực, và vì vậy làm cho con người thiếu sáng tạo, không dám dấn thân làm nên những điều kỳ diệu. Người dễ thích nghi là người tư duy ngược lại why – how – what – what. Tôi muốn đạt được mục tiêu gì, tôi sẽ làm cách nào để đạt được mục tiêu đó, tôi cụ thể tôi sẽ làm gì, và tôi sẽ cần nguồn lực hỗ trợ nào. Với cách tư duy này, mục tiêu cuối cùng cần phải đạt được bằng bất kỳ giá nào, và vì thế họ trở nên sáng tạo nhất có thể, nghĩ ra đủ cách để make things happen – làm cho được mới thôi. 4. Able to see the big picture – Luôn nhìn về mục tiêu lớn: nếu phải lùi 1 bước, người dễ thích nghi không phàn nàn vì phải lùi một bước. Họ nhìn bước lùi này trong ngữ cảnh của tương lai sẽ tiến 3 bước thế nào. Nếu hôm nay lương chỉ còn 50%, họ không bực bội tức tối mà sẽ làm việc cật lực hơn, sáng tạo hơn để chứng tỏ năng lực và tâm thế của bản thân với tổ chức. Người như thế sẽ trở thành người được trọng dụng, cất nhắc sau thử thách. 5. Positive – Tích cực: bạn có bao giờ vừa nói điều gì ra thì người đối diện đã còm “không được đâu, khó lắm, nhưng mà, không nên, vv”? Đó là những người bị kẹt trong tư duy ao tù, chỉ nghĩ được loanh quanh trong phạm vi giới hạn của chính bản thân, không bao giờ dám thử cái mới, làm những điều tưởng chừng như không thể, đơn giản vì họ không tin vào chính mình. Ngược lại, người dễ thích nghi luôn ở trong tâm thế mở, háo hức tìm hiểu và thử nghiệm cái mới, càng không biết càng thích. Đối với họ, thử thách là cơ hội để phát triển bản thân. Vì tích cực nên họ tiến xa và vượt qua mọi giới hạn mà người khác tự đặt ra cho bản thân mình. 6. Curious – Ham học hỏi: vì thích cái mới nên người dễ thích nghi thấy cái gì mới cũng nhào vô hỏi, nhào vô tìm hiểu, học, thử…. Và họ không dừng lại ở việc tìm hiểu công việc, chuyên môn, hay những gì liên quan đến thứ họ đang tìm. Người dễ thích nghi ham học hỏi đủ thứ, thấy gì cũng đặt câu hỏi, và vì họ curious về mọi thứ nên luôn tìm ra mối tương quan, nguyên lý áp dụng được giữa nhiều phạm trù khác nhau. Đối với tôi, đây có lẽ là điều tôi trân quý nhất khi ngộ ra và giúp tôi không ngừng sáng tạo. Đôi khi, xem một bức tranh, nghe một câu chuyện, dự một buổi hoà nhạc, hay đơn giản chỉ là đi bộ dọc theo một con đường xa lạ, nhìn cách mọi thứ diễn ra, tò mò tìm hiểu tại sao họ lại làm như thế là cách tôi học được nhiều nhất và là chất liệu để tạo ra nhiều ý tưởng nhất. 7. Being present – sống trong hiện tại: người không thích nghi mày mặt với quá khứ, sợ hãi, lo lắng tương lai, trốn tránh hiện tại. Nếu đã trốn tránh, không chấp nhận thì sao có thể nghĩ ra cách đối diện? Ừa thì hiện tại là như thế. So what? Có sao đâu! Nó đã là như thế rồi thì ta tìm cách giải quyết thôi. Thời gian vận não tìm giải pháp thích hợp có ích hơn nhiều so với thời gian bỏ ra để sợ. Adaptability có lẽ là kỹ năng nền tảng giúp con người bình tĩnh, vững tâm đối diện với tương lai bất định và tiếp tục hành trình chưa biết sẽ ra sao. Hoặc là ta luyện tập để trở thành người dễ thích nghi. Hoặc là ta co mình lại, sống như bubble boy – sợ tất cả và trốn trong quả bóng nhỏ của đời mình. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên biết một điều sẽ không bao giờ thay đổi là, tương lai thế giới này mãi mãi là bất định.

  • 3 điều cực dễ bạn có thể làm để rèn luyện sự tự tin

    Trong khi dịch diễn biến phức tạp, và mình bị nhốt trong nhà, có lẽ đây là thời gian tốt nhất để tập trung vào bản thân, dành thời gian mà mình chưa bao giờ dành cho bản thân vì sự cuống cuồng của vòng quay học hành, công việc. Trong mọi hành trình mà tôi trải qua trong đời, phải nói hành trình khám phá bản thân là đỉnh nhất. Bạn nghĩ mình hiểu bản thân? Không có đâu. Con người khi ở trong môi trường khác, khi dấn thân làm những điều mới mẻ, khi chấp nhận một thử thách mới, sẽ có cơ hội để ngỡ ngàng hơn về khả năng của bản thân mình. Còn ai cứ vậy làm hoài, quanh đi quẩn lại, thì muôn đời sẽ mắc kẹt ở level đó, không bao giờ có cơ hội khám phá những tiềm năng vô hạn và hết hồn khác của bản thân mình. Người thành công, vui vẻ, hạnh phúc là vậy. Họ không ngừng khám phá bản thân. Họ luôn chấp nhận thử thách mới. Họ luôn học cái mới, làm cái mới, dấn thân vào dự án mới, gặp những con người mới, vv. Chính vì phải đối diện và tham gia thực hiện, triển khai cái mới mỗi ngày, họ nhìn thấy những tiềm năng mới bộc lộ từ chính mình, hiểu hơn về thế giới và bản thân, dần dần trở nên tự tin hơn vì khả năng thực hiện nhiều việc mà trước đây cứ tưởng mình sẽ không bao giờ làm được. Đây là cả một quá trình cần được rèn luyện hàng ngày. Không có thuốc bổ gia truyền nào uống vô trở nên tự tin. Cũng không có lời khuyên nào nghe xong thì hết tự ti. Muốn trở nên tự tin, phải hành động, rèn luyện mỗi ngày, và đừng ngồi đếm xem hết bao nhiêu ngày thì mình sẽ tự tin. Cứ làm, cứ làm, cứ hồn nhiên tận hưởng hành trình khám phá bản thân, rồi bạn sẽ tự tin lúc nào không biết. Đó là cách tôi rèn luyện sự tự tin cho chính mình, từ một người trẻ Việt Nam nhút nhát, thành người có thể đứng trên sân khấu hàng ngàn doanh nhân, lãnh đạo cấp cao của các tập đoàn, công ty ngoài thế giới, một cách rất là chính mình. Giờ, tôi chia sẻ với các bạn cách tôi rèn luyện sự tự tin cho mình nhé. Luôn luôn đang học một cái gì đó mới Học cái gì cũng được, miễn là mới. Tốt nhất là bắt đầu từ những thứ bạn cực thích trước giờ nhưng chưa bao giờ có cơ hội học. Và đừng suốt ngày cứ nghĩ đến chuyện công việc, kinh doanh, kỹ năng tương lai gì gì đó. Học cái gì cũng tốt hết, vì nó cho bạn một góc nhìn mới từ môn đó, vì nó giúp não tạo ra những kết nối neuron thần kinh mới khiến bạn thông minh hơn, sáng tạo hơn. Ví dụ, hồi nhỏ tôi rất thích học nghệ thuật nhưng không có điều kiện. Sau này khi có điều kiện hơn, tôi đi học vẽ tranh, vẽ trên vải batik, học piano, học đàn cổ cầm, học viết thư pháp, học cách thưởng thức tranh, học pha trà, vv và vv. Danh sách những thứ tôi còn muốn học nó dài dằng dặc. Và mỗi năm khi đi du lịch, tôi đều tìm thêm những khoá học ngắn hạn, về những đề tài mình yêu thích để học. Phải nói là, những thứ tưởng chừng học vô bổ, không liên quan gì đến công việc đó mới chính là những thứ làm cho tôi đầu óc ngày càng mở mang, thành kiến ngày càng biến mất, góc nhìn ngày càng đa dạng, sáng tạo hơn, và cũng vì vậy ngày càng tự tin hơn vì mình có quá nhiều trải nghiệm hay ho để chia sẻ, nhiều góc nhìn khiến người khác giật mình, nhiều câu chuyện để tương tác sâu và thú vị hơn với người xung quanh. Học gì cũng được. Học thứ bạn thích càng tốt vì nó sẽ khiến bạn hào hứng hơn, không bỏ cuộc. Học ngắn hạn, dài hạn, tự học, có thầy, online, offline gì cũng được, tuỳ mình thôi, sao tiện và thích thì làm. Nhưng luôn luôn giữ cho bản thân trong trạng thái đang học. Rồi, hôm nay ngồi rà lại, nếu thấy đang không học gì thì start liền nha. Chứ ở nhà quá trời thời gian để làm gì? Luôn luôn đang tham gia làm một cái gì đó mới Cái gì cũng được, miễn là mới. Có thể là một dự án xã hội, cộng đồng, sự kiện, lớp học, startup, nghiên cứu, vv. Cái gì cũng được, liên quan không liên quan đến sự nghiệp hay công việc cũng được. Không liên quan công việc mà liên quan đến sở thích càng hay. Làm cái gì mới cũng kích thích não bộ hoạt động trong trạng thái hứng khởi, open với cái mới, với những con người mới, với những cách làm mới, có khi thay đổi được nhiều định kiến cũ. Cứ vậy hoài, bạn trở thành người open lúc nào không hay. Khi tiếp xúc với cái mới, bạn phải tư duy, suy nghĩ khác đi, tìm cách làm khác đi, vận hành khác đi với những con người rất khác. Thế là bạn sẽ tự nhiên nhận ra mình có thể nghĩ khác, làm khác, và có khi do nguồn lực hạn chế lúc đó, làm được nhiều thứ mà trước giờ mình sợ chưa dám làm. Giờ bị đẩy vô thế nên làm đại. Xong, thấy ủa mình cũng OK lắm chứ hả. Sự tự tin nó lớn lên nhờ như thế. Nhờ ủa ủa kiểu vậy vài ngàn lần trong đời. Có dự định, ý tưởng đang lưu kho gì cứ lấy ra làm hết Nhiều bạn có quá trời ý tưởng trong đầu, xong nghĩ mãi nghĩ mãi, càng nghĩ càng sợ làm không được, xong sợ quá xếp lại. Cái này hại lắm. Khi não nhận biết là bạn muốn rất nhiều nhưng chẳng làm được cái gì, toàn ngồi mơ mộng viễn vông, thì nó ám ảnh bạn là mình chỉ nghĩ được thôi chớ không có khả năng thực hiện cái quái gì. Thế là càng ngày ta càng tự nhiên mất tự tin, càng ngày càng nghi ngờ bản thân, và đến một lúc nào đó thì sợ quá chạy trốn, không dám nói, không dám phát biểu, không dám xung phong làm chuyện gì dù rất nhỏ. Giờ bạn ngồi viết ra đi, viết hết tất cả những gì mình muốn làm, giả sử như bắt đầu 1 cái podcast đi chẳng hạn. Rồi xông vào tìm cách làm. Chỉ có thực hiện nó mới ra vấn đề, ra bài học, ra cái biết, không biết, và ép mình phải suy nghĩ nhiều cách giải quyết, và tạo ra những khoảnh khắc à ha khi tìm ra hay làm được thứ gì. Cứ vậy, tự nhiên bạn bớt lười biếng, bớt sợ hãi, bớt nghi ngờ bản thân, bớt tự hù doạ mình, thấy cái gì cũng có cách giải quyết, cái gì cũng có thể làm được, và đương nhiên trở nên tự tin hơn. Đó, 3 bí kíp cực kỳ đơn giản, cực kỳ dễ thực hiện cho bất kỳ ai, dù đang ở đâu, dù trong hoàn cảnh nào. Cho nên, đừng có biện minh biện hộ thì là vì tại bị nha. Không có thuốc gia truyền 3 đời uống vô thành tự tin đâu. Tự mình xông ra khám phá bản thân mình đi các bạn.

  • Kỹ năng tổ chức & điều phối công việc

    Cho dù bạn làm gì ở đâu, đương nhiên bạn sẽ được giao đảm nhiệm một chương trình, dự án nào đó, và đương nhiên sẽ phải tự mình lên kế hoạch, sắp xếp, triển khai, vận động nguồn lực và báo cáo công việc. Ở mức độ công việc nào cũng thế, và kỹ năng tổ chức, sắp xếp công việc nó chiếm hết 50% khả năng thành công của công việc, dự án được giao. Đó là chưa nói, trong thế kỷ 21, tổ chức công việc sẽ theo dạng dự án hơn là phòng ban, và các dự án tương lai có độ phức tạp cao hơn rất nhiều so với hiện tại, cần involve - sự tham gia của nhiều chuyên gia, đối tác khác nhau, cần sự tương tác của đội ngũ có nhiều kỹ năng và chuyên môn khác nhau, cần sự ứng dụng của công nghệ, vv. Vì vậy, kỹ năng tổ chức, sắp xếp, quản trị dự án trở thành kỹ năng quan trọng của bất kỳ vị trí hay mức độ công việc nào. Người giỏi kỹ năng này sẽ thành công vượt bậc trong tương lai. Kỹ năng tổ chức và điều phối công việc là gì? Là kỹ năng xác định tất cả những hoạt động, công việc cần làm, chia theo nhóm công việc, sắp xếp thứ tự ưu tiên, phân công nhân sự và thời hạn hoàn thành một cách hiệu quả để đạt được kết quả và mục tiêu đặt ra cho bất kỳ công việc hay dự án nào. Tại sao cần tổ chức & điều phối công việc? Người làm việc không có kế hoạch, check list công việc, không biết phân công và theo dõi thời hạn hoàn thành thì sẽ không bao giờ thực hiện thành công bất kỳ dự án nào. Vì vậy, kế hoạch quản trị một chương trình, dự án là cực kỳ cần thiết. Nó chính là chiếc bản đồ hướng dẫn bạn và tất cả mọi người có tham gia vào dự án biết rõ cần đến đâu, cần làm gì để đi đến đó. Nó là chiếc la bàn định hướng, giúp tất cả mọi người trong đội ngũ hiểu rõ vai trò, trách nhiệm và công việc cụ thể cần làm để cộng hưởng lại thành kết quả chung. Khi có bản đồ, bạn cũng dễ dàng tạo ảnh hưởng và có được sự hỗ trợ của những phòng ban khác hay các đối tác thứ 3 khác có liên quan đến dự án. Không ai đi hợp tác với người không có kế hoạch rõ ràng, không biết mình đang làm gì và không biết cần người khác hỗ trợ thế nào. Qui trình xây dựng kế hoạch, dự án 1. Xác định tên, mục đích và thời hạn dự án Mất bao lâu để đạt được mục đích gì là chuyện đầu tiên cần phải thể hiện bất cứ khi nào bạn lên kế hoạch. Ví dụ, mục đích có thể là upskill - nâng cao kỹ năng cho toàn bộ nhân sự công ty trong thời gian 12 tháng. 2. Đặt dự án vào ngữ cảnh Đây là lý do tại sao bạn đưa ra chương trình hay dự án này, trong ngữ cảnh nào. Ví dụ, bạn xây dựng chương trình nâng cao kỹ năng cho nhân sự vì công ty đang ứng dụng chuyển đổi số và tất cả nhân sự cần học kỹ năng làm việc số để triển khai công việc trên nền tảng số hiệu quả hơn chẳng hạn. 3. Xây dựng mục tiêu Bất kỳ chương trình, dự án nào cũng phải có mục tiêu cụ thể để đo lường được như thế nào là thành công. Khi đặt ra mục tiêu, lưu ý mục tiêu cần phải SMART: - Specific: cụ thể, rõ ràng - Measurable: đo lường được, không nói chung chung - Achievable: có thể đạt được, không quá sức hoặc hoang tưởng - Realistic: thực tế theo tình hình và hoàn cảnh hiện tại - Time-bound: có thời hạn và thời gian triển khai và hoàn thành cụ thể 4. Xác định & điều phối nguồn lực để thực hiện dự án Để có thể thực hiện thành công chương trình, dự án, bạn cần xác định và xin cấp trên duyệt các nguồn lực liên quan như ngân sách, nhân sự, hỗ trợ công nghệ, vv. Do đó, một kế hoạch tốt nhất thiết phải thể hiện cụ thể tất cả những gì bạn cần để thực hiện dự án thành công. Một vài câu hỏi bạn có thể hỏi mình khi thực hiện bước này: - Tổng ngân sách là bao nhiêu? - Ngân sách này trích từ nguồn nào? - Cần vận động nhân sự nào, phòng ban nào tham gia với cam kết thời gian ra sao? - Có cần sự tham gia của đối tác bên ngoài không? Nếu có là đối tác nào và tại sao - Công cụ để theo dõi và đo lường kết quả thực hiện dự án là gì? Ví dụ nếu cần sử dụng phần mềm quản trị dự án thì đó là phần mềm gì, đội ngũ có biết sử dụng hay không, phần mềm hiện có hay phải mua mới, vv. 5. Xác định những giới hạn của dự án Dự án có thể bị giới hạn bởi những yếu tố nào, thời gian, ngân sách, nguồn lực? Cần hiểu rõ và xác định những giới hạn này để có thể đưa ra work plan - kế hoạch công việc sáng tạo hơn, phù hợp với hoàn cảnh hơn, thực tế hơn. Không bao giờ có dự án nào mà mọi nguồn lực đều muốn bao nhiêu cũng có. Dự án, chương trình nào cũng có giới hạn của nó, và người giỏi là người biết vượt qua giới hạn để đạt được mục tiêu. 6. Xác định rủi ro và trách nhiệm Những yếu tố nào có thể là rủi ro làm ảnh hưởng đến kết quả, tiến độ dự án của bạn? Khi xác định rủi ro là gì, bạn sẽ tìm cách quản trị rủi ro, hạn chế rủi ro bằng cách chia sẻ trách nhiệm minh bạch, rõ ràng, cụ thể cho từng thành viên dự án. Bằng cách này, bạn có thể quản trị rủi ro cả dự án và từng thành viên tham gia cũng hiểu rõ bản thân họ cần quản trị rủi ro của bản thân thế nào. Chủ động quản trị rủi ro sẽ gíup dự án ít bị ảnh hưởng bởi rủi ro hơn. 7. Công cụ quản trị dự án Tuỳ vào tình hình tổ chức mà bạn có thể sử dụng excel hay phần mềm quản trị dự án để xây dựng và theo dõi dự án. Sử dụng gì cũng được, nhưng cần thể hiện tất cả những chi tiết sau: Ngày khởi đầu dự án Danh sách các đầu việc cần làm cho dự án Người chịu trách nhiệm từng đầu việc Ngày bắt đầu và kết thúc của mỗi đầu việc Thời gian thực hiện mỗi đầu việc Cách sắp xếp đầu việc theo nhóm, cách các đầu việc kết nối và ảnh hưởng đến nhau Sự phụ thuộc của các đầu việc vào những đầu việc khác, những milestones - cột mốc quan trọng của dự án, và những điều đảm bảo thành công hay thất bại của dự án Ngày kết thúc dự án Ví dụ 1 bảng theo dõi dự án có thể nhìn thế này:

  • Tự tin giao tiếp từ ngôn ngữ hình thể

    Sự nhút nhát, ngại ngùng hay sợ hãi trong tiếp xúc với người khác, với đám đông, nhất là với người lạ là chuyện hết sức bình thường. Ai cũng có nỗi sợ như thế, nhất là khi ta chưa có môi trường hay chưa được hướng dẫn các kỹ năng giao tiếp. Tôi hay nói đùa là khi sợ quá người ta hay tỏ ra nguy hiểm, chủ yếu là dựng lên một cái rào cản, thông báo là họ chẳng welcome ai, chẳng muốn nói chuyện với ai và chẳng có ý định tiếp xúc với ai. Kỳ thực là họ sợ quá đó thôi Do đó, bạn chẳng có việc gì phải lo. Người ta cũng sợ giống y như mình à. Tuy nhiên, để xây dựng sự tự tin khi giao tiếp, mình cũng cần phải tập dần dần. Hôm nay chia sẻ với các bạn những ngôn ngữ hình thể mà bạn nên tập sử dụng để bản thân thể hiện tự tin hơn. 1. Make eye contact – Giao tiếp bằng mắt: khi có ai đó đang nói chuyện với mình, cần phải nhìn vào mắt họ. Nếu bạn cảm thấy bối rối hay sợ quá vì chưa quen hay vì người đối diện đầy quyền uy , có thể nhìn vào mũi hay tai của họ trước. Như vậy cứ như là bạn đang nhìn vào mắt họ vậy. Đừng nhìn đi nơi khác hay đảo mắt lung tung, điều đó sẽ làm bạn có vẻ như lo lắng, sợ hãi, thiếu tự tin, hay thiếu chân thật. 2. Talk with your hands – Nói bằng tay: quyền lực của lời nói thật ra được diễn tả rất nhiều qua cử chỉ. Nghiên cứu khoa học cho thấy những người lãnh đạo có ảnh hưởng đều sử dụng cử chỉ tay hơn người thường gấp 4 lần. Cứ thoải mái diễn tả cảm xúc của mình khi nói nhé. 3. Sit upright – Ngồi thẳng: người tự tin khi ngồi lưng thẳng, đầu thẳng, chẳng bao giờ như rơi tõm vào ghế và bị nhấn chìm vào trong đó. 4. Stand up straight – Đứng thẳng: cử chỉ đứng thẳng và đầu ngẩng cao thật ra sẽ gởi một thông điệp về não là bạn đang tự tin, vì vậy giúp cho bạn cảm thấy tự tin hơn. Đây là mẹo nhỏ, không khó làm. Thử nhé! 5. Don’t fidget – Đừng cựa quậy chân tay lung tung: nhiều người có thói quen hay nhịp tay, nhịp chân, rung đùi, lắc đầu, nắm cổ áo, vuốt tóc, gãi tai, vv. Những thói quen đó làm cho bạn có vẻ thiếu tự tin khi giao tiếp. Nếu là thói quen thì tự mình phải kiểm tra lại xem mình có hay làm thế không, hỏi bạn bè xem mình có những cử chỉ vô thức đó không rồi sửa. 6. Loosen up your vocal cords – Giọng nói thoải mái, nhẹ nhàng: thường là khi có chút áp lực, giọng nói của chúng ta sẽ hơi cứng. Cứ nói như là mình đang nói chuyện trao đổi bình thường, giọng nói của bạn sẽ dễ nghe và bạn sẽ có vẻ tự tin hơn.

  • Khả năng nhận thức cấu trúc vận hành tổ chức

    Khi chúng ta chọn một tổ chức để dấn thân vào, để hợp tác, để làm việc, mỗi tổ chức sẽ có cấu trúc, văn hoá, cách vận hành khác nhau. Và ta, khi chọn tổ chức đó để dấn thân, ta cần hiểu rõ cấu trúc vận hành tổ chức để biết cách tiếp cận và hoà mình vào tổ chức đó. Là người đi làm, bạn di chuyển từ tổ chức này sang tổ chức khác, và không có quyền expect – muốn những nơi bạn bước vào phải thay đổi để thích nghi với bạn. Ngược lại, bạn mới chính là người cần thay đổi để thích nghi với cách vận hành của tổ chức. Do đó, người đi làm chuyên nghiệp, rất quan tâm và học cách nhận thức rõ, học cách thích nghi với cấu trúc, văn hoá, cách vận hành của tổ chức. Khả năng nhận thức cấu trúc vận hành tổ chức là gì? Đây là khả năng đọc được chuyển động cảm xúc và quan hệ tổ chức quyền lực của một tập thể. Từ đó có thể nhận dạng được nhân vật ảnh hưởng, các mối quan hệ, và sự tương quan cần biết trong cách tập thể đó đưa ra quyết định. Nhờ khả năng này, bạn biết cần ảnh hưởng ai, cần sự ủng hộ của ai khi triển khai bất kỳ công việc gì trong tổ chức, cần vận động phòng ban hay người xung quanh thế nào để họ ủng hộ và cộng tác, và quan trọng không kém là nhận dạng được sự không ủng hộ có thể đến từ đâu và làm thế nào để khắc chế những ảnh hưởng tiêu cực này. Bản đồ các nhóm quyền lực & chính trị trong một tổ chức: Dù không ai muốn, nhưng một tổ chức luôn luôn có phe phái chính trị và nhóm quyền lực khác nhau, như cách một xã hội thu nhỏ vận hành. Tổ chức nào có lãnh đạo tốt và văn hoá xuất sắc sẽ giảm thiểu tình trạng phân bố quyền lực này, dù không có cách nào khác để hoàn toàn triệt tiêu nó. Do đó, người đi làm có EI cần có nhận thức, tìm hiểu và phân tích được các nhóm quyền lực hay chính trị khác nhau trong một tổ chức để giúp bản thân vận hành dễ dàng hơn trong tổ chức đó. Đừng bước vào một tổ chức với sự ngây thơ là mọi thứ đều màu hồng. - Bedfellows - cùng hướng khác đường: mức độ đồng thuận cao, mức độ tin tưởng thấp Họ có thể rất đồng thuận với ý tưởng, nhưng không tin tưởng vào cách triển khai của tổ chức. Nhóm này vẫn có thể thuyết phục để nhìn sự việc một cách khác đi. Họ thường chọn lắng nghe và nói những điều có lợi hơn cho mình. Độ tin cậy vào nhóm này thấp vì họ có thể vừa ủng hộ đó lại lật cờ chỉ trích ngay sau đó. Bạn cần giữ quan hệ với họ nhưng cũng cần đề phòng họ chơi xấu. - Adversaries: mức độ đồng thuận thấp, mức độ tin tưởng thấp Nhóm này không thích và không tin tưởng tổ chức. Họ thường chống đối lại tất cả những gì tổ chức đưa ra. Đây là nhóm nguy hiểm mà tổ chức cần khắc chế. Do đó, bạn cũng cần giữ khoảng cách an toàn với nhóm này. - Opponents: mức độ đồng thuận thấp, mức độ tin tưởng cao Họ tin tưởng vào tổ chức nhưng không đồng ý hoặc nghi ngờ ý tưởng được đưa ra. Nhóm này có thể đưa ra những cách tiếp cận mới, nên việc đối thoại tích cực với họ là rất tốt cho tổ chức. Nhóm này có thể giúp bạn mở ra những cách làm mới, cách tiếp cận mới, và rất cần thuyết phục họ ủng hộ. - Allies: mức độ đồng thuận cao, mức độ tin tưởng cao Nhóm này tin tưởng vào cách làm và định hướng của tổ chức. Họ là nhóm đồng minh tin tưởng nhất của tổ chức. Tầm ảnh hưởng của họ cũng rất cao đối với các nhóm khác. Bạn cần xây dựng quan hệ tốt với nhóm này vì họ là những đồng minh rất cần thiết. - Fence-sitters: mức độ tin tưởng thấp vì họ không có chính kiến, chỉ ngồi ở bờ rào xem gió thổi chiều nào Nhóm này không là đồng minh cũng chẳng phải kẻ đối lập. Mỗi khi triển khai ý tưởng hay dự án gì cũng cần hỏi lại xem họ nghĩ sao, nếu không ủng hộ thì tại sao, và gieo hạt đồng thuận cho họ. Hiểu và lèo lái được các dòng chảy quyền lực khác nhau trong 1 tổ chức sẽ giúp bạn vận hành dễ dàng hơn, hiệu quả hơn. người có EI là người làm được việc này một cách tự nhiên. Cách rèn luyện để gia tăng khả năng nhận thức cấu trúc vận hành tổ chức: - Tham gia hoạt động của các đội nhóm trong tổ chức một cách có chiến lược - Luôn cân nhắc và tìm hiểu góc nhìn của các thành phần ảnh hưởng khác nhau trong tổ chức trước khi đưa ra quyết định - Chú ý ngôn ngữ hình thể và luôn lắng nghe tích cực - Luôn tạo ấn tượng tốt một cách hết sức tự nhiên Đây cũng là một trong 12 kỹ năng quan trọng của EI @ work - Trí tuệ cảm xúc cho người đi làm. Bạn có thể đăng ký học khoá này miễn phí trên blog.

  • Khả năng tự tạo động lực & chăm sóc sức khoẻ bản thân

    Khả năng tự tạo động lực và chăm sóc sức khoẻ bản thân là gì? Là khả năng giữ cho bản thân luôn có động lực, luôn tràn đầy năng lượng bằng cách xác định và theo đuổi không ngừng mục đích sống của cá nhân, cũng như biết cách điều tiết lịch làm việc và sinh hoạt một cách hợp lý để tái tạo năng lượng, giữ sức khoẻ để đối diện với môi trường làm việc cường độ cao và sự thay đổi liên tục của tương lai. Khả năng tự tạo động lực Người có khả năng tự tạo động lực dám đưa ra những mục tiêu đầy thử thách cho bản thân, tin tưởng vào năng lực có thể thực hiện thành công những mục tiêu đó, và cam kết nỗ lực hết mức, không dừng lại trước bất kỳ khó khăn nào để thực hiện mục tiêu đưa ra. 4 yếu tố cần thiết để xây dựng khả năng tự tạo động lực: - Tự tin và tin tưởng vào năng lực bản thân: trong chương trước bạn đã hiểu về tầm quan trọng của khả năng tự tin và cách để rèn luyện sự tự tin. Đây là yếu tố quan trọng đầu tiên để giúp bạn xây dựng được khả năng tạo động lực cho bản thân. Bạn có thể sử dụng thêm những cách này để củng cố sự tự tin cho bản thân khi cần: Suy nghĩ về những thành tích, thành công đã đạt được trong đời Xác định thế mạnh của bản thân như nền tảng để tiếp tục xây dựng những cột mốc thành công mới Tìm hiểu sự ghi nhận của người khác về thế mạnh và năng lực của bạn Đặt ra những mục tiêu thực tế, có thể đạt được, nỗ lực hết sức để làm và ăn mừng khi thành công Tìm mentor có thể hướng dẫn cho mình xây dựng hoặc nâng cao được những kỹ năng, khả năng và phẩm chất cần thiết để thành công - Tư duy tích cực: người có tư duy tích cực luôn lạc quan, luôn nhìn thử thách là cơ hội và luôn nhìn tích cực về tương lai. Nhờ tích cực, họ luôn sẵn sàng dấn thân vào những thử thách mới và không nản lòng, thậm chí còn quyết tâm hơn khi gặp khó khăn. Bạn có thể rèn luyện tư duy tích cực bằng những cách sau: Quan sát và nhận biết suy nghĩ của bản thân. Viết các suy nghĩ này xuống để biết mình đang suy nghĩ gì, tích cực hay tiêu cực. Khi nhìn thấy suy nghĩ tiêu cực, lập tức khiêu chiến với nó, và thay thế nó bằng suy nghĩ tích cực. Xây dựng bức tranh sống động về kết quả thành công khi bạn đạt được mục tiêu. Ví dụ bạn sẽ cảm thấy thế nào, sẽ ăn mừng ra sao.... Sử dụng vài câu nói để nhắc nhở và khẳng định khả năng thành công của bản thân, ví dụ: "I can do this - mình có thể làm được". Rèn luyện suy nghĩ tích cực mỗi ngày, cho đến khi bạn tự động và tự nhiên suy nghĩ tích cực về bản thân và thế giới. - Khả năng tập trung cao độ để thực hiện các mục tiêu thử thách: không thể có người lơ là, thiếu tập trung, thiếu quyết tâm mà có động lực được. Chính khả năng tập trung cao độ khi dấn thân thực hiện bất kỳ công việc hay dự án nào là chìa khoá để bạn thành công. Ngoài ra, khi đặt ra mục tiêu, cũng cần lưu ý là mục tiêu phải thực tế và có thể thực hiện được theo khả năng và năng lực của bản thân, giúp bạn tự tin hơn sau khi thành công thực hiện mục tiêu đặt ra. - Môi trường tạo động lực: điều này cực kỳ quan trọng vì nó ảnh hưởng đến cảm xúc và hành vi của bạn. Khi môi trường làm việc hay văn hoá tổ chức không tạo động lực, không khuyến khích, cỗ vũ, ghi nhận nỗ lực của nhân sự, điều đó sẽ làm bạn bị ảnh hưởng và thiếu động lực cá nhân. Do đó, nếu cảm thấy mình đang làm việc trong một môi trường một ngày như mọi ngày, không học được gì mới hay làm được gì mới, có khi bạn nên suy nghĩ về sự thay đổi. Môi trường không tạo động lực sẽ khiến bạn ngày càng lún sâu vào vùng an toàn và đánh mất mọi động lực tiến tới, vươn lên. Khả năng chăm sóc sức khoẻ bản thân: Cho dù bạn có động lực, có tư duy, có kế hoạch và chiến lược gì rất hay và rõ ràng đi chăng nữa, không ai có thể theo đuổi mục đích hay đạt được mục tiêu mình đặt ra nếu thiếu đi sức khoẻ. Sức khoẻ nói chung, bao gồm cả sức khoẻ vật lý, sức khoẻ tinh thần, và sức khoẻ quan hệ xã hội. Cơ thể khoẻ mạnh, tâm trí khỏe mạnh thì bạn mới có đủ năng lượng và tinh thần để theo đuổi những gì đã đặt ra. Chăm sóc sức khoẻ cơ thể: Tập thể dục thường xuyên, dù là môn gì cũng tốt. Cơ thể cần vẫn động, cần được chăm sóc, và rèn luyện. Vì vậy, dù bạn có bận cỡ nào, dù bạn có trăm công ngàn việc đi chăng nữa, phải hiểu là nếu cứ cố làm mà không giữ sức khoẻ, sẽ có ngày bạn ngã gục. Khi đã ngã gục rồi thì dù có bao nhiêu cái check list hay bao nhiêu cái thứ tự ưu tiên cũng vô ích. Bạn đâu còn sức khoẻ đâu mà làm. Có muốn, làm cũng không nổi. Biết bao nhiêu người vì overwork - làm quá sức mà đột quỵ hay ra đi ở tuổi thanh niên rồi. Cho nên, nói gì nói, sức khoẻ vẫn là trên hết. Người thành công là người biết chăm sóc sức khoẻ, ăn uống điều độ, healthy - chọn thức ăn tốt cho sức khoẻ, và tập thể dục thể thao thường xuyên. Chăm sóc sức khoẻ tinh thần: Sức khoẻ tinh thần là sức khoẻ tâm lý, cảm xúc và quan hệ xã hội của một con người. Người có sức khoẻ tinh thần không những tránh được các bệnh lo âu, rối loạn, trầm cảm, mà còn có thể: Tận hưởng cuộc sống Phục hồi nhanh chóng sau những trải nghiệm khó khăn Cân bằng được cuộc sống, gia đình, sự nghiệp Cảm thấy an toàn Luôn đạt được phong độ làm việc và thành tích xuất sắc nhất Trong tương lai bất định, nhiều thay đổi, nhiều stress, đòi hỏi phải luôn làm việc với cường độ cao, linh hoạt, khả năng tự chăm sóc sức khoẻ bản thân trở nên cực kỳ quan trọng, vì chỉ có bạn mới có thể làm điều đó tốt nhất. Đó cũng là lý do vì sao khả năng này quan trọng đối với người có thể hội nhập thành công vào tương lai. Những điều bạn có thể làm để chăm sóc sức khoẻ Xây dựng chế độ ăn uống tốt cho sức khoẻ, đủ dinh dưỡng và thuận tự nhiên Tập thể dục thường xuyên Khám sức khoẻ định kỳ để phát hiện những rủi ro về sức khoẻ Học cách quản trị stress hiệu quả, ví dụ như học yoga, thiền Tham gia các dự án xã hội, cộng đồng có ý nghĩa, phù hợp với mục đích sống của bản thân Kết nối và quan tâm người thân, người xung quanh Rèn luyện tư duy tích cực Xác định giá trị cốt lõi của bản thân và luôn vận hành theo la bàn giá trị đó

  • Rethink - Reset - Refresh

    Mùa này, chiến đấu được thì đang còn chiến đấu. Không chiến đấu nổi thì đã gục ngã. Qua mấy cuộc bể dâu Covid thì cuộc chiến đã có phần ngã ngũ. Cho nên, có lẽ chưa bao giờ là lúc tốt hơn để xếp lại quá khứ, xếp lại những dở dang bị gián đoạn, và tập trung nghĩ về tương lai. Doanh nghiệp cũng vậy. Tổ chức cũng vậy. Cá nhân cũng vậy. Ai mất công ty thì cũng đã mất công ty. Ai mất việc thì cũng đã mất việc. Vậy, nghĩa là cách làm cũ, cách kinh doanh cũ, công việc cũ, rủi ro của nó cao quá. Nếu rơi vào tình trạng gián đoạn lần nữa như Covid, thì bốn cũ sẽ soạn lại. Vậy, nghĩa là mình cần rethink - tư duy lại về cách mình giữ cho bản thân, tổ chức đủ linh hoạt để sống còn trong mọi trường hợp, relevant - còn liên quan để đối diện với tình thế thường xuyên bất định, và tìm thấy cơ hội mới trong trật tự mới của thế giới. Đây, là thời gian tốt nhất, phù hợp nhất để rethink, vì khi bạn vướng vào vòng xoáy công việc tiếp theo, khó có ai dứt ra nổi để mà tĩnh tâm suy nghĩ. Cho nên, thời gian này làm gì để đủ tồn tại thôi cũng được. Cứ làm. Đừng nghĩ ngợi, mày mặt làm gì. Rồi dành thời gian suy nghĩ thật kỹ về bước đi sắp đến. Đã nghĩ, thì nghĩ thật kỹ, tính hết nước, để khúc quanh thử thách này trở thành sự khởi đầu cho một hành trình hào hứng mới của tương lai. Khi vũ trụ đưa cho ta một tờ giấy trắng để vẽ lại từ đầu, hãy vẽ cho thật đã. Có mất gì của ai đâu. Đời mình mà! Tư duy xong, biết rõ mình muốn đi về đâu rồi, thì cần phải reset - tái lập hệ điều hành của bản thân. Trước giờ, mình vận hành theo cách cũ, hệ điều hành cũ, tư duy cũ. Giờ, khi mục tiêu thay đổi, điểm đến thay đổi, cách tiếp cận thay đổi, thì mình cần upgrade phần mềm. Có thể mình sẽ cần reskill - học lại và cập nhật kỹ năng, upskill - nâng cao kỹ năng cho bản thân. Cũng có thể mình tìm thấy cơ hội mới và thay đổi hoàn toàn nghề nghiệp, môi trường, ngành kinh doanh, mô hình kinh doanh, vv. cho nó liên quan hơn tới tương lai. Hoặc có thể mình nhận ra nhu cầu mới và bắt đầu startup với một giải pháp chưa có hoặc hoàn toàn mới cho một vấn đề sinh ra trong rủi ro vừa trải qua. Dù lựa chọn đó là gì, nên dành thời gian reset hệ điều hành. Cái gì cũ quá, lạc hậu rồi thì bỏ đi. Tìm chỗ học cái mới. Tìm mentor chỉ dạy cho cái mới. Tìm môi trường nuôi dưỡng những hạt giống mới. Chuẩn bị xong, thì nhấn nút phím F5 - Refresh - Tái tạo. Bạn đã chuyển qua một trang mới, một hành trình mới, một tương lai mới. Nhắc nhở mình, nhấn nút này là xoá hết lịch sử trước đó, để nghĩ và làm những thứ hoàn toàn mới. Đừng rơi vào cái bẫy rượu cũ bình mới. Miệng thì mới mới mà trong ruột trong óc thì cũ sì. Tôi gặp rất nhiều người như thế. Chưa reset xong đã nhanh nhẩu bấm F5. Cho nên cái phần cứng thì mới tinh, nhưng phần mềm thì một ngàn chín trăm hồi đó. Làm vậy khổ cho bản thân, khổ cho người xung quanh, khổ cho tập thể lắm lắm, khi bạn trở thành the weakest link - mắc xích dễ toang nhất trong chuỗi vận hành. Người ta chạy 10 bước ở phía trước rồi mà bạn còn ngồi xỏ giày xỏ dép, nhắc chuyện ngày xưa hoàng thị. Chuyện gì cũng là chuyện lớn và rồi cũng thành chuyện nhỏ. Cho nên, nhìn về ánh sáng thì đây là cơ hội tích cực để ta rethink - reset - refresh thôi mà. Đời đâu có bao lần được nhấn nút F5 tái tạo kiểu này. Đã nhấn, hãy nhấn cho thiệt đáng!

  • The Future of Work - Tương lai nghề nghiệp

    Trước Covid, thế giới đã hốt hoảng bàn nhau về The Future of Work - Tương lai nghề nghiệp, về 75 triệu việc làm sẽ mất đi, về 133 triệu việc làm hoàn toàn mới sẽ sinh ra, về sự thất nghiệp cấp hành tinh của nhiều lao động, vể mức độ báo động cấp vũ trụ về nhu cầu phải upskill - nâng cấp kỹ năng, re-skill - học mới kỹ năng cho 100% ngưởi đi làm, vì 100% ngành nghề và công việc đều sẽ thay đổi, không ít thì nhiều. Có khi, bạn chỉ có thể giữ lại 22% kỹ năng hiện có, phải nâng cấp 57% kỹ năng, và học mới 21% kỹ năng. Đó là một ví dụ cụ thể cho các bạn đang làm sales - ngành bán hàng. Tất cả các công việc và ngành nghề khác đều thay đổi kiểu như thế. Không có công việc nào, vai trò vị trí nào, ngành nghề nào mà an toàn không thay đổi cả. Dự đoán của Diễn đàn kinh tế thế giới trước Covid, là đến năm 2025, máy sẽ đóng góp 52% giờ lao động vào bất kỳ công việc gì. Người, không thể thiếu, nhưng phải hoàn toàn thay đổi chất lượng và mục tiêu đóng góp, với 48% đóng góp về giờ lao động. Vậy, nghĩa là ta sẽ phải cộng tác với máy, cộng tác với nhau, và thay đổi hoàn toàn cách ta thiết kế, lên kế hoạch, vận động nguồn lực, và triển khai bất kỳ công việc gì. Vậy, nghĩa là bất kể bạn đang làm nghề gì, toàn thời gian hay bán thời gian, hay free-lance, dù đang ở công ty, tổ chức, nhỏ hay to, bạn đều phải thay đổi cách làm. Guess what? Biết sao không? Đó là trước Covid. Sau 2 năm hoành hành của Covid, thì tương lai mà chúng ta vừa nhắc đến, nó đã thành hiện tại. Covid đã accelerate - đẩy nhanh tiến độ thay đổi cấp số nhân của tất cả mọi thứ, đặc biệt là của chuyển đổi số, của tự động hoá, của việc chuyển đồi hoàn toàn mô hình kinh doanh, cách tư duy, cấu trúc tổ chức, cấu trúc vai trò công việc của nhân sự cho phù hợp với hoàn cảnh bình thường mới. Trên đây là kết quả kháo sát của Diễn đàn kinh tế thế giới về các biện pháp áp dụng của doanh nghiệp, tổ chức để ứng biến với Covid-19. Bạn nghĩ đi, khi đã chuyển đổi toàn bộ qui trình sang số hoá rồi thì ai quay về cách làm cũ? Khi đã thay thế 50% task - đầu việc thành tự động, khỏi cần con người rồi thì ai đi tuyển dụng như xưa? Khi đã chuyển đổi sang quản lý bằng nền tảng số và dữ liệu rồi thì ai sẽ giữ lại những nhân sự thiếu hoặc chưa nâng cấp, học lại kỹ năng để thích nghi? Vả khi bị bắt buộc phải cho nghỉ việc, giảm nhân sự rồi mà vẫn vận hành hiệu quả thì ai sẽ tiếp tục cần những vị trí không còn liên quan trong cơ chế vận hành mới? Guess what? Biết sao không? Vậy, nghĩa là tất cả những gì ta từng biết, từng làm, từng thành công, giờ đã được tái định nghĩa. Hành trình sự nghiệp mà bạn đã hay chưa xây trong quá khứ, giờ cũng đành start lại từ đầu. Của cải kiến thức, kỹ năng bạn tích góp qua mấy thời kỳ đi làm, giờ phải ngồi đánh giá lại xem bao nhiêu phần trăm là còn relevant - liên quan đến tương lai. Bao giấc mơ, dự định, mong muốn ngày xưa, giờ cần phải sắp xếp lại xem có còn phù hợp hay không, hành trang mới là gì, cái gì còn xài được, bỏ đi, cần làm mới.... Rồi bạn nhìn những công nghệ mà các doanh nghiệp, tổ chức sẽ ứng dụng đến năm 2025 trong biểu đồ trên đi. Ví dụ như cloud computing - điện tử đám mây, big data - dữ liệu lớn, IoT - mạng lưới vạn vật kết nối, AI - trí tuệ nhân tạo, ML - máy học, vv. Bạn đọc và hiểu được khái niệm của bao nhiêu công nghệ? Biết nó ứng dụng vào đâu không? Biết chúng thay đổi công việc hiện có của bạn như thế nào không? Rồi bạn nhìn những nghề nghiệp tương lai bên dưới đây thử. Bạn hiểu về bao nhiêu nghề nghiệp? Bạn biết cần kỹ năng gì để làm được những nghề như thám tử dữ liệu, vận hành thiết bị bay không người lái, hay chuyên viên xây dựng hành trình thực tế ảo tăng cường? Đến đây thì bạn đã hiểu rồi, con đường phía trước không còn cách nào bước đi khác hơn là phải làm mới chính mình, là học cách dò đường, học cách hội nhập, là học cách tháo bỏ kiến thức cũ, học lại kiến thức , cách tái định vị bản thân, tái định nghĩa như thế nào là đi làm thành công trong tương lai nghể nghiệp.

bottom of page