top of page

​Kết quả

Đã tìm thấy 309 mặt hàng cho ""

  • Kịch bản nào cho một tương lai bất định?

    Bạn đã nghe & đã thấy, về một thế giới vô cùng bất định, những megatrend và những đường hầm ngang dọc của bản đồ tương lai lạ lẫm chưa ai trên thế giới này dám dự đoán sẽ ra sao. Và trong sự hỗn mang đó, mỗi con người, mỗi cá nhân chúng ta là ai, tôi là ai, bạn là ai, chúng ta sẽ tồn tại & hội nhập ra sao, chúng ta sẽ phục tùng hay kiến tạo? Chúng ta, tôi và bạn, chúng ta sẽ thuộc về một kịch bản nào? 1. Kịch bản thứ nhất chăng khi chúng ta sợ hãi như 99% dân số thế giới, không liên quan và không muốn liên quan, không hiểu và chưa được học ngoại ngữ số của AI - trí tuệ nhân tạo, IoT - mạng lưới vạn vật kết nối, biotech - công nghệ sinh học, blockchain - công nghệ chuỗi khối, cloud - công nghệ đám mây, 3D printing - in 3D. Ta hoang mang không biết mình thuộc về đâu trong dòng chảy số, dòng chảy data. Ở đó người ta dán nhãn để theo dõi chúng ta trong cuộc đời phygital, một cuộc đời khi online, khi offline, khi ảo khi thực. "Ở trong rừng an toàn hơn ở trên mạng". Nhưng ngay cả khi chúng ta cố ý trốn vào rừng, lỡ xui mà vẫn còn một tẹo sóng điện thoại, thế là họ vẫn hoàn toàn có thể theo dõi chúng ta. Có chăng một thế giới không bị phủ sóng, ngắt kết nối, một thế giới nguyên thuỷ để thuộc về? Có hay chăng một vũ trụ analogue, tồn tại song song với vũ trụ số cho những ai chưa muốn liên quan? 2. Kịch bản thứ 2 chăng khi chúng ta chỉ là con số trong một hệ thống số, thuộc về thế giới mà ở đó con người được thiết kế trở thành loài siêu việt bởi công nghệ hiệu chỉnh gien, lớn lên trong một ngôi nhà smart home - ngôi nhà thông minh, đi làm trong smart factory - công xưởng thông minh, smart office - văn phòng thông minh, nơi AI, robot trở thành bạn thân, nhờ IoT kết nối các thiết bị và sắp xếp toàn bộ cuộc đời? Đến tìm cho mình một người bạn tình cũng phải xem dữ liệu có matching - tương xứng với nhau không trên một cái super app nào đó. Are we smart or are we smartly managed? Cuối cùng, ta thông minh hay ta chỉ là kẻ bị quản lý bởi công nghệ thông minh? Ta cần gì, IQ - chỉ số thông minh, EQ - trí tuệ cảm xúc, hay LQ - trí tuệ yêu thương? 3. Kịch bản thứ 3 chăng khi chúng ta là những doanh nhân số nắm trong tay vận mệnh số của nhân loại, nắm trong tay sức mạnh chúa tể, sức mạnh thượng đế, có thể chi phối những thần dân số của mình bằng thuật toán, vì ta hiểu họ còn hơn họ hiểu mình. Nhưng cuộc đời vốn hữu hạn, và ai trong chúng ta cũng chỉ cấu hình bằng xương bằng thịt, đến ngày cuối cùng rồi cũng phải ra đi. Suy nghĩ và cảm giác sau cùng của ta sẽ là gì khi buông tay giã từ thế giới này, với di sản để lại là những nỗi đau đồng loại? Hay ta cố trở về thêm chút nữa sau khi đã ra đi, hiện diện bằng digital afterlife - cuộc sống số sau khi chết? Btw, dịch vụ cuộc sống số sau khi chết đã có startup bán ra trên thị trường. 4. Hay chúng ta là doanh nhân số có đạo đức? Tồn tại chăng cái gọi là đạo đức số? Sản phẩm và giải pháp công nghệ chúng ta tạo ra sẽ cứu rỗi sự kết nối tuy rất gần nhưng xa đến vô cực giữa người với người? Giải pháp công nghệ của chúng ta có làm cho thế giới tốt đẹp hơn, đáng sống hơn, con người quan tâm & yêu thương nhau hơn? Công nghệ có giúp cho con người được là mình, không bị phán xét và ném đá trên mạng xã hội? Có làm cho người làm việc tốt không bị bêu xấu, và người làm việc xấu không được vinh danh? Có hay không kịch bản xinh đẹp như thế để cứu cánh cho nhân loại phát triển vượt bậc về khoa học kỹ thuật nhưng tang hoang về giá trị, khi cuộc đời trở thành cửa hàng tiện lợi. Rất nhanh không kịp nhìn thấy giọt nước mắt lau vội trên khoé mắt của mẹ. Rất tức thì không kịp nhìn vào mắt nhau và trao một cái ôm. Rất kết nối với mọi thứ ở ngoài kia nhưng bất lực ko kết nối nổi với chính bản thân mình. Có chăng một sự cân bằng giữa máy và người? Tương lai ấy chúng ta sẽ thiết kế ra sao? Sẽ còn bao nhiêu kịch bản nữa? Và chúng ta, tôi & bạn, chúng ta rồi sẽ thuộc về một kịch bản nào? Kịch bản do ta viết hay do ai khác viết? Và ta muốn gì? Ta muốn là tác giả kịch bản đời mình hay muốn xung phong để trở thành nhân vật trong kịch bản thông minh của một ai đó khác? What do we want? Chúng ta, những con người bằng xương bằng thịt trong thế giới số, chúng ta muốn là ai trong tương lai bất định này?

  • Chiếc la bàn thành công của tương lai

    Trong bối cảnh phải tái định nghĩa lại bản thân để hội nhập vào tương lai bất định phía trước, vừa phải học mới, học lại, học thêm, vừa phải dò đường, vừa đi, vừa kiếm, xem như bạn reset - tái lập lại toàn bộ hành trình sự nghiệp của mình đi. Mà đã làm lại từ đầu, thì phải start lại từ những câu hỏi cơ bản nhất. Làm gì cũng vậy, cũng phải hỏi mình 3 câu hỏi. Thiết kế hành trình hội nhập thành cũng vậy. Bạn cũng phải trước hết hỏi mình 3 câu hỏi: Điểm đến của tôi là gì? Điểm khởi đầu của tôi là đâu? Bản đồ để tôi đi từ điểm khởi đầu đến đích nhìn ra sao? Vậy thôi, rất là đơn giản, nhưng ít người chịu dành thời gian để suy nghĩ, phản tư. Ai cũng thích phim hành động, nên cứ xông ra, hăng hái lên đường. Đi, mà không biết mình đang đi đâu. Đi, mà không biết mình đi đúng đường không. Đi, mà không hề cầm trong tay cái bản đồ hay một chiếc la bàn. Nên, nhiều khi đi lạc cả đời. Nên, có khi tới lui lòng vòng trong cái mê cung. Nên, nhiều khi mệt lắm, nản lắm nhưng cứ trôi theo dòng đẩy của số phận, vì bữa ăn trên bàn của gia đình. Nhưng hôm nay, có khi bạn nên nghĩ lại. Điểm đến của bạn là hội nhập thành công vào hành trình sự nghiệp tương lai. Điểm xuất phát của bạn là số 0. Ta cứ trả về mo, coi như mình start lại từ đầu cho nó tươi mới, hào hứng chút đi, nhất là trong mùa khủng hoảng, dễ tiêu cực này. Bạn sẵn sàng chưa? Còn đây là chiếc la bàn. Chiếc la bàn thành công của tương lai gồm 3 mảnh ghép và 7 kỹ năng tương ứng. Dù bạn đang làm nghề gì, đang làm việc ở đâu, bạn cũng sẽ cần 3 mảnh ghép và 7 kỹ năng này. La bàn là để dẫn đường, giúp bạn định hướng lại tương lai, vượt qua mọi nỗi sợ hãi của sự bất định, và tìm đến thành công trong bối cảnh bình thường mới.

  • Giải mã chiếc la bàn thành công

    Trong báo cáo nghiên cứu về khả năng hội nhập tương lai của McKinsey tiến hành năm 2021, có tổng cộng 54 kỹ năng và khả năng mà một người đi làm cần để có thể có thể 100% hội nhập vào tương lai số, tương lai đầy rủi ro và bất định. Trong đó, sau khi tiến hành so sánh và xếp hạng theo ưu tiên của nhà tuyển dụng về nhân sự tương lai, McKinsey đã chọn top 3 kỹ năng & khả năng mà một nhân sự tương lai rất cần để đảm bảo được trao cơ hội việc làm tốt hơn, lãnh lương cao hơn, và hài lòng hơn trong công việc. Trong top 3 kỹ năng và khả năng cần thiết nhất của 3 mảnh ghép thành công tương lai đó, có 2 khả năng trùng nhau một lần, là khả năng tự tin và khả năng ứng phó với sự bất định. Do đó, bộ lẽ ra là top 9 kỹ năng và khả năng thành công tương lai đúc kết lại thành bộ 7 kỹ năng và khả năng như sau: 1. Kỹ năng tổng hợp và trình bày dữ liệu Là khả năng xử lý, sắp xếp khối lượng dữ liệu lớn và trình bày một cách chính xác, ngắn gọn, dễ hiểu, đưa ra được góc nhìn sâu sắc hỗ trợ cho các quyết định mang tính chiến lược cho tương lai. 2. Khả năng ứng phó với sự bất định Là khả năng chấp nhận, ứng biến nhanh chóng với mọi sự thay đổi một cách dễ dàng, đảm bảo vận hành hiệu quả và đạt mục tiêu, kết quả đặt ra cho dù có thay đổi gì hay thay đổi thế nào. 3. Khả năng thích nghi Là khả năng thích ứng được với cách làm mới, cách vận hành và tổ chức mới cho dù sự thay đổi này đỏi hỏi nhiều nỗ lực và tâm sức hơn, hoặc đòi hỏi phải học nhanh chóng và ứng dụng được những kỹ năng mới. 4. Khả năng tự tin Là khả năng tin tưởng vào năng lực, phẩm chất và khả năng phán đoán của chính bản thân trong mọi trường hợp. 5. Kỹ năng tổ chức và điều phối công việc Là kỹ năng xác định tất cả những hoạt động, công việc cần làm, chia theo nhóm công việc, sắp xếp thứ tự ưu tiên, phân công nhân sự và thời hạn hoàn thành một cách hiệu quả để đạt được kết quả và mục tiêu đặt ra cho bất kỳ công việc hay dự án nào. 6. Khả năng nhận thức cấu trúc vận hành tổ chức Là khả năng hiểu và quản trị được quan hệ với các nhóm nhân sự khác nhau trong tổ chức nhằm hoàn thành mục tiêu đưa ra. Để làm được điều này, rất cần hiểu qui trình, vai trò, cách hình thành quyết định của tổ chức dựa trên ảnh hưởng chính thức và không chính thức từ các nhóm quyền lực khác nhau. 7. Khả năng tự tạo động lực và chăm sóc sức khoẻ bản thân Là khả năng giữ cho bản thân luôn có động lực, luôn tràn đầy năng lượng bằng cách xác định và theo đuổi không ngừng mục đích sống của cá nhân, cũng như biết cách điều tiết lịch làm việc và sinh hoạt một cách hợp lý để tái tạo năng lượng, giữ sức khoẻ để đối diện với môi trường làm việc cường độ cao và sự thay đổi liên tục của tương lai.

  • Khả năng thích nghi

    Khi thế giới và tương lai đã bất định, và khi ta học cách chấp nhận và ứng phó với sự bất định rồi, thì đương nhiên chuyện tiếp theo là ta phải thích nghi. Linh hoạt và thích nghi vì vậy là khả năng vô cùng cần thiết cho bất kỳ ai có thể hội nhập bền vững vào tương lai bất định vô thời hạn. Khả năng thích nghi là gì? Là khả năng thích ứng được với cách làm mới, cách vận hành và tổ chức mới cho dù sự thay đổi này đỏi hỏi nhiều nỗ lực và tâm sức hơn, hoặc đòi hỏi phải học nhanh chóng và ứng dụng được những kỹ năng mới. Người có khả năng thích nghi là người thế nào? Là người thể hiện được các phẩm chất sau: - Tư duy linh hoạt: là người có khả năng chào đón thông tin mới, thay đổi mới với tư duy mở, và sẵn sàng tư duy lại, thay đổi kế hoạch đã định, hoặc xây dựng lại kế hoạch mới để ứng biến với những thay đổi mới, hoàn cảnh mới. Họ có khả năng zoom in và zoom out để nhìn vấn đề từ bức tranh tổng thể đến chi tiết, từ góc nhìn của tất cả những đối tượng có liên quan. Họ cộng tác và giải quyết vấn đề tốt với tất cả mọi người, trong mọi hoàn cảnh, với mọi vai trò, dù mục tiêu luôn kiên định. Bạn có thể học thêm khoá Agile Mindset - Tư duy linh hoạt để rèn luyện thêm nhé. - Có khả năng tiếp nhận cao: họ là người luôn tích cực, sẵn sàng tiếp nhận cái mới, thông tin mới, cách làm mới để có thể hoàn thành mục tiêu đặt ra. - Có khả năng sáng tạo: vì sáng tạo nên họ hào hứng với cái mới, và luôn tìm cách mới, giải pháp mới để làm tốt hơn, hay hơn, hiệu quả hơn, tạo ảnh hưởng lớn hơn, vv. Họ không bao giờ hài lòng với những gì đang có, luôn tìm cách cải tiến, đổi mới, sáng tạo. - Có khả năng hiệu chỉnh hành vi: khi điều kiện và hoàn cảnh thay đổi, họ cũng hiểu và nhanh chóng điều chỉnh cách làm việc, cách tiếp cận của bản thân một cách nhanh chóng, dễ dàng, thoải mái để ứng biến với hoàn cảnh hay tình cảnh khẩn cấp nào đó. Một vài cách rèn luyện khả năng thích nghi: - Chủ động tìm cách thay đổi tích cực khi cần, thay vì tìm lý do ngăn cản sự thay đổi - Học cách nói được thay vì nói không ngay lập tức khi có đề nghị thay đổi - Học cách thay đổi cách tiếp cập, cách làm việc một cách tích cực khi cần - Đóng góp ý kiến giúp cho quá trình thay đổi hiệu quả hơn - Thể hiện tinh thần sẵn sàng học hỏi và ứng dụng cái mới, dù đó là phương pháp, qui trình, kỹ năng hay kỹ thuật mới - Thay đổi thứ tự ưu tiên các công việc theo nhu cầu thay đổi của hoàn cảnh - Nhanh chóng bắt đầu lại hay tái khởi động sau mỗi lần gặp khó khăn và luôn giữ năng lượng tích cực

  • Phát triển tư duy mở

    Biết đóng, thì lo mà thay đổi. Biết mở, thì lo mà rèn luyện tốt hơn. Mình nói sao? Học là học cả đời mà. Đâu có chuyện tư duy tôi mở suy ra tôi không cần phải lo chi nữa. Làm gì, cũng cứ phải khiêm tốn làm tốt từng chuyện nhỏ. Thấy tư duy mình đóng thì rèn luyện mở nó thêm một chút mỗi ngày. Còn thấy nó mở rồi, thì rèn luyện cho nó rộng hơn một chút mỗi ngày. Cuối cùng, chỉ là từng bước nhỏ sao cho, hôm nay hơn ngày hôm qua một chút. Chia sẻ với bạn 6 cách này, để rèn luyện tư duy mở cho bản thân mình đây nhé. 1. Continuous learning – Không ngừng học hỏi: Don’t look for others to approve. Look for others to help us improve – Đừng mong người khác đồng thuận với mình. Hãy mong người khác giúp mình phát triển. Không biết, không hiểu là chuyện thường tình mà. Tôi cũng có khối việc bản thân chẳng biết và chẳng hiểu. Thì sách cặp đi cậy nhờ người khác chỉ cho thôi. Mấy bữa trước ở Phần Lan, tôi thích cách tiếp cận của trường học bên đó. Họ tổ chức flipped classroom – lớp học ngược. Ở đó, học trò dạy cho thầy cô những điều thầy cô không rành, ví dụ như là cách sử dụng mạng xã hội chẳng hạn mà người trẻ hiểu biết nhiều hơn. Sự học không bao giờ là ngừng. Một trong những kỹ năng quan trọng nhất của thế kỷ 21 là tự học và học cả đời mà. 2. Perseverance – Tính kiên trì: hôm trước có bạn kia inbox than với tôi rằng bạn mới ra trường, thích làm tài chính nhưng bị công ty đẩy xuống chi nhánh làm kế toán chi nhánh. Bạn chán nản muốn nghỉ, inbox hỏi tôi có nên nghỉ hay không. Tôi hỏi em làm được bao lâu rồi. Bạn trả lời khoảng 1 tháng. Trời ơi, xin được vào công ty có tiếng, có tầm vóc, mới làm 1 tháng mà đã chán nản đòi nghỉ việc. Không làm từ thấp thì sao lên cao? Không bắt đầu từ chuyện học hỏi cơ bản thì làm sao làm quản lý? Không hiểu tính chất công việc của chi nhánh thì làm sao về làm HQ – văn phòng tổng? Làm gì cũng phải biết kiên trì, học hỏi và xây dựng nền tảng cho bản thân. Thiếu tính kiên trì thì cuối cùng chẳng làm nên trò trống gì. Làm gì rồi cũng thất bại thôi à bạn. 3. Embrace challenge – Thích thử thách: dù bạn là ai, làm gì, có startup hay không thì cuộc đời nào, dự án nào, công việc nào cũng có thử thách cả. Trong cái thế kỷ crazy này, mọi thứ đều upside down – lật ngược. Mọi thứ được ủng hộ là phải mang tính chất thách thức truyền thống bằng công nghệ. Và thế là dù ta không muốn thì cuộc đời và công việc của ta cũng đầy thử thách. Có quá nhiều thứ phải học, phải thay đổi, phải tiếp nhận. Hoặc là ta bị thế kỷ đẩy ra rìa xã hội. Hoặc là ta ôm chầm lấy những thách thức mới và tiến lên cùng nó. Quyết định là của bạn! 4. Embrace failure – Thất bại là chuyện bình thường: hệ thống giáo dục của những quốc gia phát triển và lấy 4.0 làm gốc luôn cho phép trẻ em được thử, được làm, và được fail. Fail thì thử lại thôi. Chỉ có điều bạn phải học từ cái đã fail để cải tiến, để làm lại một cách thông minh hơn, để làm lại với % thành công cao hơn. Đừng sợ! Sợ không là đã hết ngày rồi. Nhưng làm thì cũng bứt phá giới hạn một chút. Đừng làm trong vòng an toàn quá thì sáng tạo nằm ở chỗ nào? Cứ cây cải và hạt gạo bán hoài thì dĩ nhiên ta phải thua các doanh nghiệp khu vực và thế giới thôi. Học những thứ tiên tiến nhất từ thế giới. Nghĩ thế giới. Làm cho thế giới. Sáng tạo vì thế giới. Có thế thì fail cũng đáng nhỉ? Xong ta làm lại thôi. Vui mà! 5. Open to feedback – Tiếp nhận phản hồi: đi chấm thi startup tôi hay thấy các bạn phản biện đủ kiểu để bảo vệ ý kiến của mình. Tình thật phản biện là tốt, nhưng phải phân biệt được chỗ nào cần phản biện và bảo vệ ý kiến của mình, và chỗ nào cần tiếp nhận ý kiến người khác để cải tiến cái mình đang có. Người trong cuộc dĩ nhiên không nhìn thấy rõ, hoặc không nhìn thấy được từ góc độ của người sử dụng hay nhà đầu tư. Cứ cố chấp nghĩ mình giỏi và đúng thì tới đó thôi à, không phát triển tiếp thêm được nữa. Lắng nghe và tiếp nhận feedback thật ra là đang giúp cho bản thân phát triển hơn, dự án tốt hơn, cơ hội thành công cao hơn. Những người nói thật là những người thật tình giúp bạn. Còn muốn bạn chết luôn thì người ta sẽ ca tụng bạn đấy! 6. Celebrate others – Vui mừng vì thành công người khác: đừng ghen ghét hay sợ sệt khi thấy người khác thành công. Người ta làm được thì mình chúc tụng, vui vẻ cho họ. Biết đâu họ thành công cũng giúp được ta vài phần đó chứ. Khi ta mở lòng và vui vẻ cho người khác, người khác cũng sẽ mở lòng và vui vẻ cho ta. Kẻ đố kỵ sẽ chẳng đi xa. Người thành công giúp nhau cùng tiến. Để có tư duy mở thật ra cũng đâu có khó. Mấy chuyện trên toàn là cách ta chọn thái độ và cách sống trên đời. Growth mindset – tư duy mở thì thoải mái, thì tận hưởng và không ngừng vươn xa. Fixed mindset – tư duy đóng thì nhốt thân mình trong cái ao tù không lối thoát. Đời là của bạn. Chỉ có bạn mới chọn được con đường mình muốn đi. Mà đã chọn rồi thì làm cho tới nhé!

  • Kỹ năng sắp xếp công việc theo thứ tự ưu tiên

    Mỗi người mỗi ngày đều có một vạn công việc để làm. Nhưng có người biết sắp xếp ngày làm việc của mình hiệu quả. Có người bơi tự do, ngụp lặn cả đời. Trong thời gian làm việc tại Việt Nam, tôi thấy kỹ năng sắp xếp công việc hiệu quả là một trong những kỹ năng kém nhất của các bạn trẻ. Nhiều khi check list danh sách công việc cần làm còn chưa xong, nói chi đến chuyện sắp xếp thứ tự ưu tiên. Giờ, ghi lại cho các bạn 9 bước để sắp xếp công việc theo thứ tự ưu tiên từ một bài viết tôi đánh giá cao, giúp bạn quản trị thời gian tốt hơn đây nha: 1. Xây dựng Master checklist - danh sách công việc tổng thể của dự án, rồi sau đó bẻ nhỏ ra thành danh sách công việc cần làm theo tháng, theo tuần, theo ngày. Làm ơn, đừng "em nhớ" ở trong đầu mà không ghi ra, sắp xếp, trình bày rõ ràng. Không ai trên đời này nhớ hết cần làm gì, lúc nào, với ai đâu. 2. Sắp xếp đầu việc theo biểu đồ QUAN TRỌNG / GẤP của Eisenhower để biết việc gì vừa gấp vừa quan trọng, việc gì gấp nhưng không quan trọng, việc gì quan trọng như không gấp, việc gì không gấp cũng chẳng quan trọng. Nói tới đó là đã hiểu cần phải ưu tiên như thế nào rồi đúng không? Nhớ nguyên tắc 80/20 nha, 20% việc bạn làm ảnh hưởng 80% thành công của bạn. Vậy thì đương nhiên phải chọn làm 20% này trước. Canh theo đây nha: Quan trọng & gấp: làm ngay, ưu tiên 1 Quan trọng, nhưng không gấp: quyết định khi nào sẽ làm những việc này và lên kế hoạch thời gian thực hiện rõ ràng Gấp, nhưng không quan trọng: giao việc này cho người khác Không gấp, cũng không quan trọng: bỏ ra khỏi kế hoạch luôn. Nhiều khi chính những việc này đang làm bạn rối lên 3. Xây dựng check list công việc theo thứ tự ưu tiên hàng ngày, thực hiện cuối ngày hôm trước chuẩn bị cho ngày hôm sau. Như vậy, khi bạn bắt đầu ngày mới, bạn chỉ việc tập trung vào thực hiện các công việc đã được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên mà thôi. Cuối ngày, bạn lại chuẩn bị cho ngày hôm sau. 4. Sắp xếp thứ tự ưu tiên cho các nhóm công việc có cùng tính chất, ví dụ đều quan trọng và gấp bằng phương pháp ABCDE như sau: Trong đó, A là quan trọng nhất, B là quan trọng, C là ít quan trọng nhất. Sau khi sắp xếp thành ABCDE rồi thì bắt đầu đánh số thứ tự. Ví dụ A1 là quan trọng và cần làm trước, rồi tới A2, A3, rồi mới tới B1, B2, B3, vv. Cách này làm bạn hết sức rõ ràng về thứ tự ưu tiên lần nữa. 5. Muốn làm việc hiệu quả thì chuyện quan trọng mà khó khăn to lớn nhất làm trước. Tiếng Anh gọi là eating the frog - ăn con ếch trước, và đừng né tránh, chọn làm gì khác hay nhảy qua việc khác khi chưa hoàn thành cái task này. Đầu ngày, khi năng lượng đang dồi dào, hãy dành cho việc khó. Sau khi hoàn thành việc này, bạn tự động sẽ có cảm giác đã đạt thành tích trong ngày và sẽ có động lực làm nhiều việc khác hơn. 6. Sắp xếp thứ tự ưu tiên trong cuộc đời bằng phương pháp 5/25 của Warren Buffet. Đây là câu chuyện Warren Buffet đã dạy cho phi công của mình cách tập trung vào những mục tiêu đáng theo đuổi để thành công. Trước hết, bạn có thể ghi ra 25 mục tiêu trong cuộc đời mình, dù đó là sự nghiệp, học hành, gia đình, giải trí hay bất kỳ điều gì mà bạn muốn thực hiện. Sau đó, suy nghĩ và chọn 5 trong số 25 mục tiêu đó đưa vào những mục tiêu bạn sẽ tập trung thực hiện. Phần còn lại đương nhiên nằm trong list các mục tiêu không cần để ý. Cách làm này giúp những người có quá nhiều thứ muốn làm, muốn theo đuổi có thể tập trung vào những mục tiêu quan trọng hơn trước, tránh loay hoay, lạc bước, hay mất tập trung. 7. Giữ tư duy linh hoạt để tránh phải đeo đuổi những mục tiêu không còn quan trọng hoặc liên quan trong hoàn cảnh, ngữ cảnh mới. Có khi, bạn chọn một mục tiêu nào đó và nó quan trọng trong hoàn cảnh bạn chọn. Tuy nhiên, thế giới thay đổi, công nghệ thay đổi, hoàn cảnh và con người thay đổi, thì mục tiêu cũng hoàn toàn phải thay đổi theo. Đừng cứng đầu, cứng nhắc, mày mặt, cố chấp ép mình phải thực hiện cho được mục tiêu đã không còn quan trọng. Khi thấy hoàn cảnh yêu cầu phải bỏ mục tiêu cũ và xây dựng mục tiêu mới, hãy làm điều đó một cách nhanh chóng, linh hoạt, không cần suy nghĩ quá phức tạp. Agile Mindset - Tư duy linh hoạt là tư duy quan trọng nhất của thế kỷ 21, giúp bạn hội nhập thành công hơn vào tương lai bất định. Bạn có thể đăng ký học khoá Tư duy linh hoạt miễn phí ở đây: https://www.nguyenphivan.com/challenge-page/agile-mindset-tu-duy-linh-hoat 8. Làm việc gì hôm nay để ngày mai và tương lai rảnh hơn, khoẻ hơn, hiệu quả hơn? Sắp đặt thứ tự ưu tiên không chỉ về công việc mà còn về quản trị thời gian hiệu quả. Do đó, thay vì chỉ hỏi mình việc quan trọng nhất tôi cần làm hôm nay là gì thì thay bằng câu hỏi, việc quan trọng nhất tôi cần làm hôm nay để ngày mai để ngày mai hiệu quả hơn là gì. 9. Đồng hồ sinh học của mỗi người khác nhau, và quan trọng là bạn phải theo dõi và ghi nhận thời gian làm việc hiệu quả nhất của mình trong ngày là lúc nào. Ví dụ tôi sẽ làm việc hiệu quả nhất vào buổi sáng khi bắt đầu, và từ trưa trở về chiều là thời gian kém hiệu quả nhất. Biết vậy, tôi sẽ sắp xếp những công việc quan trọng nhất vào thời gian tôi làm việc hiệu quả nhất để kết quả công việc xuất sắc nhất. Thời gian khác, tôi sẽ dành để giải quyết những công việc kém quan trọng hơn. Mỗi người đều có thời gian hiệu quả khác nhau. Bạn nên hiểu mình, biết mình, và vận hành theo đồng hồ sinh học của mình để cảm thấy thoải mái, vui vẻ, và hiệu quả.

  • Tầm quan trọng của kỹ năng nói chuyện trước công chúng

    1 KỸ NĂNG MÀ WARREN BUFFET CHO RẰNG SẼ GIÚP BẠN TĂNG THÊM 50% GIÁ TRỊ Tại đại học Columbia, Warren Buffet chia sẻ với sinh viên rằng ông sẵn sàng trả thêm 50% lương cho bất kỳ ai có 1 kỹ năng mà ông cho là kỹ năng quan trọng nhất để phát triển sự nghiệp – kỹ năng nói chuyện trước công chúng (public speaking). Bạn có thể đang nghĩ rằng nói thì dễ nhưng ai mà chẳng sợ chết khiếp khi đứng trước đám đông. Chuyện kể rằng Warren Buffet cũng sợ chết khiếp như bạn hồi còn trẻ và đã phải đi học để phát triển kỹ năng này. Và tôi cũng thế! Hồi còn đi học tại Việt Nam, mỗi khi bị gọi lên trình bày trước lớp là chân tay tôi lạnh cóng nhưng mồ hôi thì chảy thành dòng. Sau này khi ra nước ngoài du học, bị giao đề tài và trình bày liên tục, tôi không còn cách nào khác là phải tự mình rèn luyện kỹ năng này. Đi làm rồi, khi bị đẩy ra trước công ty cả ngàn người, lại một phen sợ hãi đến tê dại. Sau này, bị đẩy lên sân khấu diễn đàn quốc tế cũng tính bằng ngàn người, mà lại toàn người lạ, người giữ các vị trí cao cấp, doanh nhân, quan chức chính phủ, vv, tôi lại một phen sợ muốn ngừng thở. Rồi cũng lại rèn, lại luyện, lại nói. Vậy thôi chứ không có cách nào khác ngoài việc rèn luyện thường xuyên. Có một điều bạn nên biết để cảm thấy thoải mái hơn, đó là ai cũng sợ chết khiếp như nhau khi phải nói chuyện trước công chúng. Cho nên, ai cũng phải học, phải rèn luyện, phải tự mình tìm cách vượt qua nỗi sợ hãi của mình. Bật mí nữa là, lần nào chuẩn bị event nói chuyện trước công chúng cũng hồi hộp như nhau, cũng phải quay về đây để chuẩn bị hành trình cho tốt hết. Cho nên, bạn đừng nghĩ ai sinh ra bẩm sinh đã nói giỏi. Không có đâu. Là do rèn luyện mà ra thôi. Overcoming your fear – vượt qua nỗi sợ hãi: Warren Buffet thời trẻ sợ nói trước công chúng nên đăng ký đi học. Vào lớp được 1 buổi ông bỏ học vì quá sợ hãi ngày thứ 2 phải đứng lên trước lớp để thực tập. Nhưng biết rằng đây là kỹ năng không thể thiếu nên lại đăng ký đi học lần nữa và tốt nghiệp. Ngày nay, ông trưng bày chứng chỉ khóa nói chuyện trước công chúng trong chính văn phòng mình. Là lãnh đạo, bạn cần kỹ năng này để tạo sự thông cảm, thấu hiểu, truyền cảm hứng, chia sẻ kiến thức, và tạo động lực cho mọi người cùng hướng về một mục tiêu chung. Là start-up, bạn cần thuyết phục nhà đầu tư về ý tưởng và mô hình kinh doanh của mình. Mục tiêu đạt được nhờ kỹ năng này là xây dựng được sự thông hiểu, sự tin tưởng giữa người nghe và người nói. Kỹ năng nói trước công chúng vì vậy là một kỹ năng cực kỳ quan trọng.

  • Làm sao để quản trị cảm xúc tốt hơn?

    Chia sẻ với các bạn 7 điều bạn có thể luyện tập và giúp con em mình luyện tập để tăng cường khả năng quản trị cảm xúc nhé. 1. Learn the language of emotion – Học ngôn từ về cảm xúc: Để có thể quản trị cảm xúc, trước hết người ta cần hiểu và diễn tả được cảm xúc. Nếu cứ thấy nghèn nghẹn, đau đớn, trầm uất mà không hiểu cảm xúc là gì thì không thể quản trị được. Do đó, bạn cần phải tăng vốn từ cảm xúc của mình lên, gọi tên được cảm xúc, phân biệt được cảm xúc. Giờ bạn xem cái vòng quay cảm xúc trong hình này nhé, đọc và học cách gọi tên cảm xúc. Tôi để tiếng Anh không dịch, vì nghĩ rằng thôi sẵn đó cũng nên học cả tiếng Anh nữa thì tốt nhất. 2. Name your emotions – Gọi tên cảm xúc: Bạn bắt đầu tập để ý đến những cảm xúc khác nhau của mình nhé. Tôi luyện bài này thường xuyên để giữ mình luôn bình tĩnh. Cảm xúc là không có tiêu cực nhe. Con người ai cũng có những cảm xúc khác nhau. Ai cũng bực dọc, sợ hãi, chán nản, buồn phiền, vv…. Cho nên, khi bạn chạm trán với những cảm xúc này, ấy là chuyện hết sức bình thường. Đừng bao giờ tự cho là cảm xúc của mình tiêu cực quá rồi tìm cách giấu nó vào cái túi vô hình nào đó không dám show ra. Giấu là tệ lắm. Vì cảm xúc là động cơ dẫn dắt chúng ta đến hành động. Dù bạn có giấu thế giới thì cũng chẳng thể giấu mình. Cho nên, bỏ vào trong túi, thiên hạ không thấy, nhưng bạn thì vẫn cứ bị cảm xúc dẫn dắt đến hành động à. Vậy cho nên, tốt nhất là khi cảm xúc xuất hiện, nhận diện nó, gọi tên nó, mang nó ra ánh sáng để nó không ảnh hưởng bạn một cách vô thức. 3. Cảm xúc là dữ liệu: Muốn cảm xúc không ảnh hưởng khiến ta có những hành động điên rồ hay đáng trách, thì ta xem nó như là thông tin và dữ liệu để xử lý thôi à. Ví dụ, thay vì nói “Tôi đang rất bực mình”, bạn có thể thay đổi nó thành ngôi thứ 3 “Tôi đang trải nghiệm một cảm xúc gọi là bực mình”. Không cần vội vàng nhảy xổ vào phản ứng, thay đổi, sửa chữa, hiệu chỉnh gì hết cả. Nhận biết thông tin đã, rồi mới tìm cách xử lý. Còn xử lý sao thì xem số 4 tiếp theo nhe. 4. Observe your emotion – Quan sát cảm xúc: chuyện này quan trọng đây. Khi thấy mình lên cơn, cứ để cho cảm xúc lên hết cơn. Khoan cố phản ứng gì hết cả. Nguyên tắc là phản ứng hoá học trong cơ thể khi cảm xúc lên cơn là cứ phải hết 6 giây mới tan được. Cho nên, cho mình cơ hội trong 6 giây chỉ quan sát, thở, thở thật sâu, Thường thì ta hay gán ghép chuyện người khác làm vào việc mình bực dọc chẳng hạn “Tôi bực mình vì nó làm thế này, thế kia…” Gán ghép như thế chỉ làm cho cảm xúc bị tăng độ mà thôi. “Tôi đang trải nghiệm sự bực dọc” và thở, thở sâu thôi à. Đó là lý do mà người ta luyện tập meditation – thiền, chứ chẳng phải tôn giáo gì cả. Meditation đã trở thành môn quản trị cảm xúc, giúp con người khắp nơi trên thế giới học cách trở về với chính mình, nhận diện và quản trị cảm xúc cá nhân thôi. Làm được vậy thì thế giới này hoà bình thôi à. 5. Feel the emotion in your body – Nhận biết ảnh hưởng của cảm xúc đến cơ thể: Khi cảm xúc xuất hiện, cơ thể bạn chắc chắn phản ứng theo. Để có thể quản trị được cảm xúc, bạn cần phải nhận biết nó ảnh hưởng đến cơ thể mình thế nào, và học cách nhận biết các phản ứng lập đi lập lại của cá nhân khi cảm xúc tương tự xuất hiện. Ví dụ, khi giận thì không thở được, lồng ngực như bị kẹt xe ấy. Thường thì có 6 cảm xúc thường gặp nhất và ảnh hưởng cơ thể giống nhau cho mọi người. Đây là các cảm xúc anger – tức giận, fear – sợ hãi, disgust – kinh tởm, happiness – hạnh phúc, sadness – buồn bã, surprise – ngạc nhiên. 6. Avoid common traps – Tránh bẫy cảm xúc thường gặp: đây là điều hoàn toàn thay đổi cuộc sống của bạn nè, khi bạn học được cách không để cho cảm xúc dẫn dắt hành động nữa. Có 2 cái bẫy mà ai cũng hay mắc phải khi cảm xúc xuất hiện. Bẫy thứ nhất là đổ thừa cho người khác. Con người ai cũng dễ bị lâm vào tình cảnh là chứng tỏ mình giỏi hơn, nên có chuyện gì xảy ra thì đổ ngay cho người khác. Bạn trở nên có EQ khi bạn không phản ứng ngay lập tức bằng cách đổ thừa nữa mà dừng lại, không phản ứng gì vội, hay đưa ra kết luận tiêu cực nào về chuyện mới xảy ra. Bẫy thứ 2 là bạn dễ bị chuyện bên ngoài làm cho nổi cơn, có khi là không cần thiết. Nhiều khi, chuyện nhỏ như con thỏ, nhưng bạn nổi cơn, nổi cơn, đổ thừa, đổ thừa, lát sau cảm xúc nó cứ được cho ăn đồ tiêu cực mà thổi phồng lên, rồi chuyện nhỏ biến thành chuyện vĩ đại hồi nào không biết. Thay vì vậy, bạn chỉ cần nói “À, chuyện này lạ ta”, hay “Nó bị sao vậy ta?”, hay “Chắc bạn này đang stress dữ nè”. 7. Reminding yourself, “Emotions are data” – Luôn nhắc nhở mình, cảm xúc là dữ liệu: cái này như là câu mantra – thần chú của bạn mỗi ngày “Cảm xúc là dữ liệu”. Mà đã là dữ liệu thì chỉ cần phân tích và xử lý chứ không cần phản ứng gì hết. Cứ từ từ bình tĩnh thôi. Chậm lại. Hít thở. Nhớ là, cảm xúc dẫn dắt hành động, nên muốn thay đổi hành động thì chỉ cần hiểu và quản trị cảm xúc cho tốt. Cuối cùng, những gì chúng ta làm nãy giờ là, know yourself – hiểu mình. Không hiểu mình thì đâu có thay đổi được mình. Thế giới thay đổi khi ta thay đổi chính mình thôi bạn. Đừng ngồi đó mong người khác thay đổi. Chuyện viễn tưởng đó Thôi lo mà luyện tập mỗi ngày nhe. Từng chút từng chút một, kiên nhẫn, tiến bộ từng ngày, and don't forget to have fun – và đừng quên phải vui khi luyện tập! Các bạn có thể nghe lại bài học tại đây:

  • 3 vòng tròn vàng để quản trị bản thân

    Hôm qua chia sẻ với các bạn trẻ về cách mình quản trị bản thân, nói thật ra không có gì phức tạp và vi diệu hết. Các bạn hỏi mình lấy đâu ra thời gian làm nhiều thế. Các bạn hỏi mình có ngủ không. Xin thưa là ngày nào không đủ 7 tiếng là tấm thân sinh học này không vận hành được. Mình làm nhìn có vẻ nhiều nhưng thật ra chỉ một. Tính mình đơn giản, nên lý thuyết gì cao siêu phức tạp thì chịu, không biết đường áp dụng. Trước giờ, cứ The 3 Golden Circles - 3 vòng tròn vàng mà làm thôi, why - how - what. Why là mục đích cuộc đời mình sinh ra, tồn tại và lên bờ xuống ruộng cho đến hôm nay là để làm gì. Cuối cùng, điều bình thường vĩ đại mình muốn đạt được trước khi bye bye nơi quá cảnh tên gọi trần thế là gì. Khi hiểu về mục đích rồi, mình sẽ tự hỏi làm cách nào để đạt được mục đích đó, cách và kênh tiếp cận là gì, đạt được mục đích qua công việc thế nào, qua hoạt động xã hội & cộng đồng thế nào, qua phát triển bản thân và gia đình thế nào. Sau khi biết how rồi mới phát triển tiếp thành what - việc cần làm. Về sự nghiệp, công việc thì việc gì làm việc gì từ chối, về đóng góp hoạt động cộng đồng xã hội chọn việc gì bỏ việc gì, về cuộc sống cá nhân chọn làm gì không làm gì. Tất cả quyết định và lựa chọn tại mỗi thời điểm trong đời đều xoay quanh một cái trục thống nhất why-how-what, không thích đủ thứ, làm tán loạn. Chính vì có tổ chức xuyên suốt, không tham lam nên tất cả các hoạt động bổ trợ nhau, truyền năng lượng và hiệu ứng cho nhau, giúp bản thân mỗi ngày càng tiến gần hơn đến mục đích đã đặt ra, không bị phân tán nguồn lực, không bị sao lãng, lạc đường, trật đường rây, cuốn theo chiều gió. Khi mọi hoạt động trong đời xoay quanh một cái trục thống nhất, thật ra ta đang xây dựng nền tảng nguồn lực và kết nối sức mạnh, giúp cho tất cả hoạt động ta chạm vào trở nên hết sức dễ dàng, siêu tiết kiệm thời gian và công sức. Một việc người khác cần 8 tiếng để giải quyết có khi bạn chỉ cần 2. Mọi quyết định trong đời trở nên trong veo, nhanh chóng, nhẹ nhàng khi đưa về hệ qui chiếu của chữ why - mục đích. Do đó, nếu bạn chưa làm bài tập vẽ mind map why - how - what cho cuộc đời mình, hôm nay có lẽ là ngày may mắn ấy. Tổ chức lại cuộc đời là chuyện của bản thân ta. Làm rối tung rối nùi cuộc đời thật ra là lỗi của ta. Nhiều lắm mà không có gì cũng là vấn đề của ta. Nếu chính cuộc đời mình còn không tổ chức được, quản trị được, thì bàn chi những việc to lớn ở ngoài kia? Các bạn có thể nghe lại bài học ở đây:

  • Quản trị cảm xúc và hành vi

    Đây là một trong 12 kỹ năng quan trọng của trí thông minh cảm xúc. Bạn nên đăng ký khoá học EI @work - Trí tuệ cảm xúc cho người đi làm để phát triển thêm các khả năng và kỹ năng về trí thông minh cảm xúc. Đã là con người, ai cũng đã trải qua những hoàn cảnh mất kiểm soát, nổi cơn kiểu giận mất khôn hay đê vỡ vô phương ngăn lại của cảm xúc. Ông bà ta dạy "giận mất khôn" là thế. Khi đã nổi cơn hay vỡ đê thì con người hoàn toàn phản ứng một cách vô minh. Khi bình tĩnh lại, nhiều khi ta ngỡ ngàng, trời sao mình có thể phản ứng ngu si như thế nhỉ? Nhưng tới đó thì cũng đã muộn rồi. Cho nên, người thành công là người hiểu rất rõ và điều chuyển, điều khiển được cảm xúc và hành vi của mình. Còn người không thành công thì hoàn toàn mất kiểm soát, cứ để mặc cho cảm xúc nó lái kiểu auto pilot. Sau khi nhận biết bản thân ví dụ như đang giận dữ, bực bội, tức tối chẳng hạn, thì kỹ năng đầu tiên trong bộ quản trị bản thân là học cách kềm chế, kiểm soát không cho phép cảm xúc đó đánh lừa hay đẩy ta vào thế vô minh. Để làm việc này, mỗi người nên tự tìm cho mình "chiêu" kiểm soát hiệu quả nhất. Ví dụ đối với tôi ngày xưa, cách hiệu quả nhất là bỏ đi, tìm nơi tạm bợ nào đó một mình để thở sâu và bình tĩnh lại. Nếu hoàn cảnh cho phép thì tìm nơi có thiên nhiên, im ắng, bình yên. Nếu hoàn cảnh không cho phép thì một góc khuất nào đó gần hiện trường. Nếu không có "chiêu" để kiểm soát bản thân, và rèn luyện hàng ngày, con người sẽ cứ vô minh mặc cho cảm xúc dẫn dắt những cơn cảm xúc bất thường của bản thân, tạo ra những màn drama không cần thiết. Sự khác nhau giữa người có và không có EI là ở chỗ đó. Chứ nếu ai cũng mặc cho đê vỡ mỗi ngày thì ai còn sức đâu mà làm việc? Hơn nữa, đâu có lý do gì phải để cho đập tan đê vỡ thế kia. Tất cả đều kiểm soát được mà. Và người thành công là người kiểm soát được cảm xúc và hành vi của bản thân mình, biết cách điều chuyển và chuyển hoá năng lượng khi cần thiết. Khả năng tự kiểm soát cảm xúc bản thân là gì? Đây là khả năng theo dõi và kiểm soát được cảm xúc và phản ứng cá nhân để giữ cho bản thân luôn làm việc hiệu quả dù phải đối diện với áp lực hay bất kỳ hoàn cảnh khó xử nào trong công việc. Khi kiểm soát được bản thân, bạn sẽ giúp mình: - Tập trung và linh hoạt hơn trong các hoàn cảnh căng thẳng - Tương tác với mâu thuẫn một cách có ý nghĩa và hiệu quả hơn - Vận dụng nhiều tương tác tích cực hơn là tiêu cực - Tạo điều kiện cho người khác đóng góp ý kiến và nỗ lực Nhờ vậy, không những bạn sẽ giữ được cho sức khoẻ cơ thể và tinh thần của mình tốt, mà còn xây dựng được quan hệ bền vững, mạnh mẽ với người xung quanh. Đây là nền tảng cực kỳ quan trọng cho một tập thể, một tổ chức phát triển, giúp giảm tỷ lệ nghỉ việc, giảm thiểu các mâu thuẫn không lành mạnh, và giúp tăng hiệu quả công việc. Rèn luyện cách nhận biết khi bản thân bị dẫn dắt bởi cảm xúc: Não người chúng ta có 2 phần ảnh hưởng đến khả năng tự kiểm soát. Não trước chịu trách nhiệm lên kế hoạch, thể hiện tính cách, và điều chỉnh hành vi xã hội. Não giữa có một bộ phận gọi là amygdala. Đây là trung tâm nhận dạng và phản ứng với tín hiệu nguy hiểm. Khi bắt được tín hiệu nguy hiểm, trung tâm điều khiển này tự động chuyển sang chế độ auto, tự điều hành tự ra quyết định là ta nên phản ứng thế nào, không cho phép ta can thiệp luôn. Đó cũng là lý do vì sao con người có những phản ứng không kiểm soát được. Khi ta đối diện với một thông tin, trường hợp, sự việc gì đó kiểu trễ deadline, tin tức hay phản hồi ta không muốn nhận chẳng hạn, thì amygdala có thể nhận sai tín hiệu stress thành nguy hiểm, và lập tức gián đoạn mọi sự vận hành thông thường của não trước, cướp quyền kiểm soát. Amygdala vận hành như con AI vậy. Nó dò trong ký ức con người những trải nghiệm mang tính tương tự, rồi kết nối lại, và ép ta phản ứng tương tự với trải nghiệm ký ức. Bạn sẽ rất ngạc nhiên khi biết là, phản ứng vô kiểm soát đó hoàn toàn không liên quan gì đến sự việc hiện tại mà hoàn toàn dựa vào trải nghiệm quá khứ. Do đó, để có thể nhận dạng những trường hợp tự châm ngòi nổ khiến bạn mất kiểm soát này, bạn cần phải quay về dò lại trong ký ức xa xưa của mình. Có khi, bạn còn không nhớ chuyện cũ, nhưng nó vẫn quẩn quanh đâu đó trong ký ức. Vì vậy, việc học thiền cũng có hiệu quả giúp bạn đi sâu vào ký ức của bản thân, dò tìm ra những sự việc, sự kiện, con người có thể gây ra những ngòi nổ mất kiểm soát này, tháo nút thắt đó ra, để amygdala đừng rà sai nữa. Bạn có thể đặt những câu hỏi như sau với ký ức: - Mô tả ngòi nổ: ngòi nổ này đến từ một con người, một cuộc đối thoại, một sự kiện, một món đồ ngăn cản bạn? Chuyện gì đã xảy ra và ai có liên quan? - Mô tả cảm xúc: lúc đó bạn nghĩ gì? Cảm thấy thế nào? Cảm xúc đó mạnh mẽ cỡ nào? Cường độ lúc đó so với bây giờ ra sao? - Mô tả cảm giác cơ thể: bạn có nắm chặt tay lại? Bao tử thắt lại? Nhiệt độ thay đổi? Cổ họng đóng lại? - Mô tả thời gian: cảm xúc và cảm giác cơ thể lúc đó kéo dài bao lâu? Cái gì khiến bạn bị đẩy từ cường độ 0 đến 100 và quay về 0? - Ký ức: lúc đó bạn đã kể chuyện gì cho bản thân? Bạn có nhớ là mình có suy nghĩ hay không? Khi hiểu về ngòi nổ của bản thân và những cảm xúc hay cảm giác liên quan, bạn sẽ có thể tập can thiệp đúng lúc để kiểm soát bản thân. Đây là một quá trình tìm hiểu, nhận biết, phản tư và và điều chỉnh liên tục mới có thể kiểm soát được những khoảnh khắc mất kiểm soát do amygdala cướp quyền. Một số cách rèn luyện khả năng tự kiểm soát cảm xúc tại công sở: - Tìm cách xả áp lực căng thẳng: luôn theo đuổi một sở thích gì đó riêng ngoài công việc là cách rất tốt để xả stress. Ngoài ra, tập thể dục cũng là một cách xả stress hiệu quả. - Giữ bình tĩnh: chấp nhận là bản thân ta không kiểm soát hết được tất cả mọi thứ trong đời. Phản tư và suy nghĩ cách bản thân có thể phản ứng thế nào trong những trường hợp căng thẳng mà không đổ thêm dầu vào lửa. - Suy nghĩ trước khi đưa ra quyết định: cảm xúc có thể là thứ đẩy tất cả lên thành cao trào. Và khi chuyện đó xảy ra, bạn mất kiểm soát và thường đưa ra quyết định sai. Trong những trường hợp này, học cách lùi lại, thở sâu, delay - hoãn việc đưa ra quyết định ngay để cho phép bản thân trở về với trạng thái bình tĩnh, suy trước tính sau rõ ràng trước khi quyết định. Các bạn có thể nghe lại bài học tại đây:

  • Khả năng tự tạo động lực & chăm sóc bản thân

    Đây cũng là 1 trong 7 kỹ năng trọng yếu giúp bạn hội nhập vào tương lai bất định. Bạn có thể đăng ký học khoá Kỹ năng hội nhập thành công vào tương lai nghể nghiệp trên blog để phát triển thêm. Khả năng tự tạo động lực và chăm sóc sức khoẻ bản thân là gì? Là khả năng giữ cho bản thân luôn có động lực, luôn tràn đầy năng lượng bằng cách xác định và theo đuổi không ngừng mục đích sống của cá nhân, cũng như biết cách điều tiết lịch làm việc và sinh hoạt một cách hợp lý để tái tạo năng lượng, giữ sức khoẻ để đối diện với môi trường làm việc cường độ cao và sự thay đổi liên tục của tương lai. Khả năng tự tạo động lực Người có khả năng tự tạo động lực dám đưa ra những mục tiêu đầy thử thách cho bản thân, tin tưởng vào năng lực có thể thực hiện thành công những mục tiêu đó, và cam kết nỗ lực hết mức, không dừng lại trước bất kỳ khó khăn nào để thực hiện mục tiêu đưa ra. 4 yếu tố cần thiết để xây dựng khả năng tự tạo động lực: - Tự tin và tin tưởng vào năng lực bản thân: trong một chương trước bạn đã hiểu về tầm quan trọng của khả năng tự tin và cách để rèn luyện sự tự tin. Đây là yếu tố quan trọng đầu tiên để giúp bạn xây dựng được khả năng tạo động lực cho bản thân. Bạn có thể sử dụng thêm những cách này để củng cố sự tự tin cho bản thân khi cần: Suy nghĩ về những thành tích, thành công đã đạt được trong đời Xác định thế mạnh của bản thân như nền tảng để tiếp tục xây dựng những cột mốc thành công mới Tìm hiểu sự ghi nhận của người khác về thế mạnh và năng lực của bạn Đặt ra những mục tiêu thực tế, có thể đạt được, nỗ lực hết sức để làm và ăn mừng khi thành công Tìm mentor có thể hướng dẫn cho mình xây dựng hoặc nâng cao được những kỹ năng, khả năng và phẩm chất cần thiết để thành công - Tư duy tích cực: người có tư duy tích cực luôn lạc quan, luôn nhìn thử thách là cơ hội và luôn nhìn tích cực về tương lai. Nhờ tích cực, họ luôn sẵn sàng dấn thân vào những thử thách mới và không nản lòng, thậm chí còn quyết tâm hơn khi gặp khó khăn. Bạn có thể rèn luyện tư duy tích cực bằng những cách này: Quan sát và nhận biết suy nghĩ của bản thân. Viết các suy nghĩ này xuống để biết mình đang suy nghĩ gì, tích cực hay tiêu cực. Khi nhìn thấy suy nghĩ tiêu cực, lập tức khiêu chiến với nó, và thay thế nó bằng suy nghĩ tích cực. Xây dựng bức tranh sống động về kết quả thành công khi bạn đạt được mục tiêu. Ví dụ bạn sẽ cảm thấy thế nào, sẽ ăn mừng ra sao.... Sử dụng vài câu nói để nhắc nhở và khẳng định khả năng thành công của bản thân, ví dụ I can do this - mình có thể làm được. Rèn luyện suy nghĩ tích cực mỗi ngày, cho đến khi bạn tự động và tự nhiên suy nghĩ tích cực về bản thân và thế giới. - Khả năng tập trung cao độ để thực hiện các mục tiêu thử thách: không thể có người lơ là, thiếu tập trung, thiếu quyết tâm mà có động lực được. Chính khả năng tập trung cao độ khi dấn thân thực hiện bất kỳ công việc hay dự án nào là chìa khoá để bạn thành công. Ngoài ra, khi đặt ra mục tiêu, cũng cần lưu ý là mục tiêu phải thực tế và có thể thực hiện được theo khả năng và năng lực của bản thân, giúp bạn tự tin hơn sau khi thành công thực hiện mục tiêu đặt ra. - Môi trường tạo động lực: điều này cực kỳ quan trọng vì nó ảnh hưởng đến cảm xúc và hành vi của bạn. Khi môi trường làm việc hay văn hoá tổ chức không tạo động lực, không khuyến khích, cỗ vũ, ghi nhận nỗ lực của nhân sự, điều đó sẽ làm bạn bị ảnh hưởng và thiếu động lực cá nhân. Do đó, nếu cảm thấy mình đang làm việc trong một môi trường một ngày như mọi ngày, không học được gì mới hay làm được gì mới, có khi bạn nên suy nghĩ về sự thay đổi. Môi trường không tạo động lực sẽ khiến bạn ngày càng lúc sâu vào vùng an toàn và đánh mất mọi động lực tiến tới, vươn lên. Khả năng chăm sóc sức khoẻ bản thân: Cho dù bạn có động lực, có tư duy, có kế hoạch và chiến lược gì rất hay và rõ ràng đi chăng nữa, không ai có thể theo đuổi mục đích hay đạt được mục tiêu mình đặt ra nếu thiếu đi sức khoẻ. Sức khoẻ nói chung, bao gồm cả sức khoẻ vật lý, sức khoẻ tinh thần, và sức khoẻ quan hệ xã hội. Cơ thể khoẻ mạnh, tâm trí khỏe mạnh thì bạn mới có đủ năng lượng và tinh thần để theo đuổi những gì đã đặt ra. Chăm sóc sức khoẻ cơ thể: Tập thể dục thường xuyên, dù là môn gì cũng tốt. Cơ thể cần vẫn động, cần được chăm sóc, và rèn luyện. Vì vậy, dù bạn có bận cỡ nào, dù bạn có trăm công ngàn việc đi chăng nữa, phải hiểu là nếu cứ cố làm mà không giữ sức khoẻ, sẽ có ngày bạn ngã gục. Khi đã ngã gục rồi thì dù có bao nhiêu cái check list hay bao nhiêu cái thứ tự ưu tiên cũng vô ích. Bạn đâu còn sức khoẻ đâu mà làm. Có muốn, làm cũng không nổi. Biết bao nhiêu người vì overwork - làm quá sức mà đột quỵ hay ra đi ở tuổi thanh niên rồi. Cho nên, nói gì nói, sức khoẻ vẫn là trên hết. Người thành công là người biết chăm sóc sức khoẻ, ăn uống điều độ, healthy - chọn thức ăn tốt cho sức khoẻ, và tập thể dục thể thao thường xuyên. Chăm sóc sức khoẻ tinh thần: Sức khoẻ tinh thần là sức khoẻ tâm lý, cảm xúc và quan hệ xã hội của một con người. Người có sức khoẻ tinh thần không những tránh được các bệnh lo âu, rối loạn, trầm cảm, mà còn có thể: tận hưởng cuộc sống phục hồi nhanh chóng sau những trải nghiệm khó khăn cân bằng được cuộc sống, gia đình, sự nghiệp cảm thấy an toàn luôn đạt được phong độ làm việc và thành tích xuất sắc nhất Trong tương lai bất định, nhiều thay đổi, nhiều stress, đòi hỏi phải luôn làm việc với cường độ cao, linh hoạt, khả năng tự chăm sóc sức khoẻ bản thân trở nên cực kỳ quan trọng, vì chỉ có bạn mới có thể làm điều đó tốt nhất. Đó cũng là lý do vì sao khả năng này quan trọng đối với người có thể hội nhập thành công vào tương lai. Những điều bạn có thể làm để chăm sóc sức khoẻ Xây dựng chế độ ăn uống tốt cho sức khoẻ, đủ dinh dưỡng và thuận tự nhiên Tập thể dục thường xuyên Khám sức khoẻ định kỳ để phát hiện những rủi ro về sức khoẻ Học cách quản trị stress hiệu quả, ví dụ như học yoga, thiền. Tham gia các dự án xã hội, cộng đồng có ý nghĩa, phù hợp với mục đích sống của bản thân Kết nối và quan tâm người thân, người xung quanh Rèn luyện tư duy tích cực Xác định giá trị cốt lõi của bản thân và luôn vận hành theo la bàn giá trị đó Bạn có thể nghe lại bài học ở đây:

bottom of page