top of page

​Kết quả

Đã tìm thấy 309 mặt hàng cho ""

  • Nếu mình cứ thất bại hoài thì sao?

    Nhiều bạn hỏi: “Chị ơi nếu mình làm mà cứ thất bại hoài thì sao? Có nên bỏ cuộc để đỡ phí thời gian không ạ?” Trả lời bạn bằng một cuốn sách nhé! Angela Duckworth, một giáo sư tâm lý học tại đại học Pennsylvania đã bỏ ra nhiều năm nghiên cứu điều gì giúp nhiều người thành đạt đi hết con đường mà mình đã chọn. Trong quyển sách xuất bản gần đây của bà, thông điệp như sau: “Có tài không chưa đủ. Bạn cần phải có 1 tố chất nữa, gọi là GRIT – đó là sự kiên cường giúp bạn đối mặt và vượt qua mọi thử thách, khó khăn. Vậy làm sao ta nhận diện được hay rèn được tính kiên cường? Sau đây là 4 điều mà người kiên cường và thành đạt nào cũng có: 1. They are interested – Họ luôn hứng thú: thành công đòi hỏi bạn phải luôn quan tâm, hứng thú với những gì mà mình chọn và theo đuổi. Đam mê là thế. Nó bắt đầu từ sự thôi thúc bên trong. Nó đẩy bạn lao về phía trước để tìm hiểu, nghiên cứu, học hỏi, và quan trọng hơn hết là cảm thấy vui vẻ, sung sướng khi làm những điều này. Bạn có nghe câu “Nếu bạn yêu thích công việc mình đang làm thì bạn chẳng phải làm việc một ngày nào trong cuộc đời mình cả”. Bạn cứ như là đang được sống với đam mê của mình và chẳng bao giờ thấy mệt. thấy khổ, hay thấy gian nan. Dĩ nhiên, trong công việc mình làm, bao giờ cũng có những chi tiết công việc mà mình không thích, ví dụ như việc hành chính hay làm báo cáo chẳng hạn. Tuy nhiên, người kiên cường hiểu, biết được những chi tiết mình không thích là gì, và nhìn vào tổng thể của việc mình đang thực hiện chứ chẳng bao giờ vì một hai điều nhỏ nhặt mà nản chí. 2. They practice – Họ rèn luyện: người lười biếng, chỉ thích sung sướng và được người thân lo lắng, tạo mọi điều kiện ít khi thành công. Đơn giản vì thành công đòi hỏi tính kỷ luật, đòi hỏi sự nỗ lực để đạt được điều mình mong muốn. Bạn cần phải nhận diện và cải thiện điểm yếu của chính bản thân mình, làm liên tục không ngừng nghỉ, mỗi ngày 4 tiếng, hàng ngày, hàng tháng, hàng năm. Và thế là họ giỏi. Và thế là họ thực hiện được những mục tiêu mà mình đã đặt ra. 3. They have purpose – Họ sống & làm việc có mục đích: Điều gì làm cho 1 con người có thể có kỷ luật, vượt qua mọi gian nan để rèn luyện bản thân mình? Đó chính là ý nghĩa to lớn, là mục đích hay ho của điều mà mình đang thực hiện. Thành quả của bạn sẽ mang đến tầm ảnh hưởng nhân văn nào đó đến mọi người xung quanh, đến cộng đồng, xã hội, quốc gia…. Nếu mục đích chỉ để kiếm tiền, để hưởng thụ, nếu mục đích tập trung vào cá nhân thì động lực đó không đủ lớn để đẩy ta luôn tiến về phía trước. Nhiều người nhận diện mục đích cuộc đời mình sớm, nhiều người trễ. Nhưng chỉ khi nhận ra ý nghĩa to lớn đó, bạn mới thật sự vào cuộc và cười vào thử thách gian nan để vươn đến thành công. Rồi cho dù cuộc đời có đẩy bạn ngã một ngàn lần, bạn vẫn đứng lên, mỉm cười, và đi về ánh sáng. 4. They have hope – Họ luôn hy vọng: niềm tin rằng ước mơ luôn trong tầm tay quyết định sự thành bại của một con người. Hy vọng là nguồn năng lượng xuyên suốt trong hành trình của bạn. Hy vọng giúp bạn đứng lên ngay cả khi bạn lâm vào hoàn cảnh tồi tệ nhất, ngay cả khi xung quanh bạn dường như chẳng còn ai.

  • Tâm thế và khả năng phát triển bản thân

    Học cả đời - Nền tảng quan trọng nhất để thành công bền vững Thế giới bất định. Kiến thức học được trong trường, mới học xong đã cũ. Giờ sao? Đâu có cách nào khác đâu, cứ phải tiếp tục học bỏ kiến thức cũ, học nạp kiến thức mới, học củng cố kiến thức đang có, học nâng cao và chuyên sâu kiến thức chuyên ngành…. Nói học nghe thật là ám ảnh. Bật mí nhe, tôi cũng ghét gò bó trong khuôn khổ lớp học, kiểu hành hạ nhau người nói thao thao người ngồi im chịu đựng. Kiểu đó, đánh chết cũng không đăng ký. Nhưng tôi vẫn cứ học, có điều là học theo cách của mình, học qua hội thảo, hội nghị, đọc tin tức, nghiên cứu, báo cáo, tham gia lớp tập huấn, đăng ký khoá ngắn hạn, học qua app, online, học qua mentor – những người hướng dẫn có kinh nghiệm trải nghiệm hơn mình, học bằng cách đi nhiều, trải nghiệm nhiều, học bằng cách thử sức xem đó có phải là thứ mà mình vẫn ngỡ ánh cầu vồng mơ ước. I Do! – Tôi Thề Tôi Học Tới Già! Hồi còn Việt Nam, tôi nghĩ mình thật oách. Ra thế giới xong, tôi trầm cảm vì thấy mình thật ra chẳng có biết gì. Tôi lao vào học, học tất cả những kiến thức nền về văn hoá, xã hội, lịch sử, chính trị, địa lý, nghệ thuật, âm nhạc, vv của mọi miền thế giới. Đến đâu, tôi học và đọc đến đó. Đến đâu, tôi tìm thầy địa phương dạy cho mình đến đó. Cái này, gọi là phát triển bản thân. Học, đâu chỉ có nghĩa là học ở trong trường. Học, là khi hôm nay ta thấy mình lớn hơn hôm qua, tháng này lớn hơn tháng qua, năm này lớn hơn năm qua. Nên gặp các bạn trẻ tôi hay hỏi, năm nay có gì khác năm rồi không em. Ừa, mà năm nay bạn có gì khác hơn năm ngoái? Trong tập đoàn, tôi xông pha ghê lắm. Có dự án gì mới, có công việc gì mới, có mảng kinh doanh nào mới, là tôi xông vào xin được tiên phong. Biết sao không? Ta đâu có học được gì khi ta cứ 9g sáng tới 5g chiều một con đường đi qua đi lại. Không thử, sao biết mình không làm được? Không vượt ra khỏi vùng an toàn, sao biết mình cần phải học thêm? Mớ kiến thức nhà trường dạy cho, nó già như cây cổ thụ trên cung trăng. Giở nó ra, bụi bay thôi cũng đủ nghẹt thở chết hết thế giới này. Rồi không lẽ, ta sống với cái thứ tàn tạ cũ kỹ đó cả đời? Rồi không lẽ, ta lấy nó ra nhai đi nhai lại cho con cháu đời sau? Tội sấp nhỏ nhe! Kính thì nó đứng nó nghe, chứ trong lòng nó ngủ gục từ khi bạn mới giở bài. Đối diện với chuyện đó đi! Bạn chỉ giỏi tính đến ngày hôm qua thôi nhé. Rồi chẳng may, ta lại rơi đúng vào thế kỷ này, thế kỷ mà mua xe hơi cũng mua bằng máy bán hàng tự động, của drone – thiết bị bay không người lái thụ phấn thay ong, của trái tim người in bằng máy in 3D, của thiết bị thông minh tự kết nối và bàn bạc với nhau, rồi dặn người phải theo đó mà làm. Từ khi nào, ta không còn định hướng, mà cứ đi cắm mặt vào điện thoại và lần theo những dấu chỉ của Google? Một lần nữa, ta thảng thốt nhận ra, tất cả những gì mình đang biết, đã trở thành khủng long quá khứ. Giờ sao? Đâu còn cách nào khác, ta hì hục làm lại từ đầu, học lại từ đầu, mổ óc mình ra để loại bỏ những u nhọt cũ kỹ, để cái đầu cho trống mà nhét thêm kiến thức lạ vào. Mệt chứ đâu phải không! Nhưng luật chơi là vậy. Ngưng một ngày, bạn hoá thạch một ngày. Ngưng vài ngày, người qua đường xuýt xoa, cái tượng đá này, cũ và đẹp như thời kỳ Phục hưng thế kỷ 14 nhỉ? Bởi, già như tôi, mà giờ này vẫn cắp sách đều đều đi học. Có những tượng đài trăm năm đã đổ, như Kodak, như Nokia, như Blockbuster, như Toys R Us. Họ lẫy lừng một thời hô gió gọi mưa. Chỉ vì chậm thôi, chỉ vì không thay đổi thôi, chỉ vì quá chủ quan, không tiếp tục học để tiến hoá thôi, họ ngã sóng soài trên hào quang quá khứ. Còn ta, hay ta dừng lại tiếc thương chút huy hoàng quá khứ, tặc lưỡi như thạch sùng, và hoá thành tượng đá chờ nhau? Học, là chuyện của cả đời. Một ngày dừng lại, là một ngày thế giới vượt xa ta mấy ngàn năm ánh sáng. Giờ nói thẳng nè, ai sinh ra trong đời, tiềm năng cũng vô hạn như nhau. Bạn chỉ bị giới hạn bởi chính trí tưởng tượng của mình. Chắc mình không làm được đâu, bạn nghĩ. Mình không thông mình bằng người ta. Mình không có ngoại hình như người ta. Mình kém tự tin, thiếu may mắn, không đủ điều kiện, nhà mình nghèo, ba má mình ly dị, đến nuôi con mèo mà nó cũng bỏ đi….. Nói nghe nè, nếu thi kể hoàn cảnh, chắc 93 triệu người dân Việt Nam đều tham dự và chắc phải trao 93 triệu giải. Hồi trẻ, tôi nghĩ mình quá hoàn cảnh. Lớn lên, thấy nhiều người khác sao nhiều người hoàn cảnh. Sau này, bôn ba thế giới, tiếp xúc đủ loại người trắng đỏ đen vàng, kết luận là đời này, ai ai cũng hoàn cảnh hết. Cho nên, bạn không phải là một và duy nhất. Và tất cả chúng ta, đểu bắt đầu từ xuất phát điểm rất giống nhau. Khác chăng, là cách ta tư duy, với tư duy đóng hay tư duy mở. Đóng, thì cái gì cũng sợ, cái gì không dám, cái gì cũng không học được, thôi buông xuôi với hoàn cảnh cho rồi. Mở, thì học hoài, học mãi cả đời, vẫn thấy ham học, vui học, và cần học. Nghe lại bài học tại đây: Tư Duy Đóng (Fixed Mindset) – Tư Duy Mở (Growth Mindset) Đừng bao giờ đổ lỗi là mình sinh ra vốn không thông minh nên chẳng thể thành công trong sự nghiệp. Khi IQ không cao, người ta vẫn thành công được. Một nghiên cứu mới nhất của đại học Stanford cho biết thành công liên quan chủ yếu đến thái độ, hay nói một cách kỹ thuật hơn là tư duy của một con người – đóng hay mở. Người có tư duy đóng (fixed mindset) tin rằng họ là họ, vậy đó, đã đóng khung, chịu không chịu thì thôi, không thể thay đổi được. Điều này làm cho họ rất khó khăn khi phải đối mặt với thử thách hay đối diện với những điều có vẻ như là to lớn quá, bản thân họ không giải quyết nổi, làm cho họ cảm thấy mất hy vọng hay bất lực. Ngược lại, người có tư duy mở và cầu tiến (growth mindset) tin rằng chỉ cần mình cố gắng, thay đổi là có thể tiến bộ hơn. Với thái độ này, dù IQ có thấp hơn, họ vẫn trở nên thành công hơn so với kẻ bảo thủ. Người cầu tiến, họ vui vẻ chấp nhận thử thách, xem thử thách như cơ hội để họ học hỏi được những cái hay cái mới. Khi gặp khó khăn hay thất bại, thái độ của người có tư duy mở là “Ồ cách này không xong. Vậy mình thử cách khác.” Đối với họ, thất bại chỉ là thông tin cần xử lý. Tuy nhiên, dù hiện tại tư duy của bạn đang đóng hay mở, bạn cũng nên thử thay đổi hay phát triển tư duy của mình hơn nữa xem sao. Chia sẻ với các bạn những cách tiếp cận sau giúp các bạn hướng về tư duy ngày càng cầu tiến: 1. Don’t stay helpless – Đừng bị kẹt vào sự bất lực: người ta ai cũng có lúc thật nản lòng vì thất bại, vì bị từ chối, vì bị coi thường, vì không được người ta trọng dụng…. Walt Disney bị đuổi khỏi Kansas City Star vì thiếu trí tưởng tượng và không có sáng kiến. Oprah Winfrey bị cho nghỉ việc tại đài truyền hình Baltimore vì đưa quá nhiều cảm xúc vào chương trình. Henry Ford phá sản 2 công ty xe hơi trước khi thành công với Ford. Steven Spielberg không được nhận vào trường nghệ thuật điện ảnh USC mặc dù đã xin đăng ký nhiều lần. Bạn cứ nghĩ xem. Nếu họ là những người có tư duy đóng, tư duy bảo thủ, có lẽ họ đã nản lòng, mất hy vọng, và từ bỏ tất cả. 2. Be passionate – Luôn tràn đầy đam mê: trong đời rồi sẽ có người giỏi hơn ta, khôn hơn ta, lanh hơn ta, nhưng dù có thua một chút về tài năng, bạn vẫn có thể bù đắp lại bằng niềm đam mê vô bờ bến. Đam mê khiến cho ta không ngừng theo đuổi sự tiến bộ, làm cho ta cố gắng mỗi ngày để làm một việc gì đó tốt hơn. Warren Buffet khuyên bạn tìm niềm đam mê của mình bằng công thức 5/25. Viết ra 25 điều bạn quan tâm, thích thú nhất. Sau đó gạch bỏ dần 20 điều mà bạn có thể bỏ được. 5 điều còn lại có lẽ liên quan đến những gì bạn đam mê theo đuổi nhất. 3. Take action – Hành động: người có tư duy mở chẳng dũng cảm hơn người khác đâu. Họ cũng sợ, cũng xám mặt trước mỗi quyết định trong đời. Có điều, họ hiểu rằng sợ hãi hay lo lắng là những cảm giác làm tê liệt một con người. Và thế là họ cứ hành động. Họ biết rằng sẽ chẳng bao giờ có một thời khắc hoàn hảo nhất. Vậy nên chờ đợi làm gì? Cứ làm thôi! Nhờ thế mà mọi lo lắng sợ hãi được huyển hoá thành năng lượng tích cực khi hành động. 4. Then go the extra mile – Luôn cố gắng hơn chút nữa: người cầu tiến luôn hết mình, dù đó là ngày tồi tệ nhất trong đời họ. Bruce Lee từng nói “Nếu bạn đặt ra giới hạn với những gì bạn có thể làm, giới hạn này sẽ len lỏi vào công việc của bạn, thái độ của bạn, vào cả con người bạn. Cuộc sống không có giới hạn. Chỉ có những thời đoạn bão hoà. Nhưng bạn không thể dừng ở đó. Bạn cần phải vượt qua và tiếp tục vươn lên.” Nếu mình không tốt hơn một chút mỗi ngày, thực tế là mình đang tệ hơn một chút mỗi ngày. 5. Be flexible – Thái độ linh hoạt: ai trong đời mà không gặp phải khó khăn, chông gai, hay hoàn cảnh không như ý. Người có tư duy mở vui vẻ coi như pha. Chẳng có điều gì có thể kéo họ lại. Khi có thay đổi, khi không được như ý, khi khác xa dự đoán, họ linh hoạt giải quyết và tiếp tục bước đi. Và họ chẳng bao giờ phàn nàn. Người có tư duy mở nhìn thấy cơ hội thử thách mình, giúp mình tiến bộ hơn trong mọi hoàn cảnh. Đến đây, dù bạn thấy tư duy mình đang đóng hay đang mở cũng không sao. Điều gì cũng có thể thay đổi. Tư duy cũng vậy! Nghe lại bài học tại đây: Phát Triển Tư Duy Mở Biết đóng, thì lo mà thay đổi. Biết mở, thì lo mà rèn luyện tốt hơn. Mình nói sao? Học là học cả đời mà. Đâu có chuyện tư duy tôi mở suy ra tôi không cần phải lo chi nữa. Làm gì, cũng cứ phải khiêm tốn làm tốt từng chuyện nhỏ. Thấy tư duy mình đóng thì rèn luyện mở nó thêm một chút mỗi ngày. Còn thấy nó mở rồi, thì rèn luyện cho nó rộng hơn một chút mỗi ngày. Cuối cùng, chỉ là từng bước nhỏ sao cho, hôm nay hơn ngày hôm qua một chút. Chia sẻ với bạn 6 cách này, để rèn luyện tư duy mở cho bản thân mình đây nhé. 1. Continuous learning – Không ngừng học hỏi: Don’t look for others to approve. Look for others to help us improve – Đừng mong người khác đồng thuận với mình. Hãy mong người khác giúp mình phát triển. Không biết, không hiểu là chuyện thường tình mà. Tôi cũng có khối việc bản thân chẳng biết và chẳng hiểu. Thì xách cặp đi cậy nhờ người khác chỉ cho thôi. Mấy bữa trước ở Phần Lan, tôi thích cách tiếp cận của trường học bên đó. Họ tổ chức flipped classroom – lớp học ngược. Ở đó, học trò dạy cho thầy cô những điều thầy cô không rành, ví dụ như là cách sử dụng mạng xã hội mà người trẻ hiểu biết nhiều hơn. Sự học không bao giờ là ngừng. Một trong những kỹ năng quan trọng nhất của thế kỷ 21 là tự học và học cả đời mà. 2. Perseverance – Tính kiên trì: hôm trước có bạn kia inbox than với tôi rằng bạn mới ra trường, thích làm tài chính nhưng bị công ty đẩy xuống làm kế toán chi nhánh. Bạn chán nản muốn nghỉ, inbox hỏi tôi có nên nghỉ hay không. Tôi hỏi em làm được bao lâu rồi. Bạn trả lời khoảng 1 tháng. Trời ơi, xin được vào công ty có tiếng, có tầm vóc, mới làm 1 tháng mà đã chán nản đòi nghỉ việc. Không làm từ thấp thì sao lên cao? Không bắt đầu từ chuyện học hỏi cơ bản thì làm sao làm quản lý? Không hiểu tính chất công việc của chi nhánh thì làm sao về làm HQ – văn phòng tổng? Làm gì cũng phải biết kiên trì, học hỏi và xây dựng nền tảng cho bản thân. Thiếu tính kiên trì thì cuối cùng chẳng làm nên trò trống gì. Làm gì rồi cũng thất bại thôi à bạn. 3. Embrace challenge – Thích thử thách: dù bạn là ai, làm gì, có startup hay không thì cuộc đời nào, dự án nào, công việc nào cũng có thử thách cả. Trong cái thế kỷ crazy này, mọi thứ đều upside down – lật ngược. Mọi thứ được ủng hộ là phải mang tính chất thách thức truyền thống bằng công nghệ. Và thế là dù ta không muốn thì cuộc đời và công việc của ta cũng đầy thử thách. Có quá nhiều thứ phải học, phải thay đổi, phải tiếp nhận. Hoặc là ta bị thế kỷ đẩy ra rìa xã hội. Hoặc là ta ôm chầm lấy những thách thức mới và tiến lên cùng nó. Quyết định là của bạn! 4. Embrace failure – Thất bại là chuyện bình thường: hệ thống giáo dục của những quốc gia phát triển và lấy 4.0 làm gốc luôn cho phép trẻ em được thử, được làm, và được fail. Fail thì thử lại thôi. Chỉ có điều bạn phải học từ cái đã fail để cải tiến, để làm lại một cách thông minh hơn, để làm lại với % thành công cao hơn. Đừng sợ! Sợ không là đã hết ngày rồi. Nhưng làm thì cũng bứt phá giới hạn một chút. Đừng làm trong vòng an toàn quá thì sáng tạo nằm ở chỗ nào? Cứ cây cải và hạt gạo bán hoài thì dĩ nhiên ta phải thua các doanh nghiệp khu vực và thế giới thôi. Học những thứ tiên tiến nhất từ thế giới. Nghĩ thế giới. Làm cho thế giới. Sáng tạo vì thế giới. Có thế thì fail cũng đáng nhỉ? Xong ta làm lại thôi. Vui mà! 5. Open to feedback – Tiếp nhận phản hồi: đi chấm thi startup tôi hay thấy các bạn phản biện đủ kiểu để bảo vệ ý kiến của mình. Tình thật phản biện là tốt, nhưng phải phân biệt được chỗ nào cần phản biện và bảo vệ ý kiến của mình, và chỗ nào cần tiếp nhận ý kiến người khác để cải tiến cái mình đang có. Người trong cuộc dĩ nhiên không nhìn thấy rõ, hoặc không nhìn thấy được từ góc độ của người sử dụng hay nhà đầu tư. Cứ cố chấp nghĩ mình giỏi và đúng thì tới đó thôi à, không phát triển tiếp thêm được nữa. Lắng nghe và tiếp nhận feedback thật ra là đang giúp cho bản thân phát triển hơn, dự án tốt hơn, cơ hội thành công cao hơn. Những người nói thật là những người thật tình giúp bạn. Còn muốn bạn chết luôn thì người ta sẽ ca tụng bạn đấy! 6. Celebrate others – Vui mừng vì thành công người khác: đừng ghen ghét hay sợ sệt khi thấy người khác thành công. Người ta làm được thì mình chúc tụng, vui vẻ cho họ. Biết đâu họ thành công cũng giúp được ta vài phần đó chứ. Khi ta mở lòng và vui vẻ cho người khác, người khác cũng sẽ mở lòng và vui vẻ cho ta. Kẻ đố kỵ sẽ chẳng đi xa. Người thành công giúp nhau cùng tiến. Để có tư duy mở thật ra cũng đâu có khó. Mấy chuyện trên toàn là cách ta chọn thái độ và cách sống trên đời. Growth mindset – tư duy mở thì thoải mái, thì tận hưởng và không ngừng vươn xa. Fixed mindset – tư duy đóng thì nhốt thân mình trong cái ao tù không lối thoát. Đời là của bạn. Chỉ có bạn mới chọn được con đường mình muốn đi. Mà đã chọn rồi thì làm cho tới nhé! Nghe lại bài học tại đây: Thông Minh Kiểu Nào, Học Kiểu Ấy Ép bạn tới đây chắc bạn cũng mệt rồi. Ừa hiểu rồi, phải học, và là học cả đời. Có vậy thôi mà tốn mấy trang giấy. Xin lỗi nha, nhưng mà muốn học thì phải biết cách học cơ. Học không đúng cách, ép não ép tim quá thì có mà lên cơn khùng điên lúc nào không biết. Cho nên, trước khi học thì đề nghị tìm hiểu xem mình thích học với kiểu học thế nào, rồi chọn đúng cái cách đó mà giúp cho cuộc đời mình đỡ khổ. Tin vui nè, chúng ta ai cũng thông minh, chỉ là ta mạnh kiểu này yếu kiểu kia thế thôi. Theo nghiên cứu của Tiến sỹ Howard Gardner tại đại học Havard, con người không có một chỉ số IQ cố định, mà có nhiều hình thái thông minh khác nhau. Muốn phát triển cả đám cũng được, nhưng tốt nhất là ta nên chọn vài cái khoẻ khoắn nhất trong đám ra mà phát triển, đặc biệt là khi bạn sử dụng các hình thái này để học. Giờ coi trong số 8 hình thái thông minh dưới đây, bạn chiếm hữu thứ nào nhe. 1. Linguistic – Từ Vựng / Ngôn ngữ: này là dành cho mấy người giỏi ăn nói, thích đọc viết nè. Dĩ nhiên, đây là hình thái thông minh của mấy người làm nhà văn, nhà báo, nhà thơ, nhà hùng biện, hay nghệ sỹ hài. 2. Mathematical/Logical – Toán học / Logic: hình thái này dành cho những người giỏi tính toán, làm việc với con số, thích làm gì cũng phải chuẩn bị bước tiếp theo, và nói gì cũng đưa ra lý giải thật rõ ràng, logic. Hình thái này thường thấy ở kỹ sư, nhà kinh tế, nhà khoa học, luật sư, và kế toán. 3. Visual/Spatial – Thị giác / Không gian: đương hiên hình thái này mạnh ở những người có thiên hướng về nghệ thuật, thích hình ảnh hoá, thích hướng dẫn bằng bản đồ. Hình thái thông minh này phổ biến ở kiến trúc sư, nhiếp ảnh gia, hoạ sỹ, người làm chiến lược, và điêu khắc gia. 4. Musical – Âm nhạc: hình thái thông minh này không giải thích thì cũng hiểu là liên quan đến khả năng âm nhạc, vần điệu, nhịp điệu. Người có hình thái này có ở nhà soạn nhạc, nhạc sỹ, và kỹ thuật viên thu âm. 5. Bodily/Physical – Cơ thể / Lý tính: hình thái này thường thấy ở người giỏi vận động, làm việc tay chân trong thể thao, khiêu vũ, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ. Hình thái này mạnh ở các vận động viên, người chơi thể thao, thợ mộc, bác sỹ phẫu thuật, và những người làm nghề xây dựng. 6. Interpersonal – Tương tác: đây là hình thái thông minh của những người giỏi về thuyết phục, bán hàng, hay dạy học vì họ biết đọc cảm xúc của người khác. Những ngành nghề mạnh về hình thái này bao gồm giáo viên, nhà huấn luyện, chính trị gia, lãnh đạo tôn giáo, và chuyên viên bán hàng. 7. Intra-Personal or Relfective – Nội Tâm / Phản tư: hình thái này phát triển mạnh ở những người thích phân tích bản thân, phản tư và rút ra kết luận từ chính trải nghiệm và thất bại của mình. Họ thường đưa ra mục tiêu, và xây dựng kế hoạch thực hiện. Ví dụ điển hình của hình thái thông minh này là ở các triết gia, nhà tâm lý học, chuyên gia trị liệu. 8. Naturalistic – Thiên nhiên: ai yêu thương và trân trọng thiên nhiên đều mạnh về hình thái thông mình này. Ngoài ra, người có trí thông minh thiên nhiên cũng quan tâm đến thiên văn, sự tiến hoá và môi trường. Ví dụ những nghề nghiệp có hình thái thông minh này bao gồm nông dân, bác sỹ thú y, chuyên gia sinh học, người làm vườn, và chuyên gia môi trường. Rồi bạn thấy mình mạnh cái nào, yếu cái nào? Một người, có thể mạnh vài thứ, yếu vài thứ, là chuyện bình thường. Bạn biết mình mạnh hình thái nào, thì đó là điểm nhấn về cách học tương ứng dành cho bạn. Ví dụ, nếu bạn mạnh về từ vựng, ngôn ngữ, bạn sẽ rất thích học trên mạng, đọc sách, đọc tài liệu, vv. Nếu thích hình ảnh, không gian, bạn sẽ học tốt khi có hình ảnh, biểu đồ, đồ thị, bản đồ, vv. Nếu thích cơ thể, vật lý thì bạn phải được cho không gian động tay động chân, thực hành, làm thử, vv. Hiểu mình học như thế nào tốt nhất, bạn sẽ biết cách chọn cho mình cách tiếp cận giúp bản thân học nhanh và hiệu quả nhất. Ví dụ, nếu là người thích cơ thể thì đừng đăng ký vào những lớp học lý thuyết, đọc chữ, đọc tài liệu, hay học online. Bạn sẽ chán lăn quay và chả học được điều gì cả. Nhưng nếu đăng ký vào workshop thực hành, vào camp – dạng trại làm và học thì bạn sẽ học tốt nhất là chắc chắn. Đừng ép mình. Ép mình chả có lợi ích gì. Chọn cho mình cách học nào vui và hiệu quả nhất mà thôi bạn nhé. “Thần chú” M-A-S-T-E-R – 6 Bước Học Hiệu Quả Trong quyển Master It Faster, tác giả Collin Rose sử dụng từ viết tắt MASTER để mô tả 6 giai đoạn quan trọng giúp người ta học hiệu quả, dù là học có tổ chức hay tự học. Bạn xem thử mình có trải qua hết chưa và thử áp dụng 6 giai đoạn này vào lần học tiếp theo xem. - Motivation – Động cơ: học một khoá đã khó, giờ yêu cầu học cả đời là cả một vấn đề. Nếu thiếu động cơ, bạn sẽ chẳng bao giờ làm được. Động cơ đó phải là động cơ cá nhân, có cam kết, có sự chủ động, có tinh thần tích cực xông lên. Suy nghĩ thử xem, cuối cùng, động cơ của bạn là gì. Thường thì có 2 loại động cơ. Động cơ bên trong là do yêu thích, đam mê, chỉ vì bạn muốn làm cho vui, vì bạn hứng thú, vì bạn muốn thử thách cá nhân mình, vv. Động cơ bên ngoài là động cơ vật chất. Bạn muốn làm vì nó mang lại cho bạn phần thưởng bao gồm tiền bạc, quyền lực, điểm số, vv. Mỗi người chúng ta có những động cơ rất khác nhau khi dấn thân làm một việc gì đó, ngay cả học. Nếu hiểu rõ động cơ đó của mình là gì, có lẽ bạn sẽ dễ giữ cho động cơ của mình mạnh mẽ mỗi ngày. Tệ nhất, là khi bạn làm mà chẳng hiểu động cơ cá nhân là gì, có khi chỉ làm vì ai đó như ba má mình ép mình làm chẳng hạn, vì bạn bè nó kích mình chẳng hạn, làm vì trách nhiệm, nghĩa vụ gì gì đó mà thôi. Hay tệ hơn, là mình chả biết phải làm gì, nên ai nói gì mình làm theo cho khoẻ, đỡ mất công suy nghĩ. Khi làm mà không biết tại sao, trước sau gì cũng bể show. Làm sao mà giữ động cơ khi không biết nó là gì và cũng không biết nó có phải là động cơ của mình không nữa? Hay bạn đang làm thuê không công cho ai đó? - Acquire – Thụ đắc: Muốn học được thì trước hết phải tìm kiếm và tiếp nhận thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, từ đọc, nghe, quan sát, thực hành, thử nghiệm, trải nghiệm, vv. Mà thông tin thì bây giờ chẳng thiếu. Chỉ là bạn muốn tìm hiểu hay không thôi. Và nhớ giùm nè, đừng có lười biếng. Nhiều bạn inbox cho tôi, hỏi mấy câu mà tôi nghĩ là search google cái là ra. Câu hỏi kiểu vậy, hỏi chi cho tốn năng lượng bản thân? Hỏi chi cho người nghe bực mình? Khi bản thân mình còn chưa tìm hiểu cho tận nơi, tận lực, làm ơn đừng có quăng câu hỏi vào không trung như vậy. Bạn tiếp nhận tốt nhất là khi bạn chính là người dày công tìm kiếm, bỏ thời gian trầm mình vào trong biển kiến thức đó mà tìm hiểu, suy nghĩ, phân tích, phản biện. Thông tin là một mớ nguyên vật liệu thô vô nghĩa nếu nó chẳng liên quan gì đến ta. Nên, vấn đề không phải là ai có nhiều thông tin hơn, mà là ai tiếp nhận thông tin tốt hơn. Không làm biếng được đâu nhe bạn. - Search – Tìm hiểu ý nghĩa: Mà mình mất thời gian đọc, rồi học mấy thứ này để làm chi? Nó liên quan gì đến mình? Nó giúp mình cụ thể là cái chuyện chi? Nhiều người nói muốn học quá, xong lao vào học mà cũng không biết nó giúp bản thân thực tế, trong thời điểm này ở chỗ nào. Học khơi khơi theo phong trào, vì người đời nói nó cần, vài tiếng sau là quên sạch. Dù có cào nát đầu óc mình ra, cũng nhớ không có nổi. Học, là khi bạn tìm được ý nghĩa thực tế, và cực kỳ cá nhân của thông tin đối với công việc hay cuộc sống của mình hiện tại. Nếu không có cái sợi dây nối giữa thông tin và nhu cầu thực tế, đố bạn mà học được. Không có ngữ cảnh, thì đặt cái mớ thông tin ấy vào đâu? Cho nên, mấy quốc gia tiên tiến về giáo dục người ta đổi cách dạy và cách học là thế. Giờ, học theo kiểu phenomenon-based, nghĩa là học trong ngữ cảnh thực tế của cuộc sống. Ví dụ nhe, khi mình sợ phát biểu trước đám đông, là do mình thiếu kỹ năng nói trước công chúng, hay đề tài cần nói mình hiểu không sâu, không rõ nên sợ, hay mình chưa làm lần nào nên sợ, hay sợ quê, sợ bị ném đá khi nói gì đó ngược lại ý kiến đa số của đám đông, hay là thứ gì khác nữa? Khi ta tìm hiểu thông tin vì muốn hiểu rõ hay giải quyết một vấn đề thực tế, đang xảy ra quanh ta, đang đụng chạm đến cuộc đời ta, ấy là khi ta biết mình học để bổ sung kiến thức mang lại lợi ích cụ thể gì cho bản thân mình. Khi đang đang gặp vấn đề sợ phát biểu trước đám đông, không lo học kỹ năng nói trước công chúng, mà lo đi học đầu tư chứng khoán để làm giàu chẳng hạn, thì sao mà học vô? Nên thôi, trước hết là quay về hỏi bản thân, điểm mạnh điểm yếu của mình là gì, vấn đề mình đang cần giải quyết là gì, rồi mới căn cứ theo đó mà tìm đề tài để học. - Trigger – Kích hoạt: Giờ chia sẻ chuyện này nghe rất đau lòng nhe. Người ta học nhiều, đọc nhiều cũng như không à. Theo nghiên cứu khoa học thì trong vòng 1 tiếng đồng hồ, 60 phút, con người quên bén 50% những gì mình mới học. Trong vòng 24 giờ nghĩa là 1 ngày đêm, ta sẽ quên sạch sẽ 70% những gì vừa mới học. Có người nhớ nhiều hơn một chút, quên nhiều hơn một chút, nhưng đại để là quên gần sạch sẽ. Cho nên, học hay đọc mà chẳng dành thời gian suy nghĩ, reflect - phản tư, internalize - tiếp thu và biến thành kiến thức của mình, practice - mang ra ứng dụng, thì học chi cho mệt. Học vậy vừa mất thời gian, vừa chả giúp ích gì. Để thời gian đi chơi còn sướng hơn ấy chứ. Cho nên, phải tìm cách để giữ thông tin lại ngay khi và sau khi học bằng cách ghi chú những điểm nó chạm tới mình, kiểu như ai vừa nói gì xong cứ như là bật sáng ngọn đèn trong não và tim ta ấy. Gặp cảnh này là ghi chú lại ngay bằng bất cứ công cụ gì mình có, rồi về lấy ra đọc lại, suy nghĩ, phản tư nhe. Đừng có làm biếng không ghi chú gì thì quên bén hết à. Ghi chú là một chuyện, muốn nó thấm vào vào trong người bạn, thì mang nó ra bàn bạc, thực hành, thử nghiệm, tạo ra một sản phẩm hay dự án thực tế từ điều mình học thì nó mới chuyển hoá thành kiến thức của mình. Học không có nghĩa là bạn có kiến thức nhe. Kiến thức chỉ là của bạn khi bạn đã vận dụng được nó mà thôi. Còn lại, là đổ nước lên đầu con vịt ấy. Nó trôi hết thôi. Chả giúp ích gì đâu. Ai bỏ công làm chi chuyện vô nghĩa đó. Hình: Đường lãng quên - Examine – Kiểm tra: Những gì ta học, chỉ đúng tới hôm qua. Ở thế kỷ 21 này, mọi thứ đều có thể lật nhào bởi một phát minh mới nào đó vào ngày hôm sau. Cho nên, học rồi không có nghĩa là biết. Học xong không có nghĩa là giỏi. Và cái ta đã học không có nghĩa là chân lý. Trên đời này không có gì là hằng số hết, không có gì là khắc vào đá ngàn đời vì đúng 100% hết. Tất cả đều là tương đối. Ví dụ nhe. Năm 1666, Isaac Newton công bố thuyết “Gravitation – thuyết trọng lượng”. Lúc đó, phát minh của Newton là “chân lý”. Đến thế kỷ thứ 19, người ta lập lại các thử nghiệm của ông và thấy có một số chênh lệch do việc sử dụng dụng cụ đo đạc chính xác hơn. Dựa trên những nghiên cứu và dự đoán mới, Albert Eisntein công bố lý thuyết “Relativity – Thuyết tương đối”. Đến thế kỷ 19, phát minh của Albert Einstein là “chân lý”. Bạn hỏi, ủa chân lý sao mà tự nhiên thay đổi vậy? Nếu chân lý cũng có thể thay đổi thì đâu có cái gì là chân lý. Ừa mà đúng rồi! Mọi thứ chúng ta tìm hiểu, kết luận tại bất kỳ thời điểm nào trên đời này đều bị giới hạn bởi kiến thức, kỹ thuật, công cụ dụng cụ của thời điểm đó mà thôi. Ai nghĩ tự nhiên sinh ra internet và cả thế giới này qua một đêm trở thành kết nối tức thời? Hồi xưa chả phải đi tàu mấy tháng mới tới nơi đưa một lá thư sao? Cho nên, tất cả những thứ chúng ta biết đều hữu hạn, đều tương đối, đều có thể sai vào ngày hôm sau. Khi đặt mình trong tâm thế này, ta mới mở cái đầu ra mà chấp nhận bỏ đi cái cũ, gọi là unlearn – tháo cái đã học vứt đi, và relearn – học lại cái mới. Chân lý tạm thời thôi nhe bạn. Cứ phải quay lại đặt câu hỏi, kiểm tra lại điều mình học và tin, rồi kết nối với kiến thức tương lai để nâng cấp hiểu biết của bản thân mỗi ngày. - Reflect – Phản tư: Bạn học, bạn thảo luận, bạn thử nghiệm, bạn thực hành, vv và vv. Rồi sao nữa? Nếu không dành thời gian tĩnh lặng để kết nối chúng lại với nhau, để hệ thống hoá và tìm ra mấu chốt cho riêng mình, tất cả rồi sẽ vẫn là kiến thức của người khác. Kiến thức là thế, nhưng áp dụng cho cá nhân mình, cho hoàn cảnh của mình, cho thời điểm của mình, thì phải có hiệu chỉnh gì chớ. Khi bạn hiệu chỉnh, tìm ra cách tiếp cận riêng của bản thân khi áp dụng kiến thức sau khi áp dụng thử, xem kết quả, thử đi thử lại, rồi suy nghĩ thật nghiêm túc và đưa ra “phát minh” cho cá nhân là nên làm thế nào tốt nhất. Ấy là khi bạn thật sự biến kiến thức của đời thành kiến thức của mình. Quá trình này, gọi là phản tư, và là quá trình cực kỳ quan trọng quyết định ta có học hay không. Phản tư là làm sao? Bạn tập vầy, mỗi cuối ngày chọn một việc để tập phản tư. Dần dần, nó sẽ thành thói quen nhe. Đây là 5 bước giúp bạn phản tư hiệu quả. 1. Xác định một vấn đề xảy ra trong ngày, có thể là vấn đề khiến bạn bận tâm nhất 2. Hướng dòng suy nghĩ của mình theo hướng: Ủa chuyện gì đã xảy ra? Xảy ra ở đâu, khi nào? Mình nghĩ sao về chuyện đó? 3. Kiểm tra lại bản than: Mình đã hành xử thế nào trong trường hợp đó? Mình đã nghĩ sao tại thời điểm đó? Chuyện xảy ra làm mình cảm thấy thế nào? Có những yếu tố nào khác ảnh hưởng đến hoàn cảnh lúc đó hay không? Mình học được bài học gì từ chuyện mới xảy ra? 4. Kết quả chuyện xảy ra bạn đoán được hay rất bất ngờ? Kết quả đó ảnh hưởng thế nào, có thách thức những “chân lý” hay hiểu biết “hiển nhiên” của bạn? Điều gì, hành vi nào đã làm thay đổi kết quả và làm cho nó trở thành “bất ngờ”, không hiểu nổi đối với bạn? 5. Có điều gì bạn có thể làm, hay nói bây giờ để làm thay đổi kết quả đó hay không? Có hành vi gì bạn cần thay đổi để chuyện này không xảy ra hoặc xảy ra theo hướng tích cực hơn trong tương lai hay không? Có hành vi gì bạn cần thử để xem nó có giúp thay đổi kết quả tích cực hơn không? Các bạn có thể nghe lại bài học tại đây:

  • Cơ hội không đến từ bên ngoài

    Trong đời, tôi đã cho rất nhiều người cơ hội mà họ không hề đón nhận. Đơn giản vì họ hoàn toàn chưa sẵn sàng, nên có khi còn tưởng lầm là mình đang bị "tận dụng" hay "lợi dụng". Xưa đi làm thuê, tôi hay đeo cái bảng trước ngực "hãy tận dụng tôi đi", và chủ động hơn là bày bừa thêm việc không có trong JD - mô tả công việc để người ta tận dụng mình. Chả phải cao thượng quái gì. Chỉ là tôi biết làm càng nhiều càng học được nhiều, càng giỏi, càng tăng cao giá trị bản thân và vì thế đời sẽ mở ra cho mình thêm nhiều cơ hội. Bạn nghĩ mình đi làm chỉ là hy sinh cho nhà tuyển dụng thôi sao? Chuyện! Ai mà chẳng cố nhặt nhạnh, học hỏi, tích luỹ, và có khi ấn cái profile nhà người ta lên cho sáng CV nhà mình? Khi học hết, nhặt đủ, không còn vương vấn gì thì ta cũng cao chạy xa bay. Cho nên, làm thuê là quan hệ lợi ích 2 chiều. Còn lợi còn dang díu. Hết lợi chia tay. Vì đã trải qua hành trình tôi luyện này, nên tôi hay thử sức các bạn trẻ bằng cách giao nhiều việc, giao việc đa dạng, giao việc hơi quá tầm một chút để xem các bạn sắp xếp và xử lý ra sao. Dễ lắm. Người biết nắm bắt cơ hội sẽ ra trận quyết liệt, tìm mọi cách làm bằng được, chủ động hỏi và xin được mentor, rồi làm hơn mong đợi. Người như thế sẽ càng ngày càng giỏi, càng ngày càng được đưa thêm cơ hội. Ngược lại, người không hiểu thường nghĩ rằng mình đang bị lợi dụng, bị overload, bị đì. Họ hoặc là tỏ thái độ, hoặc là không đầu tư tốt cho chất lượng công việc, hoặc là phàn nàn và xin giảm bớt việc. Khi không dấn thân, họ tự mình tước đi nhiều cơ hội mới, cơ hội lớn hơn của bản thân, đơn giản vì họ đã vô tình chứng minh bản thân không đủ sức, không đủ lực để đảm đương những cơ hội to lớn hơn, quan trọng hơn.... Những cánh cửa cơ hội phía trước vì vậy cũng auto đóng lại. Thật tiếc! Cho nên, đừng mải mê đi tìm cơ hội ngoài kia các bạn ạ. Cơ hội là đến từ tư duy sẵn sàng đón nhận thử thách, từ tinh thần chiến binh, và từ nội lực của bản thân mình. Cơ hội chưa bao giờ đến từ bên ngoài, từ sự cào cấu, xin xỏ, tranh thủ hay giành giật. Cơ hội mọc đầy xung quanh bạn, nhưng chúng chỉ hiện ra khi bản thân bạn đã sẵn sàng. Nếu chưa thấy thì trước hết hãy cứ cắm đầu làm, chủ động làm, làm hơn khả năng và mô tả công việc của mình. Đừng tính toán thiệt hơn với đất trời. Điều kỳ diệu chưa bao giờ xảy đến với những tâm hồn còn thiếu vắng bao la.

  • Don't work for anyone - Đừng làm cho ai khác

    Cả đời, dù đã từng vài bận làm thuê, và hiểu rất rõ tại sao mình xin đi làm thuê, tôi vẫn nghĩ là bản thân chưa bao giờ đi làm cho ai. Vì trước giờ vẫn làm việc với tâm thế I work for myself - làm việc cho chính bản thân mình. Không phải vậy sao? Bạn đi làm để làm gì? Học hỏi? Nâng cao kiến thức và kỹ năng? Kiếm tiền? Muốn có tên thương hiệu công ty đó trên profile của mình? Thăng tiến trong nghề nghiệp? Chứng tỏ bản thân? Phát triển sự nghiệp? Vì được đi nước ngoài? Vì làm việc ở đó không áp lực? Vì được làm ngành mình yêu thích? Vì vừa kiếm được tiền vừa được làm điều mình thích, vv và vv. Nếu đọc lại, sẽ thấy tất cả những mục tiêu mà ta đưa ra khi chọn nơi làm việc đều mang lại lợi ích cho bản thân. Trong đời chưa bao giờ nghe ai trả lời đi làm để “đóng góp giúp công ty phát triển” một cách hồn nhiên hết. Nếu có, thì đó cũng chỉ là để xây dựng profile chiến thắng, để chứng tỏ và xây dựng thương hiệu, thành tích cho cá nhân. Ngày xưa đi làm thuê, tôi cũng vậy thôi, có tính toán mục tiêu cá nhân hết sức rõ ràng. Job đầu đời hồi còn sinh viên năm 2, đi làm là để kiếm tiền, nên ai làm gì, chính trị chính em gì bỏ qua hết, chỉ chăm chăm ngậm miệng làm việc để kiếm tiền. Job thứ 2 chuyển qua công ty nước ngoài làm để học cách làm việc chuyên nghiệp của mấy sếp Tây, để được sử dụng tiếng Anh hàng ngày. Job thứ 3 đi làm để học về sales & marketing, vì không có chuyên môn. Job thứ 4 xin đi làm ở Úc để hội nhập môi trường làm việc chuyên nghiệp tại một quốc gia khác và học cách làm e-commerce từ thời ngành này mới chập chững bùng lên. Job thứ 5 đi làm vì muốn học qua trải nghiệm ngành quảng cáo, được trực tiếp làm việc và xây dựng chiến lược marketing và quảng cáo cho nhiều nhãn hàng lớn tầm quốc tế. Job thứ 6 đi làm vì muốn trở thành global executive – lãnh đạo tầm quốc tế, quản trị nhiều quốc gia. Khai thật ra hết rồi đó. Đi làm là có mục tiêu cá nhân hết và đều đạt được những mục tiêu đó trên cả mong đợi. Mỗi môi trường và ngành nghề đều học được không biết bao nhiêu là thứ hay ho, để cuối cùng có thể làm chủ một cách nhẹ nhàng. Kể ra bao nhiêu đó thứ chỉ để nhắn nhủ các bạn đang đi làm là, đừng tự dối lòng, phàn nàn, kể công các kiểu là mình đang đóng góp. Thực tế, đây chỉ là sự trao đổi mang lại lợi ích cho cả đôi bên. Vì thế, công việc cuối cùng là công cụ để bạn phát triển bản thân, nuôi sống bản thân. Vì thế, khi tư duy về chọn ngành nghề, chọn công ty, chọn công việc, đừng bắt đầu từ những ý niệm mơ hồ, chung chung, cao cả gì hết. Hãy bắt đầu một cách hết sức đời, hết sức bình dị là bạn đang cần gì từ công việc đó trong thời gian này. Tại mỗi giai đoạn cuộc đời, ta có những nhu cầu hết sức khác nhau. Có khi chỉ để kiếm tiền. Có khi để học một thứ gì đó mà ta không được học trong trường lớp. Có khi chỉ để đóng cái mác công ty đó lên CV. Cứ thành thật với bản thân. Không dám nói thiệt mục tiêu cá nhân với ai thì cũng phải nói thiệt với cá nhân mình. Rồi chủ động tìm công việc để thoả mãn nhu cầu cá nhân đó. Rồi làm hết mình và học hết mình, bỏ qua hết ba thứ linh tinh, drama tào lao trong tập thể nếu có. Hầu hết người đi làm hoang phí thời gian vào ba chuyện gossip nơi công sở. Lâu dần tưởng mình thành diễn viên, quên mất mình đi làm mục tiêu là để làm gì. Nên hết sức tập trung để hoàn thành mục tiêu của mình trong thời gian làm việc ở một nơi nào đó. Hành trình làm việc chính là hành trình bạn xây dựng thương hiệu cá nhân. Hỏi mình, nếu lấy tên mình dán lên kết quả công việc vừa mới xong mang ra bán liệu có ai mua không? Bạn có tự tin không? Hay xấu hổ? Vấn đề không phải là đánh cái dấu một cái task đã hoàn thành, mà là hoàn thành kiểu gì, kiểu tự tin hay xấu hổ. Cuối cùng, bạn đâu có làm việc gì cho ai. Thật ra, bạn đang làm việc cho chính bản thân mình, để thoả mãn mục tiêu cá nhân, để xây dựng thương hiệu cá nhân. Cho nên, đôi khi ta cần bình tâm, rõ ràng với bản thân về cách chọn việc, chọn công ty, và cách ta đang đối xử với công việc và công ty đó. Vài gạch đầu dòng của bản thân tôi: 1. Xây dựng mục tiêu cá nhân 2. Chọn công việc và công ty có thể giúp thực hiện mục tiêu cá nhân 3. Tận tâm tận lực làm việc không than phiền để đạt được mục tiêu cá nhân 4. Tận dụng cơ hội học hỏi tất cả những gì có thể 5. Bỏ qua mọi trò chính trị công sở mất thời gian vô ích 6. Xây dựng thương hiệu cá nhân qua từng công việc nhỏ hoàn thành mỗi ngày 7. Luôn biết ơn và để lại dấn ấn đẹp khi ra đi Don’t work for anyone! Đừng làm việc cho ai. Hãy cứ làm cho chính bản thân mình, một cách chính trực và tận tâm nhất. Kinh nghiệm, trải nghiệm, kiến thức ta nhận được qua mỗi công ty, công việc, mới chính là tài sản quý giá nhất giúp ta thành công trên hành trình đạt được những mục tiêu lớn hơn trong cuộc đời mình. Stay focused! Hãy hết sức tập trung!

  • Tư duy miếng bánh

    Gặp người tính toán thiệt hơn, đi làm chỉ muốn làm sao cho công sức bỏ ra ít hơn hay nhiều lắm là bằng mức họ tự cho là vừa phải với tiền lương thì ta phải làm sao? Đời, luôn có những người như thế, vì tầm nhìn của họ không qua khỏi được luỹ tre làng. Người như thế, ignorant – thiếu hiểu biết về khả năng của bản thân, và chính sự tính toán thiệt hơn là vật cản lớn nhất trên con đường tiến thân & thành công của họ, khi chưa làm mà đã sợ thiệt thòi. Hồi xưa đi làm thuê, ông chủ tịch gặp tôi hay hỏi, “What’s up your sleeve again? – Lại bày trò mới nữa chứ gì?” Tôi đi làm, với tâm thế của người làm chủ, luôn làm nhiều hơn công việc được giao, luôn chủ động nghĩ ra phát kiến mới để đóng góp, luôn trăn trở tìm cách để công ty phát triển nhanh hơn, tốt hơn, bền vững hơn. Đến cả vị trí Special Project – Quản trị dự án đặc biệt cũng tự nghĩ ra vì thấy cần một người chuyên tập trung chỉ để transform – chuyển đổi các thị trường quốc tế đang gặp vấn đề về lợi nhuận. Vậy, là công ty phải sinh ra vị trí mới, vì nó quá hợp lý khi nghe trình bày. Đối tác có người mô tả tôi là tâm bão. Đi đến đâu thì bão nổi lên tới đó, vì bày ra quá nhiều thứ và năng lượng cứ ào ào. Còn tôi, chỉ biết có một điều, lao vào làm vì muốn pilot – thử nghiệm những ý tưởng mình nghĩ ra. Thành công thì quá hay. Không thành công thì cũng là bài học cho tổ chức. Không làm sao biết được hay không. Không dấn thân sao biết hành trình phía trước có hoa thơm cỏ lạ như nào. Khi tập đoàn bán xong, ông chủ tịch mới tâm sự rằng, ông thương tôi vì tôi không chỉ lo miếng bánh mà luôn làm việc hết mình vì cả cái bánh. Chính nhờ tư duy đó, nên tôi được cất nhắc rất nhanh. Sau này, khi làm việc với team, tôi luôn cất nhắc những người có tư duy whole cake – cả cái bánh. Họ tự thấy việc cần làm, tự mang vác trách nhiệm lên vai, tự xông xáo mà bạn chẳng cần phải nói một câu động viên nào hết cả, vì sự phát triển của cả công ty. Ngược lại, người làm việc với tư duy miếng bánh – slice of cake, người chỉ biết khư khư lo tính toán làm sao để lời tiền lương, kêu thì làm, tránh việc như phòng bệnh, gặp sếp thì múa như biểu diễn, sau lưng sếp thì cuộn tròn ngủ đông, làm việc mà chẳng có chút cam kết nào với công việc mình làm, người như thế tôi dần dần loại khỏi team, chỉ vì không chịu được kiểu tư duy nhỏ nhoi như thế. Rồi, bạn chọn đi, bạn đi làm để bán sức lao động, hay đi làm để tìm kiếm cơ hội mới, để phát triển bản thân mình? Nếu bán sức lao động thì, người ta sẽ chỉ mua với giá nào hời nhất, và chỉ trả nhiều nhất là đúng giá thôi đấy nhé. Và khi sức lao động đó của bạn không còn giá trị gì với người ta nữa, thì cắt một phát là xong. Nhưng nếu bạn đi làm để tạo ra giá trị thì, thế giới này bao la cơ hội để bạn tiến xa. Nếu người ta không tạo điều kiện cho bạn tiến thì sao? Đâu có sao, thì ta tìm nơi khác mà sải cánh. Là mình thôi, là cách mình tư duy và bước đi trong đời. Đừng đổ thừa ai khác. Ask yourself today, are you only worth a slice of cake. Hãy tự hỏi mình hôm nay đi nhé, phải chăng giá của bạn chỉ to bằng miếng bánh mà thôi.

  • Những căn bệnh khiến bạn không thể phát triển bản thân

    Trong thời gian làm việc tại Việt Nam vừa qua, tôi viết rất nhiều về kỹ năng, phẩm chất, và chia sẻ nhiều công cụ giúp các bạn trẻ phát triển bản thân. Tuy nhiên, tôi nhận thấy có rất nhiều trường hợp bản thân các bạn trẻ không biết mình thiếu kỹ năng gì, hoặc tưởng là mình đã có kỹ năng rồi, nên không có kế hoạch rèn luyện. Hôm nay, đứng từ góc độ ngược lại của người sử dụng nhân sự, tôi muốn chia sẻ với các bạn những triệu chứng bệnh thường ngày tại nơi làm việc mà tôi ghi nhận được. Những căn bệnh này chính là nguyên nhân gây ra sự mất tập trung, cản trở việc phát triển bản thân. 1. Bệnh im: do lớn lên trong môi trường giáo dục thụ động, người Việt đã quen nghe và im. Khi bắt đầu làm đi làm, thói quen này trở thành bệnh. Sếp giao việc xong, làm xong không xong cũng im. Gặp vấn đề giữa chừng không giải quyết được cũng im. Sếp không hỏi tới thì im luôn, cho qua. Chờ đến khi hỏi thì đưa ra đủ kiểu lý do tại sao công việc chưa xong, dự án dở dang, không thành. Đây là triệu chứng của bệnh thiếu sự chủ động, thiếu kỹ năng giải quyết vấn đề và kỹ năng giao tiếp. Đây là bệnh nghiêm trọng sẽ cản trở mọi sự phát triển sự nghiệp phía trước. Nếu đang bệnh, cần chữa ngay. 2. Bệnh đổ thừa: khi hỏi tại sao việc không xong, 99% câu trả lời là tại vì đứa khác. Thói quen đổ thừa người khác không giúp gì cho ai. Nó chỉ cho thấy bạn là người thiếu trách nhiệm, kém khả năng, không đáng tin cậy. Reliability – Sự đáng tin cậy là một phẩm chất cực kỳ quan trọng của người đi làm. Nếu giao việc cho bạn mà không trông cậy được vào bạn, chỉ toàn nghe đổ thừa, thì ai sẽ trọng dụng và giao việc trọng đại hơn cho bạn? 3. Bệnh kể lể: khi kết quả không đạt, chưa đạt và bị sếp hỏi tại sao, hoặc khi sếp kiểm tra xem đang làm gì, rất nhiều bạn trẻ phản ứng tự vệ bằng cách kể lể ra một vạn thứ task đang làm. Chuyện bạn đang làm bao nhiêu task không hề quan trọng. Nếu kể lể để thấy bạn đang làm cực khổ, hy sinh thân mình vì nghĩa lớn thì quên đi. Làm bao nhiêu, nhiều ít không quan trọng. Quan trọng là có đạt được kết quả, chỉ tiêu được giao không. Nếu làm 1 việc rồi đi chơi mà kết quả đạt được là OK. Nếu làm một vạn thứ mà không tạo ra kết quả thì cũng không có ý nghĩa gì. Do đó, nếu biết mình có bệnh kể lể, hãy chữa bằng cách đi chơi nhiều hơn, làm ít hơn nhưng luôn đạt được KPI được giao. 4. Bệnh nhiều chuyện & politics: chắc là do Việt Nam thiếu chương trình giải trí, nên tự mình viết kịch bản rồi tự diễn vai chính luôn tại công sở trở thành sở thích của nhiều người. Họ không có thời gian phát triển bản thân, không có thời gian rèn luyện kỹ năng, nhưng ngày nào không gây chuyện, xì xào bàn tán là ngày đó thiếu gia vị cuộc sống. That’s OK. Không sao. Nếu bạn sinh ra trong đời chỉ để đóng các vai drama hàng ngày rồi chết thì cứ đóng. Thời gian phí phạm vô ích vào những thị phi đời thường đó sẽ quận vào vận mệnh bạn suốt đời, khiến bạn loay hoay, quẩn quanh trong chốn ao tù do chính bạn tạo ra. 5. Bệnh ego: có lẽ đây là căn bệnh khủng khiếp và tràn lan nhất mà tôi thấy tại Việt Nam. Gía trị, thái độ, kiến thức, kỹ năng thứ gì cũng thiếu nhưng ego thì thổi phồng, nổ đì đùng mọi lúc mọi nơi. Cái tôi hoang tưởng này chỉ làm được một việc mà thôi, đó là lôi người ta xềnh xệch về phía sau, vào quá khứ, bịt mắt bịt mũi không cho người ta nhìn thấy cơ hội được lớn lên, được là chính mình, được làm những điều vượt qua giới hạn mà bản thân tưởng tượng. Thế giới này to lắm. Mở cửa thấy núi. Núi cao luôn có núi cao hơn, người giỏi luôn có người giỏi hơn. Và người không giỏi mà tưởng mình giỏi thì bạn vừa khai tử tương lai của chính bản thân mình. 6. Bệnh emo: vì ego nên đâm ra emo (cảm xúc lung tung không cần thiết). Người khác nói thì không lắng nghe, chỉ biết chăm chăm chém dạt mọi người ra để giành lấy phần thắng về mình. Người khác đưa ý tưởng thì gạt phăng, trả treo tiêu cực, cãi vã, drama cho thật cao trào đến nhìn không nổi mặt nhau. Người không quản trị được cảm xúc là người thiếu EQ, không có cái nhìn toàn cảnh, không hiểu nguồn gốc của vấn đề và sẽ chẳng bao giờ làm gì thành công cả. 7. Bệnh hoang tưởng: đây là bệnh làm tôi ngạc nhiên nhất khi trở lại Việt nam làm việc. Dù nền tảng giáo dục không tới đâu, đến học đại học ra trường vẫn không chút kỹ năng hội nhập vào công việc, nhưng sự tự tin thái quá vào sức toả sáng của bản thân thì luôn cao vút. Đây là bệnh ếch ngồi đáy giếng, không biết trời cao đất rộng, cần phải bị đời tán cho vài cú lăn lốc mới tỉnh người. Tôi viết thế này, quá thẳng thắn, quá trực tiếp, sẽ làm không ít người khó chịu. Nhưng nghĩ rằng chúng ta không còn quá nhiều thời gian để nói những lời hoa mỹ với nhau. Thuốc đắng dã tật. Nếu bạn rón rén cảm thấy mình đang có bệnh, làm ơn chữa. Chúng ta nói với nhau ở đây không phải để dìm hàng nhau. Nói với nhau những lời chân thật là thực sự quan tâm, thực sự mong muốn cùng nhau phát triển bản thân, cùng nhau nắm bắt những cơ hội mới của tương lai và thế giới. Trừ phi bạn không muốn phát triển….

  • Tâm thế

    Hồi xưa đi làm tập đoàn, có chuyện này mà mấy sếp kể lại hoài, nói Phi không bình thường. Trước khi bắt đầu công việc chính thức làm giám đốc marketing quốc tế tại Sydney, tôi còn 1 tuần lo việc riêng rồi mới vô nhận việc ngày đầu. Nhưng tính tôi, không làm gì thì thôi. Đã nhận sẽ luôn nghĩ về công việc đó, luôn tìm cách làm cho nó hay ho nhất, vượt xa mong đợi nhất, thành công nhất. Vậy là, chưa tới ngày đi làm nhưng đã gởi ý tưởng, đề nghị, bắt đầu làm survey nghiên cứu chuẩn bị cho kế hoạch rồi. Anh sếp ngạc nhiên, kể hết cho cả công ty, và sau này có dịp đều mang ra nhắc. Tôi không chấp nhận trở lực, khó khăn, thử thách. Và tin rằng luôn có nhiều cách để vượt qua mọi giới hạn hiện có. Và luôn quậy tưng mọi thứ, tìm ra mọi cách để dự án mà mình chịu trách nhiệm trở thành một dấu ấn cá nhân trong cuộc đời mình. Và đơn giản chỉ vậy thôi. Đó là chìa khoá giúp tôi vươn lên trong một tập đoàn, tại một nước không phải là bổn xứ. Giờ, làm việc với nhiều bạn trẻ Việt Nam, sao cứ như là giữ con mọn. Làm cái này không được. Làm cái nọ khó quá. Em chỉ làm chiến lược thôi không làm chuyện cỏn con. Cái gì cũng thấy khó. Thứ gì cũng thấy giới hạn thì đời này chẳng làm chuyện gì cho nó tới nơi. Nếu ngồi đó chờ người ta sắp bài ngay ngắn cho mình chia thì dẹp đi đừng có chơi bài. Làm thuê hay làm chủ, làm chuyện gì cũng có khó khăn và giới hạn. Người giỏi và người dở chỉ cách nhau gang tấc ở đó thôi. Người giỏi thì sáng tạo không ngừng. Sao cũng có cách. Sao cũng giải quyết. Sao cũng làm cho ra trò và toả sáng. Người õng ẹo thì càm ràm liếc ngoáy, yêu thương chăm sóc hò hét các kiểu vẫn chớp chớp mi không thoải mái chẳng bằng lòng. Vậy thôi về nghỉ khoẻ đi. Làm chi cho người ta thêm mệt? Quá nhiều người trong chúng ta mãi đi kiếm tìm công cụ. Tôi hay nói, công cụ nắm trong tay một vốc cũng chả làm ra thứ trò trống gì. Khi đầu đã nghĩ không được, tâm đã vắng nhà rồi, thì có đưa một đống tài sản vẫn không tìm ra lời giải. Khi nhìn chỉ thấy toàn giới hạn, thì có cho vay cả bầu trời vẫn phàn nàn rằng chưa đủ. Còn khi say mê tạo ra những diệu kỳ trong bất cứ việc gì, thì đưa cái hũ nửa lít cũng ngỡ là vũ trụ vô biên. Cho nên, tất cả cuối cùng quay trở về tâm thế mà thôi. Thấy khó quá thì đừng đòi hỏi và cũng chẳng nên làm. Mà đã không làm thì cũng đừng tính toán thiệt hơn. Còn làm, thì hãy dọn cho mình tâm thế nothing is impossible – không gì là không thể. Nếu đã không gì là không thể, thì làm gì còn giới hạn, thì sức sáng tạo vô song sẽ tự nhiên kéo về gõ cửa trái tim. Năm mới rồi, nghĩ về tâm thế đi thôi. Xin đừng chỉ nhắn gọi hỏi nhau về công cụ.

  • Xây dựng nội lực để thành công

    Các bạn thấy đó, cuối cùng mọi việc cực kỳ đơn giản, và đều nằm ở sự thay đổi của chính ta. Khi ta hiểu được mối tương quan giữa bản thân và thế giới bên ngoài, khi ta hiểu bản thân là một bản thể độc lập, có chủ quyền, và ta sử dụng chủ quyền đó để đưa ra những lựa chọn và quyết định trong đời, ta thành công. Vậy thôi. Không có bí quyết ghê gớm gì ở đây. Việc hiểu về thế giới bên ngoài, cách vận hành của nó, hiểu về tác động của nó lên cách vận hành auto pilot của mỗi người tôi đã chia sẻ rất nhiều trong khoá Self-management - Quản trị bản thân và EI@ work - Trí tuệ cảm xúc cho người đi làm. Các bạn nên đăng ký học 2 khoá này để có thêm nhận thức cần thiết. Trong khuôn khổ của khoá học này, tôi sẽ tập trung vào năng lực thứ 4 - Tự tin và phát huy tiềm năng vô tận của bản thân. Để đạt được cảnh giới đó, ngoài việc nhận thức rõ về mối tương quan và tác động của thế giới bên ngoài đến tâm thế và hệ thống vận hành bên trong, ta cần sở hữu và rèn luyện một số những phẩm chất nền tảng giúp ta vững vàng được là mình, vững vàng bảo vệ chủ quyền cá nhân và vượt qua tất cả những thử thách đến từ thế giới bên ngoài, nhất là từ người khác. Bộ 5 phẩm chất giúp bạn xây dựng nội lực vững mạnh bao gồm: 1. Tư duy làm chủ và khả năng quyết đoán: Là thái độ tự chịu trách nhiệm, luôn theo dõi và đưa ra quyết định, hành động kịp thời để công việc tiến triển theo hướng đạt được kết quả sau cùng như đã đặt ra trong bất kỳ việc gì đã chọn làm. 2. Tâm thế hướng đến thành công: Là khả năng giữ vững mục tiêu, nhưng linh hoạt thay đổi phương pháp tiếp cận, thay đổi chiến lược ngay khi cần để đạt được mục tiêu đề ra. 3. Lòng can đảm và sự kiên cường: Là khả năng bền bỉ, kiên cường bám trụ và dấn thân dù hành trình rất gập ghềnh. 4. Khả năng ứng phó với sự bất định: Là khả năng chấp nhận, ứng biến nhanh chóng với mọi sự thay đổi một cách dễ dàng, đảm bảo vận hành hiệu quả và đạt mục tiêu, kết quả đặt ra cho dù có thay đổi gì hay thay đổi thế nào. 5. Tâm thế và khả năng phát triển bản thân: Là khả năng phản tư về thành quả của bản thân, lắng nghe phản hồi từ người khác, giữ cho tư duy mở và tâm thế học cả đời để tiếp tục học, rèn luyện, phát triển bản thân trong mọi hoàn cảnh.

  • Agile Mindset - Tư Duy Linh Hoạt

    Trong sự chuyển đổi quá nhanh của thế giới, của cuộc cách mạng 4.0, của tình hình đại dịch ảnh hưởng đến cách chúng ta sống, làm việc, và kinh doanh, từ khoá quan trọng và hot nhất thế giới hiện nay là Agile Mindset - Tư duy linh hoạt. Vậy tư duy linh hoạt là gì, ích lợi thế nào và rèn luyện thế ra sao, khoá học này sẽ giúp bạn có được những hiểu biết cơ bản nhất để có thể tự mình rèn luyện. Khoá học này dành cho: - Lãnh đạo các cấp của các công ty, tổ chức, doanh nghiệp - Nhân sự các cấp thuộc các công ty, tổ chức, doanh nghiệp - Sinh viên tất cả các ngành, đặc biệt là sinh viên sắp ra trường & tham gia thị trường lao động

  • Ta biết gì về công nghệ mới?

    Trong những năm gần đây, thế giới xuất hiện của nhiều công nghệ mới với ứng dụng đa ngành nghề như AI - trí tuệ nhân tạo, blockchain - công nghệ chuỗi khối, IoT - mạng lưới vạn vật kết nối, biotech - công nghệ sinh học, cloud computing - điện toán đám mây, v.v. Thế giới như sinh ra một ngôn ngữ mới, là ngôn ngữ chính thức, bắt buộc, và mang tính toàn cầu. Ngôn ngữ đó không còn là tiếng Anh hay tiếng Hoa nữa. Những ngôn ngữ này giờ đã trở thành kỹ năng sinh tồn. Còn ngoại ngữ chính chức của thế giới là công nghệ. Khi ta không biết gì về AI, IoT, hay Blockchain chẳng hạn, thì coi như ta đang mù chữ. Mà đã mù chữ thì làm sao hội nhập vào môi trường làm việc của tương lai? Cho nên, nếu nhìn vào biểu đồ mức độ ứng dụng của công nghệ vào doanh nghiệp dưới đây mà bạn không hiểu đến 50% hay 70% những định nghĩa này, có khi bạn cần đi học lại.

  • Máy có thể làm gì?

    Câu trả lời đương nhiên là có. Sẽ không còn ngành nghề hay công việc gì mà người có thể tự làm, không cần đến công nghệ hay máy móc nữa, cho dù là những ngành "người" nhất như nhân sự. Giờ đây, tuyển dụng và sa thải nhân sự mà còn do AI - trí tuệ nhân tạo thực hiện, không cần người, thì còn việc gì máy không thể nhúng tay vào? Hay người đang chờ đến khi máy nó sa thải mình rồi mới ngộ ra? Cũng vì vậy, con người cần phải nhận thức rất rõ là mình cần cộng tác với máy, và vì vậy cần tìm hiểu máy, hiểu cách nó vận hành và tương tác, hiểu cách nó được lập trình, và quan trọng nhất là hiểu cách máy sẽ add value - tạo ra giá trị cho người và cho công việc mà người đang thực hiện. Các bạn có thể nghe lại bài học tại đây:

bottom of page