top of page

​Kết quả

Đã tìm thấy 1677 mặt hàng cho ""

  • Người Hàn quốc nhượng quyền bánh mỳ Việt Nam cho người Việt?

    Thật ra, ở đâu có cơ hội thì người biết cách nắm bắt sẽ nắm bắt trước thôi. Mình cũng không trách được chuyện các quốc gia khác xây dựng và nhượng quyền ẩm thực bản địa Việt nam mình. Có chăng là mình phải coi lại khả năng của chính người Việt Nam trong việc xây dựng và phát triển tài nguyên bản địa Việt Nam. Cơ hội thì nhiều và lớn lắm, nhưng đòi hỏi về sự chuyên nghiệp cũng là rào cản khá lớn cho nhiều người Việt.

  • Nhượng quyền street food lên ngôi

    Ẩm thực đường phố đã chễm chệ trên menu nhà hàng năm sao khắp thế giới. Cho nên, cơ hội để scale mô hình street food bản địa ra thế giới là cực lớn. Càng global càng local là như thế.

  • Điều bạn đang làm có "sống" trong team của bạn?

    Nhượng quyền hay không thì, trước hết team nhà mình phải thật sự sống và thở thương hiệu của mình. Bằng không, khi nhượng quyền, làm sao có thể đảm bảo truyền tải niềm đam mê và sự xuất sắc đến đối tác và đội ngũ của họ?

  • Is Vietnam an attractive brand in franchising?

    Thượng hiệu nhượng quyền Việt Nam khi đi ra quốc tế có thể gặp những phản ứng thế nào?

  • Khác biệt mang tính cạnh tranh của bạn là gì

    Muốn xây hệ thống nhượng quyền, nhân bản nhiều và thành công thì một trong những yếu tố quan trọng nhất là xây dựng sự khác biệt mang tính cạnh tranh. Bằng không, nếu mô hình hay thương hiệu chỉ là Me-too thì làm sao scale?

  • Ngày hết hạn

    Bạn nói, em bây giờ không chờ nữa. Tất cả với em đều có expiry date - ngày hết hạn. Tôi nghĩ, vậy thì em đã lớn rồi. Có rất nhiều thứ trong đời, mình chỉ có thể làm tất cả những gì bản thân nên hoặc có thể làm, rồi thôi. Quyết định hay lựa chọn còn lại là ở đối phương. Và nếu như đối phương không quan tâm, không xem đó là quan trọng, không có hứng thú hoặc đong đưa lui tới không rõ ràng thì, đó là vấn đề của họ. Tận nhân lực, tri thiên mệnh. Rất nhiều việc cần phải có sự collab của hai hoặc nhiều bên. Nếu một bên phải quỵ lụy, làm tất cả để mở đường trải thảm, trong khi bên còn lại thờ ơ, không để tâm một cách cố ý hay vô tình thì, đó không phải là collab. Mà đã không là cộng tác thì có kéo dài hay chờ đợi cũng như không. Vì vậy, thứ gì cũng có giới hạn của nó. Cái gì cũng có deadline. Không ai có thể chờ ai cả cuộc đời này được. Khi đưa ra ngày hết hạn, ta nên cân nhắc tất cả những trường hợp có thể xảy ra, ví dụ như đối phương phải đi công tác, đang trong mùa cao điểm, nguồn lực đang giới hạn, đang có nhiều việc cấp thiết khác phải giải quyết, vv. Trên đó, ta sẽ set ngày hết hạn một cách logic, cho đối phương đủ không gian và thời gian để tư duy và quyết định. Và một khi đã làm điều này, cho đối phương đủ thời gian để cân nhắc, suy nghĩ, lựa chọn và quyết định rồi thì, không nên tự mình chần trừ, hối hận hay kéo dài ngày hết hạn với hy vọng người ta đổi ý. Cộng tác là thiện chí của hai hoặc nhiều bên. Nếu mất đi thiện chí này, cho dù việc đồng ý hay ký kết ban đầu có xảy ra đi chăng nữa, mối quan hệ cộng tác này cũng sẽ gập ghềnh đâu đó về sau. Cái thế phải đi năn nỉ, vuốt ve, nịnh nọt, làm mọi thứ để hài lòng bên còn lại rồi sẽ theo ta suốt cả hành trình cộng tác. Đó có phải là điều bạn muốn? Hay cộng tác đối với bạn là sự thỏa hiệp của những giá trị được xem là cốt lõi? Hay cộng tác cuối cùng là sự tự nguyện, đôi bên cùng có lợi, đôi bên cùng phát triển? Nói vậy, nhưng cuộc đời chưa bao giờ là con đường bằng phẳng. Có rất nhiều thứ trong đời, vì vị thế chưa vững vàng, vì nội lực chưa đủ, vì network chưa lớn, hoặc do lợi ích kinh tế phụ thuộc giữa bên cho & bên nhận mà, người ta luôn phải chịu đựng những mối quan hệ hợp tác so le. Câu hỏi là, chúng ta sẽ chịu đựng, cam chịu những kiểu hợp tác hay quan hệ lệch pha này, hay chúng ta cần nuôi lớn nội lực của bản thân, xây dựng network vững mạnh hơn, kiến tạo vị thế cân bằng hơn để tìm được cho mình những quan hệ cùng tầng số? Lựa chọn rất rõ ràng. Một là ta dưới cơ và phụ thuộc cả đời. Hay là ta lớn lên, vững vàng hơn, mạnh mẽ hơn để ngồi cùng mâm, uống cùng bàn với những người cần hợp tác. Lựa chọn này là của bạn, không ai khác. Do đó, khi đang ở trong tình thế không thể set ngày hết hạn, đó cũng là lúc bạn nên tư duy và có kế hoạch phát triển bản thân cho hành trình sắp tới của mình. Cuối cùng, bạn có gì mà người ta phải cần? Cuối cùng, định vị của bạn nằm đâu trong ngành nghề, cộng đồng, xã hội? Cuối cùng, điều gì khiến cho bạn khác biệt và khiến cho người khác nhất thiết phải tìm bạn để hợp tác? Cho nên, đi tìm người cộng tác không phải là đi ra. Đi tìm người cộng tác thực ra thực sự là hành trình đi vào. Ngoài kia, có rất nhiều người, có rất nhiều đối tượng mà chúng ta muốn tiếp cận, hợp tác hoặc làm quen. Nhưng bạn có bao giờ hỏi vì lý do gì mà người ta cần phải quen với bạn? Nếu bản thân ta không có chút giá trị nào, không có một vị thế nào, không có một điểm sáng nào khiến cho họ quan tâm thì, con đường đi tìm ở ngoài kia mãi mãi là đường một chiều. Và mong muốn cộng tác của ta sẽ mãi mãi không có ngày hết hạn. Bạn nhắm, mình chờ được bao lâu? Một năm, ba năm, năm năm, mười năm, hay cả cuộc đời này? Chi bằng, với bao nhiêu đó thời gian, ta tập trung vào việc phát triển nội lực và khả năng của bản thân, để một ngày kia, ta có thể tiếp cận họ ở một vị thế rất khác. Vấn đề là, không có đường tắt để phát triển nội lực. Không có Thánh Gióng trong câu chuyện đời thường. Nếu đã lựa chọn con đường phát triển bản thân thì, bạn nên hiểu và chấp nhận mọi gian nan, gập ghềnh, sự bất như ý mà bản thân phải trải qua để đạt được điều mình mong muốn. Không ai có thể làm thay cho bạn. Đừng cố tỏ ra lưu manh vặt bằng cách vay mượn nội lực hay sức ảnh hưởng của ai đó khác. Vị thế của bạn chỉ có thể được hình thành bởi chính bạn, khi nó là nội lực và bản lĩnh do bản thân tự kiến tạo nên. Đến đây thì, tôi biết trước sẽ có nhiều người hỏi, nhưng em không biết bắt đầu từ đâu. Thật ra, không có một câu trả lời chung cho tất cả những câu hỏi này. Tất cả chúng ta đều có xuất phát điểm rất khác nhau, có giấc mơ và điểm đến khác nhau, có cách tổ chức và vận hành cuộc sống hoàn toàn khác nhau. Do đó, làm gì có một cách cho tất cả mọi người? Tuy nhiên, chúng ta có thể chia sẻ với nhau một cái sườn cơ bản để mỗi người có thể dựa vào đó mà tự xây dựng cho mình một kế hoạch hành động. Để có khả năng set ngày hết hạn, bạn cần những bước sau đây trên hành trình sắp tới: Tại thời điểm này, người bạn cần cộng tác và mong muốn cộng tác là ai? Định vị của họ là gì? Họ có gì mà bạn phải cần ở họ? Điều họ không có, rất cần ở người khác là gì? Cái gì trong những thứ họ cần có thể là thế mạnh hay sở trường của bạn? Ngoài kia, có những ai đang có những thế mạnh này? Điều bạn có thể làm để bản thân trở nên khác biệt hoặc xuất sắc hơn so với họ là gì? Để đạt được sự khác biệt hoặc xuất sắc đó, bạn cần phải học và phát triển những thứ gì? Đến đây thì, bạn đã tìm ra kế hoạch hành động của mình rồi đó. Nếu bạn đủ quyết tâm, cam kết, và mong muốn đủ lớn thì, không có gì là không thể. Hãy cứ bay rồi sẽ cao thôi. Dù có ai, gió ở tầng nào, nếu đã muốn, đã đi thì sẽ đến.

  • Kiếp tử tế

    Hôm qua, cà phê với một đứa em, chuyện Đông truyện Tây rồi cũng lại tới chuyện con người. Bạn nói, đôi khi em hoang mang và nghi vấn chính bản thân mình. Tại sao lại như thế, mình hỏi. Cuối cùng, em không biết mình sai ở chỗ nào? Liệu việc mình tử tế với người khác có phải là một yếu điểm? Nhìn qua nhìn lại, xung quanh mình, người tử tế đâu có ai đạt được thành công vang dội trong cái xã hội này đâu. Còn em thì, nghĩ là mình đủ sự tử tế trong việc đối nhân xử thế, nhưng cuối cùng em nhận lại được gì ngoài lòng tham, sự chỉ trích, nói xấu, và phản bội của người khác? Đây không phải là lần đầu tiên tôi có một cuộc trò chuyện về cái giá của sự tử tế. Làm người đã khó, làm người tử tế còn khó hơn gấp vạn lần, đặc biệt trong cái xã hội và thời thế loạn cào cào như hiện nay. Ai trong chúng ta cũng rõ, không ai kiểm soát hoặc thay đổi được tư duy và hành vi của người khác. Chuyện người đời có chọn tử tế hay không là một phạm trù nằm hoàn toàn nằm ngoài vòng kiểm soát của mỗi chúng ta. Do đó, dù mình có ngồi đây than thân trách phận, gửi câu hỏi vào vũ trụ hay nghao ngán cho thế sự nhân gian, sẽ chẳng có chuyện gì thay đổi. Con người sinh ra vốn đã mang trong mình bóng tối và ánh sáng. Việc họ lựa chọn nuôi lớn ánh sáng hay bóng tối là lựa chọn của mỗi cá nhân. Có khi, ánh sáng là nơi họ thuộc về nhưng đâu đó, tại một vài khoảnh khắc trong đời, bóng tối vẫn có thể hoàn toàn chiếm lĩnh. Có khi, họ trao thân cho bóng tối, nhưng tại một thời khắc quan trọng nào đó của cuộc sống, ánh sáng lại là cội nguồn của mọi quyết định. Cũng có khi, người ta chọn sống và di chuyển giữa bóng tối và ánh sáng. Người ta chọn show ra cái bóng đen nghiệt ngã trong một vài trường hợp, và khoác lên mình tấm áo thiên thần, sáng ngời, lung linh trong những trường hợp khác. Dù lựa chọn là gì, đó hoàn toàn là lựa chọn cá nhân. Đã vậy, ta nên hiểu và chấp nhận sự thật đó của cuộc sống. Bất kỳ ai gặp gỡ trong đời cũng có thể trắng, đen hay xam xám. Vậy thì đã sao đâu? Họ có lựa chọn của họ. Ta có lựa chọn của mình. Việc gì mình phải lao tâm khổ tứ vì lựa chọn của một ai đó khác? Khi hiểu được sự thật này, bạn chỉ cần học cách nhận diện ánh sáng hay bóng tối, chọn lựa đồng hành hay không đồng hành, và hiểu cái giá của sự đồng hành đó là đủ. Vấn đề quan trọng không nằm ở họ và lựa chọn của họ. Vấn đề quan trọng là bạn hiểu giá trị của mình nằm ở đâu và có lựa chọn kiên định với giá trị ấy hay không. Đừng bao giờ cho phép tư duy và hành vi của người khác ảnh hưởng đến niềm tin của bạn vào bản thân. Mình tử tế hay không bản thân cần biết rất rõ. Còn chuyện sống tử tế thời nay khó quá ấy là sự hiển nhiên trong xã hội này. Khi đã chọn tử tế, bạn nên hiểu cái giá của sự gập ghềnh. Vấn đề là, bạn có dám chọn, có dám kiên định, có dám cam kết không bao giờ thỏa hiệp trên hành trình gian nan phía trước hay không. Suy cho cùng, tất cả chỉ là lựa chọn mang tính cá nhân mà thôi. Một khi đã lựa chọn, dù đó là gì, ai cũng sẽ phải chịu trách nhiệm về lựa chọn đó của mình. Đương nhiên, trong một xã hội mà Lý Thông nhiều hơn Thạch Sanh, những người trẻ chưa vững vàng sẽ có lúc hoang mang, nghi ngờ, sợ hãi. Không sao cả. Khi câu hỏi được đặt ra, bạn sẽ tìm thấy câu trả lời. Và khi giá trị của sự tử tế đủ lớn, là giá trị cốt lõi của bản thân, nó sẽ cho bạn đủ sức mạnh để vượt qua tất cả những gập ghềnh. Có điều, bạn phải rất hiểu mình và vững vàng với lựa chọn của bản thân. Đừng trông chờ vào sự tử tế của bất kỳ ai khác. Cũng đừng trông chờ người khác phải biết ơn hay ghi nhận sự tử tế của mình. Tử tế hay không, nó là quyết định của mỗi cá nhân. Và chúng ta làm điều đó không phải để được mang ơn. Việc mỗi người chọn tử tế là cách trình diễn của họ với thế giới về giá trị cốt lõi của bản thân. Chỉ vậy thôi. Không trông chờ chi khác. Khi ngộ được điều bình dị vĩ đại này, bạn sẽ bình an với lựa chọn của mình, không còn nghi vấn và khổ đau vì hành xử của người khác nữa. Tại đây, bạn cũng bắt đầu nhận diện những người tử tế hiếm hoi xung quanh cuộc đời mình, và chọn đưa họ vào vòng tròn quan hệ thân thiết. Ngược lại, khi nhận dạng những trái tim ươm màu bóng tối, ta biết họ không phải là người đồng hành cần có trong đời. Chỉ vậy thôi. Đơn giản là như thế. Bỏ lại mọi nỗi niềm, đau đớn, tổn thương vì sự hành xử không ra gì của bất kỳ ai khác, ta đi. Duyên lành, ta giữ. Duyên nghiệt, ta buông. Đã không kiểm soát được rồi thì vướng víu ở đó làm gì? Chi bằng, ta chọn sự nhẹ nhàng, thoải mái, thong dong trên hành trình của những người cùng giá trị.

  • Một vòng thế giới…

    20 năm, một vòng thế giới, hơn 120 quốc gia với hành trình phát triển nhượng quyền quốc tế, tôi trở lại Việt Nam. Nếu hỏi, doanh nghiệp Việt Nam có tiềm năng hay không để phát triển thành những đại gia nhượng quyền quốc tế, câu trả lời của tôi sau 5 năm tiếp cận với doanh nghiệp Việt Nam cho đến nay vẫn khẳng định là CÓ. Nhưng có tiềm năng không có nghĩa là có thể phát triển. Nhượng quyền nói cho cùng là game của sự bài bản và chuyên nghiệp. Nếu những người dẫn đầu của một doanh nghiệp không hiểu đúng và đủ về sự bài bản và chuyên nghiệp trong việc xây dựng và quản trị doanh nghiệp thì, nhượng quyền sẽ không bao giờ bền vững. Mà đó lại là thách thức và nỗi đau lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam. Chuyên nghiệp, với tôi nó là tư duy, là cam kết, là phẩm chất, là mở rộng cả não và tim để tiếp nhận và ứng dụng cách làm của những công ty hàng đầu thế giới, công ty đã chứng minh sự thành công trong việc xây dựng và phát triển tổ chức của mình. Có hai cách để trở nên chuyên nghiệp. Một là mình làm việc cho những công ty chuyên nghiệp để học hỏi cách họ tổ chức, vận hành và xây dựng. Hai là được hướng dẫn, mentor, cố vấn bởi những người chuyên nghiệp. Nếu không, bạn có thể vin vào cách làm tự phát của mình để phát triển đến một mức độ nào đó rồi thôi, không bao giờ đưa công ty hay tổ chức lên được một tầm cao mới. Tổ chức có chuyên nghiệp hay không, tất cả dựa vào người dẫn đầu. Khi nhà sáng lập, người lãnh đạo còn không hiểu chuyên nghiệp là gì, không biết làm thế nào để xây dựng sự chuyên nghiệp thì, tổ chức đó đương nhiên không thể trở nên chuyên nghiệp. Câu hỏi luôn là, có hay không khả năng chuyên nghiệp hoá doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam, nâng cấp họ lên một tầm cao mới, xuất khẩu mô hình và thương hiệu Việt ra thế giới qua hình thức nhượng quyền? Với tôi thì, không có gì là không thể. Tuy nhiên, đây là một hành trình cực kỳ thử thách, khó khăn, gập ghềnh, đòi hỏi sự nhẫn nại, kiên định, lòng bao dung và sự tận tâm. Một người bạn làm đầu tư của tôi từng chia sẻ, “Phi Vân ạ, chúng ta chỉ có đủ thời gian và công sức để đầu tư cho những cá nhân xuất sắc. Bằng không, bạn sẽ mệt mỏi, cạn kiệt năng lượng mà không chắc sẽ thành công với giấc mơ chuyên nghiệp hóa, nhượng quyền quốc tế doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam.” Tôi nghĩ, đó là một lời khuyên chân thành, thiết thực và sáng suốt. Tuy nhiên, cuộc đời không bao giờ chỉ có A và B. Lựa chọn và quyết định không bao giờ chỉ vin vào lí trí. Đôi khi, lựa chọn đến từ tình yêu thương, từ trái tim mong muốn giúp đỡ tha nhân, từ sự rộng lượng và hào sảng vốn có của một người con đất Việt. Và điều đó, đôi khi sẽ khiến bạn vô cùng mệt mỏi…. Nhưng cứ đi, rồi sẽ đến. Có khó khăn một chút, gập ghềnh mấy bận, rồi thì xương rồng cũng có thể nở hoa. Lớn lên là cả một hành trình, không thể đòi hỏi ngày một ngày hai được. Đương nhiên, nếu bắt đầu từ những người đã chuyên nghiệp thì, hành trình sẽ luôn dễ dàng hơn. Nhưng nhắm mắt lại và tự vấn bản thân, có bao nhiêu doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam đang được dẫn dắt bởi những người chuyên nghiệp? Chi bằng, chúng ta bắt đầu với những người chính trực, tử tế, có tư duy mở, có tinh thần học hỏi, vươn lên và đón nhận tất cả những gì bản thân không biết, chưa biết với tinh thần nhiệt huyết, biết ơn. Bạn bè nhiều người lắc đầu, sau tôi cố chấp thế, biết rõ là rất khó nhưng vẫn đâm đầu vào, biết rõ là gian nan nhưng vẫn mãi dẫn thân. Điều này, tôi không lý giải một cách logic được. Có lẽ, đó là lý do tôi sinh ra trong cuộc đời này. Có lẽ, đó là sứ mệnh và trách nhiệm của chính mình trong một thoáng nhân gian. Một vòng thế giới, nhìn thấy tất cả tiềm năng, khả năng, cơ hội, nhìn thấy hành trình cá chép hóa rồng của nhiều thương hiệu quốc tế, tôi không cam tâm. Có thể, tôi chỉ là người khởi động một hành trình mới cho thương hiệu nhượng quyền Việt Nam. Có thể, tôi chỉ có thể may mắn nhìn thấy những nụ hoa đầu mùa. Nhưng mấy ai trong cuộc đời này rồi sẽ có được hạnh phúc mục kích những nụ hoa đầu mùa hé nở trên vài ba mảnh đất khô cằn tưởng chừng chỉ có thể bỏ hoang? Lần đầu tiên trong đời, trực tiếp tham gia ký kết và đào tạo đối tác nhượng quyền độc quyền (Master Franchisee) cho một thương hiệu Việt Nam, không tránh khỏi những cảm xúc lâng lâng, bừng nở của những cành hoa đầu mùa ấy. Dù xuân vừa mới chớm, dù đông chưa hẳn đã qua, phải chăng niềm tin và hy vọng vào một thế hệ những quyền mới của Việt Nam từ giấc mơ hoang đường đã dần trở thành hiện thực? Chỉ mong những người dẫn đầu ở ngoài kia sẽ hiểu, nhượng quyền nói cho cùng là game của sự bài bản và chuyên nghiệp. Nếu những người dẫn đầu của một doanh nghiệp không hiểu đúng và đủ về sự bài bản và chuyên nghiệp trong việc xây dựng và quản trị doanh nghiệp thì, nhượng quyền sẽ không bao giờ bền vững. Được như vậy, hành trình quốc tế hóa phía trước của doanh nghiệp Việt rồi sẽ trải thảm hồng….

  • Đừng nhận nếu không thể làm

    Trong thời gian làm việc ở Việt Nam, tôi nhận thấy có rất nhiều bạn trẻ nhiệt huyết, nhiệt tình, mong muốn tham gia, đóng góp càng nhiều càng tốt dù đó là việc công ty, cộng đồng hay xã hội. Nhiệt tình là một đức tính cực tốt. Tuy nhiên, nếu chúng ta nhận lãnh trách nhiệm, công việc, dự án chỉ dựa trên sự nhiệt tình thì hoàn toàn không đủ. Ngược lại, nếu chỉ vì nhiệt tình mà nhận lãnh trách nhiệm quá nhanh, một cách thiếu suy nghĩ rồi không làm được việc, hoặc không có khả năng triển khai thì điều đó chỉ mang lại tác hại cho bản thân bạn mà thôi. Mỗi công việc chúng ta nhận lãnh là một lời hứa, sự cam kết của bản thân đối với một người, một tổ chức, một cộng đồng. Do đó, nếu bạn không có khả năng thực hiện, không nhớ để thực hiện, hoặc không có ý định thực hiện thì bạn đang tự hủy hoại uy tín của bản thân. Có thể bạn vui quá nên hứa. Cũng có thể bạn nhiệt tình quá nên hứa. Hoặc có thể bạn nghĩ mình sẽ giúp được nên hứa. Dù là gì, một khi đã hứa mà không thực hiện, dù nguyên nhân khách quan hay chủ quan, bạn cũng đã chứng minh cho thế giới về sự thiếu cam kết của bản thân đối với lời hứa của chính mình. Bên cạnh đó, nếu bạn nhận lãnh trách nhiệm và thật sự có triển khai, nhưng triển khai một cách hời hợt, thiếu đầu tư, thiếu cam kết xuất sắc để tạo ra kết quả thành công nhất, bạn đang chứng minh với thế giới rằng, bản thân là người không có khả năng. Dù bạn có khả năng thật sự hay không, không ai biết. Người ta chỉ có thể đánh giá qua chất lượng công việc bạn thực hiện, qua mức độ xuất sắc bạn hoàn thành, qua kết quả thực tế bạn tạo ra. Do đó, khi kết quả không đúng như mong đợi, đương nhiên ai cũng nghĩ rằng, bạn không có khả năng. Câu hỏi là, mình có cần miệng nhanh hơn não hay không để đưa ra những lời hứa, sự nhận lãnh, sự cam kết mà bản thân không có khả năng thực hiện? Lời hứa của một con người thể hiện tính cam kết của người đó. Nếu bạn hứa một lần, hai lần, ba lần, rồi nhiều lần và không thực hiện, dù đó là việc ngoài ý muốn, bạn đang diễn trình với thế giới rằng bạn không phải là người đáng tin. Nếu bản thân mình không phải là người đáng tin, bạn nghĩ người khác có muốn hợp tác, cộng tác, đồng hành với mình hay không? Với tôi thì, quá tam ba bận. Nếu ai đó nhận lãnh công việc và trách nhiệm, hứa sẽ hoàn thành nhưng hoàn toàn vô tình hay cố ý không thực hiện, cứ ba lần như vậy thì tôi cho qua. Không bao giờ muốn trao cơ hội hay cộng tác với người đó nữa. Có người nói, chuyện nhỏ mà, quên chút có sao đâu. Chuyện nhỏ còn làm không xong, hứa suông, nói cho qua, không để tâm chút nào thì chuyện lớn làm sao tin cậy được? Cho nên, đừng tưởng chuyện nhỏ, chuyện không mấy quan trọng, chuyện lỡ hứa rồi quên hoài không có gì ghê gớm. Trong cuộc đời một con người, không làm được chuyện nhỏ thì đừng mơ chuyện lớn. Trong bất kỳ quan hệ nào, nếu chuyện nhỏ mà còn không tin cậy được thì ai dám giao cho chuyện lớn? Cho nên, lần sau trước khi hứa hẹn bất cứ điều gì, bạn nên suy nghĩ thật kỹ, chắc chắn mình làm được rồi hãy hứa. Hứa xong, nên ghi vào lịch làm việc của mình để thực hiện, tránh tình trạng nói xong rồi quên, hứa suông, hứa cho sướng miệng rồi không thực hiện. Trước khi nhận lãnh một trách nhiệm hay công việc gì, bạn cũng có thể tự mình đặt ra câu hỏi cho bản thân, rồi dựa vào câu trả lời của mình để nhận lãnh trách nhiệm. Câu hỏi có thể như sau: Mình có nguồn lực và khả năng để thực hiện việc này không? Mình có thời gian để cam kết cho việc này không? Mình có network quan hệ để có thể xúc tiến việc này không? Mình có khả năng kiểm soát được kết quả của việc này không hay phải phụ thuộc vào sự cam kết của những người khác? Khả năng thực thi thành công của bản thân đối với việc này là bao nhiêu phần trăm? Sau khi tự hỏi và tự trả lời, nếu bạn cảm thấy mình có thể chủ động kiểm soát được, triển khai được công việc với nguồn lực và thời gian sẵn có thì hãy nhận. Nếu cảm thấy mình thiếu nguồn lực và thời gian, lại còn phải phụ thuộc vào sự cam kết của những người khác mà mình không chủ động kiểm soát được, có lẽ bạn nên xem lại. Đương nhiên, Nếu bạn cảm thấy mình không trả lời được câu hỏi nào trong những câu hỏi trên đây và mình thiếu đủ thứ, khả năng thực thi thành công rất thấp, bạn nên dũng cảm từ chối ngay lập tức. Đôi khi, biết từ chối, biết nói không cũng là một cách tốt để bảo vệ uy tín và thương hiệu cá nhân. Đừng nhận nếu không thể làm, nguyên tắc cực kỳ đơn giản và dễ hiểu nhưng rất nhiều bạn trẻ vì thiếu suy nghĩ và cân nhắc mà ít khi giữ được nguyên tắc này. Đôi khi, chúng ta có thể nghĩ nó là chuyện nhỏ. Kỳ thực, những chuyện nhỏ này có thể làm ảnh hưởng đến uy tín và mức độ tin cậy của bản thân bạn, vì vậy cũng có thể gây khó khăn cho bạn trong việc tiếp cận những cơ hội lớn hơn. Rất mong các bạn trẻ ngoài kia sẽ phản tư về điều này và cẩn thận hơn trong lời hứa cũng như sự nhiệt tình nhận lãnh vai trò, trách nhiệm, công việc mà bạn bước qua mỗi ngày trong cả cuộc sống và công việc.

  • THỜI CỦA THƯƠNG HIỆU CÁ NHÂN

    Thời này, muốn làm gì cũng phải có thương hiệu cá nhân. Làm startup, kinh doanh doanh nghiệp vừa và nhỏ, muốn trở thành doanh nghiệp được nhiều người biết đến, muốn giá cổ phiếu tăng hay được nhiều người quan tâm, ai cũng phải active trên nhiều kênh truyền thông, đặc biệt là mạng xã hội. Đó là chưa nói đến việc kinh doanh tự do trên môi trường mạng như bán hàng online, sáng tạo nội dung, làm solopreneur cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp và cá nhân, vv. Càng dựa vào truyền thông để kinh doanh và phát triển, người ta càng phải xây dựng thương hiệu cá nhân. Có điều, nhiều bạn nghĩ việc xây dựng thương hiệu cá nhân chỉ liên quan đến cách mình ăn mặc, hình ảnh của mình trên mạng xã hội, hình ảnh bản thân ở nơi công cộng, cách xuất hiện trên báo chí, vv. Vì vậy mà họ luôn tìm tất cả cơ hội để có thể xuất hiện một cách đẹp đẽ nhất, rực rỡ nhất, một cách xinh đẹp và lộng lẫy nhất. Thật ra thì, tất cả những thứ đó tuy cần thiết nhưng chỉ là bề ngoài. Trên thực tế, chúng ta cũng đã nhìn thấy khá nhiều người nổi tiếng với hình ảnh lung linh, lời nói hay ho, chức danh sáng ngời, được truyền thông ca tụng một thời, nay giã tràng xe cát vì thiếu đi cái đạo làm người. Cho nên, điều quan trọng nhất của việc xâ dựng thương hiệu cá nhân là thể hiện con người thật của bạn, thể hiện cá tính, giá trị mà bạn hướng đến, thể hiện mong muốn, giấc mơ mà bạn mang theo. Bạn có thể trau chuốt bề ngoài của mình, nhưng nếu những gì bạn thể hiện ra bên ngoài không nhất quán với giá trị và tâm hồn, với lời bạn nói, với cách bạn làm thì, chẳng bao lâu người ta  cũng sẽ nhận ra. Việc nhiều người vỡ mộng vì sự không nhất quán của idol cũng bắt nguồn từ đó. Mạng xã hội với những màn scam cực kỳ quyến rũ của nó cũng khiến cho việc xây dựng thương hiệu cá nhân bỗng trở nên xông xênh với những thứ bề ngoài. Những gì chúng ta nhìn thấy từ hình ảnh online qua filter, hình ảnh đã chọn lựa & chỉnh sửa cho truyền thông, những sự kiện được set up để thao túng tâm lý, sự xa hoa và giàu có đáng thèm khát một cách có chủ đích, vv, tất cả đều có thể chỉ là trò đánh lừa bằng ảo giác. Riết rồi, không biết cái gì là thật, không còn biết ai là đáng tin, nên sự thiếu niềm tin trong xã hội âu cũng là chuyện bình thường. Nghịch lí của cuộc đời là, người biết làm, làm thật, làm đàng hoàng, tử tế thì lại không biết cách xây dựng thương hiệu cá nhân và truyền thông. Người giỏi truyền thông, giỏi làm hình ảnh, sáng tạo nội dung trên mạng xã hội, giỏi ăn giỏi nói đa số là những người nói nhiều hơn làm. Tỷ lệ người vừa làm tốt, vừa biết xây dựng hình ảnh và truyền thông giỏi đếm trên đầu ngón tay. Nếu cứ như vậy, xã hội này rồi sẽ đi đến đâu? Không lẽ, người nói nhiều nhưng chẳng tạo ra lợi ích gì lại trở thành người dẫn dắt đám đông? Số phận của những người làm thật, người thật, việc thật rồi ai biết đến? Nói như vậy để thấy, việc xây dựng thương hiệu cá nhân là cực kỳ quan trọng. Cho dù bạn là người thật, việc thật, và làm giỏi đến cỡ nào, bạn cũng phải học và liên tục xây dựng thương hiệu cá nhân. Bằng không, việc bạn làm cũng chẳng ai biết đến. Khác chăng là, bạn đang xây dựng thương hiệu cá nhân dựa trên một nền tảng vô cùng vững chắc, đó chính là giá trị thật, con người thật, giấc mơ và hành trình thật của mình. Và điều gì thật cũng trở nên cực kỳ hấp dẫn, nhất là khi nó được kể và hình ảnh hóa một cách chuyên nghiệp, mang tính giải trí hơn. Mỗi người sẽ có một định nghĩa và cách xây dựng thương hiệu cá nhân khác nhau. Với tôi, bạn cần có những kỹ năng sau: Kỹ năng trình bày và nói chuyện trước công chúng Kỹ năng viết và xây dựng nội dung Khả năng kể chuyện và khơi nguồn cảm xúc Khả năng phỏng vấn, host chương trình, trả lời phỏng vấn Khả năng kết nối, xây dựng và gìn giữ quan hệ Khả năng quản trị năng lượng bản thân và dẫn dắt đám đông Khả năng thể hiện con người thật của mình một cách thú vị Đương nhiên, đây không phải chỉ là vấn đề về kỹ năng và khả năng. Bạn cần có một cuộc sống thú vị, nhiều màu sắc, nhiều trải nghiệm, dũng cảm và chân thành hiện thực hóa giá trị bản thân mới có thể trở thành một thương hiệu cá nhân thú vị. Thời của thương hiệu cá nhân, thiết nghĩ những ai đang có nhiều câu chuyện đời thật hay ho cũng nên bắt đầu hành trình chia sẻ nó với cộng đồng và thế giới ngoài kia. Khi chúng ta có nhiều thương hiệu cá nhân tích cực hơn, thế giới và xã hội rồi sẽ bớt đi những hình ảnh và thông tin tiêu cực. Bạn không cần làm gì ghê gớm, chỉ cần là chính mình, xây dựng thương hiệu cá nhân của mình theo hướng mang lại ảnh hưởng tích cực cho cộng đồng thôi, bạn đã đóng góp một phần vô cùng to lớn cho cuộc sống.

  • Đừng nói yêu suông

    Tôi gặp rất nhiều bạn trẻ Việt Nam nung nấu trong tim ngọn lửa tự hào dân tộc, muốn làm gì đó cho người Việt Nam, muốn làm gì đó để bạn bè thế giới trân trọng và ngưỡng mộ Việt Nam. Em phải làm gì giờ cô? Đó luôn là câu hỏi mà các bạn luôn đặt cho tôi. Tôi thì, là người đã trải đời bốn bể năm châu, luôn bắt đầu bằng những thứ cơ bản và đơn giản nhất, chẳng có bí quyết gì ghê gớm cả, cũng chẳng cần phải hô hào các kiểu hay túm tụm vào nhau để la làng những khẩu hiệu rỗng tuếch. Yêu, thì phải chứng minh. Đừng nói yêu suông từ bờ môi cửa miệng. Người ta nhìn vào con người và hành động. Chẳng ai rảnh ngồi đó nghe mình nói những từ hoa mỹ bao giờ. Vậy làm sao để đừng yêu suông? Một tuần vừa qua, khi hỗ trợ mentor cho các bạn trẻ team Phúc Tea đón đoàn đối tác từ Philippines, tôi nói với các bạn, điều duy nhất sẽ giúp cho người ta respect - tôn trọng người Việt Nam là thái độ chân thành, hiếu khách, là tính chuyên nghiệp - professionalism của từng cá nhân trong đội ngũ huấn luyện và hỗ trợ, sự chuyên nghiệp của một công ty, thương hiệu Việt Nam trong cách tổ chức và vận hành. Đừng la lối hô hào gì. Hãy để cho hành động lên tiếng. Mà muốn trở nên chuyên nghiệp thì, điều tốt nhất bạn có thể làm là học, hiểu sự chuyên nghiệp nó nhìn ra làm sao, rồi rèn luyện cho nó trở thành huyết mạch của bản thân và tổ chức. Sự chuyên nghiệp, sự xuất sắc trong mọi việc mình làm nó xuất phát từ cam kết, từ tư duy, rồi dần dà biến thành thói quen. Người chuyên nghiệp làm mọi việc đều chỉn chu, có tiêu chuẩn, và không bao giờ thoả hiệp với sự qua loa, kém cỏi, làm cho có, ngó cho qua. Người không hiểu thì cho là họ khó chịu, khó chiều. Người hiểu được thì biết rằng, không vậy thì chẳng làm gì ra trò, chẳng bao giờ có thể chạm vào chuyện gì lớn hơn, nói chi đến ba thứ lớn lao như khiến cho Việt Nam tự hào trên trường thế giới. Cả đời, tôi cũng chỉ vin vào một việc đó để bước đi. Ra ngoài kia, người yêu Việt Nam thì ít, người có định kiến về Việt Nam thì vô số kể, tất cả thường bắt nguồn từ những câu chuyện tiêu cực về con người và cộng đồng. Chúng ta có thể cố gắng ru ngủ nhau, nhưng thực tế cần phải đối mặt nó là như thế. Cho nên, tôi luôn giữ cho mình khách quan, chấp nhận sự thật, và luôn chỉ cố gắng làm có một điều, chứng minh qua hành động về sự chuyên nghiệp của bản thân. Chỉ vậy thôi. Còn lại, hành động đó có mang lại sự thay đổi trong thái độ của bạn bè quốc tế hay không, cái đó còn phụ thuộc vào mức độ tiếp nhận và tư duy của mỗi người. Có điều, tôi tự nhận thấy sau mỗi lần làm speaker tại các hội nghị quốc tế, ít nhiều tôi đều nhận được sự chú ý và trân trọng. Nói như vậy không phải vì mình hay. Điều đó chỉ đạt được bằng cách tôi luôn nghiêm túc với vai trò và sự xuất hiện của mình, luôn chuẩn bị chu đáo nhất, luôn tôn trọng khán giả bằng nội dung phù hợp và có ích nhất, luôn làm nhiều hơn cần thiết để mỗi lần xuất hiện là một dấu ấn tốt để lại về Việt Nam. Chỉ vậy thôi. Chỉ vậy thôi. Từng bước từng bước một…. Cho nên, các bạn trẻ ạ, yêu Việt Nam không thể hiện bằng sự cuồng nhiệt rỗng không. Yêu là làm điều tốt nhất, là đại diện cho Việt Nam một cách chuyên nghiệp và xuất sắc nhất trong bất kỳ điều gì mình có thể làm, đặc biệt là trong tương tác và hợp tác với bạn bè quốc tế. Vậy thôi. Vậy, có nghĩa là phát triển bản thân đó. Đây là một số những việc các bạn có thể làm ngay hôm nay để rèn luyện bản thân thành một minh chứng sống cho bạn bè quốc tế trân trọng. Là mình, sống tử tế Ở đâu cũng vậy, Việt Nam hay không Việt Nam gì thì con người ai cũng thích được người khác quan tâm, được đối xử tử tế, công bằng, tôn trọng. Người tốt hay không tốt, level cỡ nào thì, người ta đều cảm nhận được năng lượng tử tế này từ bạn, và vì vậy dễ dàng bị thu hút bởi bạn. Một hành động tử tế có thể là sức mạnh thay đổi toàn bộ những định kiến hay ngộ nhận của người khác về Việt Nam. Bản thân mình nội lực và bản lĩnh càng cao, càng biết cư xử và sống có trước có sau thì, bạn càng chính là minh chứng sống về hình ảnh con người Việt Nam. Qua bạn, người ta nhìn thấy một Việt Nam có giá trị, có nhân cách, đáng tôn trọng. Khí chất của một con người, một cá nhân, có thể trở thành hình ảnh đại diện cho một dân tộc. Dù nghề gì, hãy làm thật xuất sắc! Khi tương tác, hợp tác, ai cũng đặt tiêu chuẩn của sự xuất sắc lên hàng đầu làm cán cân đánh giá. Nghề gì cũng vậy, khi bạn giỏi, khi bạn xuất sắc, khi bạn toả sáng với năng lượng tri thức và khả năng vô hạn của mình thì, bạn được người khác tôn trọng và ngưỡng mộ. Nên tôi hay nói, không làm thì thôi, đã bỏ công bỏ sức ra làm thì, hãy trở nên xuất sắc nhất. Bằng không, ai mà biết tới mình, ai mà tiếp cận mình. Vậy, thì làm sao xúc tiến cho thương hiệu Việt Nam? Không ai đòi hỏi bạn phải xuất sắc để chứng minh thương hiệu Việt Nam. Nhưng nếu bạn đã có ý đó thì, đừng bao giờ đổ thừa và biện minh cho sự thiếu xuất sắc. Quay lại, cũng chỉ là chuyện đầu tư vào sự phát triển của bản thân thôi. Đâu cần nói ba chuyện lớn lao làm gì. Mình còn không OK, làm việc chẳng ra gì thì đừng ngồi đó viễn vông ba từ giúp Việt Nam. Chuyên nghiệp Chuyên nghiệp nó là thái độ, là tâm thế, là sự cam kết về tiêu chuẩn, quyết không làm đại làm càng làm cho có hoặc gian manh. Đã cộng tác thì phải minh bạch, phải cân nhắc lợi ích cho tất cả các bên, nghĩ lâu dài, nghĩ bền vững cho bản thân và cho đối tác. Nghĩ xong rồi thì làm, một cách xuất sắc và vượt trên những tiêu chuẩn cơ bản nhất, vượt xa sự mong đợi của các bên, với phong độ nhất quán, không bất thường khi mưa lúc nắng, cho dù môi trường hay hoàn cảnh có thế nào. Này không phải chuyện dễ. Nhưng không dễ thì nó mới quý, chứ dễ quá ai làm cũng được thì có gì hay. Cho nên, thấy ai chuyên nghiệp thì người ta sẽ rất tin tưởng, quý trọng và sẵn lòng hợp tác. Bạn vậy, thì tự nhiên thương hiệu Việt Nam nó lên thôi. Còn mình trước sau bất nhất, nói lung tung rồi nuốt lời, láu cá hay lưu manh vặt thì, đừng bao giờ nói chuyện em muốn đóng góp gì cho thương hiệu Việt Nam ở đây. Người ta còn không tin bạn thì ai coi trọng cái quốc gia đang chứa bạn. Vậy ha. Giữ cho mọi thứ đơn giản nhất có thể. Đừng nghĩ đao to búa lớn. Cuối cùng, bạn có đóng góp cho Việt Nam được hay không chỉ liên quan đến sự đầu tư của bạn vào chính bạn. Mình OK thì Việt Nam OK. Mình chẳng tới đâu thì ai người ta coi trọng Việt Nam mình. Chuyện lớn nào cũng bắt đầu từ chuyện nhỏ xíu thôi mà. Chuyện tưởng chừng như vĩ đại ở ngoài kia cuối cùng là chuyện vững vàng nội lực bên trong mỗi con người và mỗi cá nhân. Khởi đầu của điểm đến chỉ đơn giản là như thế.

  • Và tôi thấy…

    2 ngày cuối tuần, gần 40 bạn vừa founder, vừa là nhân sự cốt lõi của các team nhà Go Global tụ về để học kỹ năng Train-the-trainer. Kỹ năng, đó là câu chuyện rất khác. Có người rồi sẽ học nhiều học ít, được này hiểu kia, eureka hay nhướng mắt nhíu mày. Mỗi chúng ta đều học theo một cách khác nhau, và nhặt nhạnh về cho mình rồi những thứ khác nhau. Với tôi, cái được to lớn nhất lần này là được chứng kiến ngày các bạn thấy nhau…. Có người nhìn, nhưng chẳng thấy. Có người không cố gắng nhìn, nhưng vẫn thấy. Nếu chỉ nhìn, vì có mắt, nếu chỉ ghi nhận bề mặt và hình tướng bên ngoài, nếu chỉ lướt qua rồi vin vào định kiến cá nhân để phán xét người đời, làm sao thấy? Đâu đó, đằng sau lớp mặt nạ mà người ta mang vác ngoài kia, ai cũng có một linh hồn mong manh, biết hỷ nộ ái ố, muốn hạnh phúc an yên, mong mọi điều tốt đẹp cho mình. Thế nhưng, không phải ai cũng biết cách hoặc sẵn sàng, đủ dũng cảm để thể hiện con người thật của mình. Lý do tại sao thì nhiều lắm. Có người không dám show con người thật của mình vì sợ hãi, sợ gian hồ hiểm ác, sợ cái giá phải trả khi bị người khác lừa lọc, bắt nạt, làm tổn thương hay thiếu tôn trọng, vv. Có người vì thiếu niềm tin vào cuộc đời, con người, vào sự tốt đẹp vốn đã rất mong manh, hay đơn giản vì họ chọn chỉ tin vào những gì mình đã mục kích và đã biết, dù những gì con người đang biết có khi cực kỳ giới hạn. Lý do thì nhiều lắm, nhưng dù lý do đó là gì, rất nhiều người đang chọn cách thay mặt nạ mỗi ngày, theo tình huống, theo đối tượng, theo môi trường…. Cũng vì vậy, rất ít khi chúng ta nhìn nhưng có thể thấy con người thật của một ai đó. Thứ chúng ta thấy, rất nhiều khi chỉ là 1/10 của tảng băng trôi, phần bề ngoài, phần hiển thị, phần giao diện vốn được thiết kế để trình bày ra bên ngoài. Còn lại, 9 phần chìm của tảng băng kia, mấy ai biết nó là gì và mấy ai nhìn thấy. Cho nên, điều bạn thấy về một con người thật ra chỉ cực kỳ giới hạn, qua cái visual hết sức bề ngoài, nhấp nhô trên biển đời rộng lớn, mênh mông. Mà con người thì cũng mệt lắm rồi, với sự tán loạn ở ngoài kia, với áp lực làm người, với cơm áo gạo tiền đang quận vào từng bước chân bất định. Cho nên, thấy sao thì cứ cho là vậy, cho nó dễ, cho nó nhanh, cho nó khoẻ, vì não không còn công sức để phân chia cho những chuyện chẳng mấy quan trọng ấy. Tôi còn phải lo mà sống, hơi đâu mà đi tìm hiểu hay thấu cảm với ai. Cho nên, nếu không có bất kỳ tác động nào từ bên ngoài, default vẫn cứ là kệ nó đi, ai phơi sao mình biết vậy cho nó bảo toàn năng lượng. Ai rảnh đâu mà mất công đi làm chuyện bao đồng. Nhưng cũng chính vì vậy mà con người rồi chỉ nhìn chớ chẳng thấy nhau. Nhìn cái vẻ bên ngoài xấc xược, lưu manh, ngạo mạn, nhút nhát, hiền lành hay sợ hãi gì gì đó, và rồi dán nhãn người ta là như thế. Từ đó, ta phân loại nhãn và gán emotion theo từng nhãn. Tui ghét kẻ xấc xược. Tôi thích người hiền lành. Tôi yêu cái vẻ thơ ngây kia. Tôi sợ hãi và tránh xa cái sự ngạo mạn, vv. Có điều, tất cả những cảm xúc mà chúng ta vừa gán ghép đó, lại dựa trên data không chính xác, chỉ là data thu gom được từ 1/10 phần nổi của một tảng băng trôi. Cái giao diện hiền lành kia chưa chắc đã hiền lành. Đằng sau cái mác hiền lành ấy có khi lại là kẻ siêu lừa đảo rất giỏi về thiết kế giao diện. Còn cái giao diện ngạo mạn, chưa chắc đã trình bày một con người ngạo mạn. Nhiều khi đó chỉ là chiếc mặt nạ để che dấu sự sợ hãi phải bày tỏ cảm xúc, vì cảm xúc là tử huyệt của người ta. Vì nó, ai đó đã từng dại khờ và tổn thương. Vì nó, ai đó đã từng mất niềm tin vào con người và cuộc sống…. Chỉ khi người ta hiểu rằng, còn rất nhiều thứ hay có thể nói là tất cả ở đằng sau tấm giao diện bề ngoài kia, và nó có thể hoàn toàn khác, hoặc thậm chí là ngược lại so với những gì mình nhìn và tưởng thì, đó là khi ta ngộ ra, giao diện và sự thật có khi chẳng liên quan gì đến nhau. Kẻ khoác tấm giao diện xù xì có khi lại rất mong manh. Người nhẹ nhàng, yếu đuối có khi hiện nguyên hình lại là con sư tử. Kẻ vinh hoa phú quý bề ngoài có khi nợ chồng nợ chất. Người giản dị dép lê có khi lại là tỷ phú chẳng ai ngờ. Bề ngoài chả nói được gì, chỉ được cái giỏi đánh lừa. Đã vậy, làm sao nhìn mà thấy? Cho nên, thấy là hạnh phúc, khi ta thật sự tiếp cận với tính chân phương, nguyên bản của một con người. Không dễ gì mà thấy, dù nhìn có lâu cách mấy, vì nhìn bằng mắt thì có liên quan gì đến chuyện thấy đâu. Muốn thấy thì phải nhắm mắt lại, nhìn bằng tâm. Chỉ khi ta thật sự đem cái mênh mang ra để nhìn, mới thấy lòng người sâu rộng. Chỉ khi tâm không phân biệt, mới thấy sắc màu phong phú của nhân gian. Chỉ khi học được cách lắng nghe giữa im lặng bốn bề, mới thấy ánh sáng giữa vạn bề vô ảnh. Một vài giọt nước mắt lặng lẽ, dăm ba chiếc ôm vội vàng, đôi phần khoảng lặng giữa lao xao…, và tôi thấy…. Vậy, là các bạn đã thấy nhau, hay có thể gọi là sự khởi đầu, để có thể vượt qua những chiếc mặt nạ đời thường, chạm vào nhau trên cùng tầng số. Nhắm mắt lại, lắng nghe một câu xin lỗi, một lời cám ơn. Chỉ vậy thôi, đã có thể mang con người lại với nhau, bỏ qua những gai góc, gập ghềnh, nhìn thấy nhau bằng cái tâm không phân biệt. Tri thức, có thể học mãi học hoài, học cả đời không hết. Nhưng sự bao la trong mỗi con người thì, chỉ cần một giây ngộ ra là đã hoá mênh mông. Vũ trụ to hay nhỏ là do ta. Cái tâm to hay nhỏ là tuỳ ta. Và nhìn nhưng có thấy hay không, đơn giản cũng bắt đầu từ ta đó….

bottom of page