top of page

Ý kiến vs. Sự thật



Don’t mistake opinions for facts - Đừng tưởng lầm ý kiến là sự thật


Đời này, ai cũng có quyền nói những điều họ muốn, theo cách mà họ muốn, ở những kênh mà họ muốn. Đó là tự do cá nhân. Tuy nhiên, những gì do bất kỳ ai nói ra, chỉ được xem là opinions - ý kiến riêng của họ mà thôi, chưa chắc đã là facts - thông tin chính xác.

Opinions - ý kiến là chủ quan, là góc nhìn cá nhân của ai đó về một vấn đề gì đó, qua lăng kính của riêng họ. Mà bạn biết rồi, mỗi con người chúng ta đều có một cái data warehouse - nhà kho dữ liệu rất khác nhau. Trong đó tập hợp những xuất phát điểm khác nhau về văn hoá vùng miền, gia đình, môi trường sinh ra và lớn lên, học vấn, hệ niềm tin cá nhân chịu ảnh hưởng bởi những người xung quanh đời, trải nghiệm cá nhân trong hành trình lớn lên, vv. Nói chung, là hành trình cuộc đời bạn từ lúc sinh ra cho tới giờ này là không giống ai. Cách bạn tiếp nhận thông tin, dữ liệu từ thế giới bên ngoài cũng không giống ai. Cách bạn phản ứng hay những nút thắt cảm xúc do các sự kiện ảnh hưởng nặng đến tâm lý bạn trước giờ cũng không giống ai. Do đó, khi một vấn đề được đặt ra, và khi bạn với tay vào kho dữ liệu cá nhân để phân tích, tìm lý luận và quan điểm, thì thứ bạn lội ra được là độc bản, chỉ liên quan đến kho dữ liệu của bạn, không giống ai, và siêu chủ quan. Opinions - ý kiến của bạn, vì vậy là ý kiến của bạn, dựa vào kho dữ liệu của bạn, là góc nhìn và suy nghĩ cá nhân, mang giá trị tham khảo. Hết! Ý kiến của bạn, không phải là sự thật, vì nó là góc nhìn qua lăng kính cá nhân. Hết!


Y sì như vậy, là ý kiến của bất kỳ ai khác. Tất cả, chỉ có giá trị tham khảo, hay gọi cho báo chí một chút, là mục góc nhìn cá nhân. Mà đã là góc nhìn cá nhân, thì không có đúng sai. Cái góc nhà kho người ta vậy thì người ta nghĩ vậy thôi. Có gì đáng tranh cãi đâu. Nhưng chúng ta cần hết sức rõ ràng rằng, góc nhìn cá nhân không phải là chân lý hay sự thật. Vậy có nghĩa là, ai cũng có quyền phát biểu góc nhìn cá nhân, ai cũng có quyền nói lên ý kiến của mình, nhưng tất cả đều mang tính tham khảo, không đưa ra để luận bàn chuyện đúng sai. Có thứ đúng với bạn, không đúng với ai khác. Cũng có thứ hợp với nhà người, không liên quan gì tới bạn. Ủa, vậy thì cãi nhau làm gì ta? Mỗi con người, mỗi góc nhìn, mỗi quan điểm, có ai giống ai đâu, có ai đúng sai gì đâu? Tất cả, chỉ là quan điểm cá nhân thôi mà.

Cho nên, chuyện ai đó nói gì, xong người ta nhảy dựng lên bình luận, bàn tán, chia sẻ, thêm mắm dặm muối vào cho nó thành level cay cấp 7, là trò mèo của người ta. Xã hội càng nhiều người chơi trò mèo này, thì thông tin nó càng loạn xạ, vì chẳng ai biết chuyện gì hư thực ra sao. Cả xã hội chia phe đánh nhau, dựa trên một mớ thông tin được đầu cơ và khai thác bởi các bên lợi ích. Cuối cùng, kẻ đứng sau giật dây cho mớ drama này bùng lên, hắn cười thích thú đằng sau cánh gà, khi thấy cả đám bị xỏ mũi, lùa gà vào từng cái chuồng drama mà họ dựng lên. Rồi bạn nghĩ đi, mình cứ như là con gà thiệt luôn. Mỗi ngày họ đẩy drama lên, lùa bạn vào tranh cãi chiến đấu quyết liệt, thiếu điều muốn khô máu, vì điều gì cơ chứ? Dừng lại một nhịp và hỏi mình, làm vậy để làm gì cơ chứ, có lẽ ai đó rồi sẽ tỉnh ra, rằng mấy chuyện đó nó chẳng giúp ích gì cho cuộc đời mình. Nhiều lắm, là giết mớ thời gian, là tốn mớ điện não, là lôi kéo sự chú ý, tập trung của bản thân khỏi những việc quan trọng cần quan tâm và thực hiện. Có đáng không?


Nhưng mà rồi, loài người trước sau vẫn là social animal - động vật xã hội. Con này cần kéo bè lập phái, tương tác ì xèo mỗi ngày để cảm thấy sự tồn tại và hiện diện của cái tôi. Người nói để khẳng định cái tôi. Kẻ phát biểu để lôi kéo sự chú ý. Người bàn tán để thấy mình có chính kiến. Kẻ hùa theo để thấy thuộc về. Tuy cũng là hành vi và phản ứng đời thường, của con xã hội. Biết vậy, thì cứ làm con xã hội, nhưng lâu lâu cũng nên dừng lại, review chút xem mình có lậm quá hay không, có phí quá nhiều thời gian vô ích hay không. Rồi bớt bớt lại, dành thời gian phát triển bản thân, dành thời gian học thêm kiến thức kỹ năng cho tương lai, chia sẻ thời gian với người thân và gia đình, xây dựng những mối quan hệ cơ bản và quan trọng trong cuộc sống.


Cuộc chiến trên đám mây kia, cuối cùng cũng chỉ là những trò giải trí rẻ tiền cho thiên hạ mà thôi. Chúng chẳng làm bạn thông minh lên. Chúng chẳng khiến bạn khôn ngoan ra. Chúng càng không có chút đóng góp gì vào công cuộc phát triển sự nghiệp hay cảnh giới hạnh phúc của mỗi con người. Ngược lại, khi cho phép bản thân rơi tự do vào những cuộc chiến cối xay gió ngoài kia, bạn bỏ lơ cuộc chiến của chính mình, làm lành, kết nối, tháo gỡ mặt nạ xã hội, để được là mình, thực hiện ước mơ của mình, kiến tạo hành trình của mình, tìm ra mục đích sống và giá trị của chính bản thân mình. Đi đánh trận dạo không giúp gì cho bạn hay cuộc đời của bạn. Nó chỉ làm cho con người ngày một loay hoay.


Có khi, ta cần phải quay về, trong tĩnh lặng để hiểu rất rõ là, mình đang tham gia vào cuộc chiến của ai. Có khi, cần đặt một câu hỏi khó cho bản thân, cả đời này ta quyết tâm đi làm lính đánh dạo cho trận chiến nhà người, hay bố trận bày binh cho cuộc chiến của chính bản thân mình vậy? Xông ra, là để làm cho cuộc đời ai đó rối hơn, hay xông ra, để dọn dẹp mớ lộn xộn trong chính tâm hồn ta đó? Câu hỏi, có thể là như thế. Câu trả lời, không có câu mẫu để điền vào. Thôi, mạnh ai nấy nghĩ đi.


Đương nhiên, tất cả những thứ mà tôi đã viết ra, cũng chỉ là ý kiến và góc nhìn cá nhân, chỉ mang giá trị tham khảo. Còn quyết định và lựa chọn cuộc chiến nào để dấn thân vào, là của cá nhân bạn. Có điều, game nào luật đó. Hệ luỵ và kết quả của từng lựa chọn, cũng nên biết để cân nhắc kỹ hơn.

2.213 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page