Con vi rút nó adapt - thích nghi với tình thế và biến chủng kiểu fast and furious - vừa nhanh vừa nguy hiểm như kia thì thiệt tình là loài người phải ngả mũ thán phục. Đó là bản demo kinh dị nhất nhưng cũng thuyết phục nhất về khả năng thích nghi, thay đổi, chuyển đổi. Trong khi con người còn bàng hoàng, loay hoay, lơ mơ tìm cách thay đổi, nó đã biến thể đến mấy lần. Và khi người ta còn chưa kịp trở tay cho đợt đổi thay lần thứ nhất, thì nó lại biến thể nữa rồi. Delta, Omicron rồi sẽ còn thứ gì nữa chưa biết và cũng không dám nghĩ. Vấn đề là, tụi mình, mấy đứa người sẽ biến thể ra sao trong cái xã hội vi rút nó đang biến thể ầm ầm?
Chưa bao giờ mà khả năng thích nghi, thay đổi, của con người lại bị thách thức đến như thế, là khả năng sinh tồn, là survival of the fittest - sự sinh tồn của kẻ thích nghi nhất về cả mọi mặt. Gắt là, ngày xưa mình còn có thời gian để từ từ học, từ từ ngộ ra và rèn luyện. GIờ, sự thay đổi vừa liên tục, vừa bất ngờ, vừa nghiệt ngã, tận diệt, và đau nhất là nó lọc người như là lọc nước, một cách hết sức vô cảm. Tới giờ, người thuộc hàng early adopters - thích nghi nhanh nhất người ta đã chuyển đổi hết rồi, từ tâm thế, tư duy, đến kỹ năng, kiến thức. Nhưng dàn thích nghi sớm thật ra bao giờ cũng chỉ chiếm khoảng vài phần trăm, cao nhất là 10% của tổng dân số đang tham gia vào thị trường lao động.
Còn lại, số đông khoảng 70% đang còn từ từ tìm hiểu, ung dung đợi chờ xem người ta thích nghi xong thì nhìn kết quả nó ra sao, có lợi không, có hiệu quả không. Số đông mà! Người ta sợ cái mới, sợ rủi ro, sợ vì chưa bao giờ thấy tiền lệ, sợ vì chưa nhìn thấy kết quả, vv, nên còn ngồi chờ coi quảng cáo. Có điều, thời này mà ngồi đó đợi cho tới khi người ta thay đổi thích nghi ra thành kết quả thì xong phim, vì xã hội biến chủng của vi rút nó không hề static - đứng im tĩnh lặng mà nó thay đổi dồn dập như từng đợt sóng gối lên nhau. Đợt này qua chưa kịp xoay sở dọn dẹp xong thì đợt khác lại chồng lên. Cứ như thế, thì như nào gọi là kết quả? Thành quả cuối cùng sẽ do tầng tầng lớp lớp của thay đổi và sáng tạo kết lại mà thành, không phân biệt nổi thứ nào là kết quả rõ ràng của cái gì. Cứ như là một cái melting pot - nồi nấu tan chảy của mọi sự thay đổi, thích nghi vào trong một bể, hoà quyện, tạo nên một chất liệu khác từ tất cả những chất liệu đã có và mới có.
Vấn đề là, số đông, nếu theo qui luật sẽ chờ đến điểm bùng phát gì đó rồi mới bắt đầu từ từ hội nhập. Nhưng thế giới và tốc độ chuyển đổi sóng thần hiện nay về mọi mặt, công việc, cuộc sống, quan hệ, tương lai, vv đều đang dồn dập từng cơn. Chúng đến, không rì rào, hồn nhiên và thanh thản như xưa. Chúng đến, trời đất tối sầm, như sóng táp từng cơn ào ạt, dữ dội, đợt này xoá sổ đợt kia, đợt này phủ nhận đợt kia…. Nếu cứ theo qui luật của số đông, chờ, thì số đông đó đương nhiên sẽ trở thành lạc hậu, không liên quan, khi hiểu ra mình cần thay đổi sớm hơn đà quá muộn. Nếu bạn là một trong số đông đó, vẫn còn đang hesitate - ngại ngần, dò xét, nhẹ nhàng, khe khẽ, len lén chạm tay vào thay đổi thì sorry, mọi sự đã muộn rồi.
Chưa bao giờ mà tốc độ chuyển đổi nó khốc liệt như ngày hôm nay, hoặc là bạn dấn thân cùng với 10% early adopters - bộ lạc thích nghi sớm, hoặc là bạn đã quá chậm. Biến chủng nó không chờ, nó không thèm chờ, nó đế chờ, nó cứ nghênh mặt lên thách thức và xoá bỏ loài người một cách vô cảm, với dáng cười cực ác. Không còn khoảng xám để từ từ chuyển đổi, chỉ có transform or die - chuyển đổi hay là chết, như quăng cục lửa vô mặt tuỳ mày tránh hay không tránh. Khi cục lửa nó bay về phía cái mặt của mình, ai còn thời gian suy nghĩ?
Còn đến giờ này mà vẫn còn đu đưa trên võng, hát cải lương và không biết chi đến cái sự nghiệt ngã của thế kỷ này, thì 20% đó gọi là laggards - những kẻ đến muộn. Số đông còn bị tận diệt thì nếu bạn thuộc dàn “chờ tới khi quá muộn”, thì thật ra đã hết cách cứu rồi. Ai cũng phải lo chuyển đổi bản thân, mạnh ai nấy lo, lo chủ động còn chạy theo không kịp với thời thế thì thời gian cho bản thân còn không có nói gì đến chuyện đi tỉ tê chuyên can ai khác, nhất là những người “không quan tâm”. Cho, nên, nếu bạn đang còn trong tâm thế kiểu này, khó!
Nói vậy, thật ra không phải là không còn cách đỡ, nhưng cứu được bản thân hay không là hành động của mỗi người. Nếu bạn đang là số đông thì cần xỏ giày chạy nhanh hơn những kẻ đến sớm kia gấp vài ba chục lần để bản thân thoát ra khỏi cái shadow - vô ảnh của quá khứ mà kịp nhìn thấy ánh sáng của hiện tại. Còn nếu bạn nghĩ mình đang trong bộ lạc laggards - những người đang rung đùi chờ người ta tới truyền cảm hứng thay đổi chờ tới khi quá muộn rồi thì một là chọn bảo tàng, hai là chọn mua tên lửa để phóng về phía tương lai. Dù lựa chọn là gì, nó sẽ là sự ngộ ra của mỗi cá nhân, là hành động của mỗi cá nhân, là khả năng tạo động lực và dũng cảm dấn thân của mỗi cá nhân. Nước đến chân rồi, đừng đứng đó suy nghĩ nữa! Vi rút nó biến chủng thì loài người cũng phải học cách giống như nó mà biến chủng, thích nghi cực nhanh, chuyển đổi cực lẹ, linh hoạt cực gắt thì mới mong tồn tại.
Comments