Nếu đã muốn làm lãnh đạo, dù là trong một công ty, một tổ chức, một hội đoàn, hay một nhóm, hãy nhớ câu nói của Alexander Đại Đế “Tôi không sợ một đoàn sư tử khi nó bị dẫn dắt bởi một con cừu. Tôi chỉ sợ một đoàn quân cừu nhưng lại được dẫn dắt bởi một con sư tử.”
Lãnh đạo là người rất quan trọng, liên quan đến sự thành bại của một nhóm, một tổ chức hay một công ty. Nhiều người nghĩ rằng lãnh đạo là tố chất có sẵn khi bạn sinh ra. Trên thực tế, bạn có thể học các kỹ năng để trở thành lãnh đạo. Sau đây là 10 điều mà người lãnh đạo cần để có thể dẫn dắt đàn cừu mà người ta phải sợ:
1. Be decisive – Quyết đoán: ai cũng trông chờ quyết định từ lãnh đạo. Nếu bạn chần chừ, không dám quyết, cả tổ chức sẽ bị đình trệ và hiệu quả hoạt động kém. Khi cần đưa ra quyết định, tìm hiểu vấn đề từ góc nhìn của người lãnh đạo, xem xét các lựa chọn và quyết định nhanh chóng. Đôi khi, không quyết định còn tệ hơn là quyết định sai, vì điều này làm tê liệt cả tổ chức, ngăn chặn mọi sự phát triển, và làm cho tinh thần nhân viên xuống cấp.
2. Embrace change – Luôn thay đổi: nhiệm vụ của người lãnh đạo là tạo động lực cho sự thay đổi chứ không phải tránh né sự thay đổi. Đây có lẽ là điều khó nhất đối với người làm lãnh đạo từ trước đến nay. Tuy nhiên, với sự thay đổi chóng mặt của công nghệ và tình hình thế giới, tổ chức hay công ty có thể biến mất sau 1 đêm nếu người lãnh đạo không lường trước được những thay đổi có thể gây khó khăn đến sự sống còn của một tổ chức. Do đó, là lãnh đạo, bạn cần nhìn xa, thấy trước và tạo động lực cho cả tổ chức thay đổi để hội nhập và nắm bắt cơ hội.
3. Be inspirational – Truyền cảm hứng: trong công việc bao giờ cũng có thử thách và khó khăn. Đó cũng là lúc mọi người nhìn về phía người lãnh đạo để được truyền lửa, được khuyến khích và hỗ trợ. Là lãnh đạo, bạn cần phải tin vào chính mình, luôn đứng mũi chịu sào, và giữ cho tổ chức tập trung, cải thiện cái yếu, vượt qua sự tiêu cực và sự bằng lòng với những điều xoàng xĩnh.
4. Be empathetic – Biết thông cảm: người lãnh đạo là người biết mang giày của người khác. Khi đứng ở vai trò của người khác, bạn hiểu rõ hơn mọi động lực, hoàn cảnh tạo ra hành vi của họ. Có như vậy, bạn mới có thể thông cảm và đưa ra những lời khuyên, hướng dẫn phù hợp nhất với mọi người và làm cho họ nghe theo.
5. Control your emotions – Tiết chế cảm xúc: làm người ai cũng bị một số điều làm bật nút cảm xúc của mình lên. Ví dụ khi đọc 1 email làm bạn bực tức, bạn sẽ có xu hướng trả lời ngay email đó một cách giận dữ. Là lãnh đạo bạn nên chậm lại trong những trường hợp đó, để thời gian điều tiết cảm xúc của mình trước khi trả lời. Cảm xúc ảnh hưởng rất lớn đến quyết định và do đó người làm lãnh đạo phải biết quản trị cảm xúc của mình, không để cho cảm xúc dẫn dắt và đưa ra những quyết định thiếu chính chắn.
6. Be persuasive – Thuyết phục: Martin Luther King Jr từng nói “Người lãnh đạo thực thụ không phải là người đi tìm sự đồng thuận, mà là người tạo ra sự đồng thuận.” Đã là lãnh đạo, bạn cần phải thuyết phục người khác đi theo tầm nhìn của mình một cách hoàn toàn tự nguyện. Nhiệm vụ của bạn không phải là làm hài lòng người khác. Nhiệm vụ của bạn là hoàn thành một sứ mệnh. Hãy luôn hết sức rõ ràng và thuyết phục về con đường mình đang dẫn dắt mọi người đi.
7. Never stop learning – Đừng bao giờ ngưng học hỏi: John F. Kenedy từng nói “lãnh đạo và học hỏi là hai thứ không thể tách rời.” Khi đọc sách và học hỏi về những thứ không liên quan gì đến công việc bạn đang làm, thật ra là bạn đang nuôi dưỡng tính sáng tạo và đó chính là nguồn gốc của mọi ý tưởng hay.
8. Be authentic – Hãy là chính mình: thường thì khi đã lên chức lãnh đạo, người ta bị mắc vào cái bẫy PR, tên tuổi và dễ dàng tạo nên một con người giả dối hoàn hảo hơn. Đây chính là sai lầm lớn nhất của người làm lãnh đạo. Bạn hướng nội hay hướng ngoại, hài hước hay nghiêm túc thì bạn cũng là bạn, và người khác tôn trọng bạn nhất khi bạn là chính mình. Đừng bao giờ phí phạm thời gian để trở thành một người khác hoàn hảo hơn theo định nghĩa của bất kỳ ai.
9. Walk the walk – Nói sao làm thế: người khác có thể nghe bạn nói nhưng quan trọng hơn là họ nhìn điều bạn làm. Nói thật hay nhưng làm không đúng thì lãnh đạo ai? Hãy có kế hoạch. Hãy dẫn dắt mọi người thực hiện kế hoạch. Và thực hiện những gì mình đã cam kết.
10. It’s not about you – Đừng tập trung vào chính mình: lãnh đạo giỏi phát hiện và sử dụng những gì hay ho nhất của mọi người xung quanh. Khi người giúp bạn mà giỏi, tâm huyết, và có cơ hội đóng góp, cả tổ chức sẽ tốt lên. Bạn chỉ là người thúc đẩy sự phát triển. Bạn đóng vai phụ. Và đừng quên những người đi theo mình, giúp mình thành công mới là những người đóng vai chính trong tổ chức.
Kommentare