top of page
Ảnh của tác giảPhi Vân Nguyễn

11 THÓI QUEN CỦA NGƯỜI HẠNH PHÚC



Điều gì làm bạn hạnh phúc? Khi hỏi câu hỏi này, nhiều người nghĩ nghay đến một bữa ăn tuyệt hảo, một quyển sách hay, hay một ngày hưởng thụ trên bãi biển tại một resort 5 sao…. Dù là gì, những thứ đó cũng chỉ mang lại cho bạn cảm giác sung sướng tức thời.

Một nghiên cứu của nhà tâm lý học Martin Seligman, đại học Pennsylvania phân loại cảm giác hạnh phúc ra làm 3 nhóm:

- The Pleasant Life – Người hưởng thụ mà hạnh phúc: nhóm người này hạnh phúc khi đạt được một nhu cầu nào đó, ví dụ như mua được chiếc xe đời mới. Họ gặm nhấm giây phút sung sướng. Họ là những người được mệnh danh là thrill-seekers (người đi tìm khoái cảm).

- The Engaged Life – Người của một thế giới khác: đây là nhóm người sống 100% trong thế giới đam mê của mình, ví dụ như 1 nhà khoa học chỉ cắm đầu vào phát minh ra một cái gì đó mới. Họ chìm đắm trong thế giới riêng của họ, có vẻ như chẳng quan tâm gì đến ai, đến những gì xảy ra xung quanh họ. Họ không có khái niệm thời gian, không gian vì tất cả đều hoà quyện vào một thế giới riêng mà ở đó họ hoàn toàn hạnh phúc với riêng mình.

- The Meaningful Life – Người sống có ý nghĩa: nhóm người này sống vì một mục đích cao cả hơn là được đóng góp cho đời. Mục đích cao cả này là động lực và truyền cảm hứng cho họ làm việc, học tập, và hoạt động.


Theo báo cáo của Seligman, nhóm The Pleasant Life thường ít khi hạnh phúc vì họ khoái cảm khi đạt được 1 nhu cầu nào đó nhanh chóng qua đi và con người bao giờ cũng muốn thêm, muốn nữa. Nhóm The Engaged Life và The Meaningful Life là 2 nhóm vô cùng hạnh phúc. Cả hai nhóm này cực kỳ đam mê, và họ sử dụng thế mạnh của mình để phát triển bản thân và xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn cho cộng đồng và thế giới. Trên thực tế, người hạnh phúc nào cũng có chủ đích đạt được hạnh phúc. Họ không tin và chẳng mong chờ hạnh phúc bỗng một ngày may mắn rơi vào vạt áo bay bay. Sau đây là 11 thói quen của người hạnh phúc. Các bạn tham khảo nhé:


1. Create your own happiness (don’t sit back and wait for it) – Tự tạo cho mình hạnh phúc (đừng ngồi đó mà chờ): mỗi một phút giây bạn ngồi chờ là một phút giây bạn phí phạm thời gian hạnh phúc của bản thân. Người hạnh phúc nhất hành tinh chẳng phải là người may mắn nhất, nhiều tiền nhất, hay xinh đẹp nhất. Người hạnh phúc nhất là người luôn cố gắng để tạo ra hạnh phúc. Nếu muốn hạnh phúc, hãy lấy đó làm mục tiêu ưu tiên cho cuộc đời mình.

2. Surround yourself with the right people – Sống cùng người hạnh phúc: hạnh phúc có thể truyền từ người này sang người khác. Khi xung quanh ta là những người hạnh phúc, ta sẽ tự tin hơn, sáng tạo hơn, và vui vẻ hơn. Ngược lại, khi bạn luôn tiếp cận với những kẻ tiêu cực, bạn cũng như là đang hít khói thuốc lá gây hại từ những điếu thuốc mà mình không hút.

3. Get enough sleep – Ngủ đủ giấc: người ngủ đủ giấc thì tâm trạng tốt hơn, tập trung hơn, và biết làm chủ bản thân hơn. Khi ngủ, não được sạc pin, loại bỏ những hợp chất hữu cơ gây hại là sản phẩm phụ tích tụ lại từ các hoạt động của nơ ron trong ngày. Do đó, khi thức dậy, bạn cảm thấy tỉnh táo, và sẵn sàng cho ngày mới. Ngủ không đủ sẽ gây stress. Người hạnh phúc luôn ưu tiên ngủ đủ.

4. Live in the moment – Sống trong hiện tại: bạn sẽ chẳng bao giờ đạt được tiềm năng cao nhất của mình nếu không biết chọn sống trong hiện tại. Hối hận cỡ nào cho những gì xảy ra trong quá khứ cũng chẳng làm thay đổi được quá khứ. Lo lắng cách mấy cho tương lai cũng chẳng làm thay đổi được tương lai. Bạn sẽ chẳng bao giờ hạnh phúc được nếu cứ lo chạy loanh quanh trong quá khứ hay hoảng hốt lao vào tương lai, đơn giản chỉ vì bạn không kết nối được với thực tế, dù thực tế có tốt hay là xấu. Nếu muốn sống trong hiện tại, bạn phải biết chấp nhận quá khứ. Khi ta sống hoà bình với quá khứ, nó sẽ để ta yên, và sẽ không theo đuổi và tiếp tục xâm phạm vào tương lai ta. Nếu muốn sống trong hiện tại, bạn phải biết chấp nhận sự không chắc chắn của tương lai. Lo lắng không có chỗ ngồi trong hiện tại. Mark Twain đã từng nói: “Lo lắng cũng như là tự mình đi trả nợ cho một món nợ mà mình chẳng có vay”.

5. Learn to love yourself – Hãy biết tự thương mình: con người hay nhìn thấy người khác hơn mình và luôn mong muốn được trở thành người khác. Tình thực, hiểu rõ về bản thân, về điểm mạnh điểm yếu của chính mình sẽ giúp bạn đưa ra quyết định tốt hơn, cải thiện sức khoẻ tinh thần và giảm thiểu tính trì hoãn không dám làm điều mình mong muốn.

6. Appreciate what you have – Biết ơn những gì mà mình đang được nhận: người nhận ra và biết ơn những gì mình đang có luôn cảm thấy vui vẻ vì theo khoa học điều này giúp giảm tỷ lệ cortisol gây stress đến 23%. Theo nghiên cứu, người rèn luyện thái độ ghi nhớ và biết ơn hàng ngày luôn có cảm giác tích cực, nhiều năng lượng, và sức khoẻ tốt.

7. Exercise – Tập thể dục: vẫn động ít nhất 10 phút mỗi ngày giúp não cân bằng, giúp cơ thể luôn ở trạng thái bình tĩnh, an yên. Người hạnh phúc hiểu điều này và do đó luôn dành thời gian tập luyện.

8. Forgive, but don’t forget – Tha lỗi, nhưng không quên trải nghiệm: người hạnh phúc hiểu thế này “Gạt tôi lần 1 là lỗi của bạn. Gạt tôi lần 2 là lỗi của tôi”. Người hạnh phúc tha lỗi cho người khác để không phải luôn nghĩ về những điều tiêu cực. Tuy nhiên, họ luôn nhớ rõ bài học đã qua và không cho phép trải nghiệm này lặp lại lần nữa.

9. Get in touch with your feelings – Kết nối với cảm xúc bản thân: người hạnh phúc không bao giờ đè nén cảm xúc của bản thân. Họ học cách diễn tả cảm xúc của mình một cách công khai và vì vậy họ chẳng bao giờ bị stress.

10. Concentrate on what you can – Tập trung vào những điều có thể: nếu cứ suy nghĩ và tập trung vào những điều không thể, bạn rồi sẽ hết sức nản chí và tiêu cực. Nếu phải đi đoạn đường xa, thay vì phàn nàn sao không nghe đọc sách? Nếu chạy bộ mà đau chân, thay vì phàn nàn sao không thử tập bơi? Thông thường, con người vồ lấy những điều tiêu cực, khó khăn, và cho phép năng lượng tiêu cực này ngăn cản mình làm những điều hay ho khác. Người hạnh phúc họ hạnh phúc vì bước qua thất bại và khó khăn, cản trở chứ không phải vì họ chẳng bao giờ thất bại.

11. Have a growth mindset – Luôn tư duy phát triển bản thân: thái độ con người thường nằm trong 2 trạng thái, bị đóng khung hay luôn học hỏi để phát triển. Người bị đóng khung tin rằng mình là mình và không thể thay đổi. Điều này làm bạn khổ sở khi có chuyện gì đó quá thử thách đối với bạn. Bạn cảm giác như mình bất lực, không có khả năng và thế là bạn đau khổ. Người luôn học hỏi và phát triển bản thân tin rằng họ có thể học hỏi thêm để giải quyết bất kỳ vấn đề gì xảy ra với bản thân mình. Điều này giúp họ vui vẻ, hạnh phúc hơn vì khó khăn nào họ cũng tìm ra cách giải quyết. Họ cũng thành công hơn người bị đóng khung vì họ luôn ôm chầm lấy thử thách, xem thử thách chẳng qua như là cơ hội học hỏi được nhiều cái mới và hay ho trong cuộc sống mà thôi.


Thử nhé! Những thói quen này không chỉ giúp bạn hạnh phúc hơn mà còn giúp bạn trở thành những con người tốt và tích cực hơn. Chọn những gì bạn thấy dễ áp dụng nhất, vui nhất, hứng thú nhất là được.

96 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page