top of page
Ảnh của tác giảPhi Van Nguyen

3 BỘ LỌC

Đã cập nhật: 29 thg 7, 2021




Sáng nay, một bạn hỏi mình trong cuộc họp, “Chị ơi, sao chị có thể làm nhiều thứ như thế cùng một lúc mà lúc nào nhìn cũng đầy năng lượng?” Câu hỏi này chắc là lần thứ ba vạn tám ngàn gì đó bị hỏi, chắc vì ai cũng muốn học bí quyết làm nhiều như ít, làm như chơi, hay làm không biết mệt của mình. Thường thì, mình sẽ trả lời vì mình làm tất cả xoay quanh một mục đích sống, vì vậy không thứ gì còn là công việc nữa. Tất cả, việc lớn việc việc nhỏ, việc kinh doanh hay xã hội, đều trở thành cách để mình thể hiện và thực hiện mục đích sống của bản thân. Nhưng sáng nay, mình chia sẻ thêm một góc nhìn khác, là góc giữ cho tâm trí trong trẻo để mà tập trung làm việc có ích.

Có khi bạn không nhận ra, nhưng hàng ngày chúng ta tiếp nhận rất nhiều rác rưởi vào tâm trí. Rác rưởi là những thứ chẳng giúp gì được cho ai, chỉ được cái tạo ra sự rối loạn, hỗn độn, phiền phức, lo lắng, hoang mang. Rác rưởi đến từ nhiều nguồn, có khi từ những tin đồn, fake news, thông tin tiêu cực, tào lao, lá cải từ bất kỳ nguồn thông tin nào, nhất là từ mạng xã hội. Rác rưởi có thể đến từ chuyện tầm phào, bà tám, ngồi lê đôi mách của những người xung quanh rót vào tai ta. Rác rưởi có thể đến từ chính ta, khi ta đưa ra những giả định vô căn cứ, rồi giật gân giật tít như đúng rồi cho người khác hết hồn chơi. Dù đến từ nguồn nào, con người là động vật xã hội, thích kể chuyện, thích tương tác, nên tự mỗi người đều có cơ chế sản xuất fake news mỗi ngày. 7 tỷ người cùng sản xuất mỗi ngày. Nên cả hành tinh này là một mớ hỗn độn của virtual garbage - rác rưởi online. Ta sản xuất và ta consume - tiêu thụ một cách ngấu nghiến, như thể ta không còn cảm thấy sự tồn tại của bản thân khi không được uống nước ép rác mỗi ngày. Vậy, mà kêu muốn quản trị quỹ thời gian, muốn tập trung làm việc hiệu quả, muốn tạo ra nhiều gía trị cho đời?

Ở đâu ra tâm trí và thời gian mà làm, khi 80% công suất và năng lượng của não được sử dụng để xử lý rác? Trên thế giới có ngành Waste Management - Xử lý rác thải. Ngành này ít người nhắc đến nhưng cực kỳ nhiều tiền và quan trọng. Vì 7 tỷ con người trên hành tinh này thải rác ra trái đất hàng ngày. Theo World Bank là mỗi người thải 0.74 ký rác / ngày. Nhân cho 7 tỷ người thì biết rác nó nhiều đến cỡ nào. Rác đó nếu không xử lý, nó sẽ dồn đống trên đầy hành tinh, khiến con người ngập ngụa trong mớ rác thải do chính mình tạo ra. Nhưng đó là rác thải vật lý. Giờ tưởng tượng rác thải số, digital garbage, thì làm gì có giới hạn. Ai muốn thải bao nhiêu thải. Tuỳ vào sự rảnh và tỷ lệ độc tố trong tâm mà con người sản xuất rác rưởi ít hay nhiều. Digital foot-print - dấu chân số của mỗi người nếu mang ra đo sẽ thấy có bao nhiêu phần trăm là rác thải độc hại. Mà bạn tự đo đi. Và bạn thử nghĩ xem, có bao nhiêu ký rác rưởi online đang đổ vào nhà bạn mỗi ngày? Khiến bạn cảm thấy xì-trét, ưu tư, lo lắng, giận dữ, ganh ghét, hận thù, bất công, bất lực, vv? Rồi lại phải đi kiếm mua giải pháp xả stress. Rồi lại vật vã nhiều ngày để tìm cách thải những cảm xúc tiêu cực ra khỏi hệ thống của mình. Rảnh quá đúng không?

Quay lại vấn đề, khi tâm trí ta tiếp nhận bao nhiêu đó rác thải, và có khi 80% thông tin bạn tiếp nhận mỗi ngày là rác thải, thì não bạn chỉ tập trung vào một vấn đề, xử lý rác thải. Bạn dồn hết năng lượng xây nhà máy xử lý rác thải. Chính bạn là nhà đầu tư, kiêm CEO để vận hành nhà máy mỗi ngày. Mà phải làm cật lực không ca kíp, vì rác nó cứ đổ vào nhà đầy nhóc mỗi ngày, không xử lý sẽ bị ùn tắc cả hệ thống. Thế là ta dành hết thời gian của mình để suy nghĩ, tư duy, lo lắng, tìm cách để giải quyết rác thải. Vậy, rồi thời gian đâu làm chuyện gì khác? Vậy thì đi hỏi cách quản trị quỹ thời gian, cách giữ cho mình tích cực, cách tạo r nhiều giá trị để làm gì? Gốc rễ của vấn đề, là cái nhà máy xử lý rác thải. Đừng tiếp nhận rác nữa. Đóng cửa nhà máy đi là xong. Ngay lập tức bạn sẽ có thêm 80% thời gian và năng lượng để làm nhiều điều có ích hơn, tích cực hơn, vui vẻ hơn.

“Vậy thôi à?”, bạn hỏi. Bí quyết gì kỳ vậy? Ừ, đơn giản vậy thôi đó. Tôi tự xây cho mình 3 lớp filter - bộ lọc để tránh không cho rác đổ vào nhà, để khỏi phải xử lý rác, dành thời gian quá trời thứ mà bạn hỏi tại sao tôi làm được. 3 lớp filter đó là:

  1. Thông tin có mang đến lợi ích tích cực cho tôi không? Nếu không thì không tiếp nhận.

  2. Thông tin có mang đến lợi ích tích cực cho gia đình, người thân của tôi không? Nếu không thì không tiếp nhận.

  3. Thông tin có tạo ra giá trị tích cực gì cho xã hội, cộng đồng, thế giới không? Nếu không thì không tiếp nhận.


Rồi ai nói gì nói, ai làm gì làm, ai cố gì cố, thông tin không lọt qua bộ lọc thì tôi không tiếp nhận. Tôi hay nói thẳng với những người đưa tin là tôi không quan tâm. Vậy cho nó nhanh. Nhờ vậy, tâm trí tôi khoẻ. Lâu lâu cũng bị accident - tai nạn, bị lọt lưới thì cần chút thời gian thải sự tiêu cực ra khỏi hệ thống là xong. Còn lại, tôi dành thời gian làm những việc mà bạn thấy tôi làm, một cách hồn nhiên, vui vẻ, hạnh phúc và bình an. Vậy nha!

7.478 lượt xem3 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

3 Comments


vuvinh11990
Jul 27, 2021

Bài viết hữu ích quá ạ

Like

selenaswift2325
Jul 26, 2021

bài viết hay

Like

Linh Nguyen
Linh Nguyen
Jul 26, 2021

Hay quá chị. Học hỏi. Cảm ơn chị

Like
bottom of page