BE GENUINE OR LÀM THẾ NÀO ĐỂ TRỞ THÀNH CỦ KHOAI

Tuần trước, làm speaker tại diễn đàn của Viện phát triển tiểu vùng sông Mekong, đề tài Open Innovation for Regional Connectivity – Sáng tạo mở để kết nối vùng. Mở đầu diễn đàn, Anh Tổng GĐ Học viện Mekong giới thiệu đại biểu đến từ các nước tham dự làm speaker. Anh giới thiệu Dr. này, Professor nọ một loạt. Xong đến tôi, anh giới thiệu my dear friend Phi Van – bạn thân Phi Vân. Bữa đó, có dẫn theo anh partner – đối tác người Thái. Đến giờ giải lao, bạn partner hỏi, sao ảnh giới thiệu Phi Vân khác mọi người quá vậy?
Thật ra, tôi gặp anh Tổng GĐ Học viện Mekong lần đó là mới có lần thứ 3. Lần đầu tiên, họ thấy tôi làm speaker tại Startup Thailand nên mời về event của học viện để chia sẻ về xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Gặp nhau ở đó và nói chuyện rôm rả. Sau đó, ảnh dặn tôi qua tới Thái là phải nhắn đi ăn tối. Vậy là hàn huyên tại bữa tối một chập. Và hội thảo này là lần thứ 3 gặp nhau. Tại sao anh gọi tôi là bạn thân? Ai thân sau chỉ 3 lần gặp?
Tôi có 3 nguyên tắc khi làm việc quốc tế. Một là, mục tiêu gặp gỡ là kết bạn, chứ không phải lăm lăm nhìn vào giá trị sử dụng của người ta. Đây chính là thứ tôi thấy Việt Nam mình thiếu nhất. Làm quen, đa phần vì mục đích sử dụng rất rõ ràng. Có khi, đốp chát, tranh thủ luôn ngay từ lần gặp gỡ đầu tiên. Quan hệ, không phải là pitching. Người ta giúp bạn hay không, không phải vì bạn pitch hay, chen lấn giỏi, và tỏ ra cực kỳ nguy hiểm. Sorry nhe. Mấy thứ lóc chóc ở Việt Nam, ra thế giới là trò quơ quào của mèo con. Làm không lại ai, mà còn bể mặt vì nhỏ mọn. Vậy nên, tôi khuyên người trẻ, học tư duy xây dựng và nuôi nấng quan hệ.
Đừng có chụp hình ké với người ta một lần, rồi huênh hoang là mình quen thân với họ. Vậy để được cái quái gì? Bản thân họ, có sẵn lòng giúp ta không, đó mới là vấn đề. Người từng trải, người ta tinh lắm. Liếc mắt một cái, nói ba câu là người ta đã hiểu bạn kiểu gì. Chỉ có mỗi một thứ keo kết nối bạn có sẵn để xài, đó là Be genuine – Hết sức thật tình. Làm ơn đừng có lao nhao nữa. Nhìn thôi đã mệt.
Nguyên tắc thứ hai, là caring. Làm người, trước hết và quan trọng nhất là biết quan tâm người khác. Chỉ vậy, bạn mới khác máy. Nếu không, ai cần connect – kết nối với bạn chi? Hỏi mình đi, trước khi sấn tới kiếm cái này quơ cái nọ của người ta, tại sao người ta cần bạn? Most probably – Thường thì, bạn đang đi đường một chiều, chỉ có bạn cần người ta thôi. Vậy lý do gì mà người ta phải connect với bạn đây? Cho nên, tôi chẳng bao giờ bắt đầu từ tôi cần gì bạn cần gì. Đối với tôi, mỗi con người chúng ta gặp gỡ trong đời, đều thú vị và có những câu chuyện hay để dạy ta. Nên trước hết là quan tâm, và lắng nghe câu chuyện của người ta trước. Sau đó, nếu có thể giúp bất cứ việc gì cho người đó, tôi luôn rất sẵn sàng, luôn chủ động và tìm cơ hội giúp đỡ người ta trước. Chính vì vậy, không cần nói tiếng nào người khác vẫn mang cơ hội đến cho tôi. Chính vì vậy, đi đến quốc gia nào, làm gì cũng vô cùng thuận lợi vì luôn có ai đó chưa hỏi đã sẵn sàng giúp đỡ. Đơn giản thôi, chỉ vì tôi care cho họ. Đơn giản lắm, chỉ vì tôi quan tâm đến họ.
Nguyên tắc thứ ba, là collaboration – cộng tác. Đứng bao giờ đóng khung bản thân mình trong những gì mình mong muốn. Khi bạn bước đến với một tờ sớ dài những điều bạn muốn, 99% người ta chẳng quan tâm. Nhưng khi tôi nêu vấn đề, và engage – tương tác với người khác để cùng cộng tác giải quyết một vấn đề, mọi thứ trở nên hào hứng, nhiều màu sắc, và vô cùng sáng tạo. Bạn sẽ ngạc nhiên khi sử dụng cách tiếp cận này, vì trí tuệ tập thể bao giờ cũng lợi hại hơn trí tuệ cá nhân. Góc nhìn và cách tiếp cận của người khác, có khi chính là ngọn đèn bật sáng cho vấn đề bạn loay hoay triền miên trong quá khứ.
Collaboration – cộng tác là từ khoá của thế kỷ 21, và sẽ là chìa khoá để bạn hội nhập tương lai và hội nhập toàn cầu. Khổ lắm, mà người Việt Nam cực kém khoản này. Cứ khư khư giữ lấy chút rêu xanh, rồi hoá thành thiên cổ? Cộng tác, cần niềm tin. Vì không có niềm tin thì chả cộng tác được cùng ai. OK, đời này lắm Lý Thông. Nhưng không lẽ vì vậy mà bạn đóng cửa im ỉm với đời? Rồi cấm luôn không cho Thạch Sanh xuất hiện? Vấn đề không phải là xây thành, đóng cửa. Vấn đề là học tư duy phản biện để phần nào đánh giá được người ta đến tìm mình vì cái cớ sự chi. Rồi bạn chọn đi. Bạn đóng cửa chết trong im lặng, hay sẵn sàng học hỏi, trải nghiệm để tìm được Thạch Sanh mà collaborate? Ờ thì bị lừa qua lừa lại vài vố rồi cũng xong. Học bài học thôi chớ gì. Chuyện nhỏ!
Bài học xương máu, dài 90 quốc gia và hơn hai chục năm làm việc quốc tế, chỉ như là củ khoai lấm lem bùn đất vậy thôi à. Be genuine – hết sức thiệt tình, để xây dựng những quan hệ thật ấm, thật giá trị, thật ý nghĩa trên hành trình cuộc sống.
Tưởng gì, profile vậy mà dạy làm củ khoai. Thật là thất vọng phải không?