top of page
Ảnh của tác giảPhi Van Nguyen

CÔ ƠI VẤN ĐỀ NÀY EM PHẢI GIẢI QUYẾT SAO?



Một trong những “nỗi đau” lớn nhất của giáo dục không đúng cách là tạo ra những con người không biết cách tư duy. Nếu học mà từ bài văn mẫu cách giải bài mẫu, các em sẽ quen dần với việc điền vào chỗ trống theo một cái template - mẫu đã có sẵn. Dần dần, các em sẽ mất đi khả năng nghiên cứu, tư duy, phân tích và tìm ra cách giải quyết vấn đề. Khi không có template, các em không biết phải làm sao, phải bắt đầu từ đâu, phải tư duy logic như nào, và vì vậy trở nên cực kỳ bị động trong mọi tình huống, trong học tập và đặc biệt là trong công việc. Rất nhiều lần, tôi thấy các bạn trẻ Việt Nam sau khi được giao việc loay hoay không biết phải dàn quân sắp trận ra sao để giải quyết vấn đề, vì không biết cách tư duy logic.


Cũng rất nhiều lần, tôi nhận tin nhắn, email từ các bạn trẻ với câu hỏi em không biết phải làm sao với công việc mới của mình, vì trước đây chưa có tiền lệ tại công ty hay vì em chưa bao giờ làm nó cả. Cho nên, miệng thì nói không thích bị micro-manage - quản trị chi tiết, nhưng kỳ thực là nếu không cầm tay chỉ việc, theo dõi dưới kính hiển vi thì việc giao xong sẽ không có kết quả, vì không biết làm, không biết cách xoay sở, không biết phải vượt qua cản trở làm sao, hay không biết phải quản trị công việc hay nguồn lực hỗ trợ thế nào, vv.


Nhân có quá nhiều câu hỏi em phải làm sao với công việc mới của mình, tôi chỉ có thể chia sẻ cách tư duy cho các em, vì có quá nhiều biến số trong từng hoàn cảnh, không thể chia sẻ cụ thể với vài hàng tin nhắn chung chung được. Tuy nhiên, luôn có những nguyên tắc chung để dựa theo đó mà suy nghĩ cách làm chứ đời này không có bài văn mẫu cho mọi vấn đề đâu các em ạ. Tự đặt và trả lời các câu hỏi sau. Câu trả lời sẽ là định hướng giúp các em tự tìm ra lời giải.

Người chịu tác động của vấn đề là ai? Nỗi đau của họ là gì?

Làm gì cũng phải tư duy từ đối tượng. Không ai đi giải quyết vấn đề cho 1 đối tượng mà chẳng hiểu gì về đối tượng đó. Ví dụ, bạn cần xây dựng chương trình huấn luyện và chính sách cho nhân viên bán hàng. Việc đầu tiên bạn cần làm là tìm hiểu về đội ngũ nhân viên bán hàng hiện đang vận hành ra sao, chính sách hiện tạo thế nào, đã được huấn luyện chưa, huấn luyện gì và như thế nào, hiện trạng họ đang gặp khó khăn gì, tại sao, vv. Người nhận lãnh là ai thì mình cần phải xuống tới nơi để gặp họ, trao đổi với họ, tìm hiểu tâm tư tình cảm, khó khăn thử thách của họ, tìm hiểu những bất cập đang xảy ra để họ có thể hoàn thành tốt công việc. Đừng bao giờ ngồi trong phòng lạnh tự suy nghĩ khi mình không phải là họ. Tương tự, nếu bạn muốn phát triển một thị trường mới, bạn cần xác định khách hàng của mình là ai, rồi sắp xếp họ theo thứ tự ưu tiên về tiềm năng. Hiện trạng họ đang vận hành thế nào, hợp tác với ai, họ quan trọng điều gì trong hợp tác, nếu muốn thay đổi quyết định hợp tác của họ thì offer của mình phải có gì nổi trội hơn, vv và vv. Nếu không bắt đầu từ mong muốn và vấn đề của đối tượng thì làm sao biết được cần phải làm gì.

Vấn đề cần giải quyết là gì?

Đương nhiên, mỗi đối tượng có mấy vạn vấn đề. Do đó, cần xác định đâu là 20% vấn đề lớn sẽ ảnh hưởng đến 80% kết quả rồi ưu tiên giải quyết vấn đề đó trước. Việc xác định vấn đề quan trọng và sắp xếp ưu tiên giải quyết mang tính quyết định bạn có hoàn thành và đạt được kết quả mong muốn hay không. Làm nhiều, làm lung tung thiếu suy nghĩ không có gì hay. Đừng khoe tôi đang lút đầu vì công việc. Làm cho cố mà không mang lại kết quả gì là tốn công vô ích, không những không hay ho gì mà còn thể hiện sự yếu kém trong khả năng tổ chức công việc. Làm ơn đi, bỏ thời gian mài rìu rồi mới đi chặt cây. Đừng xông vào chặt cây với một cây rìu cùn rồi khổ sở than trách sao mình chặt hoài không đổ. Nếu vấn đề là qui trình chẳng hạn, vì qui trình này nó gây cản trở, quá quan liêu, khó thực hiện cho nhân sự thì đập đi mà xây lại. Không có qui trình nào là đúng khi nó không giúp cho con người làm việc dễ dàng, hiệu quả, nhanh chóng hơn.


Có bao nhiêu cách để giải quyết một vấn đề?

Đây là lúc bạn bung xoã sáng tạo để tìm ra vô số những cách giải quyết vấn đề. Đừng đi tìm tiền lệ. Tiền lệ là để tham khảo. Nếu cứ i sì ai làm sao tui làm vậy thì cả đời chỉ đi copy chứ không đi giải quyết vấn đề. Mỗi hoàn cảnh, mỗi thời thế, mỗi tình huống đều có những biến số khác nhau. Do đó, đừng làm biếng. Làm ơn chịu khó tư duy lại, suy nghĩ thêm, tìm tòi những góc nhìn và cách giải quyết khác nhau, lắng nghe góc nhìn của nhiều người khác, tìm cách collab mới để đưa ra giải pháp sáng tạo hơn. Tốt nhất là mang vào phòng sếp hay mang ra cuộc họp những cách giải quyết vấn đề khác nhau, trong top những cách mà bạn cho là tốt nhất, phù hợp nhất với hoàn cảnh và nguồn lực hiện tại để được hỗ trợ góp ý và lựa chọn.


Chọn và thử nghiệm giải pháp nào trước?

Đời này, tính toán các kiểu rồi thì cũng chỉ thử mới biết chứ không ai dám khẳng định cách nào là xịn nhất. Cho nên, khi đã chọn lựa thì phải nhanh chóng thử nghiệm ở diện nhỏ, nhanh để hiểu và đánh giá kết quả của cách làm. Nếu nó OK thì hiệu chỉnh, làm cho nó mượt mà thêm rồi triển luôn. Nếu thấy nó bị khựng, không như ý, không tạo ra kết quả mong đợi thì xem lại, và nếu cần thì thay đổi giải pháp tiếp theo để thử nghiệm. Thời thế thay đổi mỗi ngày như thế thì mình cũng vừa đi vừa dò đường chứ ai dám đảm bảo 100%? Phải cực kỳ agile - linh hoạt là như thế.


4 câu hỏi đơn giản như trên là cách bạn có thể sử dụng để hướng dẫn cách tư duy, suy nghĩ để giải quyết bất kỳ vấn đề gì bạn đang cần giải quyết trong công việc. Again, xin đừng hỏi bài văn mẫu và lời khuyên cụ thể của ai. Tự mình đặt câu hỏi, tự suy nghĩ và tìm lời giải đáp là cách tốt nhất để bạn tập thể dục não, mài sắc tư duy logic cho bản thân để có thể tự thân vận động, tự xây dựng thành công cho bản thân mình.


Đối với những ai chưa học thì nên đăng ký khoá học online miễn phí Critical thinking - Tư duy phản biện trên blog Nguyễn Phi Vân. Khoá học này sẽ giúp bạn xây dựng cho mình tư duy logic trong việc lựa chọn và đưa ra bất kỳ quyết định nào trong đời.

6.053 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page