Không biết các bạn đã xem phim này chưa, Sliding Doors của đạo diễn Peter Howitt? Ngữ cảnh của nội dung phim rất đơn giản, những lựa chọn khác nhau của nhân vật chính trước cánh cửa trượt đang đóng lại của toa tàu, bước lên hay không bước lên. Tương lai của những gì nhân vật sẽ thấy, sẽ bị ảnh hưởng, sẽ đưa ra quyết định theo hiệu ứng domino đối với quan hệ của mình đều dựa vào quyết định tích tắc bước lên hay không bước lên toa tàu đó. Phim rất hay mọi người nên tìm xem.
Bộ phim dựa trên một điểm tựa rất đời mà tất cả chúng ta đều phải đối diện hàng ngày, trong tích tắc vài giây khi một sự việc gì đó xảy ra, ta sẽ phản ứng và quyết định thế nào. Phản ứng tích tắc đó trở thành hạt giống của tương lai tiếp theo. Vậy câu hỏi là, ta có kiểm soát được tương lai của mình không nếu chính quyết định của bản thân trở thành hạt giống của tương lai tiếp nối?
Ta thử một ngữ cảnh đời thường, ví dụ như bạn nghe nói ai đó đổ thừa tại bạn mà việc chưa xong.
Ngữ cảnh 1: bạn giận dữ, viết liền một chiếc email cc một vạn người trong đó có sếp vào để luận tội kẻ “đặt điều nói xấu” kia. Bạn đính kèm các kiểu bằng chứng để chứng minh bản thân là nạn nhân và kẻ kia mới chính là tội phạm. Bấm “send” xong bạn mới chợt nhớ ra mình có thể trễ giờ họp với khách hàng chỉ vì bỏ hết thời gian tâm trí vào vẽ chiếc email siêu to khổng lồ kia một cách hùng hồn nhất có thể. Bạn bèn chạy như bay xuống bãi xe chỉ để nhận ra mình quên chìa khoá xe trên lầu. Thế là bạn phải chạy vội lên văn phòng lấy chìa khoá. Giờ thì trễ giờ họp là chắc rồi. Mở máy xe, bạn phóng như bay với hy vọng chỉ trễ trong khung còn giải thích được và vì vậy, máu vẫn còn dồn lên não vì cái đứa đã khiến cho bạn nổi cơn mà ra nông nỗi này. Rồi trong sự lái xe hơi quá nhanh quá nguy hiểm cùng với cơn giận khiến bạn thêu dệt một vạn tình huống xảy ra sau khi mọi người đọc email và cách bạn sẽ phản ứng, bạn gây ra tai nạn.
Ngữ cảnh 2: bạn nghe xong không biết chuyện này có thật là do người kia nói không hay chỉ là gossip thường tình nơi công sở nên ghi nhận và không nói gì. Bạn bình tĩnh đi họp khách hàng, rồi quay về văn phòng rà soát lại xem tại sao công việc chưa hoàn thành, bottle neck - nút thắt cổ chai nằm ở đâu và vấn đề nên giải quyết thế nào. Xong bạn tổ chức họp để trình bày vấn đề và thống nhất cách giải quyết với sếp và đồng nghiệp.
Cùng một sự việc, hai cách giải quyết khác nhau trong tích tắc đã tạo ra 2 hoàn cành tương lai hoàn toàn khác nhau. Không cần bình luận ngữ cảnh hay lựa chọn đúng sai. Ở đây chúng ta chỉ cần nhận ra rằng, ta không thể thay đổi 10% của những gì đang xảy ra xung quanh mình. Chuyện ai nói gì, làm gì, ý tốt hay xấu, nhắm vào ta hay không là chuyện ta hoàn toàn không kiểm soát được. Nhưng 90% còn lại trong hiệu ứng domino là thứ ta hoàn toàn có khả năng kiểm soát, vì nó là hạt giống ta gieo trong tích tắc cho tương lai bằng chính phản ứng của mình.
Đó chính là qui luật 90/10 của Stephen Covey, 10% là những thứ xảy ra trong đời mà ta không kiểm soát được, và 90% là cách ta phản ứng với sự việc xảy ra. Chỉ là chiếc cửa trượt mà thôi. Trong tích tắc bạn quyết định bước lên tàu hay ở lại. Trong tích tắc bạn có thể có nhiều lựa chọn về cách bản thân phản ứng, và biết rằng mỗi lựa chọn bạn đưa ra là một quyết định tương lai tiếp theo của cuộc đời bạn sẽ ra sao. Cho nên, có khi chúng ta cần phải học cách bình tĩnh hơn, biết quản trị cảm xúc và hành vi bản thân hơn, suy nghĩ và đưa ra lựa chọn cho tương lai chứ không chỉ để thoả mãn cơn cảm xúc vô minh đang bùng lên lúc đó. Cũng là Quản trị bản thân thôi, cũng là đưa ra lựa chọn có EI - Trí tuệ cảm xúc tốt hơn thôi, tương lai ngay trước mắt của mình đã khác. Vậy trên đời này mình cứ đổ tại ông trời, tại hên xui hay có khi nên nhận lãnh trách nhiệm về mình?
Dù bạn nghĩ gì, sliding doors - những cách cửa trượt vẫn cứ mở ra đóng lại mỗi ngày, nhiều lần trong đời, và ta chính là người đưa ra quyết định bước lên hay ở lại.
Comments