PV: Xin chào chị Phi Vân, tôi đã rất mong chờ đến dịp được gặp chị để trao đổi về những thông điệp sống tích cực và lành mạnh theo góc nhìn của một doanh nhân. Chị không đơn thuần là một tác giả nổi tiếng, chị còn là thần tượng của giới trẻ, giới doanh nhân trong và ngoài nước. Bí quyết nào giúp chị trở nên đặc biệt năng động, khỏe khoắn và nhiệt huyết nhiều như vậy?
Doanh nhân Nguyễn Phi Vân: Rất nhiều người hay hỏi tôi, năng lượng và sức đâu mà chị có thể làm quá nhiều việc, liên tục, và lúc nào cũng hăng say như thế. Con người chúng ta, thật ra tiềm năng và năng lượng là vô giới hạn khi bạn đạt đến cảnh giới gọi là Flow – Trạng thái dòng chảy.
Ở đó con người hoàn toàn tập trung, làm bằng sự hăng hái, niềm vui, niềm đam mê, quên cả mọi mệt mỏi, quên cả không gian và thời gian.
Ở trạng thái này, đương nhiên khi ta đã có kỹ năng cao và cũng gặp những thử thách lớn. Đây là lý thuyết tâm lý học của Mihály Csíkszentmihályi mà các bạn nên tìm đọc để hiểu mình đang ở đâu, tại sao và làm cách nào để có thể vượt qua các ngưỡng giới hạn mà bang mình qua những trạng thái tích cực hơn trong cuộc sống.
Còn việc tại sao tôi lại làm việc tôi đang làm thì, đơn giản lắm, tôi làm gì trong đời cũng theo 1 công thức cực kỳ đơn giản là "3 chữ H" tức là Head – cái đầu hay mục đích định hướng của mình là gì. Ví dụ, là muốn giúp giới trẻ Việt Nam hội nhập được vào tương lai và thế giới.
Khi đã có Head – định hướng rồi, thì phần tiếp theo là Heart – trái tim, hay tôi cần phải sống với nó bằng những cảm xúc, giá trị như thế nào, và tôi sẽ làm gì để truyền tải cảm xúc đó cho những người cộng sự cùng làm với mình, cho những người mình sẽ chạm vào trên hành trình thực hiện mục đích ấy.
Ví dụ, cảm xúc chính cần có để giúp các bạn trẻ hiểu về hội nhập, thay đổi được tư duy là phải sốc để dừng lại mà suy nghĩ, phải hốt hoảng để biết mình còn thiếu quá nhiều, phải vui để có năng lượng tích cực mà đi, phải thông cảm, tâm sự tỉ tê để thấy quan tâm, cảm thông, gần gũi.
Sau đó, mới đến phần thứ 3 là Hands – bàn tay – hay còn gọi là hành động, tôi sẽ làm gì để đạt được mục đích đã đề ra, theo định hướng cảm xúc cho bản thân & người liên quan.
Ví dụ, hành động của tôi là viết blog mỗi ngày, viết sách, đi chia sẻ tại các diễn đàn cho người trẻ, tham gia làm giám khảo cho các chương trình thi kỹ năng và khởi nghiệp của người trẻ, v.v.
Khi tư duy theo cách này, tôi hiểu rất rõ mình muốn đạt được mục tiêu gì, bằng cách nào, và cụ thể là hành động ra sao. Những hoạt động của tôi vì vậy cũng liên kết nhau xung quanh một mục đích định hướng chung chứ không rời rạc theo sở thích.
Tôi chọn công việc cộng đồng để làm, vì tôi yêu quê hương của mình, tôi yêu thương con người nói chung và người Việt Nam nói riêng.
Sau khi đã có cơ hội bôn ba và viết nên chuyện đời của mình trên khắp năm châu, tôi nghĩ cần tạo cơ hội cho người trẻ Việt Nam được chạm vào những trải nghiệm sống như thế để họ lớn lên, yêu đất nước và con người hơn, sống có mục đích và ý nghĩa hơn, và quan trọng là hạnh phúc được làm người và được tạo ra những giá trị lớn hơn trong cuộc đời làm người.
Trước hết, đó là câu trả lời cho việc tại sao tôi làm việc không biết mệt.
PV: Nhiều người nói rằng họ "bận không còn thời gian để thở" nên không có thời gian để làm tốt những việc mình muốn. Nhưng ai cũng chỉ có 24h, cách khác nhau ở mỗi người chính là việc sử dụng thời gian rao sao. Chị có thể chia sẻ bí quyết thời quản lý thời gian của mình để có thể làm việc hiệu quả như vậy?
Doanh nhân Nguyễn Phi Vân: Trước hết, tôi luôn có chế độ ưu tiên theo từng thời điểm cuộc đời. Không ai có thể làm quá nhiều thứ cùng một lúc, thiếu tập trung mà thành công được.
Do đó, bạn cần suy nghĩ thật kỹ mục đích cần đạt được trong giai đoạn này trong đời của bạn là gì, là học cho xong, là lập gia đình, là rèn luyện trong công việc để trở thành chuyên gia, là thử sức sự nghiệp hay kinh doanh của mình trên thế giới, là chăm sóc mẹ già đang bệnh, là tập trung nuôi dạy con cái, v.v.
Tất cả chúng ta đều cần có ưu tiên việc cần làm tại mỗi thời điểm trong đời, vì cuộc đời là hữu hạn, vì nhiều việc có thể làm bất kỳ lúc nào nhưng người thân quanh ta thì có thể mất đi.
Khi đã hiểu và lựa chọn rất rõ mục đích chính của thời đoạn đó rồi, bạn sẽ toàn tâm toàn ý làm thật tốt để đạt được mục đích đó. Đừng sao lãng. Đừng phàn nàn. Đừng chân trong chân ngoài. Đừng so sánh với người này kẻ kia.
Khi bạn không tập trung, việc gì làm cũng không tốt, mục đích gì cũng không đạt được, và thời gian bỏ ra để loay hoay là sự lãng phí đáng trách nhất trong đời. Khi đã có ưu tiên chính, tôi sẽ luôn dành thời gian nhiều hơn cho việc đó, và dành thời gian ít hơn cho những việc khác đóng vai phụ trong thời đoạn đó của cuộc đời. Đây là lúc tôi phân chia loại công việc mình cần làm thành những block (khối –khung) thời gian.
Ví dụ, tôi có block thời gian dành cho phát triển bản thân, block thời gian dành cho gia đình, block thời gian dành cho công việc kinh doanh, và block thời gian dành cho công việc xã hội, cộng đồng. Tại thời điểm này của cuộc đời chẳng hạn, block thời gian dành cho xã hội, cộng đồng và gia đình của tôi cao hơn.
Khi đã phân chia được block thời gian, tôi sẽ tiếp tục phân chia thời gian cho dự án, công việc cụ thể tôi phải làm trong từng block thời gian, và vẽ mind map – sơ đồ tư duy tất cả những việc cần làm trong block đó.
Ví dụ, ưu tiên gia đình của tôi là hướng dẫn cho con gái 16 tuổi của mình hội nhập vào tương lai. Trong đó, tôi sẽ lập thành những việc cùng làm với con như thảo luận về văn và thơ bạn viết để giúp tăng cường khả năng viết, thảo luận về tình yêu, tình dục để cảm thông, chia sẻ, định hướng cho cuộc sống của bạn hạnh phúc hơn.
Cùng đọc, chia sẻ, thảo luận về công nghệ và sáng tạo để con cập nhật về tương lai, thảo luận về các vấn đề con quan sát và thắc mắc khi đi làm intern – tập sự trong công việc để con học được cách đối diện và hội nhập vào môi trường làm việc của tương lai, nhằm giúp con định hướng nghề nghiệp và tìm thấy giá trị và vị thế của mình trong thế giới công việc mới, v.v.
Tóm lại, tôi đã làm 3 điều để quản trị quỹ thời gian: Xác định mục đích chính tại từng thời điểm cuộc sống, chia block thời gian, và xây sơ đồ tư duy để tạo thành checklist (danh sách) những việc cần làm.
Tôi luôn ghi ra list (danh sách) các công việc đó, theo dõi tiến độ, đặt thời hạn hoàn thành và kiểm tra chính mình hàng ngày để nhắc nhở bản thân về việc cần làm và việc cần kết thúc.
Quản trị quỹ thời gian thật ra là một phần của quản trị bản thân. Mà quản trị bản thân là việc bạn cần hiểu và thực hiện cho chính mình. Công cụ, cuối cùng chỉ là hỗ trợ. Khi bản thân bạn còn không hiểu và biết tại sao phải làm những việc mình đang làm thì dù có công cụ gì đi chăng nữa cũng là vô ích.
PV: Chị đã đến hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, chị có cảm nhận thế nào về lối sống xanh của những người dân ở đó? Họ có ý thức bảo vệ môi trường sống ra sao?
Doanh nhân Nguyễn Phi Vân: Hiện nay, trái đất đang đối diện với những nguy cơ cực lớn về huỷ diệt chính do loài người chúng ta tạo ra. Khí thải carbon, rác nhựa, sự cạn kiệt tài nguyên thế giới, sự tiêu dùng vô trách nhiệm của con người, v.v. đang làm cho hành tinh chết dần từng ngày.
Bạn có bao giờ đặt câu hỏi, trách nhiệm của bạn, một con người sống trên hành tinh này là gì không? Hay ta chỉ sống qua ngày, chờ trái đất chết thì ta chết theo? Hay ta ngồi lơ láo chờ một ai đó như Elon Musk đến cứu ta, chở ta sang hành tinh khác?
Tôi nhận thấy nhận thức và hành động của các bạn nước ngoài rất quyết liệt về vấn đề này, dẫn đến một lối sống lành mạnh, sống xanh, sống có trách nhiệm hàng ngày với hành tinh.
Họ đi xe đạp nhiều hơn. Họ ăn chay, trở về với thiên nhiên nhiều hơn. Họ giảm tiêu dùng theo công thức 5 chữ "R" gồm refuse – từ chối, reduce – giảm sử dụng, reuse – sử dụng lại đồ cũ, repurpose – tái sử dụng cho mục đích khác, recyle – tái chế.
Bạn có bao giờ suy nghĩ xem thứ mình mua có gây áp lực và làm hại hành tinh không? Bạn có bao giờ nghĩ mình sẽ ăn chay 2 ngày trong tuần chỉ để giảm tải khí thải nhà kính cho hành tinh không?
Bạn có bao giờ tìm cách sửa, sử dụng lại đồ đạc mình đang có thay vì quăng đi một cách vô trách nhiệm không? Bạn có bao giờ nghĩ cả cho xã hội và hành tinh trong khi nghĩ về mình không? Hay ta đang quá ích kỷ và chỉ nghĩ về việc thoả mãn nhu cầu cá nhân dù ai có ra sao, và dù ta đang tự giết mình?
Tôi đặc biệt thích các quốc gia Bắc Âu như Hà Lan, Đan Mạch, Thuỵ Điển, Thuỵ Sĩ, Phần Lan, v.v. vì lối sống trách nhiệm và lành mạnh này của người dân nước họ. Tôi nghĩ, các thế hệ trẻ Việt Nam cần học theo họ và cần quyết tâm hơn trong việc thể hiện và hành động để cứu lấy chính mình và cứu lấy hành tinh.
PV: Đọc những trang sách của chị, tôi đắm chìm trong đó và nghĩ rằng, phải có một sức mạnh nội lực rất lớn chị mới có thể đi nhiều và viết nhiều như vậy. Theo kinh nghiệm cá nhân chị, làm thế nào để có thể sống tốt hơn?
Doanh nhân Nguyễn Phi Vân: Vì là người lúc nào cũng di chuyển từ quốc gia này sang quốc gia khác, tôi học được vài điều vụn vặt rất cá nhân như sau.
Thứ nhất là trở về thiên nhiên bất cứ khi nào có thể. Khi đi công tác, nếu có thời gian rảnh, tôi luôn trả mình về những khu vực có nhiều cây xanh, bao bọc bởi thiên nhiên nhất vì thiên nhiên có năng lực siêu nhiên làm chữa lành mọi áp lực cho con người.
Thứ hai là tôi có sở thích đắm mình trong nghệ thuật, và khi có thời gian rảnh sẽ luôn cho mình không gian thưởng thức nghệ thuật tại bảo tàng mỹ thuật, tại các triển lãm tranh, hay đi nghe hoà nhạc, v.v. Điều đó giúp tôi cần bằng về sức khoẻ tinh thần. Thật ra, con người bệnh phần lớn là do sức khoẻ tinh thần. Khi tâm lý và tinh thần thoải mái, cơ thể sẽ hoạt động tốt và bạn ít bị bệnh mà thôi.
Thứ ba là tôi chọn ăn chay nhiều hơn, sử dụng thực phẩm chế biến ít hơn, dù chưa thể ăn chay trường vì lý do di chuyển, ăn cùng gia đình, và tiếp khách.
Thứ tư là tôi luôn ngủ ngon và ngủ đủ, không bao giờ ép bản thân phải làm việc quá sức. Có làm quá sức cũng chẳng ra kết quả vì bạn sẽ mệt mỏi, thiếu khả năng sáng tạo, thiếu sự minh mẫn để đưa ra quyết định tốt.
Thứ năm là tôi sống có mục đích, làm việc hướng về mục đích nên lúc nào cũng vui vẻ, hạnh phúc. Tôi không được hơn thua thắng với đời nên lúc nào cũng thong dong. Nhờ vậy, sự nghiệp của tôi lại vô cùng thuận lợi, cuộc sống cân bằng, và giàu tình yêu thương.
PV: Cuộc sống không thiếu những khó khăn, mệt mỏi, áp lực. Bí quyết vượt qua khó khăn, áp lực để có được những thành công hôm nay là gì?
Doanh nhân Nguyễn Phi Vân: Tận nhân lực, tri thiên mệnh, đó là cách tôi vận hành.
Tôi luôn cố gắng hết sức có thể, quyết liệt hết sức có thể, làm hết sức có thể, vì mục đích tốt đẹp nào đó, và đôi khi để phần còn lại của vũ trụ cho vũ trụ tự quyết. Có những thứ trong đời, tận nhân lực ta sẽ thành công, khi mọi ngôi sao đã xếp thẳng hàng.
Nhưng đôi khi, vì trật một đường ray nào đó, ví dụ khi hoàn cảnh chưa đúng chẳng hạn, thì ta vẫn có thể thất bại như thường.
Đối với tôi, thành công hay thất bại đều mang tính tạm thời, đều là bài học, và đều là đòn bẩy để ta tiếp tục phát triển bản thân và dấn thân trên hành trình tiếp nối. Tôi không bao giờ cho phép mình uỷ mỵ, đau đớn, trầm cảm trong quá khứ.
Nếu đọc cuốn Tôi đi tìm tôi vừa xuất bản, bạn sẽ thấy tôi học thế nào từ bạn bè đồng nghiệp, từ cuộc đời và từ vũ trụ để hiểu ra nguyên lý mọi lỗi lầm đều bắt đầu và kết thúc với mình.
Cách ta chọn góc nhìn, chọn hành động, chọn giải pháp, chọn dấn thân, tất cả đều phụ thuộc vào ta. Tận nhân lực, tri thiên mệnh.
PV: Chúng ta thường hay chúc nhau vui vẻ, nhưng không phải lúc nào cũng tìm ra được niềm vui cho chính mình. Chị thường làm gì để mình trở nên vui hơn, sống một cuộc đời có ý nghĩa hơn?
Doanh nhân Nguyễn Phi Vân: Được hiện thực hoá mục đích sống của mình, được dấn thân trên hành trình của mình, được trải nghiệm cuộc sống do mình tự do quyết định, tự do hành động, và chia sẻ niềm vui với những ai có duyên gặp gỡ trong đời, đối với tôi đã là niềm vui.
Tôi không đi tìm niềm vui và hạnh phúc từ bên ngoài, từ việc mua sắm, từ vài món đồ mới, từ vài câu nói tung hô hay tình yêu thương ích kỷ của một ai đó khác.
Hạnh phúc đến từ bên trong, và chỉ có thể là hạnh phúc thật sự khi ta tìm thấy hạnh phúc trong chính những quyết định, lựa chọn, hành động của bản thân mình. Hạnh phúc chưa bao giờ là ở ngoài kia.
PV: Nhiều người thường thần tượng một ai đó, "phát cuồng" lên và bị dẫn dắt bởi thần tượng, nhưng có lần chị nói, hãy thần tượng chính mình! Tại sao vậy và chúng ta nên làm gì để có thể tự thần tượng chính mình?
Doanh nhân Nguyễn Phi Vân: Mỗi người chúng ta đều tiềm ẩn tiềm năng vô hạn như nhau. Có người hiểu ra, cố gắng rèn luyện, học hỏi, phát triển để tự mình đẩy mình về phía trước để làm được những điều bản thân ngỡ như là không thể. Và họ quyết liệt, và họ bất chấp khó khan thử thách, và họ tin vào, dấn thân, đứng lên sau mọi vấp ngã để tiến về chân trời vô giới hạn của mình.
Bạn nghĩ đi, thật ra chúng ta có thể trở thành anh hùng không nếu ta vượt qua tất cả để chạm vào sự bao la vô giới hạn?
Vậy, không thần tượng mình thì thần tượng ai? Không ngả mũ kính trọng mình thì kính trọng ai? Không ngỡ ngàng với bản thân vì đôi khi đi qua, nhìn lại và đôi khi chẳng hiểu làm thế nào mình đã làm được những điều tưởng chừng không thể? Đó, bạn là thần tượng của chính mình rồi, bạn ạ. Đó là con đường tôi đã đi qua, và là con đường tôi nghĩ bạn nên dấn thân vào.
Đương nhiên, xung quanh ta đang có những con người như thế. Họ vượt qua chính mình để làm được những điều hay ho mang lại lợi ích cho đời. Hãy để họ truyền cảm hứng cho ta dấn thân, nhưng đừng chỉ ngồi đó thần tượng và không làm gì.
Thật là chán ngắt khi phải sống một cuộc đời thần tượng người khác còn bản thân chưa một lần làm gì khác để đẩy mình về phía hiện thực hoá tiềm năng. Cuối cùng, bạn đang sống cuộc đời của chính mình hay cuộc đời của một ai đó khác?
PV: Chị đã từng có nhiều trải nghiệm, chứng kiến công nghệ mới và thường hay nói về những việc mà trí tuệ nhân tạo đã thay thế con người. Liệu chúng ta có đang bị máy móc "đe dọa" không?
Doanh nhân Nguyễn Phi Vân: Trí tuệ nhân tạo được sinh ra để con người hoảng hốt, để con người phải tự định nghĩa lại làm người là làm gì và làm ra sao.
Trí tuệ nhân tạo sẽ giỏi hơn con người rất nhiều, vì máy học có thể học một lượng vô biên kiến thức, học từ tương tác, và lớn lên dần theo thời gian.
Con người, ngược lại, có giới hạn về bộ nhớ, khả năng thu thập, phân tích dữ liệu để đưa ra quyết định chính xác. Hơn lúc nào hết, con người cần hoảng sợ, vì đây là điểm chuyển tiếp của việc còn được làm người hay làm nô lệ cho máy tính, cho trí tuệ nhân tạo, cho robot.
Ở vị thế như vậy, con người có dám lười biếng không? Bạn có thể chọn sự lười biếng không làm gì cả, sống phục thuộc vào máy, và trở thành nô lệ của máy. Hoặc bạn có thể phải hết sức siêng năng để học và rèn luyện cách sử dụng máy, cách cộng tác với máy, cách khai thác máy, cách quản trị máy, và học cách làm người hơn máy. Lựa chọn là của bạn, làm nô lệ hay tiếp tục làm người.
PV: Khi không định vị được bản thân, không biết được đích đến trong tương lai khiến chúng ta mệt mỏi, đau khổ và thiếu ý chí sống. Trong trường hợp này, theo chị thì nên làm gì?
Doanh nhân Nguyễn Phi Vân: Nên dành thời gian tìm lại bản thân. Khi ta còn chưa hiểu mình là ai, mình sinh ra và bước đi trong cuộc đời này để làm gì, thì có đưa cho bạn bao nhiêu kiến thức và công cụ bạn cũng sẽ chẳng bao giờ sử dụng được.
Mọi thứ phải bắt đầu từ mục đích. Chúng ta đã nói với nhau công thức 3 chữ "H" bao gồm Head – mục đích định hướng, Heart – giá trị, và Hands – hành động.
Nếu chỉ làm mà không biết tại sao mình làm thì bạn sẽ chẳng bao giờ làm tốt hay làm tới. Nếu chỉ uỷ mỵ nói về cảm xúc và giá trị mà ngồi im đó chẳng làm gì thì mọi việc cũng chẳng tới đâu. Nếu chỉ có mục đích rồi chỉ ngồi đó làm anh hùng bàn phím thôi, không có giá trị thực, không sống thực, và không dấn thân thì tất cả chỉ là "chém gió".
Vì vậy, người trẻ rất cần xác định được bản thân mình, tìm thấy tôi, tìm thấy giá trị, rồi mới bắt tay vào hành động.
Khi đó, bạn chẳng cần loay hoay đi tìm câu trả lời, loay hoay hỏi tôi phải học gì làm gì nữa, vì bạn đương nhiên biết, như tôi đã luôn biết và dấn thân làm việc, hoạt động không mệt mỏi đó thôi.
Kommentare