top of page

Cuộc đời này đâu có ý nghĩa gì!

Đã cập nhật: 21 thg 3, 2022



Mình không biết đã bao nhiêu lần bật khóc khi nghe một đứa trẻ hay một người trẻ phát biểu như thế, cuộc đời này đâu có ý nghĩa gì. Vì nhiều lý do khác nhau, có khi là do gia đình gãy đổ, có khi do áp lực học tập hay công việc, có khi do kỳ vọng của người xung quanh, có khi do tổn thương từ quan hệ tình cảm nào đó, do mất niềm tin vào một điều gì đó quan trọng trong đời, củng có khi do môi trường xã hội ngày càng tào lao và tệ hại hơn, vv, các em thất vọng, chán nản, từ từ mất đi niềm vui, và rồi có lúc không còn hiểu tại sao mình lại sinh ra và tồn tại trong cuộc đời này. Sau Covid, vấn đề này trở nên ngày càng trầm trọng, leo thang, và khó khăn nhất là, không phải phụ huynh hay người thân nào cũng hiểu, cũng nhận thức, cũng biết cách để giúp đỡ và hỗ trợ các bạn trẻ đang trong tình trạng như thế. Và trong rất nhiều trường hợp, lý do dẫn đến sự trầm trọng này là do mất kết nối với bản thân, với gia đình và thế giới xung quanh.


Đương nhiên, nếu có được sự hỗ trợ chuyên môn từ chuyên viên hay bác sỹ tâm lý thì quá tốt, nhưng đó chưa bao giờ là lựa chọn duy nhất. Trên thực tế, chính sự giúp đỡ, hỗ trợ tận tâm, tích cực của người thân, bạn bè, người xung quanh mới là sự giúp đỡ quan trọng nhất. Tuy nhiên, đừng bao giờ cố gắng chữa bệnh cho các em. Các em chẳng có bệnh gì cả. Các em chỉ cần được trợ lực và niềm tin để tự mình tìm ra nút thắt, tự mình tháo gỡ những nút thắt tâm lý đó và hội nhập trở lại với cuộc sống này. Nhiệm vụ của chúng ta chỉ là ở đó, lắng nghe không phán xét, lắng nghe thấu cảm, chia sẻ trải nghiệm tương đồng để giúp các em mở lòng hơn và chủ động nhờ giúp đỡ khi cần. Để làm được điều này không dễ, vì chính chúng ta, người lớn, những người đã bị thế giới bên ngoài đóng khung, ép vào khuôn khổ, vật vã trong cuộc đời này như một kẻ tù binh, cam chịu sự phán xét của thế giới bên ngoài, chắc gì đã hiểu hai chữ “tự do” và tự do được là chính mình trong thế giới toàn là họ?

Thời mình khác, thời tụi nhỏ khác!


Xưa giờ mình sinh ra, ăn không no mặc không ấm, gia đình chật vật chuyện cơm áo gạo tiền, vừa sinh ra đã phải đấu tranh sinh tồn, nên bằng cách này hay cách khác, mình tự nhiên đã có kháng thể chiến đấu vì sự sống còn, sinh tồn trong cuộc đời này. Cũng vì vậy, mình vượt qua khó khăn thử thách dễ dàng hơn các em. Đối với thế hệ của mình, khó khăn là chuyện đương nhiên, vượt qua là trách nhiệm, đơn giản chỉ vì đó là cuộc sống. Mình sinh ra, ngoài kia thế giới qui định mình phải sống thế này, học thế nọ, nghe lời thế kia, lớn lên phải làm ra tiền, dựng vợ gả chồng như nọ, blah blah blah…. Mình được dạy, cuộc sống phải là như thế, và mình cứ thế cắm đầu làm theo. Vì cuộc sống khó khăn, lo đấu tranh không là hết giờ, nên mình cũng quên hỏi, ủa tại sao mình cứ phải như thế? Ủa tại sao mình cứ phải làm theo thứ thế giới bên ngoài mong muốn? Ủa tại sao mình không được chọn là bản thân mình, làm thứ mình thích, sống cuộc đời mình mong muốn? Ủa tại sao người ta lấy nhau rồi ly dị quá trời, chả hạnh phúc gì hết, mà cứ phải ép mình làm y chẳng như vậy? Ủa nếu mình sinh ra chỉ để lăn lông lốc và chiến đấu phát mệt cả đời thì sinh ra cuối cùng để làm gì? Thời của phụ huynh, mình không có cơ hội để đặt ra những câu hỏi kiểu như vậy, đơn giản vì mình bị quăng ra trận sớm quá và cả đời chỉ biết đánh trận như một người lính, một cách hết sức quán tính, dù chẳng hiểu tại sao.

Nhưng thời tụi nhỏ nó khác!


Tụi nhỏ sinh ra trong thời bình, thời kết nối, thời có quá nhiều không gian thời gian để ngẫm nghĩ về mục đích cuộc sống, thời của đặt dấu chấm hỏi cho tất cả những gì đang hiện hữu, thời của mọi thứ quá nhanh quá nguy hiểm, của những không gian đa chiều, không gian ảo mà người ta có thể bị cuốn vào nhưng không tìm thấy lối ra, vv. Thời thế khác, con người tư duy và vận hành khác. Do đó, có rất nhiều thứ nó work trong thế giới của mình chưa chắc đã “liên quan” trong thế giới của chúng. Có rất nhiều thứ “đúng” trong thời của mình nhưng chưa chắc make sense - có lý trong thời của chúng. Có vô số điều là “đương nhiên” không cần phải đặt câu hỏi trong thời của mình nhưng “tại sao phải thế” trong thời của chúng. Vì vậy, nếu chúng ta không gõ cửa, bước vào thế giới ấy một cách hồn nhiên, với cái đầu mở và trái tim trong veo, có lẽ chúng ta sẽ chẳng bao giờ hiểu điều gì làm các em trăn trở, hoang mang, hào hứng hay sợ hãi. Nếu ta sử dụng thước đo của chính mình để đo đạc giá trị sống của tụi nhỏ, có lẽ kết cục sẽ là một cuộc chiến tranh nóng nảy lửa hay một cuộc chiến tranh lạnh không có hồi kết thúc. Hai thế giới chẳng giao nhau, câu chuyện chẳng thể bắt đầu. Sao phải thế?


Cho nên, có khi mình đừng nên dạy dỗ quá nhiều bằng trải nghiệm quá khứ của chính mình, vì nó không còn liên quan. Đừng hồi xưa ba như thế, mẹ như thế, ngày xưa cơm không có mà ăn giờ sung sướng quá còn kiếm chuyện, bày trò. Đừng áp các em bằng những cái khung đã đè nặng lên cuộc đời mình. Đừng nhốt các em vào những chiếc lồng mà ta mãi chẳng thoát nổi ra. Đừng đặt lên vai các em trách nhiệm phải hoàn thành những thứ mình không cách nào làm được. Đừng cố gắng áp đặt hệ giá trị và niềm tin của mình lên tụi nhỏ. Mình có thể đã không có lựa chọn. Các em có lựa chọn. Hãy cho các em sự tự do mà chúng ta chưa bao giờ có, vì đó là điều tốt đẹp nhất mà bạn có thể làm. Tốt hơn, hãy co-create - cùng khám phá những lựa chọn đó với các em.


Cuối cùng, ý nghĩa cuộc đời bạn là gì? Câu hỏi này có khi bản thân bạn còn trả lời không được. Cho nên, nếu tụi nhỏ có ngẩn ngơ về ý nghĩa cuộc đời của chúng, âu cũng là chuyện bình thường. Có khi, câu hỏi được đặt ra là để kết nối chúng ta lại với nhau, để cả nhà mình cùng dấn thân trên hành trình đi tìm câu trả lời, để rồi chợt nhận ra, có khi hành trình đó chính là câu trả lời cho tất cả….

11.934 lượt xem

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Kiếp tử tế

Và tôi thấy…

TÔI HÌNH GÌ?

bottom of page