top of page

CÁC CON MÌNH CÓ “ỔN” KHÔNG?



Mấy hôm nay, mình liên tục nhận được email và tin nhắn của các bạn trẻ từ lớp 9 đến tân sinh viên tâm sự chủ yếu về sức khoẻ tinh thần. Có em thì gần nửa năm nay mất ngủ phải đi bệnh viện, uống thuốc liên tục nhưng đến giờ cũng không hết mà năm học thì lại đã bắt đầu. Có em thì vì môi trường gia đình toxic - độc hại quá, nhìn mẹ la mắng, tiêu cực hàng ngày khiến bản thân chán nản, chỉ mong hết dịch được đi học lại để bớt phải chịu ảnh hưởng tiêu cực này từ gia đình. Có em thì vào đại học nhưng cảm thấy hoang mang lo lắng không biết lựa chọn của mình có đúng…. Trích vài đoạn cho mọi người đọc sau đây.


“Năm nay con học lớp 11 nhưng mà bây giờ con lại bị mất ngủ ạ. Thật sự là con chả biết làm thế nào vì ngày nào con thức dậy đầu con cũng ê ẩm hết, sau đó thì cứ bị ê một bên đầu hết cả ngày nên con chẳng thể nào học hành nổi ạ! Con bắt đầu bị như này từ năm lớp 10”.


“Em đang sống trong một gia đình, phải nói là rất toxic. Cụ thể hơn là mẹ em, luôn la lớn tiếng, chửi rủa, tiêu cực. Nhìn thấy mẹ dạy đứa em học mà trong lòng em rất tức, ấm ức. Chửi rủa, có khi đánh nó. Năng lượng tiêu cực này ảnh hưởng đến em rất nhiều. Có nhiều lúc tâm trạng em rất tốt, rất vui, rất tích cực. Nhưng chỉ cần một lời lớn tiếng, chửi rủa là một mớ hỗn độn những thứ tiêu cực trong đầu em lúc đó. Những lúc như vậy em rất tức, có khi tức đến phát khóc.”


“Cô ạ bây giờ con cảm thấy rất hoang mang, con không biết liệu con có đang làm đúng với mong muốn của chính bản thân con không. Lúc đầu con rất háo hức để bước chân vào cánh cửa đại học. Nhưng sao bây giờ con như bị vỡ mộng ra vậy.”


"Em chào cô. Em năm nay gần 20 tuổi nhưng phải chịu nhiều tổn thương từ người thân. Em hay bị người thân xúc phạm, dùng những câu từ nặng nề để chỉ trích dù lỗi sai của em rất nhỏ. Em đã góp ý rất chân thành rằng em chỉ muốn được tôn trọng và đối xử bình thường, nhưng người thân của em vẫn coi hành động xúc phạm đó là hợp lí và em nên bị đối xử như vậy vì không làm vừa lòng họ ngay lập tức."

Dù là gì, mình thấy thật thương mấy đứa nhỏ vì các em quá cô đơn. Nhìn trên bề mặt, đại dịch ảnh hưởng đến sinh mạng và kinh tế của mọi gia đình, và sự gánh chịu đến kiệt quệ của người lớn. Nhưng vì quá phải lo cho sự sống còn mang tính vật lý và vật chất của gia đình, nhiều khi người lớn quên mất tụi nhỏ, quên rằng còn một thứ quan trọng không kém bữa cơm manh áo, là sức khoẻ tinh thần. Khi đã mang vào người một căn bệnh về mental health - sức khoẻ tinh thần, thì nó sẽ làm cho các em tật nguyền về tư duy và tâm hồn đến nhiều năm sau nữa, có khi đến hết đời dù triệu chứng bề ngoài đôi khi không nhìn thấy rõ. Chuyện này nghiêm trọng là vậy, nhưng các em lại không có người để tâm sự, để được giúp đỡ và hướng dẫn, mà phải đi nhắn tin cho một người lạ như tôi.


Người lớn, đặc biệt ở Việt Nam, quen sống mày mặt, quen “so con khoe con” nên chỉ nhìn vào những góc phát triển của con khiến cho mình nở mặt nở mày, kiểu học giỏi, thành tích, đa tài, ngoan ngoãn, vâng lời, vv. Đôi khi phụ huynh ép các con học đủ thứ chỉ để thoả mãn cái ego - sự ngã mạn của chính mình. Đôi khi vì thiếu hiểu biết về tương lai nên ép các em vào cái khuôn “người ta sao mình cũng phải y chang như vậy”, vì một tương lai tươi sáng không rõ ràng nào đó. Đôi khi, lo cho tương lai của con, nhưng bản thân cũng bơi trong cái vũng lầy giáo dục và xã hội hiện tại không thoát ra nổi, nên chẳng biết làm gì khác ngoài việc ép con làm những thứ đứa trẻ nào cũng bị ép làm. Không lẽ, mình cứ ép cho đến khi tụi nhỏ bị bệnh tâm thần hết hay sao? Như vậy, có phải là yêu thương? Giờ, cho phép mình đưa ra 3 lý do vì sao các phụ huynh nên dành thời gian lo cho tâm lý, lo cho tư duy và tâm hồn của các em hơn, thay vì chỉ lo ép các em học đủ thứ, thi đủ thứ, làm theo những thứ người lớn cho là đúng.


Ai bắt con học vẹt, học lấy thành tích, học toàn kiến thức lỗi thời và theo cách dạy hiện thời là hại con

Tính mình thẳng thắn, đôi khi nói hơi khó nghe, nhưng mình thật sự đau khi nhận được những tâm sự này của các con. Thế kỷ 21 rồi, thế kỷ của những phát minh khoa học kỹ thuật làm lật nhào mọi ngành nghề truyền thống rồi, sao cứ bắt tụi nhỏ học theo cái cách của 100 năm trước? Đi làm quần quật bỏ tiền ra bắt học thì không tiếc, nhưng sao tiếc thời gian quan tâm, cà phê, tâm sự nhỏ to để hiểu được các con? Nếu nói về sự lỗi thời, phải bắt đầu từ phụ huynh. Nếu phụ huynh còn chưa hiểu về công nghệ, chưa hiểu về cách vận hành của tương lai mới, chưa hiểu về tương lai nghề nghiệp, chưa hiểu về những kỹ năng và phẩm chất người cần thiết cho thế kỷ 21 thì ta dạy cho tụi nhỏ cái gì? Ta ép tụi nhỏ làm những thứ mà bản thân ta không hiểu để làm gì thì ta có quá ác hay không? Thương yêu thật sự, là khi phụ huynh tự mình reset - tái tạo chính bản thân mình để hiểu rõ hơn và cùng đồng hành tìm hiểu tương lai đó với con. Đừng tưởng người lớn là hiểu nhiều hơn, biết nhiều hơn, rồi bắt tụi nhỏ làm theo “ý tưởng” của mình. Trong hiện tại này, đứa nhỏ đứa lớn tụi mình đều “ngố” bằng nhau, vì những cuộc cách mạng đang diễn ra làm thay đổi hoàn cảnh kinh tế, xã hội, thế giới. Làm ơn đi mọi người, xin hãy quan tâm tụi nhỏ nhiều hơn như một người bạn đồng hành. Please - xin đừng ép các con!


Học theo cách cũ là khiến con lỗi thời, không hội nhập được vào tương lai và thế giới

Tôi nói điều này không dưới vài trăm lần tại nhiều kênh, trường học chỉ là 1 kênh, và đối với tôi còn không phải là kênh chính để giúp các con hội nhập. Các con cần được thoải mái tìm hiểu, học từ các khoá học online quốc tế, tham gia các hoạt động sáng tạo, dự án xã hội, dự án startup, hoạt động ngoại khoá ngoài xã hội, làm intern, theo đuổi các sở thích đam mê cá nhân, chơi các môn thể thao nghệ thuật mà các em thích thú, được đi nhiều, gặp gỡ nhiều người, giao lưu với các nền văn hoá khác nhau, vv. Vậy, thế kỷ 21 gọi là học. Nếu sáng tạo, giao tiếp, cộng tác, giải quyết vấn đề là những kỹ năng quan trọng nhất của thế kỷ 21, sẽ giúp cho các em hội nhập tương lai, thì trường học không còn là nơi phụ huynh giao phó các con, đẩy trách nhiệm cho thầy cô trong trường, cho hệ thống giáo dục để rảnh thời gian đi kiếm tiền nữa. Phụ huynh cần đồng hành cùng các con đi tìm, tham gia, thử nghiệm các kênh mới để giúp các con phát huy được tài năng và thế mạnh của mình.


Muốn các con nên “người”, phụ huynh phải rất “người”

Ủa mình bắt tụi nhỏ phải biết thương yêu, chia sẻ, kiên nhẫn, bền bỉ, bao dung, blah blah blah, rồi mình có được như vậy hay chưa? Hay mình la hét, cáu gắt, nổi cơn không kiểm soát được, thiếu quan tâm, bắt ép tụi nhỏ đủ thứ? Sorry nha. Đừng lý thuyết! Tụi nhỏ nó học từ gia đình, từ người lớn, từ những người thân nhất xung quanh. Mình vẽ cái bản sao con người hoàn hảo, xinh đẹp kia và ép nó vô cái khuôn, đó chỉ là hình mẫu mà bạn muốn trở thành nhưng không có cách nào trở thành, nên bạn ép lên tụi nhỏ? Nếu mình không quản trị bản thân mình được, sao bắt tụi nhỏ phải làm được? Nếu mình không bao dung, không lắng nghe, không quan tâm thì sao phải bắt tụi nhỏ quan tâm? Người lớn là tấm gương cho tụi nhỏ soi vào. Mình hành xử sao, tụi nó enter vào tiềm thức, rồi hành xử y chang như vậy. Cho nên, muốn dạy cho tụi nhỏ, thì lo tu sửa bản thân mình trước đã. Mình tốt, tụi nó sẽ học theo đó mà tốt. Đừng hô khẩu hiệu kiểu Việt Nam.

Mình viết những dòng này với cảm xúc rất mạnh mẽ, vì thương các con. Nếu có ngôn từ nào mạo phạm ai, cho mình xin lỗi trước. Nhưng, các con là các con của các bạn, không phải của mình, mà mình quan tâm thế, thì mong là các bạn hiểu cho. Nếu thật sự thương yêu thì dẹp hết cái ego vật vã kia đi, pha ly cà phê ngồi xuống tâm sự chuyện “nỗi lòng” với các con như chúng là người lớn đi, như hai người bạn đi. Lắng nghe không phán xét và cùng các con tìm giải pháp là sự bắt đầu thật sự của những người làm cha mẹ.

3.499 lượt xem

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Kiếp tử tế

Và tôi thấy…

TÔI HÌNH GÌ?

bottom of page