top of page

Có cách nào chữa lành vết thương quá khứ nhanh hơn không?

Đã cập nhật: 3 thg 8, 2021




Em đọc nhiều bài của tôi, rồi nhắn, em bị đủ hết mấy cái mà cô nói, và đã phải vật lộn với cơn trầm cảm. Em hiểu rằng sự kiện quá khứ khiến em lâm vào tình cảnh này là do bạn bè coi thường, người nhà chửi rủa, người ngoài đàm tiếu về gia đình…. Em tập cố gắng lảng tránh cảm xúc tiêu cực (bốc nó bỏ vào cái hộp khoá lại như trong câu chuyện anh Chris của cuốn Tôi đi tìm tôi). Bên trong em, có một cơn giận dữ thiêu đốt như một con quỷ nhưng em cố gắng tỏ ra không bị ảnh hưởng. Và trên hết, bên trong em nung nấu một cơn khát trả thù. Em không kiểm soát được bản thân, có thể suy nghĩ hàng ngày hàng giờ làm sao để khiến họ phải trả giá và đau khổ. Rồi em trách gia đình, trách ba mẹ, ông bà, tự cảm thấy thương hại bản thân. Em mất niềm tin vào tất cả mọi người xung quanh. Em nghi ngờ mọi thứ. Em không muốn như vậy. Mệt lắm. Em hiểu mình cần chữa lành cho bản thân, nhưng hỏi tôi có cách nào rút ngắn thời gian này lại hay không, có cách nào quên đi quá khứ hay không.

Câu chuyện của em, thật ra là câu chuyện của rất nhiều người, nhiều gia đình, của cả một xã hội chưa nhìn ra sự thật nên trùng trùng áp lực của thế hệ này ép lên thế hệ kia. Tất cả chúng ta đều giấu mình, không dám là mình, nhưng lại nhiệt tình soi mói và chỉ trích người khác. Đó là bản chất của con người và chỉ khi chúng ta hiểu rõ bản chất ấy, quay về tập trung vào xây dựng nội lực cho chính mình, ta mới có thể thoát ra khỏi mớ hỗn gọi là xã hội này.

Có cách nào quên đi quá khứ hay không? Câu hỏi mà đời nào thời nào, ai đang vướng vào đau khổ, tuyệt vọng cũng hỏi i sì như vậy. Câu trả lời là không. Quá khứ là một phần tạo nên con người của ta, là một phần hành trình trải nghiệm của ta. Sao lại phải quên đi? Điều bạn cần làm là chấp nhận nó, làm bạn với nó, đối thoại với nó, hiểu tại sao nó xảy ra và nguyên nhân gốc rễ tạo ra nó là gì. Hiểu được gốc rễ của vấn đề mới có thể giải quyết được vấn đề. Nếu gốc rễ là hành vi sai trái của một ai đó, kể cả là người thân nhất trong gia đình như ba mẹ, vợ chồng mình. Hãy rèn luyện sự tha thứ. Hiểu rằng họ cũng chẳng cố ý. Họ cũng là con người như mình, cũng bị ép vào cái khuôn và sống theo sự áp đặt của xã hội, cũng sợ hãi và cố giấu đi con người thật của mình, nên đôi khi nói hay làm những điều tổn thương người khác mà bản thân cũng chẳng hiểu tại sao. Cho đến khi nào bạn tha thứ, chia sẻ về nó một cách công khai mà không còn bị cảm xúc tiêu cực đánh đập thì vết thương đó mới có thể chữa lành.

Tha thứ là môn khó học nhất trên đời, vì nó liên quan đến cơn giận dữ, đến sự bất công, đến khao khát trả thù, đến hơi thở đen tối nhất trong con người ta. Mà cái gì đen tối thì nó sống rất dai và rất mạnh. Cho nên ta cứ phải bình tĩnh đối diện với nó mỗi ngày. Tôi cũng đã học môn này, và có những nỗi đau học 5-6 năm trời mới thoát ra được. Cho nên em ạ, không có cách nào rút ngắn thời gian. Hãy cứ đối diện với vấn đề, đồng hành để đi đến tận cùng của nguyên nhân. Chỉ khi hiểu rõ nguyên nhân, ta mới có thể chữa lành cho bản thân mình được.


Rồi sau đó, là hành trình tập bình thản, thở sâu, kiên định, dũng cảm đối diện với nó mỗi ngày. Ban đầu sẽ rất khủng hoảng, sợ hãi, chỉ muốn chạy trốn, quên đi. Dần dần, khi ta quá trời chai lì rồi thì nó sẽ chịu thua, sẽ ngồi nghe ta, nhìn ta, đối thoại cùng ta. Tuy nhiên, thời gian đầu khi ta chưa đủ nội lực thì ta cần không gian và thời gian riêng tư, tập trung, có sự hướng dẫn. Học thiền là một cách rất hữu hiệu để giúp ta làm được điều này. Nhưng phải cho mình đủ thời gian. Học thiền mà 3 ngày 5 ngày không bao giờ đủ để giải quyết một vấn đề. Thời gian dài ngắn mỗi người sẽ khác nhau. Ví dụ như tôi thì đến ngày thứ 13 mới ngộ ra gốc rễ vấn đề chẳng hạn.

Cho nên, không có cách nào quên đi quá khứ, và cũng không cần và không nên quên. Cái gì xảy ra trong đời sau khi chữa lành cũng trở thành chất liệu quý làm giàu cuộc sống của ta. Nếu không có trải qua, chắc tôi cũng không được như bây giờ và không kiên nhẫn ngồi viết blog chia sẻ thế này. Tôi biết ơn quá khứ, biết ơn những gì mình đã trải qua, và biến nó thành chất liệu tích cực để tạo ra giá trị cho người khác.


Đừng vội vã! Cứ từ từ bình thản đối diện với vấn đề. Không có cách nào nhanh hơn chậm hơn gì hết. Cứ thuận tự nhiên thôi. Đừng tỏ ra rất có chiến lược, kế hoạch hay kiểm soát tâm trí mình. Giải pháp là thả lỏng, tiếp nhận và tương tác một cách tự nhiên, theo nhịp độ cường độ tự nhiên, không cố gắng hay phán xét. Đừng nghĩ về kết quả. Hãy cứ ung dung dành thời gian mỉm cười với nó mỗi ngày. Nếu có thể, hãy làm gì đó giúp cho ai đó mỗi ngày. Giúp người khác cũng là một cách để chữa lành vết thương của chính mình. Rồi một sớm mai dịu dàng nào đó trong đời, bạn bỗng nhẹ tênh….

3.403 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Kiếp tử tế

Và tôi thấy…

TÔI HÌNH GÌ?

bottom of page