top of page

DỄ CHO MÌNH

Ảnh của tác giả: Phi Van NguyenPhi Van Nguyen


Làm việc với nhiều các bạn trẻ tại Việt Nam, tôi thấy có một tư duy rất hại não ăn sâu vào cách suy nghĩ, hành vi, cách giải quyết vấn đề của các bạn, là tư duy “dễ cho mình”.

Khi đưa ra một vấn đề, không cần biết là vấn đề gì, phản ứng đầu tiên là em trả lời rồi, em xử lý rồi, em giải quyết rồi. Ủa giải quyết rồi thì kết quả đâu? Vấn đề chưa được giải quyết thoả đáng thì em làm cái gì rồi? Ngộ ghê! Sao lại có cách tìm đường thoát thân một cách dễ dàng như thế? Đùa cho qua, làm cho có, hất đại cho mọi thứ đừng dính dáng vào mình nữa là xong. Còn vấn đề cần giải quyết nó có được giải quyết không, thì không thèm động não suy nghĩ. Và người mình cần giải quyết vấn đề cho, người ta lâm vào tình trạng và cảm xúc sao, kệ họ. Sao mà vô cảm thế!

Rất nhiều khi, cũng đưa ra giải pháp, nhưng là giải pháp “dễ cho mình, khó cho ai kệ”. Cái gì tiện cho mình thì mình làm. Cái gì khỏe thân, làm được ngay, nhanh, dễ, có sẵn trước mặt thì làm. Làm vậy người ta có xài được không, có gặp khó khăn không, có bực mình vì cách giải quyết quá tào lao và vô cảm không, kệ! Không thèm nghĩ tới luôn. Không thèm nghĩ, hay làm biếng không nghĩ, hay không có khả năng tư duy suy nghĩ, hay làm đại qua được cho qua, không qua được tính tiếp? Thái độ cẩu thả, qua loa, lười biếng, hời hợt, không hề biết nghĩ đến ai khác, chính là lý do hại bản thân, hại tổ chức, hại quốc gia này.

Cũng rất nhiều khi, chắc nhờ cách giáo dục học thuộc lòng, giải bài mẫu, thi kiểu gì thành tích cũng phấp phới, nên người trẻ trở nên nông cạn, hời hợt, vớt được cái gì trên bề mặt vừa nhanh vừa kiếm chác được là hớt ngay. Vấn đề Grass-root - gốc rễ căn cơ là gì, không hề bận tâm suy nghĩ. Giải quyết đối với các bạn, là đối phó, là nhìn trên bề mặt cho xong, cho người ta tưởng xong là được. Thái độ nghiên cứu, tìm hiểu, tư suy, suy nghĩ cho nó tận gốc rễ của vấn đề để giải quyết nó một cách nền tảng nhất, hoàn thiện nhất, không cho nó tái đi tái lại, là chuyện Don Quixote và chiếc cối xay gió. Xã hội này dạy con người trở nên quá nhanh, quá tức thời, nên thành ra cũng quá hời hợt, quá nông cạn, quá lưu manh vặt. Mà để được cái gì cơ chứ? Không có một sự cẩu thả nào đùa qua hoài được. Trước sau gì người ta cũng nhận ra, cũng nổi cơn, cũng làm lớn chuyện thôi mà. Hơn hớt chi để rồi chuyện nhỏ thành to, chuyện hay thành dở, chuyện vui thành mới bòng bong gỡ đến mà trầm cảm mới thôi? Chi vậy? Có mất gì của ai đâu? Sao không để tâm vào một chút? Sao không nghĩ cho người sử dụng, người nhận lãnh kết quả của vấn đề một chút? Sao không động chút não, dành chút quan tâm? Có mất gì của ai đâu? Mà được thì vô hạn.

Cuối cùng, người như thế sẽ chẳng bao giờ tới đâu trong cuộc đời này. Kiểu đó, đồng nghiệp người ta coi thường, sếp không buồn đánh giá ngay từ vòng loại, và cả đời làm gì cũng sẽ chẳng thành công. Làm hời hợt thì kết quả hời hợt. Tâm vô cảm thì làm ra toàn những thứ vô cảm chẳng thuyết phục được ai. Làm biếng suy nghĩ, làm qua loa cho xong thì người đời quay lưng, chán nản. Đừng hỏi vì sao mình làm hoài không được ai trọng dụng. Đừng cào cấu kiếm tìm ba cách năm điều để vươn tới thành công. Người thành công, là người để hết cái tâm vào deliver results - tạo ra kết quả vượt ngoài mong đợi của bất kỳ ai, dù là đồng nghiệp, là sếp, hay là người sử dụng cuối cùng nào đó. Không phải chỉ trong công việc, người thành công là người làm gì, dù là việc cộng đồng, việc không ai nhờ, việc nhỏ việc to cho bất kỳ ai trong đời, cũng nghĩ cho người khác, bắt đầu từ mong muốn những điểu tốt nhất cho người khác, và không ngừng trăn trở, suy tư, nghĩ ngợi trăm phương ngàn cách để thực hiện điều tốt đẹp ấy.

Vậy thôi đó, nếu bạn muốn thành công. Không thì, cứ ở đó quơ quào theo cách dễ cho mình, rồi tự trách đời sao bèo dạt mây trôi, sao bản thân dập dềnh mãi ở chợ đời mà không ai thèm ngó.

3.420 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

BỊ “ĐÌ”

Comments


bottom of page