top of page

EM GÁI GÒ CÔNG HỌ NGUYỄN



Mình gọi anh là đại ca. Cũng chẳng hiểu bắt đầu tự bao giờ cứ đầu mở miệng là đại ca. Mà cũng nghiệt ngã lắm. Gọi chị là chị. Gọi con hai anh chị là em. Rồi gọi anh là đại ca. Gia đình gì loạn luân ghê. Xưng hô tán loạn hông có miếng tôn ti trật tự gì.

Ủa, mà mình gặp anh tính ra chỉ được có 2 lần. Nghe nhiều người nói về anh lắm, từ chị, từ Tèo, và từ những người bạn làm báo mà mình quen biết. Mỗi người nói về anh một kiểu. Mỗi người kể về anh từ một góc chạm rất cá nhân. Có điều, ai cũng kết lại câu chuyện của họ với anh bằng câu, “Ông già rộng lượng và tốt bụng!”

Có bao nhiêu cách để nói về sự rộng lượng? Có bao nhiêu từ để mô tả ai đó tốt bụng, dễ thương? Không biết nữa. Mỗi người một cách thôi. Ta đi qua đời nhau, đọng lại ở cuối đời, cũng chỉ là vài ba từ mộc mạc, giản đơn, chạm sâu vào trái tim và ký ức. Nhưng đó là người ta! Phi Vân không tả thế. Mà Phi Vân không biết tả sao, không biết phải dùng từ ngữ gì, dù hồi xưa đi học điểm văn cũng không phải là dạng tệ. Lớp 5 văn điểm tối đa, nhờ tả cô giáo như cô tiên. Mấy chục năm sau gặp lại cô giáo ở Cali, trong một siêu thị người Việt, cô nhắc, “Trời ơi Phi Vân tả cô giáo gì như chuyện thần thoại, nghe muốn xỉu.” Vậy, mà giờ hỏi đại ca là người thế nào, mình lặng thinh tìm hoài không ra từ để nói.

Có lẽ, không phải mình không muốn tả. Mà là mình muốn giữ riêng cho mình những cảm xúc vẹn nguyên trong hai lần quá ít ỏi được gặp anh. Lần đầu, là Tết ghé thăm. Hồi đó đại ca còn khoẻ. “Chời ơi cây khế quá trời trái nhìn ngon quá!” Mà cây khế nhà mình xịn thiệt. Trái vàng ươm, trĩu cành. Nghe em gái Gò Công khen vậy, đại ca bèn bắt cái ghế đẩu ra, leo lên hái khế cho nó. Nhìn đại ca đứng trên cái ghế chập chênh, mình tự rủa mình, trời nói chi để ông già phải cực.

“Trái này to nè Phi Vân!”

“Dạ ngon dữ luôn”

“Nè, nữa nè!”

“Dạ thôi nhiều quá rồi. Đại ca xuống đi. Đừng hái nữa.”

“Lâu lâu em gái Gò Công qua. Hái nhiều chút.”

Chẳng bao lâu, đã là một rổ khế. Mình và anh cùng quê Gò Công, nên hay nhắc Gò Công, bánh giá, nhắc mắm, nhắc chợ quê, nhắc đủ thứ Gò Công. Có lẽ, dù rong ruổi qua bao nẻo cuộc đời, người ta cuối cùng cũng chỉ nhớ vài ba ký ức miền quê trong trẻo.

“Biết gọt hôn?”

Haha…. Đại ca nghĩ, em gái Gò Công đi ta bà khắp nơi trên thế giới, làm đủ thứ chuyện nhưng hông biết gọt khế. Nghĩ vậy, chưa kịp trả lời trả vốn, đại ca đã gọi với vào, “Lấy cây dao gọt khế cho Phi Vân.”

Bữa đó, mình ăn cơm nhà với đại ca. Câu chuyện vuông tròn về sách mình viết, chuyện mình làm, cách mình nghĩ, và chuyện về quê ngày Tết. Hồi đó, là lúc mới ra cuốn “Tôi, Tương lai, và Thế giới”. Tết ở nhà đại ca đọc hết, rồi nói “Thế giới thay đổi ghê thiệt. Ai mà không cập nhật không biết sao theo kịp.”

Trước Tết, gởi chị cuốn sách tặng đại ca, đại ca đăng Facebook vầy:

15/30.1.2019

Quà Xuân

Những người già hưởng Tết cũng chút chút hương hoa ,chớ ăn uống được mấy. Cho nên tui mừng được anh em bè bạn biếu cho (có chữ ký đàng hoàng nghen ) mấy cuốn sách mới ra lò. Gs Chấn Hùng biếu cuốn Nguyễn Hiến Lê - Con người & tác phẩm; Nhà quản lý trẻ Nguyễn Phi Vân cô gái xứ Gò Công quê tui tặng cuốn Tôi ,tương lai và thế giới : đồng nghiệp làm báo với tui nửa thế kỷ qua Trần Thanh Phương biếu cuốn Chuyện 12 con giáp mới in còn thơm mùi mực, và bà cụ sống cùng nhà vừa kiếm đâu ra cuốn Người xưa cảnh tỉnh của Vương Trí Nhàn và Trần Văn Chánh ..Thế là đủ "no" mấy ngày Tết .Thôi thì để trí óc đừng xơ cứng, mình không đi thực tế được thì học qua sách báo ...cũng là cách rèn tư duy, mà Cụ Phan Chu Trinh gọi là chấn dân khí đó. Đọc sách không bổ bề ngang cũng bổ bề dọc mà, có chết ai đâu hén? Cũng mừng là mấy ngày qua, bà con lai rai chúc Tết chủ yếu chúc tui khỏe, thiệt cảm động và biết ơn .Tui hứa sẽ đọc kỹ mấy món quà quý này. Trân trọng cảm ơn tám lòng tốt của các bạn, chúc mọi người an lành hạnh phúc trong năm mới Kỷ Hợi .KP.

Haha…. Đại ca gọi mình là nhà quản lý trẻ. Sướng ghê! Em gái mà, U50 trong mắt đại ca là vẫn trẻ. Mình đi, bao la năm châu bốn bể, đậu vào những khách sạn 5 sao sang trọng, nhưng chảy nước mắt, khi ăn bữa cơm gia đình, khi đại ca gắp cho khúc cá, đũa rau. Vậy thôi! Nước mắc chảy ra. Cảm xúc căng cứng đỉnh đầu. Bữa đó cũng thế. Hôm nay ngồi viết lại vẫn thế. Làm sao tả?

Ăn cơm xong, là canh trà. Đại ca ngồi kể mình nghe cảm nhận của anh về cuốn “Người xưa cảnh tỉnh” của Vương Trí Nhàn.

“Hay vậy. Để em đi tìm đọc.”

“Tìm gì. Anh đưa cho.”

Nói vậy, rồi tức khắc lên lầu lấy cuốn sách đưa cho cô em. Mình đâu ngờ, đó là kỷ niệm duy nhất mình còn giữ lại về anh, ngoài những trái khế vàng ươm miền ký ức.

“Thôi anh mệt rồi. Anh đi nghỉ hen. Em nhớ giữ gìn sức khoẻ. Viết sách nhiều vô để cứu được nhiều người.”

Anh mệt rồi. Hồi đó anh đã ngã bệnh. Mình không nhắc, mà chỉ hỏi qua chị, qua Tèo, đại ca sao rồi, đại ca sao rồi. Hỏi cho biết vậy thôi, chớ cũng không giúp được gì. Mà cứ nhớ. Nhớ câu chuyện không dài, nhưng ở một tầng rất khác. Ông già ở nhà, chẳng mấy khi ra ngõ, nhưng tâm thì, vẫn đau đáu giữa cuộc đời….

Bữa cơm thứ 2 ở nhà, đại ca không khoẻ, nên chuyện muốn dài mà vẫn cứ ngắn hơn. Thấy đại ca không khoẻ, mình xin về sớm cho đại ca nghỉ ngơi. Trước khi về, đại ca dặn, “Em coi chừng thằng Tèo giùm anh.” “Em coi chừng thằng Tèo giùm anh”, là câu giã từ của đại ca với em gái Gò Công. Thằng Tèo nó đâu cần em coi chừng. Nó lớn rồi, và cuộc đời sẽ dạy nó trưởng thành hơn. “Coi chừng” là cách đại ca kết nạp em vô gia đình, coi em như đứa em gái tin cậy được. Rồi đại ca đi.

Em không biết phải nghĩ sao, làm sao. Em nhớ cây khế. Nhớ cách anh với tay hái cho em trái khế to nhất, chín nhất. Nhớ đũa rau, khúc cá. Nhớ cách anh cười khi kể sách em viết đọc mệt quá. Hai anh em cười ha hả, mà ưu tư lắng trong tách trà thơm. Hồi em ra cuốn sách tiếp theo, anh không kịp đọc. Chị gởi qua cho em hộp trà Ô long loại thượng hạng, nói của anh thưởng cho em gái vì đã ra thêm một tác phẩm hay. Anh chưa đọc mà, sao biết hay? Hay anh chỉ biết rằng, Phi Vân, đứa em mình nó viết thì tâm nó đặt ở đâu, nên chắc là phải hay. Hay, là cách anh hiểu em. Không nói, nhưng tâm ở giữa chợ đời.

Em không biết tả sao, và cũng sẽ không bao giờ tả được đại ca mình. Đời này, em chưa bao giờ ích kỷ với ai. Nhưng xin cho em một lần, được giữ riêng cho mình những ký ức về anh. Ký ức lặng im, không màu, giản đơn như cành khế, hộp trà, nhưng bao la như hai tâm hồn ưu tư gặp nhau, giữa xã hội lành ít dữ nhiều, giữa thế gian thênh thang nhưng không dễ tìm ra một nơi nương tựa. Em đến, vẫn dạ thưa đại ca em mới đến. Em đi, vẫn dạ thưa đại ca em dìa. Anh vẫn đó, trong ký ức nương tựa của em, để giữ mình, dặn mình, tâm giữa chợ đời, nhưng lòng vẫn bình an, không gợn sóng.

16/29.1.

Cảm Xuân

Tết gõ cửa mọi nhà ai nấy chộn rộn, hối hả. Còn tui, tui nằm nhà và đọc 2 tác giả họ Nguyễn: Nguyễn Hiến Lê và Nguyễn Phi vân, hai con người cách nhau cả vòng trái đất. Đọc mệt nhưng thú vị, vì càng đọc càng thấy mình dốt quá. Tết thế mà vui, nhờ sách hay chớ không phải mấy thứ kinh điển cổ lỗ mà người đời quăng vô sọt rác từ khuya. Vui vì thấy mình ngu dốt trước thế giới bao la về tri thức mà mình không đóng cái đầu mình lại. Đọc để mở mang đầu óc chút nào hay chút nấy. Tết tui là vậy, cố nhiên có dành thời gian về quê và vui vẻ bên gia đình. Chúc bạn bè gần xa một cái tết an lành, đầm ấm bên gia đình và thành đạt trong cuộc sống. 3 Phước.

Dạ, đại ca. Còn em chúc anh luôn an lành, trên hành trình tiếp nối.

Em gái Gò Công họ Nguyễn

1.541 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Kiếp tử tế

Và tôi thấy…

TÔI HÌNH GÌ?

bottom of page