top of page

EM KHÔNG BIẾT MÌNH NÊN CỐ GẮNG CÁI GÌ?



Đây là câu hỏi của một bạn trẻ mới tốt nghiệp đại học và bắt đầu công việc đầu tiên trong đời, và công việc đó, như 90% các bạn trẻ ra trường, là trái nghề. Do đó, có lẽ cuộc sống mới, môi trướng mới, ngành nghề không liên quan đầy cái mới là những lý do bất định tạo ra nỗi sợ hãi. Và em, không phải là duy nhất. Tôi không biết mình đã trả lời cho bao nhiêu bạn trẻ những câu hỏi tương tự như thế, “em không biết phải làm sao, bắt đầu từ đâu, nên tiếp tục thế nào….”


“Bước vào cuộc sống mới, con đang bị lo sợ đủ điều, thấy mọi người xung quanh mình đang quá thành công và họ đang cố gắng từng ngày, còn con chẳng biết nên cố gắng cái gì.”


Đọc câu hỏi mà thấy đau nơi lồng ngực, “còn con chẳng biết nên cố gắng cái gì”. Đó là cái cách mà xã hội chúng ta đang tạo ra những thế hệ tiếp nối, học rất nhiều, học đủ thứ kiến thức, nhưng hoàn toàn mất phương hướng, không có khả năng lèo lái chính cuộc đời và bản thân mình. Khi sự học không bắt đầu từ cách tiếp cận tư duy hệ thống, từ khả năng tự nhận thức, suy nghĩ, phản biện, giải quyết vấn đề thì có học bao nhiêu kiến thức cũng chỉ là một mớ thông tin hỗn độn, như đám sương mù khiến con người càng lạc hướng thêm thôi. Nếu thế thì phải chăng 12 năm phổ thông và 4 năm đại học cuối cùng chỉ là làm cho xong một thứ không hiểu tại sao mình lại phải làm?

Đã từ bao giờ, chúng ta cứ cắm đầu làm đúng những thứ mà người đi trước đã làm, theo cái cách mà người đi trước nữa đã làm. Rồi cứ như thế, đời này sang đời khác, cái đầu mới canh i sì theo cái đuôi cũ mà đi. Có bao giờ chúng ta đặt câu hỏi why - tại sao họ lại làm như thế? Có phải đó chỉ là cách họ giải quyết tạm thời cho hoàn cảnh khó khăn, giới hạn nào đó của họ không? Rồi mình có còn những khó khăn, giới hạn đó hay không? Rồi thời thế của mình có còn giống như thời thế của họ hay không? Rồi cách làm cũ có còn “liên quan” đến hiện tại mới hay không? Rồi kết quả của cách vận hành đó là gì? Nếu kết quả là một lô những người trẻ “em không biết mình nên cố gắng gì” thì mình có nên nghĩ lại về cách tiếp cận giáo dục hay không? Mình có nên tiếp tục phí thời gian và công sức của tất cả những người đang tham gia vào một hệ thống khổng lồ để tạo ra những con người “không biết phải làm sao” hay không? Nếu có thể đặt câu hỏi, chắc mình sẽ đặt câu hỏi cho đến khi ai đó gục ngã. Mà thôi, mỗi người chắc phải quay về lo chuyện của mình, còn chuyện nền tảng thì “đúng qui trình” nó thế.


Nếu có thể nói một điều công bằng cho các bạn trẻ, mình sẽ khuyên các bạn bớt học trong trường lại, dành thời gian học từ nhiều kênh khác, đặc biệt là những kênh hướng dẫn về tư duy, kỹ năng, khả năng, dành thời gian tham gia nhiều hoạt động xã hội hơn, dành thời gian dấn thân vào làm intern cho các dự án, xông pha tìm kiếm cơ hội làm việc để học hỏi thêm từ môi trường thực tế. Thời này mà cứ cắm đầu ngoan ngoãn học trong trường để có điểm cao khả năng rất cao sẽ tham gia đội “em không biết mình nên cố gắng cái gì.”


Với các phụ huynh, mình xin các anh chị nên dành thời gian tìm hiểu về tương lai, để biết nơi các con bước vào nó sẽ ra sao, để biết trong hiện tại các con cần gì khác ngoài chuyện phó thác cho trường học. Nếu có thể, hãy dừng chuyện cái đầu này cắm vào cái đuôi nọ i sì như cũ, vì tương lai bất định phía trước là một thế giới lạ lẫm mà chính phụ huynh còn chưa biết cách lèo lái, nói gì đến các em. Vì vậy, học là học cùng nhau, phát triển cùng nhau, brainstorm về tương lai cùng nhau, dấn thân vào tương lai đó cùng nhau. You don’t have to know everything - mình không cần tỏ ra là phụ huynh thì mình biết hết, và định hướng của mình là đúng hết. Làm gì có! Tôi dấn thân vào tương lai nhiều thế còn không biết, và hàng ngày vẫn cùng con gái của mình brainstorm về tương lai, cùng đưa ra quyết định như một team, cùng pilot - thử nghiệm và hiệu chỉnh cơ mà.


Với các trường học, thôi thì nếu có thể làm gì khác đi ngoài “qui trình” cho các học sinh của mình, tôi mong các trường sẽ tạo ra thêm nhiều dự án, hoạt động cho các em được tham gia rèn luyện kỹ năng qua thực tế. Nên liên kết với thế giới bên ngoài để tạo cho các em thêm cơ hội được làm intern, thực tập sinh trong môi trường làm việc thực tế. Có khi thay vì 100% các khoá lý thuyết thì giảm xuống còn 1/3 thôi, thêm 1/3 rèn luyện kỹ năng qua dự án và hoạt động, thêm 1/3 thực tập trong môi trường làm việc để các em hội nhập và lớn nhanh hơn. Được vậy, thì đã có công bắt một cây cầu qua đoạn sông hoang mang mà các em bình thường phải tự bơi sau khi ra trường. Nếu học của thế kỷ 21 là học qua dự án, learning by doing - học là làm thì mong các trường sẽ cho các em được “làm” nhiều hơn nữa.


Nếu có thể bắt đầu từ thực tế “em không biết mình nên cố gắng gì”, chấp nhận thực tế đang là như thế, rồi đưa cho người trẻ công cụ mới để giải quyết vấn đề, tôi tin là các em sẽ tự thân vận động hơn, bớt phụ thuộc vào “chỉ thị” chỉ đâu làm đó hơn, biết cách quản thân và cuộc đời hơn, và vì vậy sẽ bớt có nhiều em đứng giữa dòng đời, hỏi mình phải làm gì tiếp nữa.

5.352 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page