Bạn nhắn cho tôi một tin nhắn rất dài bằng audio, kể hoàn cảnh của mình, và khóc….
Cũng như mọi gia đình cơ bản khác, bạn được học hành tử tế, tốt nghiệp đại học, rồi đi làm loanh quanh vài công việc nhẹ nhàng trong khi tiếp tục học lên cao học. Sau một thời gian, trong khi vẫn còn đang học tiếp, thì bạn bè đã ra trường đi làm hết, có cuộc sống ổn định và thăng tiến như bao người bình thường khác trong xã hội. Bạn thì vẫn loanh quanh đi học, không có công việc gì ổn định, không có định hướng sự nghiệp gì rõ ràng, không có bất kỳ một sự “tiến hoá” nào so với những ngày còn trong trường đại học. Rồi bạn cảm thấy mình thật là thất bại, thật là lập dị, thật là chẳng ra gì vì chẳng giống ai và chẳng bằng ai.
Đó là một trong những câu chuyện mà tôi đã từng nghe về cái gọi là dán nhãn “thất bại” lên bản thân. Đây không phải là hoàn cảnh duy nhất. Có rất nhiều câu chuyện và hoàn cảnh khác. Cũng vì đưa ra một lựa chọn nào đó trong đời và lựa chọn đó có thể sai, có thể không giống ai, có thể tự làm khó cho bản thân, có thể quá thử thách hay quá dài để bản thân có thể đủ nhẫn nại giữ cho mình còn lửa. Lý do dù là gì đi chăng nữa, thực tại là bản thân đang rối, đang hoang mang, đang vô định, đang bất lực và có phần tuyệt vọng vì cảm thấy mình vô cùng thất bại, vô cùng mất mặt với thế giới bên ngoài, vô cùng cạn kiệt về tinh thần và thể xác, vô cùng sợ hãi phải đối diện với cái mác “không ra gì” hay “không ra hồn” mà bản thân hoặc người khác gán lên mình. Cũng có khi, chính sự sợ hãi khiến cho mình tưởng tượng ra là như vậy chứ cũng chẳng ai bận tâm mà nghĩ như thế cả.
Sự sợ hãi không được là “hình tượng hoàn hảo” hay “thành công” theo định nghĩa của xã hội là nguyên nhân đẩy con người vào vùng thêu dệt. Càng sợ hãi, người ta càng tự thêu dệt ra nhiều lý do khiến mình “không ra gì”, rồi tự hù doạ bản thân, tự xúc phạm bản thân, tự hành hạ và tấn công bản thân. Sự cạn kiệt đến từ đó, từ việc bạn tự kết tội và phán quyết bản thân, hận thù bản thân, ghét cay ghét đắng bản thân vì mình “không ra gì”. Cho nên, nếu bạn đang ở trong trạng thái và tình huống tương tự, có lẽ bạn cần phải chiến đấu với chính bản thân mình để thoát ra. Và chỉ khi bạn bắt đầu cuộc nội chiến này thì sự “không ra gì” nó mới có thể đầu hàng và bỏ đi. Bằng không, nó sẽ theo ám bạn suốt đời, khiến cho bạn tin rằng mình không ra gì, khiến cho bạn chắc chắn về sự thật được thêu dệt của chuyện bạn không ra gì, khiến cho bạn give up - tự nguyện bỏ cuộc một cách dễ dàng, thiếu cân nhắc. But why? Nhưng tại sao lại phải như thế chứ?
Chọn sai chọn lại mấy hồi
Có người, do đưa ra một lựa chọn hay quyết định sai nào đó trong đời, xong cứ bám lấy nó vì không thể cam chịu cái mác “thất bại” mà làm hoài, làm hoài, làm cho đến khi thân tàn trí lụi mà vẫn cứ cố chấp. Ủa, ai bắt bạn phải thế? Thứ gì mà nó không vui, nó hành hạ cho bạn tàn tạ, nó khiến cho bạn cạn kiệt tinh thần thì nó sai rồi. Mà đời này có ai không nhiều lần sai? Có phải thánh đâu mà làm gì cũng đúng? Cho nên, chọn sai thì chọn lại, làm sai thì sửa lại, quyết định không đúng thì quyết định lại thôi chứ có gì đâu mà khó. Chỉ có bản thân mình trói mình giam mình trong cái nhà giam mặt mày là ta phải đúng, chớ đời này ai cũng bận rộn hết, đâu có ai rảnh mà ngồi theo dõi xem bạn đúng hay sai. Chọn sai thì chọn lại mấy hồi. Chỉ là góc nhìn khác thôi. Ăn thua là bạn phải vui vẻ, hạnh phúc, đầy năng lượng với lựa chọn của mình. Còn khi đã lao xuống dốc thì lập tức phanh lại và đổi hướng đi chớ. Còn chần chờ gì nữa?
Cởi bỏ nút thắt quá khứ
Cũng có người làm gì làm, cũng chỉ là loanh quanh trên bề mặt. Đôi khi, bạn đã trải qua những sự kiện, những nỗi đau hay ký ức đen tối nào đó trong quá khứ và nó khiến cho bạn cảm thấy bản thân luôn là người thất bại, không có năng lực, không ra gì…. Đây là những nút thắt quá khứ đã được hình thành trên hành trình bạn sinh ra và lớn lên, và chúng chỉ là sự sai lầm hay vô ý của tâm thức thôi. Ấy vậy mà chỉ vì mình không nhận ra, những nút thắt này cứ như vậy lớn lên theo thời gian, và trở thành khối u đầu não. Cứ mỗi khi bạn muốn làm gì, nó lại vác kèn vác trống ra la làng, rằng “mày là đứa thất bại, mày là đứa chẳng ra gì. Bỏ cuộc đi thôi.” Và thế là, bạn lập tức buông vũ khí xuống và bỏ chạy, vì cái giọng nói trong đầu bạn nó bảo thế, nó khuyến khích thế, nó khẳng định thế. Bạn không còn là mình, vì bạn đã bị kiểm soát bởi khối u đầu não kia. Mỗi khi nó thắng, sức mạnh của nó lại nhân lên, nhân lên. Nếu cứ đề như vậy hoài, có ngày nó sẽ trở thành ông chủ, bạn trở thành đầy tớ chỉ biết tuân theo răm rắp. Bạn sẽ hoặc là sống cả cuộc đời còn lại với chức danh nô lệ, hoặc là bạn tự kết thúc hành trình kiệt quệ này….
Ủa, nút thắt sinh ra vì một sự kiện hay hoàn cảnh nào đó thì nó chỉ là dữ liệu thôi mà. Sao ta lại cho nó cái quyền take over - xâm chiếm cuộc đời và linh hồn mình, rồi nghiễm nhiên trở thành tên cầm quyền độc tài thế kia? Ai cho phép nó làm như thế? Cuộc đời này là cuộc đời của chính mình. Quyền tự do và hạnh phúc là quyền cơ bản của mỗi con người. Lựa chọn làm gì là lựa chọn của cá nhân. Liên quan gì tới ba cái nút thắt “ý lộn quên làm lại” kia? Tào lao thật! Nếu ở trong hoàn cảnh này, thì lo mà di chuyển vào bên trong, tìm cái chỗ và cái thời nó tạo ra nút thắt lộn chuồng kia, rồi lập tức cởi nó ra. Đừng cho phép nó auto dẫn dắt tư duy, suy nghĩ và tinh thần của mình nữa chứ.
Stop ngay chuyện xây dựng hình tượng xã hội
Trời ơi khổ lắm. Sinh ra cái, bị úp nguyên cái sọt “hình tượng chuẩn” của xã hội lên đầu. Xong, cả đời cứ ôm cái sọt mà chạy. Vừa sợ nó rớt xuống, bắn tung toé, vừa sợ mình không đủ chuyên nghiệp để giữ lấy nó, vừa buồn vì mình cứ phải ôm cái sọt mà chạy, chạy hoài, chạy muốn gục ngã vẫn chẳng có ai hiểu cho…. Haizz, thế giới và xã hội bên ngoài hay ghê. Chỉ vì muốn chồng từng viên gạch y chang như nhau lên trên tường mà sinh ra cả hệ thống để qui định và kiểm soát chất lượng. Viên gạch nào khác một tẹo là bị xử ngay, xử cho tới chết để làm gương cho kẻ khác. Riết rồi, con người ai cũng thành con cừu, cứ canh đuôi đứa trước mà be he. Không dám trở thành mình. Không dám là mình. Không dám tỏ ra khác biệt vì sợ bị phong sát. Cả đời chỉ học thêm các kỹ năng lẫn vào đám đông, xếp hàng ngay ngắn, càng phổ thông và “đúng chuẩn” càng an toàn. Còn lại, khi chỉ có một mình trong một góc tối chui nhủi nào đó, người ta mới dám sống….
Ủa, mà ai có quyền bắt bạn phải ôm cái sọt mà chạy? Nếu bạn bỏ cái sọt xuống thì sao? Nếu bạn không thèm nhấc cái sọt lên thì sao? Làm gì chỉ có 1 cách để giải quyết một vấn đề nào đó. Hình với chả tượng. Tào lao chết! Đời chỉ có vài chục năm. Rồi đứa nào cũng phải check out. Tự nhiên sinh ra chỉ để ôm cái sọt chạy, tới nơi bỏ hết lại ra đi, sống không có một miếng ý nghĩa nào, chết thì tỷ đứa cũng như nhau. Sao phải vậy? Thôi, dẹp ngay cái chuyện xây dựng hình tượng xã hội tội nghiệp kia đi. Cứ là mình. Thích gì làm đó. Không thích nữa thì buông ra. Chọn sai chọn lại. Ăn thua là phải vui, phải hạnh phúc, phải đã đời trong vài ba năm giới hạn trên cái trần gian phiền phức này. Không thì sinh ra để làm chi vậy?
Không có ai là không ra gì. Chỉ có người tự hành hạ, dán nhãn bản thân rồi tự lăn ra đau khổ mà thôi. Đừng khóc nữa. Đứng lên giật lại cuộc đời và chủ quyền của mình đi. Nó luôn là của bạn đó. Rồi thích làm gì thì đi làm liền đi. Dẹp hết mấy thứ sợ hãi tào lao nó đang trù dập, đeo bám mình. Tất cả chỉ là bong bóng mà thôi. Mình muốn thì mình pop, nó sẽ vỡ tan và biến mất.
Commentaires