top of page

Em không biết phải nói sao với ba má mình



Nghĩ cũng kỳ, một người dưng xa lạ như mình mà tiếp nhận không biết bao nhiêu là lời tâm sự của các bạn trẻ đổ về từ tất cả mọi miền, và chắc phải hơn 50% trong số đó là hỏi ý kiến làm sao để đối phó với phụ huynh. Trời ơi! Thiệt tình các phụ huynh mà biết chắc cháu tui không còn manh giáp vì cái tội xía vô chuyện nhà người ta. Nhưng hôm nay cho mình thanh minh chút nha, khi các con mình tụi nó không dám, không thể, không biết phải làm sao để chia sẻ một chuyện gì đó với mình thì có khi mình nên coi lại cái cách làm cha mẹ. Sorry là mình nói có hơi thẳng quá, nhưng quan hệ thân thiết tới như vậy giữa cha mẹ và con cái mà, có thứ gì mà tới nỗi không nói được? Tại sao các con không dám nói, không thể nói, không muốn nói? Lý do mà mình nhận được thì nhiều lắm. Kể vài lý do cho phụ huynh nghe chơi nha.


Một là, và top các lý do là, ba má em thuộc thế hệ trước, cách nghĩ cách sống khác nên nói ra không những không hiểu mà còn đem chuyện em vừa nói ra chỉ trích, phê phán, la mắng. Mình nói ra là để ba má cảm thông chia sẻ. Ai dè nói xong còn ăn gậy. Riết rồi thôi không nói nữa cho nó lành.


Hai là, họ sống mặt mày quá, toàn đem con qua so nhà hàng xóm. Thành công là phải thế này, giỏi giang là phải như kia, đỗ trường này, bằng cấp nọ, làm chức kia, nhà cửa xe cộ rần rần như nhà bà kia ông nọ…. Ủa, mình sống là để cho mình hài lòng, mình vui, mình hạnh phúc, hay mình sống là để dệt bao bì từ ngày này qua tháng nọ cho người đời họ xem? Nếu sống mà chỉ canh vào sự so sánh hơn thua với người nọ kẻ kia, biết bao giờ mình hạnh phúc? Mà tại sao ba má không tự làm tự so sánh đi, ép lên vai em làm gì? Riết rồi, em thôi không muốn về nhà nữa, không muốn chia sẻ nữa, không muốn bị mang ra so sánh nữa.


Ba là, ba mình mà như chính phủ độc đoán, muốn con làm sao là phải làm y như vậy, lệch một chút là giận dữ, la mắng. Mà không những chỉ la mắng một mình em thôi cũng không sao, đổ cơn lên cả những người khác trong nhà, làm em hại lây cả mẹ phải ăn chửi. Em sợ lắm, không phải sợ cho mình, mà sợ và tôi nghiệp cho mẹ mình hoạ vô đơn chí. Người gì mà không quản trị được cơn giận, quản trị được cảm xúc leo thang của chính mình. Bản thân không quản trị được bản thân vậy, mà dạy mình phải này nọ là sao? Em sợ lắm, nên thôi tuyệt đối không chia sẻ gì.


Và còn rất rất nhiều lý do đủ thứ màu sắc phong vị khác nữa, nhưng không lẽ mình ngồi đây kể kể tới chiều? Nên thôi, giờ nói chuyện giữa phụ huynh với nhau chút, nhân danh người đã lắng nghe trong suốt những năm qua.


Thiệt tình thì tất cả chúng ta cũng chỉ là nạn nhân của một hệ thống tự động hoá mà thôi. Sinh ra, lớn lên, ba má và gia đình xử vậy, xã hội xử vậy, trường lớp xử vậy, đời nó đối đãi vậy, nên tiếp nhận sao thì mình bắt chước và hành xử lại y chẳng như thế, không kịp suy nghĩ. Có cả một kho dữ liệu của những thứ “phải thế” đã được soạn ra sẵn, đặt để sẵn ở ngoài kia, và nhiệm vụ của con người là nhồi nhét nó vào đầu, tuân thủ nó, phục tùng nó, hành xử theo đúng qui định của nó theo đúng lý thuyết viên gạch ở trên tường. Mình cứ phải xếp hàng ngay ngắn như viên gạch ở trên tường, không được phép xích qua dời lại vì đời này đỏi hỏi đám gạch phải xếp hàng thẳng tắp. Một cách vô thức, chúng ta trở thành cha mẹ theo đúng hình mẫu mà thế giới bên ngoài sắp đặt. Chúng ta canh theo “luật” mà xử. Chúng ta canh theo trend của xã hội mà xử. Chúng ta canh theo hiểu biết cực kỳ giới hạn của chính mình mà xử. Tệ hơn, chúng ta canh theo cảm xúc vô kiểm soát của bản thân mà xử. Bản thân chúng ta không quản trị được chính mình, không quản trị nổi cảm xúc của chính mình, mặc cho cảm xúc tiêu cực phồng lên xẹp xuống một cách vô kỷ luật, nhưng chúng ta lại đòi hỏi con cái mình phải hết sức phục tùng kỷ luật. Vậy, có phải quá bất công?


Đương nhiên, các con khi chưa đủ sự trưởng thành, có thể có những suy nghĩ chưa chín chắn, có thể có những lựa chọn và quyết định chưa tới ưu, có thể có những hành động hơi quá đà, vv. So what? Thì đã sao? Tụi nó còn nhỏ mà. Có những thứ không thể dạy bằng lời lẽ, sách vở mà phải dạy bằng trải nghiệm. Cha mẹ cũng đã từng một thời trẻ trâu như thế. Nghĩ lại đi!


Cho nên, chỉ xin các phụ huynh 3 điều ước này cho các em, để các em có thể quay về, hạnh phúc chia sẻ những khó khăn gập ghềnh của đời mình với những người thân yêu nhất - đón chào không lý do, lắng nghe không phán xét, ủng hộ vô điều kiện. Làm sao có hạnh phúc nào cao cả hơn là được trầm ngân uống ly trà với ba, khóc trong vòng tay mẹ, và được lắng nghe bằng sự cảm thông thương yêu nhất của con tim? Chỉ vậy thôi, rồi tụi nhỏ sẽ phải chịu trách nhiệm về lực hơn và quyết định của mình, về thành công và thất bại của mình, về những bài học mà đời rồi sẽ dạy. Nhưng thứ tụi nhỏ cần, là nơi trở về không phán xét, là tách trà sẻ chia, mộc mạc của tình thân, là chút lặng im giữa lao xao lạc lõng đường trần, là bữa cơm vô ưu ngày cuối năm đoàn tụ. Vậy thôi, chỉ cần tiếp thêm chút nắng xuân để mai đào đơm nụ. Vậy thôi, chỉ cần hít vài hơi thở dài để đường trần dù rất xa các con cũng sẽ lại lên đường. Yêu thương, là chìa bàn tay ra, ôm bờ vai vào, hiện diên trong khoảnh khắc này đây vì đời rất đỗi vô thường. Vì chúng ta rồi sẽ còn có nhau đến bao nhiêu năm nữa?


3.213 lượt xem

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Kiếp tử tế

Và tôi thấy…

TÔI HÌNH GÌ?

bottom of page