top of page

EM PHẢI LÀM SAO TRONG HOÀN CẢNH F0 ĐẦY ĐƯỜNG?



Mình không quá ngạc nhiên khi nhận được tâm sự lo lắng của một bạn đang đi làm, nhà lại có con nhỏ, sợ nếu bị nhiễm Covid thì không biết phải làm sao. Mà giờ, không đi làm cũng không được, không thì ai nuôi. Mà đi làm thì rủi ro sức khoẻ rồi lây nhiễm cho gia đình vì F0 đang đi đầy đường, muốn cũng không biết đâu mà tránh. Mình hiểu cảm giác đó, vì bản thân mình cũng đang trải qua hoàn cảnh như vậy. Tuần trước vừa ra ngoài đi họp thì cả 2 lần đều nhận tin nhắn có người dương tính trong bàn họp ngay sau đó 1 ngày. Rồi cũng phải tự xử lý bằng xét nghiệm và tự cách ly cho đến khi có kết quả xét nghiệm âm tính. Trong sự đồng cảm này, mình muốn chia sẻ với các bạn đang cùng tâm trạng những gì mình đang áp dụng cho bản thân nhé.


Đừng chủ quan nhưng cũng đừng hoảng sợ

Đương nhiên, không thể lockdown và giãn cách hoài được. Nếu cứ như vậy thì doanh nghiệp chết và người lao động đói, kinh tế thì sẽ kiệt quệ. Cho nên, chuyện mở cửa cho doanh nghiệp hoạt động lại và cho chúng ta đi làm lại là tin tốt lành cho tất cả mọi người. Thật ra, bạn cũng không có quá nhiều lựa chọn nếu kinh tế khó khăn và nếu không đi làm thì làm sao nuôi sống gia đình nhỏ của mình. Nếu đó đã là fact - là chuyện đương nhiên thì mình đâu cần phải suy nghĩ nên hay không nên rồi dằn vặt làm gì. Lựa chọn là OK sẽ đi làm. Hết. Vấn đề là, mình sẽ phải học cách bảo vệ bản thân trong tình hình này, khi dịch vẫn chưa hết và số ca ngày càng tăng lên trở lại sau khi mở cửa qua tiếp xúc rộng hơn trong cộng đồng. An toàn vẫn là trên hết nên bản thân mình cần phải học cách giữ an toàn cho bản thân, và nếu đi làm thì chọn doanh nghiệp nào đang đặt sự án toàn của nhân viên lên hàng đầu. Vậy thôi. Đừng chủ quan nhưng cũng đừng hoảng sợ.

What if - Chuẩn bị kịch bản & xử lý tình huống

Phòng là một chuyện nhưng rủi ro thật sự rất cao, như bạn đã nói là F0 đang chạy đầy đường. Cho nên, rủi ro thành F1 là chuyện cơm bữa. Rủi ro bị lây nhiễm là hên xui, cho dù đã tiêm mấy mũi. Nhưng the show must go on - mọi việc vẫn cứ phải tiếp diễn, đâu có cách nào dừng lại. Cho nên, để tránh bị rơi vào trạng thái lo âu vì sự bất định và lo lắng vì sợ hãi, mình nên đặt ra tình huống what if - lỡ mà mình bị nhiễm thì sao, mình cần điều trị thế nào, mình cần chuẩn bị kịch bản sắp xếp cho bản thân và gia đình thế nào, mình cần sự trợ giúp từ đâu và cụ thể là gì, vv. Khi chuẩn bị kịch bản, tự nhiên mọi thứ sẽ rõ ràng, chi tiết và khiến cho bản thân bớt lo lắng hơn rất nhiều. Phần lớn sự lo lắng là đến từ điều không biết, chưa biết, thiếu chuẩn bị về cả tâm thế và kịch bản.

Chọn lựa việc cần thiết

Tuỳ hoàn cảnh của mỗi người, tuỳ vào mức độ được hỗ trợ từ gia đình, bạn bè, tổ chức, vv đối với mỗi người mà ta tự đánh giá cấp độ tiếp cận của bản thân nên nhiều hay ít. Nếu hệ thống hỗ trợ cá nhân của mình không mạnh, ví dụ không có gia đình bên cạnh, không có partner hay chồng vợ bên cạnh, ít bạn bè, không quen biết nhiều để có được sự giúp đỡ dồi dào thì mình tự biết phải tém lại, chỉ chọn tiếp xúc trong những hoàn cành bắt buộc, ví dụ như khi bắt buộc phải đi làm. Còn lại, những gì không cần thiết, chỉ là good to have - có thì tốt thì vui không có cũng chẳng sao thì mình phải học cách bỏ đi để giảm bớt mức độ tiếp xúc và lây nhiễm. Thứ gì cần thứ gì không cần chỉ một mình bạn biết và đưa ra quyết định. Vậy thôi là mình đã có chuẩn bị cần thiết để bảo vệ bản thân.


Tình cảnh này rồi sẽ còn tiếp diễn trong một hai năm tiếp theo, sống chung với lũ. Cho nên, đừng chủ quan nhưng cũng đừng hoảng sợ. Cuộc sống tiếp theo mình sẽ sống từng bước từng bước một. Vấn đề tiếp theo mình sẽ có kế hoạch quản trị rủi ro và giải quyết khi vấn đề xảy ra từng cái từng cái một. Và quan trọng nhất là giữ cho lòng mình thật bình an để có thể đón nhận mọi rủi ro từng ngày từng ngày một.

3.302 lượt xem

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Và tôi thấy…

TÔI HÌNH GÌ?

bottom of page