Đây là câu trả lời mình nhận được khi hỏi một bạn trẻ bạn tìm hiểu và nghiên cứu thông tin ở đâu. Bạn trả lời rất tự tin, rất khẳng định, và có cả phần tự hào về phát hiện này của mình. Và đó, có lẽ đang là nỗi đau lớn nhất của thế hệ trẻ, khi các bạn chấp nhận thông tin từ bất kỳ nguồn nào như thể đó là kiến thức, dù nguồn gốc thông tin có chính thống hay không, có được xác nhận đúng hay là fake, có căn cứ gì để chứng minh là thứ bạn nên tin.
Tôi chưa bao giờ phản bác mạng xã hội, đơn giản vì thời nào thế đó. Không ai cố gắng đi ngược lại với sự tiến triển đương nhiên của xã hội bao giờ. Mạng xã hội không có tội. Công nghệ không có tội. Có chăng là tội của những con người lạm dụng nó để trục lợi cho bản thân. Cuối cùng, mọi công cụ được quăng ra cho đời đều làm có 1 chuyện thôi, chúng tạo điều kiện con người thể hiện rõ nhất bản chất thật của họ. Chẳng phải sao? Nhờ khả năng thể hiện mọi lúc mọi nơi và theo thời gian thật mà mình mới biết con người tào lao đến cỡ nào, khi họ tranh nhau sự chú ý của cộng đồng bằng bất kỳ giá nào, kể cả những góc xù xì nhất, riêng tư nhất, nhảm nhí nhất, đen đúa nhất. Tất cả, chỉ vì nền kinh tế của sự chú ý. Vậy, mà em thấy trên tiktok, và em tin rằng đó chính là sự thật.
Nhưng đó chỉ là điểm khởi đầu. Khi ta tin một điều gì đó là sự thật, ta mang nó ra thuyết trình, chia sẻ, công bố, biến nó thành những mục tiêu cuộc đời. Rồi ta tạo ra kế hoạch hành động, rủ rê người khác vào thành cộng đồng, rồi ta sống chết hò hét, biến nó thành một giá trị vĩ đại, mục đích cao cả mà những con người chính nghĩa như ta sẽ chiến đấu vì nó đến cùng. Hả? Có cần phải khùng điên và tào lao đến như vậy hay không? Trên đời này có một thứ kỹ năng tên là “Tư duy phản biện” đó mọi người. Và nó là căn cơ, nguồn gốc, nền tảng tư duy, suy nghĩ, đưa ra chính kiến và hướng dẫn các quyết định, lựa chọn đúng trong đời. Và nó không liên quan gì đến tiktok hay mạng xã hội. Nó là khả năng người của một con người, để người không biến thành bù nhìn, biến thành con rối trong cái thế vỡ trận này của thế giới bên ngoài. Tư duy phản biện thì không thể nói hết trong một bài post, nhưng cơ bản là thế này:
Người có tư duy phản biện là người "tự" làm những việc sau:
- Tự định hướng
- Tự đặt ra và tuân thủ kỷ luật mà bản thân đưa ra
- Tự quan sát và theo dõi quá trình tư duy, suy nghĩ của bản thân
- Tự hiệu chỉnh những sai lầm nếu có trong cách bản thân tư duy, suy nghĩ
Người có tư duy phản biện là người có khả năng:
- Tìm kiếm và thu thập thông tin "liên quan": Đây là khả năng xác định thông tin và dữ liệu thật để có thể đưa ra kết luận.
Mà từ khoá ở đây là chữ "liên quan", nghĩa là đừng có tìm một đống thông tin không giúp gì được cho ai. "Relevant - liên quan" là liên quan đến ngữ cảnh, hoàn cảnh, vấn đề, chủ đề mà bạn đang nghiên cứu. Số lượng không có ý nghĩa gì hết. Chất lượng thông tin liên quan đến chủ đề mới là điều cần quan tâm.
- Hiểu rõ và tránh được những thiên kiến, thành kiến trong quá trình thu thập thông tin "liên quan": Đây là khả khả năng nhận thức được ảnh hưởng của những hệ niềm tin cá nhân sẵn có và "không liên quan" đến quá trình tư duy, suy nghĩ của bản thân. Chính những thiên kiến, thành kiến, hệ niềm tin cá nhân mà ta đã mang vác trên vai bao năm tháng, và đặc biệt là khi nó "khác" với quan điểm ta tìm thấy, con người thường sẽ có khuynh hướng bỏ qua, không sử dụng hay không quan tâm.
- Lập luận logic: Đây là khả năng đưa ra những kết luận logic dựa trên những dữ liệu thật, phát ngôn, tuyên bố, lý luận đã thu thập và sàng lọc được, và trình bày dựa trên hiểu biết rất rõ về cả điểm mạnh và điểm yếu của những lập luận đó. Như vậy, thì bạn thấy rõ là nó rất khách quan và hợp lý.
- Giải quyết vấn đề một cách có hệ thống: Đây là khả năng giải quyết những vấn đề khó, phức tạp bằng cách đưa ra những giải pháp không có tiền lệ (ví dụ trong trường hợp của vấn đề biến đổi khí hậu trước nay chưa có giải pháp) và bằng khả năng phân tích và tách vấn đề lớn thành tập hợp của những vấn đề nhỏ, dễ giải quyết hơn.
Bạn có thấy điều gì mệt mệt ở đây nữa không? Lại là tự mình phải lăn ra làm hết chứ không có hô biến từ đâu bay ra hay quăng trách nhiệm vô nhà ai hết. Có thể trong quá trình thu thập thông tin dữ liệu thì ta tìm trợ giúp một phần. Nhưng sau tất cả vẫn cứ phải là ta chọn lọc, phân tích, đấu tranh với bản thân rồi đưa ra giải pháp. Tư duy phản biện cần là bởi vì nó là nền tảng để giúp bạn giải quyết vấn đề. Mà tất cả mọi việc ta làm trong cuộc đời và sự nghiệp của mình là giải quyết vấn đề. Ngay cả chuyện tránh cho vấn đề đừng xảy ra cũng là một vấn đề cần giải quyết.
Đến đây, với 4 khả năng gạch đầu hàng ra và tập hợp lại thành tư duy phản biện để giải quyết vấn đề thì bạn nghĩ mình đã có tư duy phản biện chưa?
GIờ, làm ơn đừng có em thấy trên tiktok nữa nha. Làm ơn học và rèn luyện tư duy phản biện giùm tui. Link khoá học đây, và hoàn toàn miễn phí: https://www.nguyenphivan.com/challenge-page/b5da9564-b35d-4609-8f44-7e461e80df7f
Comments