top of page

Fail forward

Đã cập nhật: 14 thg 9, 2022



Đời này, ai chưa nghiệm ra sự vi diệu của những thử nghiệm không thành công, chưa thành công, hay nói trắng ra là thất bại, thì người đó thật ra chưa biết cách học, chưa biết cách kiến tạo và đương nhiên là chưa hội nhập vào sự chuyển động quá nhanh quá nguy hiểm của nền kinh tế sáng tạo. Ngày xưa, theo nhu cầu của kinh tế sản xuất, quan trọng là biết follow - tuân thủ qui trình và cắm đầu làm đúng theo qui trình. Ngày nay, kinh tế sáng tạo đòi hỏi sự linh hoạt, vẫn tuân theo qui trình, nhưng ….

Khó là chỗ chữ "nhưng" đó. Nhưng phải hiểu khi nào qui trình còn phù hợp khi nào cần linh hoạt và sáng tạo hơn, khi nào cần thay đổi qui trình và kiến tạo cách làm mới vì qui trình cũ không còn liên quan nữa. Vậy, nghĩa là phải vận dụng sức mạnh của não nhiều hơn, phân tích và phản biện nhiều hơn, sử dụng tư duy thiết kế nhiều hơn để nghĩ ra cách làm mới. Và mấu chốt là, phải thử nghiệm ý tưởng mới xem thứ nào work thứ nào không work, thứ nào cần hiệu chỉnh và thứ nào có thể đẩy tới tận cùng của thành công. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc phải thử nghiệm nhanh (fast prototyping) để kiểm tra tính “liên quan” của ý tưởng so với thực tế, so với mong muốn và nhu cầu của người sử dụng hay khách hàng. Và nếu có fail, thất bại trong các thử nghiệm này thì fail cho nó nhanh, fail forward - lấy thất bại làm nền tảng hiểu biết mới, insight - sự thấu hiểu mới để tiếp tục thử nghiệm thành công. Vì không có thất bại trong thử nghiệm đó, thì có rất nhiều thứ ta “tưởng” hay “cho là”, nghĩ là, assume - giả định là vậy thôi chớ chẳng bao giờ biết có phải là sự thật. Chỉ bằng cách nhúng tay vào làm, triển khai, thực hiện một cách hết sức thực tế, ta mới có thể ả há và hiểu ra sự thật. Mà sự thật, nó chẳng bao giờ chiều lòng ai. Nó cứ là nó đấy thôi. Ai tìm thì ra. Ai tưởng thì sai ráng chịu.


Trong ngữ cảnh đó, và trong sự rất ư là bình thường của việc thử nghiệm và thất bại để tìm ra sự thật đó của kinh tế sáng tạo, của thế kỷ 21, khái niệm fail forward - lấy thất bại làm nền tảng hiểu biết mới để thành công, “thất bại” hoàn toàn không còn mang bất kỳ màu sắc đen đúa ghê gớm nào. Nó trở thành lẽ đương nhiên, có làm mới biết, có thực mới hay, và có nhúng tay vào bùn mới hiểu thế nào là thực tế. Nó trở thành phẩm chất đáng quý của “con người mới”, dạng người thức thời và hội nhập, loài biết sáng tạo, tuýp người của tương lai. Thất bại, cũng vì vậy, trở thành bằng chứng của sự chuyển động. Vì chỉ không làm gì hoặc không dám làm gì mới thì mới không thất bại thôi. Mà đã không làm gì thì nói làm chi cho mệt nữa. Sayonara và để họ ở lại đi thôi. Ai rảnh đâu mà chờ. Ai còn thời gian đâu mà giải thích. Khi hiểu về design thinking - tư duy thiết kế, và hiểu về prototyping - cách thử nghiệm nhanh, từng cá nhân và tổ chức sẽ cần phải tạo ra văn hoá mới, văn hoá cho phép tạo ra ý tường, văn hoá cho phép thử nghiệm, văn hoá cho phép thử nghiệm thất bại làm nền tảng để thành công. Như vậy, để có thể ứng dụng được văn hoá này vào môi trường tổ chức, thì cần cả 2 yếu tố: khả năng fail forward của từng cá nhân, và văn hoá fail forward của cả tổ chức.


Khi tổ chức muốn xây dựng văn hoá sáng tạo, văn hoá fail forward, thì những người đứng đầu, lãnh đạo của tổ chức phải là những người cực kỳ hiểu về sáng tạo, cực kỳ biết vận dụng tư duy thiết kế, và vì vậy tích cực xây dựng văn hoá fail forward, truyền thông văn hoá đó, và chứng minh thực tế là văn hoá được họ tôn trọng, sống vả thở với nó thế nào. Còn khi, nói thì nói vậy thôi, xây dựng khái niệm đẹp để truyền thông nghe cho hay ho thôi, show bao bì đẹp theo mùa thôi chớ thật ra ở trong vẫn “u như kỹ” thì câu chuyện dừng lại tại đây, chẳng có đứa nhân sự nào nó dám bén mảng tới chỗ fail forward đâu, lỡ đụng vào chắc bị chém cho mà nát thây. Thành ra, văn hoá fail forward trở thành câu chuyện làm quà, nói nói nghe cho nó thời thượng, đúng từ khoá thế kỷ để thấy mình bằng bạn bằng bè, đúng level xã hội vì mày mặt. Mà dạng này thì hình như hơi nhiều. Nói vậy không phải vậy.


Trong môi trường bao bì như thế, cá nhân sẽ không bao giờ dám đưa ra ý tưởng hay sáng tạo gì mới, nói chi tới fail forward. Cũng vì vậy, người thích sáng tạo, thích cải tiến, thích cái mới sẽ dần dần vì nản mà bỏ đi. Người thích an toàn, sợ rủi ro, không quan tâm và chỉ muốn yên thân trong cái vòng an toàn thời xưa cũ, sẽ bám trụ. Một tổ chức, mà người sáng tạo, dám nghĩ dám làm bỏ đi hết, thì nó thành cái ổ bảo thủ, trước sau gì cũng từ từ sờn dần mà biến mất. Thế thôi!


Còn nếu tổ chức thật sự muốn xúc tiến văn hoá sáng tạo, fail forward, thì ngoài dàn lãnh đạo phải thiệt sự có đầu óc mở, sống và thở với sáng tạo ra, tổ chức đó còn phải tích cực tiêm nhiễm thói quen và tinh thần sáng tạo vào cho từng cá nhân, mở ra cho họ cơ hội được trình bày và thử nghiệm ý tưởng của mình hay của team, tạo ra sân chơi và ươm tạo những ý tưởng mang tính thực tế và thị trường cao, có khả năng thương mại hoá thành công. Làm vậy, không những nhân sự được học, thực hành và đóng góp thực tế cho tổ chức, mà chính tổ chức đó cũng ngày càng trở nên sáng tạo hơn, cải tiến hơn, đột phá hơn trên thị trường. Không có gì sức mạnh bằng chuyện sáng tạo nó trở mình từ trong ra, từ chính đội ngũ những người đang gắn bó và đồng hành với tổ chức bấy lâu nay. Đương nhiên, dòng chảy sáng tạo từ ngoài vào hết sức quan trọng vì nó tạo ra kênh học hỏi và cộng tác thăng hoa nhất. Nhưng đối với các tổ chức lâu đời, đã tồn tại và quen với cách làm, qui trình, sự qui cũ trong vận hành nhiều năm qua, thay đổi dần dần, từ bên trong, sẽ dễ dàng và đồng điệu nhất.


Muốn sáng tạo, muốn fail forward, thành ra phải rất cần môi trường. Mà muốn tạo môi trường và văn hoá này, thì phải bắt đầu từ lãnh đạo. Khi cả hai chiều, từ phía tổ chức và cá nhân hay đội ngũ đều nói cùng ngôn ngữ, ở đó sáng tạo sẽ thăng hoa. Bằng không, thì có lẽ các tổ chức phải chịu chảy máu chất xám, mất nhân tài sáng tạo mà thôi, khi họ không thở được trong môi trường cứng nhắc và truyền thống.

2.339 lượt xem

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page