Mỗi ngày trong cuộc đời là một ngày đi học.
Hôm qua, cả ngày ở Cồn Sơn, được những người con của Mekong dạy cho bài học về tính hào sảng của miền sông nước. Đến, nhưng cứ ngỡ là về. Về, để hiểu ra rằng mình sẽ mãi thuộc về nơi có tình thương man mác của điệu buồn phương Nam ấy.
Ở đó, có những con người thật. Họ chẳng mở cửa đón khách vì nhà không có cửa. Họ chỉ biết đi bắt con cá, nhổ cọng rau, rồi chụm củi nấu nồi cơm đãi khách.
Ở đó, có những tấm lòng xanh. Người trẻ, kẻ già xúm vào giúp nhau giữ gìn chút giá trị yêu thương còn sót lại. Đời này người ta ganh ghét, hãm hại nhau để được chen lên hàng đầu mà lạy lục đồng tiền. Đời này, người ta thương mại hoá cả chiếc đò, nụ hoa, và sự chân chất của dân quê.
Nhưng họ, những con người thật, vẫn ở đó và yêu như cổ tích. Và tôi, ngỡ lòng đã mênh mang, chợt nhận ra mình nhỏ bé như cánh lục bình giữa trời đất Mekong.
Điện thoại reo. ‘Vo thuong’ gọi.
Ủa thằng này làm tương hột kiểu mấy đời truyền thống thôi mà sao triết lý gì vô thường dữ vậy?
Dạ không vô thường, là vợ thương.
Tiếng cười gập cả dòng sông. Cơm nhão nắm lại chấm cá hủn hỉn kho khô. Cơm nhão là tội của Phi tui chắt nước không đúng lúc. Nấu cơm lò củi mà lơ mơ kiểu Sài gòn chả biết canh lửa hong cơm. Còn cá hủn hỉn đại ca Khuê giải thích là cá tủn mủn li ti đủ loại. Kéo mẻ lưới, cá to đem bán. Cá tép vụn vặt còn sót lại thẩy vô nồi kho chung thì thành món hủn hỉn này.
Ừa cơm nhão thì đã sao. Có người hủn hỉn ngoài sân, cười trong ánh mắt yêu thương. Ai thu mình tính toán sau những cánh bê tông lạnh như nhà đá?
Sẽ lại về, lại hủn hỉn nhé Mekong!
Comentários