Tháng 10/2014 Indonesia trở thành đề tài bàn tán của thế giới khi ông lãnh đạo nhà nghèo của đất nước này sinh ra từ khu nhà nghèo, bắt đầu từ tiểu thương mà trở thành tổng thống. “Tôi đã ở đó và tôi hiểu” đó là cái cách ông trả lời về khó khăn trong cuộc sống của mỗi người dân. Một cú thay đổi quá bất ngờ và một nét sáng trên từng gương mặt của những người Indo đã bao năm bị dìm hàng vì tham nhũng.
Với chi phí nhân công sản xuất còn rất thấp, với một thị trường nội địa khổng lồ đến 250 triệu người dân, không học kinh tế thì ai cũng biết là Indonesia sẽ là thị trường trọng điểm tại châu Á cho nhiều doanh nghiệp. Kể từ khi mức lương công nhân tại Trung quốc tăng vọt, cả thế giới phải thay đổi chiến lược của mình và tìm thêm một cơ sở thứ 2. Moi người bàn tán um sùm. Indo có phải là điểm đến?
Box: Lương công nhân trên một tiếng đồng hồ tại một số nước trong khu vực châu Á
Thật ra chi phí nhân công thấp không chưa đủ. Mình làm kinh tế thì phải tính cả chi phí hoạt động kinh doanh, trong đó có cả chi phí chuỗi cung ứng như là bảo quản và vận chuyển. Nói gì thì nói, Trung quốc đã mất nhiều thời gian xây dựng cơ sở hạ tầng, do đó dù chi phí lao động có tăng nhưng chuỗi cung ứng hiệu quả thì cộng vào cũng bù qua sớt lại. Chứ nếu chỉ tính chi phí lao động không chẳng hạn thì khỏi làm bài toán nào cũng biết phải qua Miến điện đầu tư. Có điều hạ tầng mà quá kém thì cộng hết chi phí vào có khi còn cao hơn Trung quốc.
Cũng vì vậy mà sau 100 ngày nhậm chức, chuyện đầu tiên ông tổng thống chân đất này làm là cắt bỏ trợ cấp xăng dầu, rồi cam kết liền 450 tỷ đô la đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở Indo. Nghe đến đó thôi là thấy ngày mai nắng đẹp rồi, năng lượng chuyển mình đã thấp thoáng đất nước của 170 ngàn hòn đảo. Trời ạ, xây dựng sao cho cơ sở vật chất hạ tầng nối liền và hiện đại trên cái quần đảo khổng lồ này đâu phải là chuyện dễ. Jokowi (biệt hiệu người dân đặt cho tổng thống Joko Widodo) lãnh cái job này cũng hổng có dễ ăn. Nhưng nếu bắt đầu từ năng lượng tích cực thì đã bắt đầu thấy có sự chuyển mình ngoạn mục. Một số tập đoàn đầu tư nước ngoài đã lục tục kéo vào chuẩn bị, nói Indo bây giờ đang trở thành Trung quốc cái thời 1980, cái thời mà Trung quốc bắt đầu chuyển mình để trở thành đại gia thế giới.
Thành phố kẹt xe No. 1 thế giới
Theo nghiên cứu của Castrol, chạy xe ở Jakarta mỗi năm, người lái xe phải dừng xe và khởi động trong thời gian lưu thông tổng cộng là 33.240 lần, hơn Istanbul (32.520 lần), và Mexico (30.840 lần). Điều này cũng đồng nghĩa với việc 28% thời gian lưu thông trên đường là đứng im chờ đến khi lăn bánh. Đứng thứ 4 sau Istanbul và Mexico trên thế giới, lại là một thành phố khác của Indo là Surabaya.
Theo một nghiên cứu 75 tập đoàn quốc tế hiện đang đầu tư sản xuất ở ASEAN của phòng kinh tế báo Economist, Indonesia sẽ trở thành điểm đến đầu tư hàng đầu trong vòng 5 năm tới. Nè bạn cứ nhìn đi. Có phải con số nhà máy dự định đầu tư tại Indo là cao nhất?
Indo đang chuyển mình mạnh mẽ là như thế. Chính phủ nước này tuyên bố sẽ biến quốc gia này thành nước có thu nhập cao vào năm 2025. Đến 2030, tổ chức tiền tệ thế giới IMF dự đoán với tốc độ phát triển này, Indo sẽ trở thành nền kinh tế đứng thứ 5 trên thế giới. Tổng thống gốc kinh tế thiệt là có khác. Thoáng cái là đã làm cho mấy thập kỷ loay hoay trở lại xếp hàng. Nhưng cũng đừng có vội buồn, dù sao hiện tại Việt nam mình cũng còn cái lợi là làm ít giờ hơn họ mà vẫn nhậu bia ì xèo được hết. Tôi làm một cái so sánh chơi cho vui nhé. Lấy giá một chai bia Heineken theo giá bán lẻ tại siêu thị địa phương chia cho mức lương công nhân trả tại từng nước cho 1 tiếng đồng hồ, kết quả sẽ cho thấy làm bao nhiêu phút thì mới đủ tiền mua một chai bia mà nhậu. Việt nam mình nhậu dữ quá. Hy vọng là so sánh kiểu này thì dễ tiếp thu hơn.
Mặc dù tính lương công nhân theo giờ thì mình thấp hơn Phillipines và Indo, nhưng giá cả tại thị trường thì mình cũng còn tương đối. Có phải tại vậy mà mình làm ít nhậu nhiều? Thôi người ta cứ tích cực làm kinh tế vươn lên thành đất nước nhà giàu, mình cứ tà tà nhậu cho nó khoẻ?
Cay mắt vì lũ ớt
Nấu ăn theo truyền thống Indo là phải có ớt, bởi vậy mà ớt trở thành nguyên liệu sử dụng hàng ngày. Tuy nhiên do hạ tầng cơ sở kém cỏi của nước này, giá ớt năm 2014 từ 31 ngàn đồng tăng lên thành 124 ngàn đồng một ký. Một nông dân từ Tây Java, cách Jakarta 115km cho biết, từ vườn chở ra xe phải chở bằng xe máy, đến nơi bỏ lên xe tải thì lại không có tủ mát bảo quản gì. Do đó mà đến Jakarta, 1/5 lượng hàng hoá đã hư hỏng và không còn bán được. Giá cả đắt đỏ cũng là vì như thế. Vậy mới thấy cơ sở hạ tầng nó góp phần quan trọng đến thế nào đến cuộc sống của những người dân tưởng chừng như không có liên quan gì đến kinh tế vĩ mô đất nước.
Blusukan
Thôi thì mình cứ từ từ xem Indo có trở thành nền kinh tế đứng thứ 5 trên thế giới. Có điều cái mình có thể học liền là cái cách tiếp cận của họ hiện nay. “Blusukan” là đi xuống chổ người dân, đi xuống tận nơi tìm hiểu sự tình và giải quyết vấn đề tận gốc. Cái cách làm này làm tôi nhớ cái hồi phải diễn thuyết về cách tiếp cận tại các thị trường châu Á, Trung đông, và châu Phi cho dàn lãnh đạo công ty cũ ở Sydney. Họ là người phương Tây đâu có hiểu cái kiểu phương Đông của mình, họ làm việc là cứ thẳng thắn có gì thì bỏ lên bàn mà đàm phán. Châu Á mình thì khác, phải cần xây dựng cộng đồng để cùng nhau thực hiện một mục tiêu chung. Bữa đó tôi mượn một câu của Lão tử thế này:
Hãy đến với mọi người
Sống với họ
Học hỏi từ họ
Yêu quý họ
Bắt đầu từ những gì họ biết
Xây dựng từ những gì họ có
Một lãnh đạo vĩ đại là thế này
Khi công việc đã xong,
Nhiệm vụ đã hoàn thành,
Mọi người đều hớn hở bảo nhau rằng
“Chúng ta đã tự mình làm được”
Này các bạn trẻ, hãy cho người già tôi được nói một câu. Lãnh đạo không phải là kẻ chứng tỏ ta đây và hất mặt lên trời, cũng không phải là kẻ có quyền hành, vị thế. Lãnh đạo thực thụ là người bình dân, khiêm tốn, lui về rồi, không tước vị vẫn được người đời khâm phục và ghi nhớ luôn luôn. Còn cái hồi sống giữa mọi người, dù không tước vị họ vẫn là người mà chúng ta tìm đến. Cho nên mới nói, bạn muốn làm gì? Làm lãnh đạo hay là làm kẻ có chức vị mà ai ai cũng ghét?
Trích chương 20 - Thời của Jokowi - Quảy gánh băng đồng ra thế giới - Tác giả Nguyễn Phi Vân
Comments