top of page

KHI HỌ KÉO NHAU NGHỈ LÀM…



Bạn viết cho tôi một chiếc email trong sự hoảng hốt không biết phải làm sao khi đồng nghiệp họ kéo nhau nghỉ, bỏ lại bạn với câu hỏi nên đi hay nên ở….

———


Con chào cô Vân, trước đây con đã từng gửi thư cho cô và nhận được những lời chia sẻ từ cô. Con đã áp dụng và cảm thấy dễ dàng hơn trong công việc. Tuy nhiên, dạo gần đây các đồng nghiệp team cũ, thân thiết với con đều đã nghỉ làm vì nhiều lí do. Số đông là vì làm việc tại một công ty quá lâu mà không phát triển được (3 năm có, 4 năm có). Bản thân con hiện tại cũng đang mông lung không biết phía trước có phải là cơ hội của mình hay không. Vì khi các nhân sự cũ nghỉ, dự án của họ sẽ bàn giao cho con quản lý. Nhưng con sẽ lại không có những đồng đội này cộng sự, mà hiện tại chỉ có các nhân sự mới thực tập, học việc không có nhiều kinh nghiệm. Bản thân con cũng không tự tin mình có đủ kinh nghiệm để quản lý một lúc nhiều dự án. Cảm giác hiện giờ của con về công việc là hoài nghi năng lực bản thân, về cảm xúc thì như bị mất đi những người thân thuộc, một phần chán nản. Con không biết thoát ra mớ hỗn độn cảm xúc này do dự như nào... Cô có thể cho con một lời khuyên từ kinh nghiệm của cô không ạ. Con cảm ơn cô!

————


Đây có lẽ là cảm xúc khá phổ thông khi có biến động nhân sự xảy ra trong một tổ chức. Con người mà, đã quen sống bầy đàn, cho nên quyết định của người khác, và sự ra đi của họ đương nhiên tạo ra ảnh hưởng đến cảm xúc và suy nghĩ của bản thân. Có điều, cuộc đời và công việc của mình không lẽ được thiết kế và lên kế hoạch dựa theo cảm xúc và quyết định của người khác? Nếu thế, phải chăng mình sẽ còn mơ hồ và mông lung hơn, không biết bao giờ người ta lại chán, lại bỏ đi để mình còn đưa ra quyết định tiếp theo? Vậy, nghĩa là mình mang cả cuộc đời mình ra để đánh cược dựa vào cảm xúc và hành động của người khác? Rồi lỡ người ta buồn vu vơ, chán ngô ngơ, nghỉ lơ mơ mình cũng canh theo đó mà làm?


Bạn biết không, trong cuộc đời này, thứ có độ tin cậy thấp nhất là cảm xúc và hành vi của người khác. Họ còn không biết ta là ai đây là đâu mà bạn dám canh vào đó để quyết định cuộc đời mình? Vì vậy mà người này canh người kia mà nghỉ, và cuối cùng, nghỉ xong, thì cả đám túm lại để tìm ra lý do hợp thức hoá quyết định của mình. Đương nhiên, cũng không loại trừ những trường hợp bất mãn, bất bình tập thể vì chạm vào một lợi ích nào đó. Nhưng bạn nghĩ đi, bạn đang hùa theo hay bạn đang thật sự gặp vấn đề? Vấn đề cụ thể là gì? Vấn đề có nghiêm trọng đến nỗi phải nghỉ làm? Hay cả đám chỉ đang drama hoá nó, phóng đại nó lên thành kịch bản giải trí? Giờ, có lẽ bạn nên bình tĩnh lại, quay về với bản thân và quay lại với những câu hỏi cơ bản nhất về mục đích đi làm của chính mình.

Bạn đi làm vì điều gì?

Có người đi làm để kiếm tiền. Hết! Không quan tâm gì khác. Có người đi làm vì đó là đam mê và ngành nghề yêu thích của mình. Có người đi làm để thăng tiến trong sự nghiệp, thăng tiến cả về mức lương và tước vị. Có người đi làm để được học hỏi và phát triển bản thân. Có người đi làm để thực hiện sứ mệnh cuộc đời, vv. Mỗi người chúng ta đều đi làm với những mục đích khác nhau, để trao đổi những giá trị khác nhau. Và người ta ra đi khi không còn nhận được lợi ích hay giá trị riêng tư đó nữa. Đến vì tiền sẽ ra đi vì tiền. Đến vì thăng tiến sẽ ra đi khi không còn được thăng tiến. Đến để học sẽ ra đi khi không còn thứ để học. Đến vì vui sẽ ra đi khi hết vui. Mỗi người đến vì thứ họ chọn và ra đi vì thứ họ không nhận được. Bạn thì sao? Bạn đến với công việc hiện tại của mình vì cái gì? Thứ bạn tìm, khác thứ người ta tìm. Người ta đi vì không còn thứ người ta tìm. Vậy, bạn ra đi vì cái gì?

Điều đó còn hiệu lực hay không?

Hành trình sự nghiệp nó giống như một chuyến đi, về điểm đến để chạm vào mục đích và giá trị sau cùng mình đặt ra cho bản thân. Mục đích và giá trị của mỗi người đặt ra cho bản thân là khác nhau, và nó có thể là tiền bạc, cuộc sống ổn định, tước vị, tiếng tăm, mục đích sống, vv. Và trên hành trình này, mỗi công ty, tổ chức mình đồng hành giống như một chuyến xe chở ta về phía điểm đến. Khi xe còn đi về phía ta cần đến, ta còn ngồi trên đó. Khi xe quẹo sang ngã khác, không còn phù hợp với lộ trình ta đặt ra, ta xuống xe. Mỗi người điểm đến khác nhau, lộ trình khác nhau. Đôi khi lộ trình trùng nhau thì đi chung một chuyến xe. Rồi đến giờ G, khi ai đó cần xuống xe, người ta sẽ xuống xe thôi. Trạm xuống của bạn là ở đâu? Còn bao nhiêu lâu nữa mới đến? Hay vì chút cảm xúc gắn bó nào đó mà bạn xuống lộn trạm của người ta? Rồi sao nữa? Lại phải lọ mọ đi tìm một chuyến xe khác đi về nơi chuyến xe cũ đang đi đến, chỉ có điều là nó chạy trước, và mọi thứ ở đó đang ổn định hơn?


Ủa, đường người nào người đó đi, xe người nào người đó chạy chớ. Còn yêu thương gắn bó gì gì với nhau thì hết giờ rủ nhau ra uống bia là xong. Lu xu bu chuyện nhà người ta, trong khi chuyện nhà mình sau trước còn đê mê, lộn tùng phèo để làm gì? Cho nên, cứ hết sức bình tĩnh, canh vào hành trình của mình mà đưa ra lựa chọn và quyết định, thay vì bốc đồng làm đại mà chẳng hiểu vì sao hay chẳng đóng góp gì cho chuyến đi của chính bản thân mình. Nếu chuyến xe này còn hiệu lực thì mình cứ ngồi đó và theo nó mà đi. Lên xuống lộn xộn làm gì cho nó mất thời gian, hao năng lượng chẳng vì điều gì cả?

Trạm tiếp theo của hành trình sự nghiệp là gì?

Xuống lên, điều quan trọng nhất cần phải biết, đó là trạm tiếp theo là cái trạm mặt mày nó ra sao. Không biết điểm đến làm sao biết ra bến xe nao, đi chuyến xe nào? Việc mình chọn công ty hay tổ chức nào tiếp theo để đồng hành nó nên trùng với mục đích và giá trị cá nhân, một công đôi việc. Khi hiểu rất rõ tại sao mình lên xe, tại sao mình đồng hành, người ta làm việc có mục đích rõ ràng, không chao dao vì bất kỳ điều gì khác. Một ngày mình còn đi về phía mình cần đến, ai lên xe xuống xe đâu có ảnh hưởng gì? Còn nếu họ xuống xe, rồi công việc nhiều quá, thì một là mình rất vui vì được làm thêm và học thêm nhiều thứ, hai là mình sẽ được gặp và làm việc với những con người mới, rất khác, và họ có thể là những người thầy hay những người rất thú vị sẽ làm phong phú thêm cho màu sắc cuộc đời mình. Vậy thôi chớ có gì là ghê gớm lắm đâu?

Cũng là một vấn đề, nhìn trong mọi sự hạn hẹp, ta có thể thấy nó quá lớn, quá ghê gớm, quá sức chịu đựng. Khi zoom out, và nhìn từ góc nhìn của cả hành trình sự nghiệp, nó chả có chút liên quan gì. Ờ thì chuyện tình cảm đến đi, làm người cũng có lúc dao động, suy tư. Cảm xúc chút rồi thôi. Đừng phóng đại và drama hoá vấn đề không cần thiết. Ngồi uống ly cà phê suy tư cho đã nư trái tim sụt sùi một chút rồi đường ta ta lại lên đường….

7.613 lượt xem

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comentarios

No se pudieron cargar los comentarios
Parece que hubo un problema técnico. Intenta volver a conectarte o actualiza la página.
bottom of page