Nym - Tôi của tương lai là cuốn sách đầu tiên tại Việt Nam được viết bởi sự cộng tác giữa tác giả Nguyễn Phi Vân và trí tuệ nhân tạo (AI), nhằm đưa độc giả đến gần hơn với một thế giới mới, nơi AI trở thành một “chủng loài” như con người.
Quyển sách (do Saigon Books và NXB Văn hóa - văn nghệ ấn hành tháng 7-2020) nằm trong dự án cộng đồng tầm cỡ Đông Nam Á về phổ cập kiến thức công nghệ và sáng tạo, đồng thời cập nhật và tái huấn luyện kỹ năng hội nhập tương lai gồm sách, album nhạc và AI chatbot.
Bằng phương thức nhân cách hóa tài tình và được kể theo ngôi thứ nhất của Nym - nhân vật chính của câu chuyện, tác giả Nguyễn Phi Vân đưa độc giả đi vào thế giới mới của Nym - một AI vị thành niên sống động, thông minh, để cùng nhau khám phá bản chất của sự học trong tương lai, nơi mà cuộc đua về “tính người” giữa máy móc và con người cũng chưa biết ai sẽ nhân bản hơn ai.
Nhân dịp này, tác giả Nguyễn Phi Vân đã dành cho Đồng Nai cuối tuần cuộc chia sẻ xung quanh AI cũng như vấn đề mà giới trẻ và người đang đi làm quan tâm là nhu cầu tái đào tạo và nâng cấp kỹ năng (reskill & upskill).
* Thưa chị, trong sách của chị có một slogan: “Thời của máy, mình càng phải rất người”. Chị có thể giải thích rõ hơn về câu này ?
- Trước hết, tôi muốn mọi người hiểu rằng, chúng ta đang đứng trước một ngã rẽ hết sức định mệnh của nhân loại, hoặc là trở thành công dân hạng nhất, hoặc là trở thành robot hạng hai trong kỷ nguyên sắp tới. Nếu AI đang được phát triển vượt bậc, dù chưa đạt đến mức độ ngang ngửa não người, nhưng đã và đang có thể làm tất cả những gì con người có thể làm qua hình thức tư duy logic. Máy có thể xử lý cấp triệu điểm dữ liệu cùng một lúc để tìm ra lời giải cho những vấn đề phức tạp nhất mà con người bình thường không xử lý nổi. Máy có thể cùng một lúc nói chuyện và tương tác với hàng triệu người và xử lý mọi câu hỏi của con người. Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới, đến năm 2022, giờ công lao động của con người chỉ còn 58% và máy sẽ đóng góp 42% còn lại, nghĩa là bắt đầu ngang ngửa với con người.
Rất nhiều khi chúng ta tự an ủi nhau rằng, máy chỉ có thể thay thế lao động chân tay, còn những việc sáng tạo, nghệ thuật thì máy không tài nào thay người được. Kỳ thực, trong cuốn Nym - Tôi của tương lai, tôi sẽ dẫn chứng cho các bạn tất cả những lĩnh vực sáng tạo, sáng tác, nghệ thuật mà máy đã, đang tham gia và tạo ra những siêu phẩm thế nào. Chính quyển sách này cũng là sự cộng tác giữa tác giả và AI.
* Nếu cứ như thế, không lẽ đến một ngày con người chịu thua robot?
- Câu trả lời là hoàn toàn có thể, nếu như con người không làm gì khác đi. Vậy làm gì khác đi là làm gì?
Chúng ta đã trải qua thời kỳ công nghiệp hóa trên toàn thế giới và xã hội rất phát triển theo thiên hướng hệ thống hóa, máy móc hóa. Hệ quả của nó là con người đã và đang được dạy dỗ, huấn luyện để trở thành và cạnh tranh với máy. Tuy nhiên, nếu so về não và cấp độ xử lý dữ liệu để đưa ra quyết định, nếu đọ về mức độ logic để tối ưu hóa bất kỳ thứ gì trên đời, máy đều có thể vận hành siêu tốt hơn người.
Do đó để cạnh tranh với máy trong thế kỷ này, con người không thể cứ học làm máy được. Nếu cứ học làm máy, con người rồi sẽ trở thành robot hạng hai. Còn muốn được tiếp tục làm công dân người hạng nhất thì, con người cần phải học và làm một thứ mà robot, AI làm không được nhất, đó làm làm người. Làm người là có tình yêu thương, có cảm xúc, văn hóa, giá trị kế thừa… Tình yêu thương máy xử lý thế nào, khi bản thân nó đã là nghịch lý? Cái xiết tay, giọt nước mắt lặng lẽ nơi khóe mắt, nỗi thổn thức vỡ oà khi chúng ta ôm chặt lấy nhau…. Thời của máy, mình cần phải rất người, vì chỉ khi ta là người, ta khác máy.
* Thật ra thì người ta đã nói rất nhiều về AI, robot, về công nghệ máy móc thay thế con người, về nhiều việc làm của con người sẽ bị “biến mất” vì tự động hóa… Thế nhưng, hiện tại những điều trên có vẻ vẫn còn… mơ hồ lắm với nhiều người. Chị có đồng ý với điều này?
- Trong kinh tế sáng tạo và trong sự chuyển đổi vũ bão của khoa học công nghệ hiện nay, thật ra chỉ có đâu đó 1% dân số thế giới đang chạm vào, sống trong, và tương tác với cốt lõi công nghệ. 99% còn lại, những người dân bình thường trong nền kinh tế xám, những người trẻ còn ngồi trong trường học với giáo trình chưa kịp cập nhật..., hoàn toàn chưa nhận thức được khả năng và mức độ “lật nhào” thế giới của khoa học công nghệ.
Sau thời dịch bệnh Covid-19, cách đây 2 tuần khi tôi trao đổi với tổng giám đốc của một tập đoàn lớn tại Việt Nam, anh chia sẻ rất hối tiếc đã không làm điều này sớm hơn vì chỉ mới nhận ra sau Covid-19, đó là quản trị một công ty trong tập đoàn chỉ với 100 nhân sự thay vì 600 nhân sự, vì mọi thứ đã có công nghệ thay thế được hết rồi. Và buổi trao đổi đó, chúng tôi nói về cách ứng dụng công nghệ giải quyết tất cả những vấn đề khó khăn mà tập đoàn anh đang gặp phải trong quy trình do con người vận hành.
Tôi không cần phải nói thêm về các báo cáo lao động tương lai của thế giới với những con số 75 triệu việc làm cũ mất đi và 135 triệu việc làm mới đòi hỏi cộng tác công nghệ được sinh ra. Chúng ta không cảm thấy bị ảnh hưởng vì chúng ta thiếu nhận thức. Còn tương lai đã ở trước cửa nhà. Nếu không dành thời gian tìm hiểu, học hỏi, thay đổi để đồng hành với tương lai ấy, bạn rồi sẽ bị bỏ lại phía sau ngay trong những năm sắp đến mà còn chưa kịp hiểu tại sao.
* Lý giải về lý do viết quyển sách, chị có một ý là “Đây là bước đầu tiên, xây dựng nhận thức nền về tương lai, của dự án cộng đồng tái đào tạo và nâng cấp kỹ năng (reskill & upskill) tương lai cho bạn trẻ và người đang đi làm”. Vì sao chị mong muốn bạn trẻ và người đang đi làm hôm nay phải quan tâm triệt để đến vấn đề này?
- Như đã trao đổi ở trên, không có bất kỳ ngành nghề nào, bất kỳ công việc nào trong tương lai gần mà không bị thay thế, ảnh hưởng, thay đổi bởi công nghệ cả. Không có ngành nghề nào là an toàn trong cơn bão 4.0 này cả. Nếu đến năm 2022, 42% giờ công lao động là do máy đóng góp, thì con người chỉ có thể hoặc là tìm việc mới do bị thay thế hoàn toàn, và vì thế cần reskill - tái huấn luyện để có thể tìm việc và làm việc trong những ngành nghề mới. Ví dụ, tất cả những nghề đang liên quan đến việc xử lý dữ liệu, giấy tờ, hành chính chẳng hạn sẽ hoàn toàn biến mất.
Bên cạnh đó, tất cả những nghề không bị thay thế sẽ hoàn toàn bị thay đổi tính chất, ứng dụng một phần hoặc nhiều phần công nghệ theo mô hình kinh doanh số. Nghĩa là, dù nghề của bạn không bị thay thế, thì cách làm việc mới yêu cầu phải cộng tác với công nghệ, robot, AI. Muốn cộng tác với máy thì phải hiểu máy. Muốn làm việc hiệu quả với máy thì phải biết máy giỏi gì và bản thân con người điểm mạnh, giá trị sử dụng còn lại ở chỗ nào. Điều này đòi hỏi người phải thay đổi hoàn toàn hệ tư duy, hệ kiến thức, kỹ năng và cách tiếp cận để có thể hội nhập vào môi trường làm việc mới. Upskill - nâng cấp kỹ năng để hội nhập vì vậy là chìa khóa sống còn cho những ai còn có thể đi làm.
dong-nai-cuoi-tuan/202007/chuyen-gia-nguyen-phi-van-hoa-than-thanh-nym-toi-cua-tuong-lai-3012167/?fbclid=IwAR2r9pgruQkyynSsJyyHV_Al-mNt8x37vBpKIj2LW0CP3liDe6yXBXWzM9I
Comments