Đừng bao giờ đổ lỗi là mình sinh ra vốn không thông minh nên chẳng thể thành công trong sự nghiệp. Khi IQ không cao, người ta vẫn thành công được. Một nghiên cứu mới nhất của đại học Stanford cho biết thành công liên quan chủ yếu đến thái độ, hay nói một cách kỹ thuật hơn là tư duy của một con người – đóng hay mở.
Người có tư duy đóng (fixed mindset) tin rằng họ là họ, vậy đó, đã đóng khung, chịu không chịu thì thôi, không thể thay đổi được. Điều này làm cho họ rất khó khăn khi phải đối mặt với thử thách hay đối diện với những điều có vẻ như là to lớn quá, bản thân họ không giải quyết nổi, làm cho họ cảm thấy mất hy vọng hay bất lực.
Ngược lại, người có tư duy mở và cầu tiến (growth mindset) tin rằng chỉ cần mình cố gắng, thay đổi là có thể tiến bộ hơn. Với thái độ này, dù IQ có thấp hơn, họ vẫn trở nên thành công hơn so với kẻ bảo thủ. Người cầu tiến, họ vui vẻ chấp nhận thử thách, xem thử thách như cơ hội để họ học hỏi được những cái hay cái mới. Khi gặp khó khăn hay thất bại, thái độ của người có tư duy mở là “Ồ cách này không xong. Vậy mình thử cách khác.” Đối với họ, thất bại chỉ là thông tin cần xử lý.
Tuy nhiên, dù hiện tại tư duy của bạn đang đóng hay mở, bạn cũng nên thử thay đổi hay phát triển tư duy của mình hơn nữa xem sao. Chia sẻ với các bạn những cách tiếp cận sau giúp các bạn hướng về tư duy ngày càng cầu tiến:
1. Don’t stay helpless – Đừng bị kẹt vào sự bất lực: người ta ai cũng có lúc thật nản lòng vì thất bại, vì bị từ chối, vì bị coi thường, vì không được người ta trọng dụng…. Walt Disney bị đuổi khỏi Kansas City Star vì thiếu trí tưởng tượng và không có sáng kiến. Oprah Winfrey bị cho nghỉ việc tại đài truyền hình Baltimore vì đưa quá nhiều cảm xúc vào chương trình. Henry Ford phá sản 2 công ty xe hơi trước khi thành công với Ford. Steven Spielberg không được nhận vào trường nghệ thuật điện ảnh USC mặc dù đã xin đăng ký nhiều lần. Bạn cứ nghĩ xem. Nếu họ là những người có tư duy đóng, tư duy bảo thủ, có lẽ họ đã nản lòng, mất hy vọng, và từ bỏ tất cả.
2. Be passionate – Luôn tràn đầy đam mê: trong đời rồi sẽ có người giỏi hơn ta, khôn hơn ta, lanh hơn ta, nhưng dù có thua một chút về tài năng, bạn vẫn có thể bù đắp lại bằng niềm đam mê vô bờ bến. Đam mê khiến cho ta không ngừng theo đuổi sự tiến bộ, làm cho ta cố gắng mỗi ngày để làm một việc gì đó tốt hơn. Warren Buffet khuyên bạn tìm niềm đam mê của mình bằng công thức 5/25. Viết ra 25 điều bạn quan tâm, thích thú nhất. Sau đó gạch bỏ dần 20 điều mà bạn có thể bỏ được. 5 điều còn lại có lẽ liên quan đến những gì bạn đam mê theo đuổi nhất.
3. Take action – Hành động: người có tư duy mở chẳng dũng cảm hơn người khác đâu. Họ cũng sợ, cũng xám mặt trước mỗi quyết định trong đời. Có điều, họ hiểu rằng sợ hãi hay lo lắng là những cảm giác làm tê liệt một con người. Và thế là họ cứ hành động. Họ biết rằng sẽ chẳng bao giờ có một thời khắc hoàn hảo nhất. Vậy nên chờ đợi làm gì? Cứ làm thôi! Nhờ thế mà mọi lo lắng sợ hãi được huyển hoá thành năng lượng tích cực khi hành động.
4. Then go the extra mile – Luôn cố gắng hơn chút nữa: người cầu tiến luôn hết mình, dù đó là ngày tồi tệ nhất trong đời họ. Bruce Lee từng nói “Nếu bạn đặt ra giới hạn với những gì bạn có thể làm, giới hạn này sẽ len lỏi vào công việc của bạn, thái độ của bạn, vào cả con người bạn. Cuộc sống không có giới hạn. Chỉ có những thời đoạn bão hoà. Nhưng bạn không thể dừng ở đó. Bạn cần phải vượt qua và tiếp tục vươn lên.” Nếu mình không tốt hơn một chút mỗi ngày, thực tế là mình đang tệ hơn một chút mỗi ngày.
5. Be flexible – Thái độ linh hoạt: ai trong đời mà không gặp phải khó khăn, chông gai, hay hoàn cảnh không như ý. Người có tư duy mở vui vẻ coi như pha. Chẳng có điều gì có thể kéo họ lại. Khi có thay đổi, khi không được như ý, khi khác xa dự đoán, họ linh hoạt giải quyết và tiếp tục bước đi. Và họ chẳng bao giờ phàn nàn. Người có tư duy mở nhìn thấy cơ hội thử thách mình, giúp mình tiến bộ hơn trong mọi hoàn cảnh.
Đọc xong, dù bạn thấy tư duy mình đang đóng hay đang mở cũng không sao. Điều gì cũng có thể thay đổi. Tư duy cũng vậy!
Kommentare