top of page

MÂU THUẪN - CHUYỆN HÀI CÔNG SỞ



Ngày xưa đi làm, đới diện với trùng trùng mâu thuẫn tại công sở, mình cũng bị stress và mệt mỏi. Có điều, tính mình trước giờ thích quan sát và nghiên cứu con người, nên cũng học được cách biến năng lượng xấu đó thành đề tài nghiên cứu. Gặp ai hay trường hợp gì gây mâu thuẫn mình cũng sẽ lấy đó ra làm chủ đề tìm hiểu, phân tích, tìm cách hoá giải để bản thân không bao giờ bị ảnh hưởng bởi những thứ năng lượng xấu đó nữa. Nói cho cùng, tự nhiên chuyện người ta nổi cơn, có hành vi tào lao, kích động, hay vô cảm là vấn đề của người ta, vấn đề của môi trướng và văn hoá, và cũng đôi khi có khi là có cả vấn đề của mình nữa, thì chỉ cần xem lý do nó nằm ở đâu, là gì rồi xử thôi chớ lăn đùng ra khổ sở làm gì mất thời gian và hao năng lượng tích cực của bản thân. Mình sinh ra trên đời đâu phải để xà quần trong mấy thứ vô ích đó.


Nghĩ vậy, nên riết rồi gặp người hay gây sự nơi công sở hay gặp tình huống mâu thuẫn từ nặng đến nhẹ, mình đều thích thú lấy nó ra làm bài tập để rèn luyện khả năng quản trị mâu thuẫn cho bản thân. Sau này, khi bắt đầu biết blog, mình nhận được quá trời lời tâm sự, câu hỏi từ các bạn đang đi làm, cạn kiệt, tổn thương, khổ sở trong các trường hợp mâu thuẫn công sở. Mới thấy, 1/3 thời gian sống của mình tại chỗ làm, nếu không học được cách quản trị cảm xúc, quản trị mâu thuẫn thì mình có thể bị con người và môi trường làm việc làm cho tâm hồn xác xơ, cằn cỗi, và cạn kiệt.


Mà sao phải thế? Tội gì phải chịu đựng những thứ tào lao đó rồi cho phép nó làm hại cơ thể, sức khoẻ, tâm lý và niềm vui, niềm hạnh phúc được sống của mình? Cũng vì vậy, ai cũng cần phải học cách xử lý mâu thuẫn đúng cách để không còn bị nó làm hại nữa. Mâu thuẫn, trước hết mình phải hiểu nó có thể đến từ đâu, do đâu mà sinh ra, rồi mới từ từ học và rèn luyện cách quản trị nó. Hiểu về nguồn gốc làm nảy sinh mâu thuẫn là bước đầu tiên bạn cần biết trên hành trình rèn luyện khả năng quản trị của mình. Khi học được cách quản trị rồi thì như mình đi xem phim tâm lý xã hội thôi, không cho phép những chuyện này khiến bản thân lao đao nữa.

  • Tranh cãi: có nhiều người sinh ra đã là thầy cãi. Ai nói gì họ cũng cãi. Đúng sai gì họ cũng phải cãi. Chuyện to nhỏ, liên quan hay không liên quan gì họ cũng phải ngắt lời người khác, nhúng vào đó cãi vài câu khiến cho người khác phải bực mình, khó chịu, nổi cơn. Có khi đó chỉ là thói quen, và làm vậy thấy mình tự nhiên trí thức hay hiểu biết hẳn ra. Có khi họ làm vậy vì nó work. Cứ chồm ra cãi lả người khác sợ, im, hay đồng ý với ý kiến của mình. Vậy thì nó bỗng nhiên biến thành vũ khí lợi hại khiến người khác đồng ý. Tội gì mà không sử dụng. Có khi, họ sử dụng nó như một cách để hạ thấp người khác, làm bể mặt hay mất uy tín ai đó bằng những câu hỏi xoáy đá xoay của mình, chẳng dẫn đến điều gì hay ho hay giải pháp gì, chỉ là hỏi cho bõ ghét, thế thôi. Có khi, đó lại là một dạng disorder - rối loạn về tâm lý, tính cách, kiểu một dạng nhẹ của rối loạn nhân cách chống đối xã hội, có xu hướng đối kháng, thao túng hoặc đối xử khắc nghiệt với người khác. Chắc chắn bạn gặp nhiều loại người này tại công sở hay trong hành trình làm việc. Quan sát họ, xem nguyên nhân chính khiến họ như thế là gì. Nguyên nhân khác nhau sẽ có những cách hoá giải khác nhau.


  • Đổ thừa: Đây có thể nói là hành vi gây mâu thuẫn mang tính huỷ diệt cao tại công sở. Ai trên đời này cũng sợ bị luận tội, bị phán xét, bị mang ra xét xử trước đám đông, bị chiếu tướng và dán nhãn vô trách nhiệm. Ai trên đời cũng luôn nghĩ là mình đúng và người khác phải sai, nên khi có chuyện đổ thừa là một cuộc chiến phải nổ ra, bùng lên, phải chiến cho tới cùng của sự đúng sai, thành bại vì người chiến thắng là kẻ có quyền phán xét vả bêu rếu kẻ tội đồ, chứng minh mình đạo đức và năng lực sáng ngời trước đám đông soi mói. Biết vậy, nhưng người đi làm cũng rảnh lắm, cũng thích phim hành động và chiến tranh lắm, nên cứ thay nhau đổ thừa cho bùng nổ chiến sự chơi. Rồi cả đám bu vào đó luận bàn, chia phái, kết bè, đổ thêm dầu vô lửa để nó cháy cho rụi, để nó nướng cho khét hết mọi quan hệ trong công sở, để thoả mãn khao khát của bên thắng cuộc…. Ủa, đi làm chứ đâu phải đi đóng phim mấy người?


  • Phê bình, chỉ trích: Mình thì lúc nào cũng hay, cũng tốt, cũng thuộc về phe chính nghĩa hết. Còn lại thì là một đám yếu kém. Mình làm gì cũng đúng. Người ta làm gì cũng sai, cũng không phù hợp, nghĩ không tới, làm không ra hồn, tinh thần thái độ không OK, vv. Con người bản chất là như thế, luôn chỉ trích, phê bình, phán xét người khác chứ chẳng bao giờ coi lại chính bản thân mình. Rồi cứ như thế, lời ra lời vào, lời qua tiếng lại đâm ra mâu thuẫn mà thôi. Nếu mỗi người biết nhìn lại bản thân mình trước, biết quan sát, tìm hiểu và thông cảm với người khác trước thì có lẽ thế giới sẽ bớt ồn ào, vì người ta sẽ im nhiều hơn nói, trách mình hơn trách người, và mâu thuẫn chắc sẽ giảm đi đến 80%.


  • Phòng thủ (defensive): Vì mình hay, mình tốt, mình OK nhất nên ai nói gì mình đâu có tiếp nhận, đâu có lắng nghe, đâu có ghi nhận. Ai nói gì đụng chạm thì ngay lập tức mình sẽ cãi lại, sẽ chối bỏ, sẽ gạt đi ngay, để bảo vệ mặt mày, level đạo đức và sự đúng đắn không thể lẫn vào đâu được của bản thân. Ai phản hồi hay nói gì tì trước hết nó phải sai, nó phải bất hợp lý, nó phải là hiểu lầm, là lời của ai đó khác chứ không liên quan chi tới mình cái đã. Trước hết thế trận phải là như thế, rồi sau đó mới suy nghĩ tiếp. Trong cái tâm thế như vậy, luôn luôn phòng thủ, luôn luôn chuẩn bị sẵn sàng để phản công, nên đâu có nghe ai nói cái gì cho hết, cho đủ, cho đúng để mà hiểu rõ vấn đề. Gặp người phòng thủ kiểu này, chưa nói đã không phải, không thể, không có cửa thì chưa nói đã biết sẽ nổ ra chiến sự.


  • Emo: Tại sao tôi soạn khoá học Trí thông minh cảm xúc? Là vì con người ai cũng dễ bị dẫn dắt và điều hành bởi cảm xúc vô mình cả. Nếu không học cách nắm lấy chủ quyền thì cả đời này bạn sẽ chỉ là nơi lệ cảm xúc mà thôi. Rồi cứ như thế để mặc cho cảm xúc tung toé, cho cuộc đời tung toé bởi những hành động, lựa chọn, quyết định vô lý, vô minh, thiếu minh mẫn. Thành ra tại công sở, nó là nơi diễn emo hoành tráng nhất, vì nó là xã hội thu nhỏ, có đủ loại người và đủ loại chất xúc tác khác nhau để bùng. Bạn nghĩ lại đi, bao nhiêu lần trong chỉ một ngày bạn phải coi phim la hét, vật vã, khóc lóc, chửi bới, đau đớn, cạn kiệt, vv? Mà cứ để emo nó xổng chuồng kiểu đó thì đương nhiên phải nảy sinh mâu thuẫn mà thôi. Cuối cùng, phải có đứa chịu trách nhiệm, phải có đứa làm sai, phải có địch và ta, có phe chính nghĩa và đám xấu xa, ác độc chứ. Rồi cứ vậy mà chia phe ra đánh, đánh cho tới khi lưỡng bại câu thương mới chịu thôi. Ủa, đi làm hay là đi đánh trận thuê mấy người?


Giờ, hiểu được những nguyên nhân chính gây mâu thuẫn rồi thì chuyện đầu tiên cần làm là nhìn lại mình trước đã. Bản thân mình có là tác nhân gây mâu thuẫn hay không. Đừng vợi phòng thủ và nói là không không, tụi nó chứ làm gì có em. Bình tĩnh phản tư, nhìn nhận, chân thật với bản thân đi. Bệnh là phải chữa từ thân tâm mình chữa ra. Mình OK đã rồi thì chuyện nhà người ta mình mới tinh sau. Vậy nhé!

3.949 lượt xem

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Kiếp tử tế

Và tôi thấy…

TÔI HÌNH GÌ?

bottom of page