top of page

MÔ HÌNH NHƯỢNG QUYỀN VI MÔ - MICRO-FRANCHISING



Ai trong chúng ta cũng biết nhượng quyền là một trong những mô hình phát triển thành công nhất trên thế giới trong vòng 100 năm qua, nhưng nhượng quyền cũng đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu không nhỏ.


Đơn cử, đầu tư cho một thương hiệu khu vực như Jollibee, tổng đầu tư một chi nhánh nhận quyền đã lên đến 4,5 tỉ đồng. Nếu chỉ tính đến những thương hiệu Việt Nam còn chưa chuyên nghiệp thì khoản đầu tư có thể dao động từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng. Cũng vì vậy mà sản phẩm và dịch vụ từ các mô hình nhượng quyền thường nhắm vào tầng lớp có thu nhập trung bình khá trở lên.


Vậy đối với tầng lớp thu nhập thấp trong xã hội, chiếm 50% dân số Việt Nam, tập trung chính ở các khu vực nông thôn và với thu nhập hộ gia đình thấp hơn 5 đô la Mỹ mỗi ngày (theo Viện Nghiên cứu Brookings), liệu có những sản phẩm và dịch vụ phục vụ cho họ qua hình thức nhượng quyền? Quan trọng hơn nữa, hơn 45 triệu người Việt Nam nằm dưới đáy của kim tự tháp thu nhập đó (BoP - bottom of the pyramid) có hay không một cơ hội được tham gia vào chuỗi giá trị của ngành nhượng quyền như nhà cung cấp, nhân viên, hay đối tác nhận quyền?


Micro-franchising là gì?

Hiện nay trên thế giới, nhiều doanh nghiệp xã hội đang sao chép mô hình nhượng quyền truyền thống để tạo ra giải pháp cho vấn đề mà chúng ta vừa đặt ra, đưa những người dưới đáy kim tự tháp vào hệ giá trị kinh doanh.


Đến nay, các doanh nghiệp xã hội này đang triển khai thành công một mô hình được đặt tên là micro-franchising, mô hình nhượng quyền vi mô. Định nghĩa chính xác thì micro-franchising là mô hình kinh doanh áp dụng các nguyên tắc của mô hình nhượng quyền truyền thống nhưng tập trung vào mục tiêu tạo ra cơ hội việc làm và cơ hội kinh doanh cho người dân hay hộ gia đình có thu nhập thấp.


Do hoàn cảnh môi trường kinh tế khó khăn, những người thuộc về đáy kim tự tháp thường không được ăn học đến nơi đến chốn, làm việc và kinh doanh theo cảm tính, do đó không mấy khi thành công. Khi sử dụng các nguyên tắc của mô hình nhượng quyền, ngoài việc sao chép một hệ thống kinh doanh đã qua thử nghiệm thành công, học hỏi và tuân thủ quy trình, tiêu chuẩn vận hành... họ còn được huấn luyện các kỹ năng cần thiết để kinh doanh bền vững. Mô hình nhượng quyền vi mô, vì vậy, đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế của một quốc gia bằng cách tạo ra công ăn việc làm, kết nạp những người dân dưới đáy kim tự tháp vào hệ kinh doanh bền vững của cả đất nước.


Cách xây dựng mô hình micro-franchising

Doanh nghiệp Việt Nam đến nay kinh doanh dựa trên những hiểu biết rất chủ quan về thị trường, thiếu đầu tư vào nghiên cứu hành vi và nhu cầu của đối tượng tiêu dùng, dẫn đến việc thiếu sáng tạo trong thiết kế và xây dựng sản phẩm.

Đây cũng là lý do vì sao mà hàng hóa và thương hiệu Việt Nam đến nay không thể cạnh tranh lại với hàng hóa và thương hiệu trong khu vực như Thái Lan, chưa nói đến hàng hóa và thương hiệu quốc tế.


Muốn xây dựng hệ kinh doanh bền vững, mọi sự khởi đầu phải bắt nguồn từ nghiên cứu thị trường, cho dù sản phẩm hay dịch vụ đó dành cho bất kỳ tầng lớp thu nhập nào. Đối với tầng lớp “đáy kim tự tháp” tại Việt Nam, nhu cầu của họ là gì? Câu hỏi này cần được trả lời bằng những khảo sát nghiêm túc để có thể xác định đúng ngành hàng, ngành dịch vụ tương ứng.


Theo báo cáo của Tổ chức Tài chính thế giới IFC, nhu cầu chính của tầng lớp “đáy kim tự tháp” trên thế giới thường rơi vào những ngành như y tế, công nghệ, vận tải, nước, năng lượng, nhà ở, và quan trọng nhất là ngành thực phẩm. Tổng giá trị thị trường thế giới dành cho tầng lớp “đáy kim tự tháp” được thống kê như sau: ngành cung cấp nước sạch là 20 tỉ đô la Mỹ, ngành công nghệ là 51 tỉ đô, ngành y tế 158 tỉ đô, ngành vận tải 179 tỉ đô, ngành bất động sản (nhà ở) 332 tỉ đô, ngành năng lượng 433 tỉ đô và ngành thực phẩm là 2.895 tỉ đô la Mỹ.


Sau khi đã xác định được nhu cầu tiêu dùng và xây dựng sản phẩm, dịch vụ tương ứng, việc tiếp theo là xây dựng nền tảng nhượng quyền. Các nguyên tắc của mô hình nhượng quyền truyền thống đều được áp dụng khi xây dựng mô hình nhượng quyền vi mô. Theo đó, bốn nền tảng chính của nhượng quyền bao gồm (1) Thương hiệu và mô hình; (2) Nhân sự và đào tạo; (3) Vận hành (bao gồm chuỗi cung ứng) và (4) Phát triển thị trường đều phải được ứng dụng đầy đủ vào mô hình.


Micro-franchising là mô hình kinh doanh áp dụng các nguyên tắc của mô hình nhượng quyền truyền thống nhưng tập trung vào mục tiêu tạo ra cơ hội việc làm và cơ hội kinh doanh cho người dân hay hộ gia đình có thu nhập thấp.


Nguyên tắc chính để vận hành mô hình nhượng quyền vi mô thành công

Do đối tượng nhận quyền là những siêu tiểu thương, không quen làm việc trong một môi trường nguyên tắc nên việc vận hành mô hình nhượng quyền vi mô chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn hơn so với mô hình nhượng quyền truyền thống. Do đó, doanh nghiệp sử dụng mô hình micro-franchising cần lưu ý ba yếu tố sau:


Mô hình hỗ trợ thích hợp: trong nhượng quyền truyền thống, doanh nghiệp thường đưa ra những yêu cầu khắt khe về hồ sơ với đối tác, ví dụ bằng cấp, lịch sử kinh doanh, tài sản...

Đối với micro-franchising, những yêu cầu này không còn thích hợp. Hệ thống nhượng quyền phải cực kỳ đơn giản, không đòi hỏi người triển khai phải suy nghĩ hay thực hiện quá nhiều bước chuẩn bị. Chuỗi cung ứng cũng phải cung cấp đầy đủ sản phẩm, máy móc (nếu có), bộ công cụ bán hàng... nhằm tạo điều kiện triển khai hết sức dễ dàng cho người thực hiện. Mô hình này được gọi là “hộp công cụ kinh doanh” (business in a box). Chỉ cần mở cái hộp này ra, một người chưa có kinh nghiệm vẫn có thể triển khai kinh doanh được.


Micro-franchising chỉ dành cho doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội: doanh nghiệp tham gia micro-franchising nên là doanh nghiệp đang vận hành trong ngành nghề nhất định nào đó, có khả năng mở rộng sản phẩm, dịch vụ thêm cho thị trường “đáy kim tự tháp”, và với mong muốn giúp đỡ xã hội và người dân Việt Nam.


Nếu khởi đầu bằng cái tâm cộng đồng, micro-franchising mới có thể bền vững được. Người muốn sử dụng mô hình này ngay từ đầu để kiếm tiền, chắc chắn sẽ tạo ra hiệu ứng giống như những vụ bê bối “bán hàng đa cấp” mà chúng ta đã nhìn thấy tại Việt Nam trong thời gian vừa qua. Trên thực tế, có rất nhiều doanh nghiệp bán hàng đa cấp đang chuyển sang sử dụng mô hình micro-franchising để tiếp tục phát triển. Vì vậy, Nhà nước nên quan tâm và kiểm tra hoạt động của những doanh nghiệp đăng ký hoạt động theo hình thức micro-franchising nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân khi tham gia kinh doanh.


Xây dựng thương hiệu và thị trường: dù là mô hình micro-franchising, yêu cầu về đầu tư xây dựng thương hiệu và thị trường của mô hình này không khác hơn mô hình truyền thống. Muốn giúp cho người nhận quyền kinh doanh tốt, doanh nghiệp nhượng quyền vẫn phải đầu tư cho hoạt động tiếp thị, xây dựng độ nhận biết thương hiệu và hệ thống thị trường rộng khắp, giúp gia tăng nhu cầu tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ, tạo điều kiện bán hàng dễ dàng hơn cho franchisee.


Hiện nay, micro-franchising còn là một ý tưởng khá mới tại Việt Nam nói riêng và cả thế giới nói chung. Đây là mô hình được triển khai chủ yếu cho các nước đang phát triển, ví dụ về mô hình thành công chủ yếu nằm tại châu Phi như mô hình làm móng tay Amazi, mô hình dạy học cho trẻ em trước tuổi đến trường Grow tại Nam Phi, dịch vụ nước sạch và y tế online Ashoka tại Ấn Độ... Cho đến nay những mô hình này vẫn chủ yếu do các tổ chức phi lợi nhuận đứng ra triển khai, tuy nhiên họ đang kêu gọi rất nhiều các doanh nghiệp trong khối tư nhân cùng hợp tác hỗ trợ trong chuỗi cung ứng và giá trị.


Nguyễn Phi Vân (Bài đã đăng trên Thời báo kinh tế Sài gòn 22/06/2016)

89 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page