top of page

MỘT NGƯỜI MỸ... KHÔNG TRẦM LẶNG?


Hôm qua, tôi ngồi cùng phiên thảo luận với Philip Gaskin, giám đốc hệ sinh thái công đồng khởi nghiệp của quỹ Kauffman tại Mỹ. Anh là người điều phối phiên thảo luận về chiến lược xây dựng vị thế cạnh tranh cho thành phố. Anh hẹn mọi người gặp nhau 30 phút trước khi phiên thảo luận bắt đầu, trưa ngày thứ 3 trong sự kiện GEC – Global Entrepreneurship Congress – Hội nghị doanh nhân toàn cầu với sự tham dự của hơn 150 quốc gia.

Tôi bước vào phòng hẹn đúng giờ, chỉ có Philip và tôi. Philip tới trước. Anh đứng lên, niềm nở chào và bắt tay khi tôi bước vào phòng.

“Tôi gọi bạn thế nào cho phải?” “Gọi tôi là Phi nhé” Chúng tôi trao đổi danh thiếp và hỏi thăm về công việc của nhau. Philip nói anh mới tham gia quỹ Kauffman được 2 năm. “Ủa vậy trước đó anh làm gì?” “Làm nhiều công việc của chính phủ, trong đó có tham gia vận động cho tổng thống Obama tại Kansas là quê tôi.” “Do you miss him? Anh nhớ tổng thống của mình không”, tôi hỏi. “Are you kidding me, Phi? I miss him dearly! Giỡn hoài Phi, nhớ lắm lắm” “Rồi giờ sao?”, tôi hỏi “We are so messed up, Phi, so messed up – Đất nước này đang rối tung lên rồi Phi ạ. Tôi cũng không biết tại sao chúng tôi lại ra nông nỗi ấy. Có lẽ vì có đến chín triệu người dân không đi bầu cử. Chẳng ai có thể nghĩ ra là Trump lại thắng cử.” Philip vừa nói, vừa lắc đầu nguầy nguậy. Có rất nhiều cảm xúc đan xen trong ngôn ngữ cơ thể, trong giọng nói với âm vực bị đẩy lên cao trào, và trong cả ánh mắt bối rối, vội vã lục tìm quá khứ. Một người Mỹ gốc Phi, có vẻ ngoài trầm lặng trong thoáng bắt gặp đầu tiên, đã không còn trầm lặng. “It's so embarrassing, Phi. It’s so embarrassing that I don't want to show my US passport to anyone, any more – Phi biết không, tôi mắc cỡ đến nỗi không dám show passport Mỹ của mình cho ai xem hết. Mắc cỡ đến như thế đó!”

Tôi thầm nghĩ, “Cũng đâu ai đánh giá mình qua cái passport đâu Philip. Nếu có, họ cũng chỉ là những người thiếu hiểu biết mà thôi. Tôi chỉ biết mình đang kết nối với một cá nhân, và cá nhân đó là người có giá trị đáng tôn trọng hay không. Đó mới là điều quan trọng. Ai, ở đâu, làm gì, đều là những cái vỏ bọc của một con người. Tám trăm lớp vỏ củ hành phải lột bỏ dần dần mới có thể nhìn thấy cái lõi thật sự của một ai đó. Thế nên, tôi chẳng bao giờ để ý mấy thứ họ trưng ra. Đồ giả không à!”

“Anh qua Việt Nam chơi bao giờ chưa?” “Chưa Phi. Đó là nơi tôi rất mong được đến nhưng chưa bao giờ có dịp.” “Thì mình tạo ra dịp thôi. How about I invite you to come and visit us? Tôi mời anh qua chơi là thành dịp chứ gì?” Philip cười, thật hiền, gật đầu, “Ừa năm nay qua nhe Phi. Tháng nào thì thời tiết mát?” “Tháng 11 hay 12 gì đó sẽ mát nhất. Mà mát lắm thì cũng 26 độ thôi nhe. Đừng over-expect – tưởng và mong gì hơn. Mong đợi quá cũng dễ thất vọng lắm đó. Thay đổi khí hậu toàn cầu thế. Ai biết dâu mà lần. Quan trọng là, anh phải đến Việt Nam trước khi đất nước này Mỹ hoá.” “À vậy là tôi sẽ đến trước Starbucks và Walmart hả?” “Anh chậm quá. Starbucks đến rồi. Anh còn cơ hội qua mặt Walmart nữa mà thôi, nếu kịp nhanh chân hơn họ.”

32 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Kiếp tử tế

Và tôi thấy…

TÔI HÌNH GÌ?

bottom of page