Con người chúng ta từ khi sinh ra đến nay trải qua không biết bao nhiêu là chuyện, xấu có tốt có, hay có dở có, thành công có thất bại có…. Có rất nhiều câu hỏi chưa được hỏi, có nhiều câu hỏi ta tự hỏi mình, có câu hỏi tìm ra câu trả lời, nhưng cũng có rất nhiều câu hỏi chắc chắn là cho tới ngày hôm nay, dù bạn bao nhiêu tuổi và trải qua hành trình như thế nào rồi, câu trả lời vẫn đang lơ lửng. Chẳng ai trên đời này tìm ra hết câu trả lời cho tất cả mọi câu hỏi. Cũng có khi, có nhiều câu hỏi không cần đáp án, chỉ cần sự lặng im hay thoáng mỉm cười khi ta chợt nhận ra.
Có nhiều câu hỏi, không phải hỏi xong là có câu trả lời. Câu hỏi chỉ là điểm khởi đầu, kích hoạt một hành trình đi tìm kiếm câu trả lời cho bản thân. Những câu hỏi dạng tôi là ai, tôi đến trần gian để làm gì, giá trị tôi mang lại cho thế giới này là gì, vv, là những câu hỏi khó, cần cả một quá trình để tìm ra câu trả lời. Có những câu trả lời, tìm vài ba tháng thì hiểu ra. Có những câu trả lời, vài ba năm vẫn treo tròng trành trong tim. Có câu trả lời, tìm cả đời chưa thấy. Ai cũng có những câu hỏi, nhưng nếu chỉ được hỏi Thượng Đế một câu, quan trọng nhất đối với bạn trong cuộc đời này, trong hành trình nhân gian này, và chỉ được một câu hỏi thôi, thì bạn sẽ hỏi gì? Cuối cùng, điều gì là quan trọng nhất đối với bạn? Cuối cùng, điều gì sẽ là chìa khoá mở mọi nút thắt trong con người bạn? Cuối cùng, điều gì sẽ giúp bạn tìm thấy niềm vui và hạnh phúc trong cuộc sống này? Và nếu được gặp và hỏi Thượng Đế một câu, đó sẽ là câu hỏi gì? Khi bạn tìm ra câu hỏi, có khi đó chính là khởi đầu cho một hành trình mới.
Không biết phải hỏi gì
Sẽ có nhiều người thật ra không biết phải hỏi gì, vì hỏi chuyện thường tình quá thì nó uổng cái cơ hội to bự. Nhưng để hỏi chuyện quan trọng, giá trị, xứng tầm thế kỷ kia thì chưa nghĩ ra, vì bản thân chưa bao giờ nghĩ mình cần phải nghĩ, về một mục đích sống nào khác cao hơn, lớn hơn những hoạt động hàng ngày. Mình sinh ra, mình hoà nhập vào dòng đời, mình thức dậy mỗi sáng và làm những gì đời muốn mình làm, rồi đi ngủ. Cứ như thế, cuộc sống là sự lặp lại của những hoạt động do thế giới bên ngoài qui định. Bản thân ta cũng không biết tại sao mình lại sinh ra, tại sao phải đi làm những chuyện như này, sống cuộc đời như này, ngày lại ngày qua cho tới khi nhắm mắt. Có khi, đó là số phận? Có khi, nó là vậy đó và mình cứ trôi xuôi, nghĩ làm chi cho mệt cái đầu?
Khi không biết phải hỏi gì, có khi người ta chấp nhận tất cả không cần hỏi, có khi không dám hỏi vì sợ câu hỏi của mình không có tầm, có khi không buồn hỏi vì không biết phải làm gì với câu trả lời, có khi kệ, có câu hỏi nhưng đời này coi như bỏ qua, không cần quan tâm nữa…. Dù lý do là gì, không hỏi nghĩa là chưa đủ quan tâm đến bản thân, chưa đủ quan tâm đến mục đích vì sao bạn sinh ra và tồn tại trong cuộc đời này, chưa có ý định đi tìm sứ mệnh cuộc đời, chỉ dạo chơi một quãng trần thế rồi ra sao thì ra không muốn nghĩ. Đã không
hỏi thì thôi vậy, là lựa chọn của chính mình, nhưng không hỏi thì cũng đừng bao giờ lăn tăn chuyện vì sao….
Hỏi chuyện hơn thua
Chắc sẽ rất nhiều người hỏi chuyện thành bại, hơn thua, có không, được mất. Con người, từ khi sinh ra, đã quận vào chiếc vòng lặp của tham sân si, của hỷ nộ ái ố, của sự ích kỷ, ngã mạn, của những drama ai oán non-stop về cuộc đời và số phận mà vũ trụ ấn vào mình. Tại sao lại là tôi? Tại sao phải là tôi? Tại sao không là họ? Tại sao tôi không được ưu ái hơn? Tại sao tôi phải cố gắng hơn? Tại sao tôi phải cực khổ, gian nan hơn? Tại sao tôi không được ban cho một vì sao may mắn?
Câu hỏi dạng này thì muôn hình vạn trạng, đủ loại sắc màu, không đầu đuôi và chẳng biết đường nào mà lần, không biết đâu mà đỡ. Nhiều khi hỏi không phải là để hỏi, mà là để than thân trách phận, buồn người sầu đời, đổ thừa cho
Hỏi để đi tìm
Có người thì, biết mình muốn hỏi gì, rất rõ thứ mình cần tìm, và cũng biết hỏi vậy thôi chớ câu trả lời là do chính bản thân tìm ra, ngộ thấy. Cho nên, hỏi là vì có cơ hội hỏi, vì có cơ hội được lắng nghe, vì mỗi lần đặt lại câu hỏi là một lần tiến gần hơn đến nơi tìm thấy. Nếu Thượng Đế có trả lời đi chăng nữa, thì đó cũng là một góc nhìn. Còn bản thân mình thì, vẫn phải thu thập thêm dữ liệu, thông tin, tự phân tích, tự đưa ra quyết định, lựa chọn, và chịu hoàn toàn trách nhiệm về điều đó.
Thượng Đế giả dụ có trả lời, và mình lỡ có nghe theo, làm vậy, thì cuối cùng cũng không trách ổng. Ai đưa ra lời khuyên chẳng thế, cũng đứng trên quan điểm và góc nhìn của người ta. Còn chuyện mình thấy sao, có xài một phần hay xài hết lời khuyên đó hay không thì lại là chuyện của mình, đâu liên quan gì tới ai hay bất kỳ điều gì khác. Có điều mình chịu khó hỏi, chịu khó nghe, chịu khó tự phân tích và đưa ra chính kiến có khi là cách hay để mình chạm vào sự thật. Đời này, có đặt câu hỏi thì sẽ có cách tìm thấy câu trả lời, có gõ thì cửa mới mở, có hành động ắt sẽ có kết quả, còn chậm nhanh thì tuỳ thuộc vào cách ăn ở và sự chân thành của chính mình, không dựa vào ai khác được. Vậy thì, nhiều khi chắc cũng không cần phải chờ tới khi được hỏi Thượng Đế, tự mình hỏi mình cho nó vừa dễ vừa nhanh. Lỡ ở trển bận quá có delay, thì nhiều khi mình cũng tự xử xong rồi, vui vẻ hạnh phúc tự thân không chờ đến ngày được hỏi.
Nói chung là, muốn hỏi câu gì thật ra nên nghĩ, vì nó là câu hỏi quan trọng trong đời. Xong, có khi cứ bắt đầu hỏi chính bản thân mình, trong khi chờ thiên cơ đáp xuống.
Mà nếu được hỏi Thượng Đế một câu hỏi, bạn sẽ hỏi gì?
Comments