top of page

NẾU MUỐN LÀM ĐIỀU KỲ DIỆU…



Hơn nửa đời người, nhìn lại hành trình mình đã đi qua, tôi nhận ra là việc tu sửa chính bản thân mình mới thật sự quan trọng đối với thành công. Ngày xưa chẳng ai dạy, nên tôi sai đến đâu sửa đến đó. Giờ ngẫm lại thấy mất thời gian quá, mà thời gian thì luôn có hạn, nên ghi lại vài kỹ năng mà tôi nghĩ là bạn trẻ nên có kế hoạch rèn luyện để thành công.


1. Biết khi nào cần dừng lại: là con người thì ai cũng thích nói cho đã, bảo vệ cho tới quan điểm và hành vi của mình. Bao giờ lỗi cũng là của người khác. Bao giờ ta cũng là nạn nhân. Nhưng ta chỉ muốn sổ ra cho đã cảm xúc nhất thời, hay ta có nghĩ đến hậu quả của cuộc đấu này ngày hôm sau, tuần sau, tháng sau…? Có những giải pháp hoá giải hiệu quả đến từ việc ta dừng lại, lùi một bước, ngậm miệng không nói. Bạn có bao giờ nghĩ mình đánh trận mà không cần tốn một binh một tốt nào không? Nếu muốn đỡ tốn cả tinh thần và nguồn lực, có khi bạn chỉ cần làm có một việc hết sức nhỏ là dừng lại.


2. Trí tuệ cảm xúc – EQ: đề tài này tôi nói đã nhiều lần. EQ là hiểu mình, hiểu người, và quản trị được quan hệ, cảm xúc của cá nhân và người tương tác. Mà bạn đã hiểu mình chưa? Hay bạn mải mê đi tìm toàn những trải nghiệm bên ngoài? Đường đi đến thành công thật ra là đường đi ngược trở vào, tìm lại mình, đối thoại với chính mình, giảng hoà, dạy mình và hướng dẫn chính mình. Rồi thế giới sẽ thay đổi vì chính mình thay đổi. Rồi ta sẽ hiểu người vì ta đã hiểu mình.


3. Quản trị quỹ thời gian: khi ta không biết quản trị cái nguồn quỹ có sẵn, quý giá, và hết sức dễ mất này, ta đi tìm làm chi những nguồn vốn khác? Con người ai cũng lao đi, cũng cần đến một nơi nào đó, hết sức quan trọng, hết sức cấp thiết, vô cùng khẩn cấp…. Cuối cùng, ta toàn là lao đi, và làm toàn chuyện khẩn cấp nhưng lại nhỏ li ti, chẳng đóng góp gì vào sự thành công của ta trong tương lai cả. Người biết mình không có nhiều thời gian chỉ làm vài việc chính yếu, đóng góp 80% vào sự thành công. Còn chuyện khẩn cấp mà chẳng đóng góp bao nhiêu, có khi họ cho qua hay để đến cuối danh sách chờ khi mình rảnh. Bạn có đang lao đi?


4. Lắng nghe: có phải khi không nói là ta đang lắng nghe? Không đâu. Không nói thì có khi ta đang suy nghĩ lung tung là khác. Không nghe thì không hiểu, không hiểu thì quyết định sai, đưa ra giải pháp sai. Vậy sao không lắng nghe? Nghĩ lung tung chi cho mệt óc? Chỉ cần tập trung lắng nghe và hiểu rõ người đang tương tác, chẳng phải vấn đề đã được giải quyết rồi sao?


5. Từ chối: người không biết từ chối là người bị stress. Có khi không muốn đi vẫn cứ đi. Có khi không muốn nghe vẫn cứ ngồi nghe. Cuối cùng bạn thành vật trang trí cho người khác. Tệ hơn, bạn thành cái thùng rác cho người ta quăng mọi thứ tiêu cực vào. Cả đời này chỉ có cái thân của bạn là bạn sở hữu thôi. Vật ngoài thân có rồi sẽ mất. Vậy sao ta không trân quý chính bản thân mình?


6. Ngủ đủ giấc: khi ta ngủ, não sẽ làm việc và loại bỏ các protein có hại sản sinh trong quá trình ra suy nghĩ và làm việc ban ngày. Và não chỉ làm được điều này khi giấc ngủ của ta chất lượng. Không ngủ đủ thì chất gây hại sẽ không mất đi, làm giảm khả năng xử lý thông tin, giết chết sự sáng tạo, khả năng giải quyết vấn đề, và làm EQ ta giảm mạnh. Ai thức thì cứ thức đi nhé. Tôi thì cứ phải đủ 7 tiếng / ngày.


7. Tư duy tích cực: não người được thiết kế để đi tìm hiểm nguy, đi tìm khó khăn và tiêu cực. Do đó, nếu không chủ tâm rèn luyện tư duy tích cực, ta tự động sẽ chán nản, thấy toàn khó khăn thử thách, thấy toàn chuyện chẳng ra gì. “Glass half empty or half full - Ly nước nửa đầy hay nửa cạn” thật ra chỉ là góc nhìn. Thử thay đổi xem sao?

6.963 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page