top of page

Người tử tế bây giờ ít lắm em ơi!

Ảnh của tác giả: Phi Van NguyenPhi Van Nguyen


Với một người U70 đã trải qua rất nhiều thăng trầm của cuộc đời và sự nghiệp để trở thành một doanh nhân thành đạt, câu cảm thán này nghe quá là đắng. “Người tử tế bây giờ ít lắm em ơi.” Cùng ngày, mình kể cho anh nghe chuyện một bạn trẻ nhắn tin vào FB mình, “Cô ơi con sợ con người.” Cuối cùng con người là con gì mà đồng loại thì sợ và người càng từng trải càng ngán ngẩm?


Mọi người xôn xao bàn về những sự kiện sự việc đã và đang xảy ra được dán nhãn bất nhân hay vô đạo đức. Mình thì cho rằng tất cả những hành vi trên bề mặt đó thật ra chỉ là sự trình diễn đương nhiên của nền tảng giá trị đạo đức đã mục ruỗng. Giống như cái nhà móng yếu vậy đó. Móng vỡ tới đâu thì nó sụp tới đó. Có bu vào bàn tán, lên án, hay chỉ trích cũng chẳng giải quyết được gì, vì đó cuối cùng cũng chỉ là một trong vô số những biểu hiện suy đồi của cái nền đã mục. Tại sao người tử tế bây giờ ít lắm em ơi? Đơn giản là vì họ được sinh ra và nuôi dưỡng trong môi trường không coi trọng giá trị đạo đức. Ở đó, người ta so nhau bằng tiền, bằng tài sản, bằng sự nổi tiếng, và lượt follow chủ yếu nhờ vào drama. Ở đó, người ta làm tất cả những gì có thể để hưởng lợi, không phân biệt đúng sai, không quan tâm nó tác động tiêu cực, nghiệt ngã thế nào đến người khác và xã hội. Ở đó, người ta chỉ biết đến bản thân, không biết trước biết sau, không biết ai khác ngoài mình, bao gồm cả gia đình và người thân, nói chi người ngoài hay người lạ.


Bản thân mình cũng có trải nghiệm cá nhân tương tự. Nhiều khi, nhìn cách người khác hành xử hay đối xử mà không ngậm mồm được “ủa vậy là sao?” Ủa, chuyện cơ bản nhất về nghĩ cho người khác, đừng tạo ảnh hưởng tệ cho người khác thôi chứ chưa nói gì đến giúp đỡ mà cũng không hiểu và không làm được? Ba chuyện nhỏ nhặt nhất về làm người, như lịch sự tại nơi công cộng, như không hại người khác, không tham lam giành giật, cướp gì của ai, không nói một đằng làm một nẻo, không phun rác từ mồm mình sang nhà người khác thôi mà cũng không làm được thì thiệt tình là hết thuốc chữa. Mà chuyện kiểu này nó diễn ra nhan nhản hàng ngày, một vở kịch, vô số diễn viên và chập chùng ngữ cảnh. Riết rồi, thấy người đời hành xử vậy mới thấy đúng, ý là đúng theo dự đoán logic và dữ liệu lịch sử.

Còn hành xử khác đi, như có chút đàng hoàng, tử tế thì thật đáng ngạc nhiên, vì nó lạ quá xá, nó đi ngược chuẩn phổ thông quá cỡ, và nó làm cho người ta hoảng hốt, nghi ngờ. Riết rồi, không biết phải bắt đầu tứ đâu, tin hay không tin, cho hay không cho cho, mở lòng hay không mở lòng, giúp hay không giúp. Giúp thì bị chê là ngu, vì 99% là nhận về quả đắng. Không giúp thì áy náy trong lòng, vì mình đang đồng hoá bản thân với loài vô cảm ở ngoài kia. Đôi khi, vì chán quá ngán quá mà người ta khép lòng, co lại, tránh xa loài người và chọn chẳng tin ai. Có khi, chút ánh sáng đâu đó còn sót lại trong mỗi linh hồn tự tắt, chỉ để thích nghi với hoàn cảnh và tránh né nỗi đau. Có khi, mệt mỏi quá nên chọn không care, ủa tại sao phải care khi nó chẳng làm cho bản thân thêm được miếng gì mà trả lại toàn là ba chuyện tào lao, phiền phức? Cứ thế, phần con càng ngày càng nở nang ra. Phần người càng lúc càng teo tóp lại. Con người cuối cùng là con gì? Sẽ đến lúc ta không định nghĩa được, không định danh nổi, không còn kết nối với khái niệm tiệt chủng - “người”.


Cho nên, dạy kiến thức đủ thứ làm chi, dạy kiếm tiền thành công để làm gì, khi bài học làm người còn chưa thuộc. Bài cơ bản nhất, cái nền cần thiết nhất mà không có, thì chất chồng chi lên đó những câu chuyện, con người ngạo nghễ lung linh? Tất cả, cuối cùng chỉ làm cho xã hội này ngày càng biến thành sân khấu bi hài kịch của một vở diễn chẳng bao giờ kết thúc.

Comentários


Bạn đã đăng ký thành công!

Nhập email để tự động nhận bài mới

©2021 by Nguyễn Phi Vân

bottom of page