Chị hỏi em dạo này ra sao, còn mình thì hăng say kể về những cuộc zoom tất bật mấy tuần nay với đối tác ở Trung đông, Châu Phi. Sau Covid, khi mọi người hiểu ra việc tự doanh có chiều hướng khó, nhất là khi thị trường đòi hỏi về đầu tư lớn vào công nghệ, vào khả năng đội ngũ, vào một vạn thứ để chuyên nghiệp hoá nếu còn muốn tồn tại. Mà doanh nghiệp vừa và nhỏ thì lấy đâu ra nguồn lực để đầu tư? Cho nên, thay vì tự doanh, người ta lại đổ xô sang nhượng quyền, để được gắn với một hệ thống nền tảng hơn, bền vững hơn, tech hơn, chuyên nghiệp và ít rủi ro hơn. Đương nhiên, đó là khi hệ thống họ gắn vào phải hội đủ những điều kiện tương lai đòi hỏi. Giờ, cũng không phân biệt brand từ nước nào, đang phát triển hay đã phát triển nữa. Vấn đề là mô hình đó có tương lai không, có số hoá không, có hiệu quả hay không mà thôi.
“Dự án cuối cùng của em nha chị ơi.” Nỗi khắc khoải đưa doanh nghiệp và thương hiệu Việt Nam ra thế giới chưa bao giờ nguôi, và vì nó mà tôi đã tìm nhiều cách suốt 5 năm qua. Có nhiều thử nghiệm thất bại, đặc biệt là khi tập trung vào chỉ huấn luyện và coaching cho doanh nghiệp. Học rồi thật ra họ cũng không làm được. Học là để hiểu. Nhưng làm lại là một chuyện khác, cần có nguồn lực, có chuyên gia, có cả một đội ngũ hỗ trợ, đồng hành để triển khai. Cũng như câu chuyện chị kể về phát biểu của ông Thứ trưởng Bộ nông nghiệp Thái Lan, “Nông dân chỉ cần tập trung giữ cho sản phẩm ổn định về chất lượng theo tiêu chuẩn thôi, còn lại để chính phủ lo.” Còn với tôi, sau khi đã thử nghiệm thành công thì, “Doanh nghiệp chỉ cần tập trung làm và phát triển sản phẩm tốt thôi, còn lại chúng tôi lo.” Chỉ khi họ được gắn vào một hệ thống nền tảng, có sẵn nguồn lực chuyên nghiệp cùng action - hành động triển khai như thế, mới có thể hy vọng nhìn thấy sự chuyển mình của thương hiệu Việt. Tôi tự cho mình 5 năm nữa để hoàn thành tâm nguyện này, “rồi cho em về hưu, đi làm phim tài liệu và viết lách thôi.”
Lâu ngày mới gặp nhau, câu chuyện của hai chị em chuyện nọ xọ chuyện kia, về nước Nhật, về cuộc chiến tranh Nga - Ukraina đang ảnh hưởng nghiệm trọng đến kinh tế thế giới, về những câu chuyện bi hài hàng ngày trên đất Việt, và cả nỗi đau của những con người ở dưới đáy kim tự tháp đang loay hoay giữ lấy sự tồn tại của chính mình. Nhưng rồi, ngày nào cũng có chuyện mới, và chuyện cũ dường như dửng dưng phai mờ, khi trái tim đa cảm của mỗi con người không còn chỗ chứa. “Chị biết em sợ nhất gì không? Sợ bản thân mình sẽ trở nên vô cảm.” Khi đối diện với cái ác, lòng tham, sự vô minh lướt qua mạng xã hội hàng ngày, có khi nào ta thấy nó ngày càng trở nên rất thường tình, just another story - chỉ là một câu chuyện khiến ta thở hắt ra vài tiếng nữa thôi, mảy may không còn khả năng làm cho ta đau. Nếu thế, thì thật là đáng sợ, khi cái ác trở thành một phần của cuộc sống đời thường, như cái bánh ít bánh dầy. Còn hơi thở thì, đã quá đát từ thời thế hỗn loạn với Cô Vy. Sự chết chóc được nhắc đến hững hờ hơn, ừ thì chuyện không may, không ai muốn….
Nhưng cuộc sống, ngẫm lại, cuối cùng vẫn chỉ là những tình yêu giản đơn, giọt nước mắt nghẹn ngào ngày anh ra đi, vài kỷ vật chợt tìm ra khi ta còn ở lại, hay cái đêm run rẩy bàng hoàng nhận được cú điện thoại của con…. Cuộc sống, cuối cùng là nỗi khắc khoải được về nhà, nghe tiếng mừng rỡ chờ cơm, “Hay quá!”. Hay quá, vì người ta còn được gặp lại nhau trong bữa cơm canh đạm bạc, câu chuyện dù chẳng vuông tròn nhưng đời vẫn có nhau. Cuộc sống, cuối cùng chỉ là lời nguyện cầu cho con mình bình an, hạnh phúc, với tay chạm đến giấc mơ cầu vồng, mong ước trăng sao. Chút đượm buồn cuối ngày khi con không về ăn cơm giấu vội vào nỗi nhớ. Cuộc sống, cuối cùng chỉ là câu hỏi ngô nghê về duyên về nợ, biết kiếp sau rồi mình có gặp nhau không. Ly cà phê đầu ngày có phải đã hừng đông? Tách trà ướp trăng có phải là đêm đã hết? Chiếc răng đau gọi ai, khi nhận ra nửa vầng trăng đã lệch? Một mùa người, vũ trụ có lăn tăn?
Ừ thế giới rồi sẽ thăng trầm, có bệnh dịch này, khủng hoảng kia và có cả chiến tranh. Thời gian xoay vần, tiếng hát nào rồi cũng cũ. Ngày có nhau, xin ơn trên chở che cho yêu thương qua bão giông vẫn sẽ sàng đơm nụ. Xin cho nắng về ôm lấy những mùa đau. Xin cho ngày còn ở đây, cho người sẽ luôn tìm về để còn kịp thấy nhau. Cho hạnh phúc trong veo như nốt sol quãng tám. Cho trần gian an nhiên dù chỉ là cõi tạm. Cho kiếp người dung dị một tình yêu….
Comments