Khoa học công nghệ càng phát triển, văn minh nhân loại càng đi lùi. Một ông già thông thái đã nói với tôi như thế. Càng ngày, ta càng nhồi nhét vào não bọn trẻ những thứ rất hết hồn về công nghệ, về digital - số. Tự điển từ khoá về công nghệ mới mỗi ngày lại một dày thêm, nào là AI, ML, IoT, Blockchain, MaaS, SaaS, NFT, AV, vv. Rồi ta dúi vào tay chúng tất cả những thứ tiện lợi nhất, tức thì nhất, liệt não nhất của mạng xã hội, của app, của thiết bị đầu cuối hoàn toàn tự động, nghĩ thay người, làm thay người, kết nối thay người, và chăn người như chăn ngựa.
Con ngựa, nó không hề biết bản thân bị bịt mắt, và đang bị lùa vào 1 đường chọn sẵn ở phía trước mà không có lựa chọn nào khác. Khác chăng là, nó nghĩ đó là lựa chọn của nó. Khác chăng là, người ta đã tối ưu mọi sự lựa chọn nó có thể có theo lợi ích tối ưu của người ta.
Khoa học công nghệ phát triển là tốt, là đương nhiên, là nên khuyến khích. Nhưng song song đó, và không thể xem nhẹ hơn, là việc bồi đắp phẩm chất làm người, trước khi tất cả đều nhiễm bệnh thời đại, nhiễm nhanh và nguy hiểm như Covid vậy. Đây, kể ra vài cái nghe chơi. Tự điển này cũng mỗi ngày một dày hơn, như tự điển công nghệ vậy.
1. Bệnh rỗng tim: khi cả thế giới nằm trong lòng bàn tay, và đòi cái gì cũng có ngay, và muốn cái gì thì ấn ngay, và cá nhân trở thành trung tâm của vũ trụ số, thì tính ích kỷ của con người xưa nay vốn đã to bự, giờ trở thành siêu to khổng lồ. Muốn nói gì nói, muốn chửi ai chửi, muốn ném đá ai ném, kệ. Ai tổn thương, trầm cảm, và có tự tử chết luôn cũng kệ. Văn hoá ngón cái quẹt quẹt 7 giây chỉ dừng lại ở những nội dung giật gân đâm chém cướp hiếp, càng giật tít mắc ói càng khoái. Tin giả tin thật gì kệ. Thấy người ta hùa nhau miệt thị người khác, chưa kịp hiểu chuyện gì, là xông vào ném chung cho hả cái nỗi giận dữ mông lung của bản thân. Cả tim lẫn não bỏ đi holiday hết. Cái ác trong con người cứ thế mỗi ngày được nuôi lớn, rồi trở thành con Monster - con quái vật hung hãn càng ngày càng khát máu, càng ngày càng muốn đâm chém giết chóc. Vì cái chỗ bên trái lồng ngực nó rỗng. Nó vô cảm. Nó quên hay chưa kịp nạp tính người.
2. Bệnh hùa: vì quá nhanh quá nguy hiểm, vì mọi lúc mọi nơi nên con người thời đại siêu làm biếng. Cái gì cũng có sẵn nên không cần suy nghĩ. Làm gì cũng không cần chịu trách nhiệm nên không cần cân nhắc, suy nghĩ, phản biện, phản tư. Não teo mà tim cũng teo. Cho nên cứ lẫn vào đám đông, dựa hơi đám đông, hùa theo đám đông cho nó an toàn, cho nó đúng trend. Bệnh hùa là bệnh sợ phải trình diễn quan điểm cá nhân. Có khi vì chẳng hề có chính kiến quan điểm gì ráo, có tìm hiểu, phân tích, tư duy gì đâu mà có chính kiến. Có khi vì quá sợ hãi bị ném đá như cái cách mình đã từng ném đá. Ném vô tội vạ. Ném vì FOMO - fear of missing out - sợ mất phần.
3. Bệnh vô ơn: Sinh ra đã được nhét cái muỗng bạc vào miệng nên đương nhiên default là sinh ra để nhận. Lớn lên muốn gì không cần suy nghĩ tìm tòi, cứ enter hỏi tứ phương nên default là người khác phải nghĩ giùm. Đi làm đi kinh doanh cần gì cứ la làng nên default là người khác phải cho. Khi tâm thế default là ta nhận họ cho, thì làm sao học cách biết ơn? Cứ lấy, vì đó là chuyện đương nhiên. Lấy không được thì giận dữ, hung hăng, chửi banh xác bọn không cho. Vì cho, là trách nhiệm của họ. Lấy, là nhân quyền của riêng ta. Ai sao kệ.
4. Bệnh ích kỷ - bệnh kệ: việc nhẹ lương cao, không làm vẫn phải hưởng, giành giật phần mình trước, chết sống mặc bây. Đụng vô chút lợi ích cá nhân là giơ dao giơ rựa lên. Hại gia đình, hại cả cộng đồng xã hội thì đớ quan tâm. Mối quan tâm duy nhất là được nhiều hơn người ta, được trước người ta, được độc quyền, được ưu tiên, được ăn trên ngồi trước. Còn ai sao, kệ! Phục vụ mình thì phải cái gì cũng phải xịn nhất, ngon nhất, tận tâm nhất. Chuyện mình làm thì qua loa, đùa đùa, hời hợt cho qua. Từ vô trách nhiệm với bản thân - kệ mình sinh ra để làm gì, đến vô trách nhiệm với xã hội, cộng đồng - kệ đồng loại, thế giới, hành tinh chết sống hay khổ sở vì đứa như mình ra sao. Sự vô ý thức nó auto là hệ điều hành. Ông là trên hết. Chúng mày chờ đấy. Kệ!
5. Bệnh bề ngoài: trong nhà sao hông biết, trên mạng ngoài đời cứ phải lung linh. Mục đích sống không có. Định hướng cuộc đời không biết. Đóng góp gì cho cuộc sống này không quan tâm. Bề trong nó hoang phế, mục ruỗng, xác xơ. Bề ngoài nó hào nhoáng, hoành tráng, lấp lánh. Ở trong càng tối, ở ngoài càng hào quang. Ở trong sợ hãi cô đơn, ở ngoài tỷ like, khoe hình với ông này bà nọ. Ghét nhau hận nhau trong xương trong tuỷ, bề ngoài yêu thương sống chết vì nhau. Khoe riết. Khoe riết. Cuộc đời ảo nó quận vào người. Cùng đường không còn nơi quay lại. Rồi cứ thế, cả cuộc đời hoạ bì, đeo mang cái bao bì mà mình tự vẽ. Rồi cứ thế, cả cuộc đời diễn hoài cái vai mà bản thân còn cảm thấy đáng khinh. Bề ngoài, bề trong, hai thế giới, một cuộc đời giả dối.
6. Bệnh ăn hiếp: Hồi xưa chưa có mạng xã hội thì bully - bắt nạt offline. Giờ có mạng rồi, bệnh này trỗi dậy mạnh mẽ. Bắt nạt online, diện rộng, lang thang ghé nhà người ta chửi bới một cách hả hê, vô trách nhiệm mà không hề sợ bị xử phạt gì hết. Cá nhân bắt nạt chưa đã, kéo nhau cả đám đi bắt nạt cho nó mang tính đoàn kết, dân chủ. Tất cả, chỉ để thoả mãn sự chán nản, vô dụng, thất thời thật thế của bản thân mình. Giận mình, đổ lên nhà người ta. Ghét mình, mang ra đâm chém người ta. Khinh mình, mang ra miệt thị người ta. Ở trong càng yếu kém sợ hãi bao nhiêu, thì ở ngoài càng hung hãn đi bắt nạt người khác bấy nhiêu. Bản thân không ra gì, nên đổ rác lên đầu người khác. Vì rác bây giờ đổ dễ quá. Quẹt quẹt vài phát là mọi sự ác nghiệt trong người nó cứ thế tuôn ra. Một người ác, hai người ác, rồi cả đám đông như được con ác nó nuôi, sự cuồng nộ như được châm dầu vào lửa. Nó cứ thế nhấn chìm một ai đó, thiêu sống một ai đó, hành hạ một ai đó. Rồi cả đám đông đứng xem, hả hê, thích thú, đã đời với sự tối tăm được phát tiết ra trong cơn quan quại, đớn đau của ai đó chẳng liên quan.
7. Bệnh emo: vì không biết bản thân là ai, tại sao lại sinh ra và bước đi trong cuộc đời này, mà lại được dúi cho nhiều vũ khí quá, nên thôi cứ emo theo thời thế. Người ta bi-sexual (lưỡng tính) mình cũng tỏ ra đang bi-. Người ta gay mình cũng gay theo cho vui. Người ta trầm cảm mình cũng thử trang hoàng nhà mình cho nó mang mood thật là trầm cảm. Chuyện nhỏ, mình gắn ampli phát cho nó thật to. Chuyện chẳng có gì, mình làm cho nó loạn lên, rối toang, cả đám hoang mang rã rời, cả cộng đồng xúm lại la làng, co kéo, drama cho tới tận cùng nghiệt ngã. Rảnh quá mà! Cho nên toàn là biên kịch và đạo diễn. Rồi lôi kéo nhau, lôi kéo đám đông xông vào diễn như đúng rồi. Tất cả, chỉ bắt đầu từ một hạt sạn đâu đó ở trong tim. Tất cả, chỉ bắt đầu từ chút chán nản, cô đơn, ngán ngẩm với cuộc đời vô vị của chính bản thân mình. Ngoài kia, kết nối tức thì. Trong này, không một kẻ quan tâm. Ngoài kia, hạnh phúc ngập tràn phây. Trong này, bẽ bàng với tâm vô cảm. Ngoài kia, bóng tối ngập tràn ngày ánh sáng. Trong này, chới với kiếm tìm không một điểm tựa mặt trời. Thế, nên cứ em, cứ chọc đầu này, chọt đầu nọ cho mọi thứ nổ tung lên, để nỗi lòng bơ vơ của kẻ emo còn thấy mình tồn tại.
Bệnh thời đại, kể đến khi nào mới hết. Và hết bệnh này, lại nở bệnh kia. Hiểu, là để bảo vệ bản thân, bảo vệ gia đình, bảo vệ cho thế hệ tiếp nối của mình. Chưa bao giờ giáo dục lại cần phải trở lại, vào trong, quay về, bắt đầu từ phẩm chất cơ bản của chuyện học làm người đến thế!
Em cảm ơn bài chia sẻ của chị Vân..đọc mà thấy thật thấm thía và thấy bản thân mình đâu đó cũng có vướng 1 số căn bệnh thời đại này. Theo như chị nói, chỉ có mình có thể tự chữa cho mình thôi, bằng cách tự quay vào trong và nhìn nhận bản thân để có thể 'học làm người'. Cảm ơn- cảm ơn- cảm ơn.