top of page

NHƯỢNG QUYỀN – CÓ THỂ NHANH NHƯNG PHẢI RẤT BÌNH TĨNH




Bài viết cho báo Tia sáng đã đăng ngày 09/03/2023


Sau đại dịch, tôi đã nhiều lần dự đoán nhượng quyền là ngành sẽ phát triển tăng tốc không chỉ tại Việt Nam mà còn trên thế giới. Trên thực tế, từ cuối 2022 đến nay, các hoạt động nhượng quyền diễn ra rầm rộ tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.


Nhượng quyền - Tiềm năng tất yếu

Nếu phải nhắc đến tiềm năng thì không cần phải bàn, vì nhượng quyền là ngành đóng góp vào ngân sách GDP quốc gia rất lớn tại một số quốc gia đã đầu tư đúng mức cho ngành này phát triển. Ví dụ đóng góp GDP của ngành nhượng quyền tại Singapore là 3%, tại Philippines là 5%, tại Malaysia là 6.3%, tại Mỹ là 5.1%, tại Úc là 9%, tại Canada là 10%. Khi đưa nhượng quyền vào lăng kính kinh tế quốc gia, chúng ta mới thật sự hiểu rõ tiềm năng to lớn này của ngành. Ngoài GDP, đây cũng là ngành đóng góp về tạo công ăn việc làm, lao động tầm cỡ cho nền kinh tế.


Cũng vì lý do đó, rất nhiều quốc gia đã cấu trúc ngành nhượng quyền thành ngành chiến lược để phát triển kinh tế quốc gia, đặc biệt cho khối kinh tế tư nhân, và đặc biệt cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Việc có thể chuyên nghiệp hoá một mô hình và thương hiệu, sau đó tạo khả năng tăng tốc phát triển mô hình và thương hiệu đó không những tại thị trường nội địa mà còn xuất khẩu được với giá trị cao trên toàn thế giới có thể nói là cách hiệu quả nhất để phát triển chuỗi giá trị cho doanh nghiệp quốc gia. Ngoài ra, đây cũng là cách hiệu quả nhất giúp tăng tốc phát triển các ngành nghề bản địa có tính khác biệt cao và được người tiêu dùng thế giới mong chờ, trong đó ẩm thực bản địa là một trong những ngành có thể nói là tiềm năng nhất.


Trong bối cảnh đó, đương nhiên tất cả những ngành liên quan đến nông nghiệp, chế biến thực phẩm, ẩm thực bản địa Việt Nam đang giữ trong tay cơ hội vàng để bắt đầu hành trình đáng mơ ước này. Tất cả những món ăn mang đậm truyền thống Việt Nam, ví dụ như phở, cơm tấm, bún bò, bánh cuốn, nem, bánh mỳ, vv hoàn toàn đều có thể qua một mô hình nhất định, bước ra thế giới.


Nhượng quyền - Rủi ro lớn khi thiếu hiểu biết

Cơ hội thì lúc nào cũng có, và người ta thường nhắc đến nhượng quyền như một trong những hình thức phát triển kinh doanh hiệu quả nhất trong vòng một trăm năm qua, đặc biệt liên quan đến xuất khẩu mô hình và thương hiệu. Tuy nhiên, cơ hội không bao giờ không đi kèm với thử thách và rủi ro. Nhượng quyền là hình thức hiệu quả nhất để tăng tốc phát triển một mô hình và thương hiệu đã được đầu tư chuyên nghiệp hoá. Ngược lại, nó cũng là cách dễ nhất để huỷ hoại một thương hiệu dù rất lâu đời, dù rất được thị trường công nhận, nhưng lại hoàn toàn chưa đầu tư đúng mức vào việc xây dựng nền tảng quản trị chuyên nghiệp, nền tảng hỗ trợ đối tác chuyên nghiệp.


Người ta hay nói, mua nhượng quyền thì tỷ lệ thành công là 80%. Là người đã làm việc và kinh doanh trong ngành nhượng quyền khắp nơi trên thế giới hơn 20 năm qua, tôi khẳng định tỷ lệ này không xác định được. Nếu cá nhân, doanh nghiệp sở hữu mô hình và thương hiệu hoàn toàn không hiểu về nhượng quyền, chưa đầu tư xây dựng nền tảng quản trị và hỗ trợ chuyên nghiệp gì cả, thì tỷ lệ rủi ro cho nhà đầu tư là 100%, không khác gì tự mình khởi nghiệp. Nhà đầu tư lúc này chấp nhận khai thác mô hình và thương hiệu nhượng quyền dựa trên dự toán về khả năng thành công theo đánh giá chủ quan của mình. Và vì chủ quan, dù hiểu rằng chủ sở hữu thương hiệu và mô hình hoàn toàn không có khả năng hỗ trợ bằng hệ thống quản trị chuyên nghiệp, nhà đầu tư vẫn có thể chấp nhận hợp tác dù tỷ lệ rủi ro cao.


Trong trường hợp chủ sở hữu mô hình và thương hiệu có đầu tư bài bản để xây dựng hệ thống nhượng quyền, nhưng nhà đầu tư lại là người thiếu hiểu biết về nhượng quyền, không có khả năng quản trị và vận hành chi nhánh nhượng quyền, thì tỷ lệ rủi ro vẫn là 50%. Mua nhượng quyền không có nghĩa là bạn sẽ thành công vì thương hiệu sẽ làm hết và bạn chỉ cần bỏ tiền. 50% thành công của chi nhánh nhượng quyền là nằm ở khả năng quả trị và vận hành chi nhánh của nhà đầu tư.


Nếu muốn giảm tỷ lệ rủi ro trong nhượng quyền, và tăng khả năng thành công lên 80%, thì cả hai bên đối tác mua và bán nhượng quyền đều phải là người có hiểu biết rất rõ về nhượng quyền, thực hiện đúng vai trò trách nhiệm của mình trong quá trình hợp tác, và cùng xây dựng quan hệ hợp tác dựa trên niềm tin, giá trị, và tinh thần cộng tác lâu dài, cùng nhau phát triển. Điều này có thể nói là cực khó tại thị trường Việt Nam, một thị trường còn quá non xanh về nhượng quyền, với mức độ niềm tin thấp, thiếu hiểu biết đúng và đủ về nhượng quyền, và tư duy cộng tác không mang tính lâu dài, bền vững. Vì vậy, thị trường nhượng quyền Việt nam trong vài năm tới tất yếu sẽ trải qua một thời gian hoảng loạn, với nhiều gãy đổ trong hợp tác, tạo ra sự mất niềm tin lớn vào mô hình nhượng quyền, trước khi thị trường trở nên chuyên nghiệp hơn, sau đó là tự nó sàn lọc và loại bỏ các các mô hình thiếu bài bản và chuyên nghiệp. Sau thời gian này, thị trường nhượng quyền Việt Nam sẽ bước sang một trang mới, và ngành nhượng quyền Việt Nam sẽ trở thành một trong những ngành trọng điểm về kinh tế.


Điều kiện cần để có thể nhượng quyền

Với những dự đoán trên, thật ra cũng không đồng nghĩa với việc mọi người phải lo sợ và tránh tham gia nhượng quyền. Ngành nào mới cũng vậy, cơ hội lớn, rủi ro cao. Do đó, để có thể tham gia nắm bắt cơ hội thành công, cả hai bên đối tác nhượng quyền cần phải trang bị kiến thức đúng và đủ, bình tĩnh hơn trong việc lựa chọn hợp tác, dành thời gian tìm hiểu kỹ hơn để đưa ra quyết định mang tính có hiểu biết chứ hoàn toàn không nên cảm tính.


Dù là chủ sở hữu mô hình và thương hiệu hay nhà đầu tư, đôi bên đều phải hiểu rất rõ về điều kiện cần thiết để có thể bắt đầu nhượng quyền. Sau đây là một số điều kiện ban đầu giúp cho các bên tham gia nhượng quyền cùng tìm hiểu và đánh giá:


1. Quyền sở hữu trí tuệ: nhượng quyền nghĩa là bạn cần phải có quyền để nhượng. Nếu chưa đăng ký và chưa được bảo hộ quyền sở hữu nhãn hiệu, thương hiệu, hay các tài sản khác liên quan đến mô hình và thương hiệu thì bạn hoàn toàn chưa có quyền tài sản để nhượng. Hợp đồng nhượng quyền vì vậy cũng không có tác dụng, vì bên nhượng lúc này chưa có quyền. Do đó, khi đã nghĩ đến nhượng quyền, thì việc đầu tiên nên làm là đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Khi và chỉ khi bạn đã có quyền này rồi thì việc nhượng quyền mới có hiệu lực pháp lý.


2. Chứng thực hiệu quả mô hình kinh doanh: để có thể nhượng quyền, bản thân chủ sở hữu phải chứng minh được là bản thân đã kinh doanh mô hình của mình một cách hiệu quả. Hiệu quả nghĩa là, chi nhánh của chủ sở hữu khi hạch toán độc lập thì mang lại hiệu quả kinh tế bằng lợi nhuận ròng. Trừ phi nhà đầu tư là người tính toán giỏi, dù chủ sở hữu không chuyên nghiệp, cũng không có gì để đưa ra chứng minh, nhưng nhà đầu tư tự mình dự đoán được và độc lập đưa ra quyết định đầu tư. Trong trường hợp này, nhà đầu tư hoàn toàn chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư một chiều của mình.


3. Chứng thực hiệu quả mô hình nhượng quyền: một mô hình kinh doanh có hiệu quả không đồng nghĩa với việc đó là mô hình nhượng quyền hiệu quả. Khi chủ sở hữu tự kinh doanh, bạn hoàn toàn không bất kỳ khoản phí nào. Khi nhượng quyền, bạn bắt đầu thu nhiều loại phí, ví dụ phí nhượng quyền ban đầu, phí sử dụng thương hiệu hàng tháng trên doanh thu, phí hỗ trợ marketing, phí sử dụng phần mềm, phí hỗ trợ tuyển dụng và đào tạo, lợi nhuận trên cung ứng hàng hoá và nguyên vật liệu, vv. Khi đưa các lạo phí này vào mô hình kinh doanh, chưa chắc gì mô hình kinh doanh đó còn có lãi. Do đó, dù là chủ sở hữu mô hình và thương hiệu hay là nhà đầu tư, cả hai bên cũng đều phải tự mình tính toán hiệu quả này trước khi đưa ra quyết định. Việc đưa ra quyết định cần dựa trên thông tin, dữ liệu minh bạch và sự chịu trách nhiệm về quyết định của mỗi bên.


4. Mô hình quản trị chuyên nghiệp: Khi đã nói đến nhượng quyền, nghĩa là nhắc đến cách tăng tốc phát triển từ một hay vài địa điểm thành một hệ thống. Mà đã là hệ thống thì phải quản trị chuyên nghiệp. Nhượng quyền là cách dễ nhất để cho thấy sự yếu kém trong quản trị của bên chủ sở hữu nếu họ thật sự không đầu tư xây dựng nền tảng quản trị. Một hệ thống nếu đã không chuyên nghiệp thì khi bạn càng phát triển, nguy cơ và hệ luỵ gãy đổ của hệ thống đó càng lớn. Trừ phi cả hai bên đều hiểu rõ về nguy cơ này nhưng vẫn quyết định đến với nhau vì một sự hào hứng hay tự tin nào đó, cả hai đều phải tự chịu trách nhiệm về mức độ rủi ro này và không có quyền đổ thừa cho nhau. Bằng không, thì nhà đầu tư cần tự mình tìm hiểu thật kỹ trước khi đưa ra quyết định. Còn chủ hữu mô hình và thương hiệu thì, nếu đã muốn phát triển, đừng bao giờ cho phép mình bỏ qua việc xây dựng nền tảng quản trị hệ thống chuyên nghiệp. Bạn không làm việc đó đồng nghĩa với việc bạn đang tự tạo ra rủi ro cho thương hiệu và mô hình của mình. Một là bạn chỉ nên dừng lại ở việc làm tiểu thương, vận hành theo kiểu gia đình như từ trước đến giờ vẫn làm, hoặc là bạn phải thay đổi hoàn toàn cách tiếp cận sang xây dựng môi trường chuyên nghiệp. Có lẽ, đây cũng là nơi gãy đổ lớn nhất của mô hình và thương hiệu Việt, khi tư duy làm nhỏ lẻ vẫn ôm khư khư mặc dù vẫn muốn phát triển nhượng quyền.


Những phân tích trên đây tình thật vẫn mới chạm vào tầng hiểu biết sơ sài, cơ bản nhất về nhượng quyền dành cho các bên liên quan. Dù là chủ sở hữu mô hình và thương hiệu muốn nhượng quyền hay là nhà đầu tư, rất mong các bạn sẽ tìm hiểu kiến thức về nhượng quyền trước khi bắt đầu. Thị trường sẽ có thể hỗn loạn trong vài năm tới, tuy nhiên đây sẽ vẫn là một trong những ngành có tiềm năng hàng đầu trong tương lai. Bạn chỉ cần trở thành chủ sỡ hữu thương hiệu và mô hình bình tĩnh, chuyên nghiệp, và kiên định. Và nếu là nhà đầu tư, thì bạn nên chọn trở thành nhà đầu tư có hiểu biết để quản trị tốt hơn rủi ro trong kinh doanh. Có thể, nhượng quyền nên là một sản phẩm trong danh mục đầu tư của bạn, và việc quản trị rủi ro cho danh mục hay sản phẩm đầu tư đó, phần lớn là trách nhiệm của chính bạn.


Nguyễn Phi Vân

Chuyên gia nhượng quyền quốc tế

Chủ tịch – Go Global Group

1.023 lượt xem

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page